Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya - Higashino Keigo, đã bán được hơn 1 triệu bản ở Nhật, hơn 1,6 triệu bản ở Trung Quốc, và được dựng thành kịch hai lần vào năm 2013 và 2016.
Một lần quanh quẩn trên hiệu sách Mụ Hoa, mình khá tò mò vì có rất nhiều tác phẩm của Keigo. Bạn mình cũng là fan của ông í, nên sau khi mở lời đề nghị, mình đã được giới thiệu cuốn sách này.
Và, waooooo, nó thật sự kỳ diệu luôn đó, hấp dẫn đến đoạn cuối cùng. Bóc từng lớp những con chữ một, những mảnh đời rời rạc hiện ra, rồi kết nối xuất hiện, ngày càng rõ nét, đến mức cuối cùng khiến mình phải "ồ", "à".
Keigo viết về những điều kỳ diệu. Muốn điều kỳ diệu xảy ra có khó không?
Vừa khó, vừa dễ. Nhưng có một công thức với năm thứ, làm được chắc chắn sẽ thành công.
Năm thứ đó là:
1. Thực sự lắng nghe.
Chúng ta, ai cũng có nhu cầu được lắng nghe, thật sự lắng nghe í, chứ không phải vào tai này ra tai kia đâu. Những lúc như thế ta thường tìm đến một là người ta vô cùng tin tưởng, hai là một người lạ.
Cái lúc mà thực sự ta không cần một lời giải cho đề bài khó, ta chỉ cần ai đó bên ta thôi.
Ưu điểm của tâm sự với người lạ là họ không biết mình là ai, họ không phán xét, không đánh giá, không kết luận gì.
Đó chắc hẳn là lí do, những nhân vật tìm đến tiệm tạp hóa Namiya, nghe nói, ở đây có giải đáp những lá thư.
Cuộc sống đôi khi, khiến chúng ta quá vội vã, chúng ta không còn thời gian để nghe, để thấu hiểu nhau. Việc lắng nghe là một việc vô cùng khó, cũng vô cùng quan trọng. Nên đọc xong quyển sách này, mình dặn lòng là luôn phải lắng nghe nhiều hơn nữa, nhất là những người xung quanh. Và sau đó, mình đã thu được rất nhiều điều tích cực. Hãy thử đi, điều kỳ diệu sẽ đến, có thể không kỳ diệu như trong cuốn sách này, nhưng ít ra những mối quan hệ của ta sẽ vô cùng tốt đẹp.
Sáng nay đi làm, bên đường có một bác ngồi dưới gốc cây như thế này. Mình đã tưởng là mình nhìn nhầm, hóa ra không phải. Một điều kỳ diệu nhỏ bé giữa thời buổi rối ren. Vẽ xong ngắm lại thấy giống ông lão Yuji quá.
2. Kiên trì chân thành một cách nghiêm túc:
Từ những ngày đầu, lúc viết thư giải đáp cho lũ trẻ dán đầy tường, ông cụ Yuji chưa bao giờ xem đó là một trò chơi. Ông luôn nghiêm túc với những câu trả lời của mình, và chắc chẳn ai cũng có thể cảm nhận được sự chân thành sau mỗi nét chữ đó.
Đây là câu nhờ tư vấn của cháu: Cháu muốn 100 điểm bài kiểm tra mà không phải học hay làm trò gian lân như quay cóp. Cháu phải làm thế nào.
Cháu hãy xin cô giáo cho làm bài kiểm tra về cháu. Bài kiểm tra về cháu nên lời giải sẽ đúng hết.
Mình đã bật cười khi đọc câu trả lời vô cùng dễ mến này.
Đến cả lúc người ta gửi cho ông hàng chục lá thư bỏ trống, ông vẫn kiên trì trả lời. Cuối đời, việc trả lời thư mang lại cho ông những niềm vui cùng nỗi băn khoăn về việc lời khuyên của mình có thực sự có ích cho mọi người hay không. Một lá thư gửi cho cậu con trai truyền đến tương lai, và câu chuyện thần kì cứ thế bắt đầu. Sự tận tâm ấy khiến cho mình vô cùng nể phục, không quan trọng là bạn làm việc gì, quan trọng là cách bạn đối xử với nó.
3. Thời gian.
Có lẽ câu chuyện mình ấn tượng nhất trong những cuộc đời liên quan đến tiệm tạp hóa Namiya là về Katsuro - anh chàng bỏ đại học ở Tokyo để theo đuổi giấc mơ âm nhạc. Từng cãi nhau với cha mẹ, trốn tránh việc về nhà. Và cuối cùng, chính người cha dù thất vọng vẫn bảo vệ anh trước họ hàng, không chịu để Katsuro về kế nghiệp cửa hàng cá mà mong anh hãy cố gắng với ước mơ của mình, hãy thử trước khi bỏ cuộc. Cho đến khi mất trong trận hỏa hoạn ở cô nhi viện, anh vẫn chưa thể thành công. Nhưng thời gian anh ấy bỏ ra để viết nhạc, để theo đuổi đam mê có lãng phí không ? Không hề, muốn biết chuyện gì xảy ra thì cầm sách lên đọc nhé. Vậy đó, thành công không vì chúng ta có chút tài năng, có chút đánh đổi mà đến một cách dễ dàng, nó cần rất nhiều thời gian khổ luyện, thậm chí là cả mạng sống, nhưng nếu có một trái tim khao khát chân thành, nhất định nó sẽ đến.
Còn Kousuke, trong chuyến chạy trốn cùng bố mẹ, không làm theo lời khuyên của tiệm tạp hóa, anh quyết định bỏ đi một mình. Kousuke lúc đó đã rất giận bố mẹ mình, đã nghĩ họ thật xấu xa ích kỉ. Vài chục năm sau, anh quay về chỉ muốn nhắn cho ông lão là anh đã không nghe theo, nhưng vẫn rất biết ơn, thì vô tình biết được sự việc diễn ra năm xưa với gia đình anh. Hóa ra mọi điều không như Kousuke đã nghĩ. Hóa ra, cần rất nhiều năm sau, những khúc mắc trong lòng mới được giải, để đi cùng với nó là bao điều hối hận mênh mang.
4. Tình yêu.
Để có điều kì diệu, không thể nào thiếu được tình yêu, nó không chỉ là tình cảm nam nữ đơn thuần, nó là đầy đủ sắc thái của cuộc sống này.
- Tình yêu giữa Thỏ ngọc cung trăng và bạn trai, tình yêu của họ với môn thể thao mình đã luyện tập theo đuổi.
- Tình yêu của Katsuro với âm nhạc, tình cảm ấm áp của gia đình.
- Tình yêu của con trai Takayuki với ông Yuji
- Tình yêu của bố mẹ Kousuke dành cho anh, tình yêu của anh và những người hâm mộ với The Beatles.
- Tình yêu của Harumi với những người không phải ruột thịt đã cưu mang mình, tình yêu với công việc.
Và hơn tất cả là tình yêu của ông chủ tạp hóa Namiya với viện trưởng cô nhi viện, chính tình cảm trong sáng ấy dù họ không đến với nhau, đã tạo sợi dây liên kết với những mảnh đời trong câu chuyện, để tạo ra những điều vô cùng kỳ diệu, mà đọc đến đâu bạn cũng phải trầm trồ. Tình yêu mà, vốn dĩ luôn luôn là như thế.
5. Một chút phiêu lưu.
Chút phiêu lưu đưa ba chàng trai vào một cuộc đào tẩu và rồi mang họ đến với tiệm tạp hóa, sau đó là những bức thư. Máu phiêu lưu khiến họ giải đáp những lá thư đó, vận hết hiểu biết, tra thêm cả internet và tính toán làm sao để cuộc sống người kia tốt đẹp hơn. Đọc đến cuối, bạn sẽ biết vì sao họ trộm đồ, và bạn sẽ có câu trả lời giống như mình về thắc mắc lúc đầu : Làm trộm mà có đạo đức ghê. Câu chuyện kì ảo, nhưng lại vô cùng logic, câu chữ đơn giản nhưng lại có sự kết nối vô cùng vi diệu. Nói chung là mình đã có một trải nghiệm hết sức tuyệt vời.

Vậy, kết luận là, để tạo nên những điều kỳ diệu vô cùng đơn giản.
Đơn giản đến mức ai cũng biết, ai đọc cũng hiểu. Nhưng không phải ai cũng làm được.
Bởi thế, nên nó được gọi là điều kỳ diệu !