“Ước gì mình không phải là người hướng nội. Ước gì mình có thể hòa đồng hơn”.
Mình đã vừa chạy xe vừa khóc suốt quãng đường từ Võ Thị Sáu đến Trương Định, khi vừa chạy khỏi tầng hầm giữ xe của tòa nhà công ty. Khi biết phải chuyển sang bộ phận mới, ngồi ở bàn làm việc mới, mà đối diện là những người mình chưa nói chuyện bao giờ, mình lo lắng vì mình rất khó lòng bắt chuyện. Mình không giỏi tán gẫu, nói chuyện phiếm. Mình không thoải mái khi lâu lâu lại chạy sang một chỗ nào đó ở văn phòng để tám chuyện. Những câu chuyện không đâu nhưng đôi lúc lại làm con người ta xích lại gần nhau. Nhưng mình không làm được.
Mình không đi bar. Mình không về nhà sau 9h tối. Hôm teambuilding mình cũng về lúc 6h tối. Lần ấy, trong một cuộc tán gẫu thì những anh chị xung quanh biết là trong những cuộc đi chơi, mình hay về nhà sớm như vậy. “Thế à?”, mình quay lại cười gượng khi nghe vậy rồi chạy nhanh ra thang máy. Sẵn khó chịu trong người, lại còn nghe là mình xa lánh mọi người. Mình không có ý như vậy. Cười nhẹ rồi chạy đi lấy xe thật nhanh, mình chỉ muốn thoát khỏi nơi đó.
— — — —
Nhớ lại ngày trước, mình từng là một đứa trẻ con nói nhiều mà. Nhớ lại bài thuyết trình về áo dài năm lớp 10, mình tự hỏi thế thì bản thân mình của những năm trước ở đâu? Từ lớp 2 đến lớp 5, 4 năm liên tục mình luôn được cô giáo chọn đi thi kể chuyện ở trường. Ngay từ nhỏ mình đã đứng một mình trên sân khấu. Khi học cấp 1, mình luôn được giao làm “người dẫn chuyện” khi có tiết kể chuyện của môn Tiếng Việt. Mình còn đóng vai nhân vật này, nhân vật kia. Lên cấp 2, mình không ngần ngại nếu được giao thuyết trình mỗi khi có bài tập nhóm. Mình từng đứng trên bục khai giảng để phát biểu trước mặt thầy cô và các em trường cấp 2 cũ. Mình từng ngồi bàn “talkshow” trước hội trường gồm các bạn đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố – những khuôn mặt xa lạ từ khắp các trường trong quận đổ về.
Thế nhưng, bước vào lớp 10, mình trở nên khép kín khi nào không biết. Chính mình cũng không rõ mình thay đổi từ khi nào, hay nói đúng hơn là mình trở nên mất tự tin từ khi nào. Chẳng bao giờ mình dám phát biểu vì kiến thức của mình không hay hơn ai, chẳng bao giờ mình lên thuyết trình về văn học mặc dù mình rất thích. Bài thuyết trình cá nhân năm lớp 10 thật tệ hại. Trong lớp mình chẳng thân với ai. Mình muốn có bạn thân lắm, chỉ là mình chưa tìm được người bạn phù hợp thôi! Năm lớp 11, vào tiết Anh văn nọ, đang học đến từ “reserved” thì cô giáo cho cả lớp “bầu chọn” bạn nào có tính cách ấy để làm example. Cả lớp ai cũng đồng ý là mình: “Ái Thơ is reserved. She doesn’t talk much”. Những dòng chữ trên bảng dần hiện ra, lúc ấy mình cũng hơi ngượng.
— — — —
“Chị thấy em cứ nhát nhát thế nào ấy”
“Vấn đề là con bé này nhát quá”.
Biết bao nhiêu lần mình đã nghe câu nói này từ khi mình đi làm. Với bản tính ít nói, dù sao mình vẫn sống thoải mái ở trường cấp 3 và đại học. Nhưng mọi chuyện dần trở nên khó khăn hơn khi mình đi thực tập và đi làm full time ở công ty đầu tiên sau khi ra trường. Hôm ấy mình cũng hơi buồn nên viết một status kể lể, thế là một người chị làm cùng liền nói: “Có thể em hợp khi nói chuyện một – một”. Ngoắc mình lại, chị đưa quyển sách “Hướng nội” và bảo: “Chị thấy quyển sách này sẽ giúp em nhiều đấy”.
– “Chị là người hướng ngoại nhỉ?” Mình nói thế khi ngày nào cũng nhìn thấy chị tươi cười, tung tăng vui vẻ đi làm, hòa đồng và nói không ngừng.
– Không. Chị nghĩ chị là người hướng nội.
Chị mà là người hướng nội? Mình nghĩ thế khi nhìn một người chị luôn vui vẻ và vừa bước chân vào công ty mới đã làm quen với hầu hết mọi người. Hóa ra, mình đã từng “dán nhãn” cho chính mình và cho những người khác. “Hướng nội” và “nhút nhát” không phải là khái niệm song hành với nhau, chúng không phải là từ đồng nghĩa. Và tại sao những con người luôn luôn vui vẻ, cởi mở lại được chắc mẩm là người hướng ngoại. Tại sao một người hướng ngoại lại không được thể hiện ra ngoài rằng hôm nay họ gặp chuyện buồn và họ không muốn nói chuyện với ai. Một ngày người hướng ngoại không nói chuyện thì lạ lắm sao?
— — — —
Đi tìm bản thân cùng với Susan Cain
Video Ted Talk về chủ đề hướng nội (The power of introverts) của tác giả Susan Cain đã đạt mốc hơn 10 triệu lượt xem trên Youtube. Và mình biết được có một quyển sách tên là “Hướng nội” (Nguyên văn: “Quiet – The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking”) do chính tác giả viết nên, thông qua một lời bình luận trên Youtube: “Bạn nên đọc cuốn Hướng nội của Susan Cain nhé, nó sẽ giúp ích cho bạn đấy”. Chính xác là như vậy, quyển sách này chứa đựng đầy đủ những điều mà người hướng nội cần, cả những điều người hướng nội hay thắc mắc, hoài nghi về bản thân, về tính cách hướng nội (hoặc ít ra là những điều mình hay hoài nghi): Trên thế giới này chẳng có nơi nào cho người hướng nội? Tại sao tôi lại là người hướng nội mà không phải là người hướng ngoại? Tôi ít nói thì làm sao chứ? Người hướng nội có vẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tôi phải thay đổi bản thân để thích hợp với môi trường xung quanh. Để sống trong thế giới này thì phải ăn to nói lớn. Nhưng nếu thay đổi như thế thì mình giả tạo lắm. Nhưng tại sao người ta lại thống kê được rằng đa số những người lãnh đạo tài giỏi, những nhân vật kiệt xuất của thế giới lại là người hướng nội? Tại sao mình cũng có những ưu điểm nổi bật mà mình không thể phát triển nó?…
Quyển sách “Hướng nội” của Susan Cain đã giải đáp tất cả mọi điều trên. Điều đặc biệt của quyển sách, cũng chính là điều làm mình hài lòng nhất, chính là nội dung Susan Cain muốn truyền tải: Chúng ta đã đánh giá thấp người hướng nội. Hơn nữa, quyển sách không phải là lời biện hộ, không phải là lời huyễn hoặc dành cho người hướng nội, rằng bạn hãy tự hào khi là người hướng nội đi, mặc kệ thế giới, đừng bao giờ thích nghi với hoàn cảnh. Quyển sách cũng không hề làm chúng ta căm ghét thế giới, hay lên án người hướng ngoại. Không ai trong chúng ta đều 100% hướng nội hay hướng ngoại, trong mỗi người đều có 2 thái cực tính cách ấy.
Đọc quyển sách, mình nhận ra mình đã từng tự ti đến mức nào, chỉ vì mình đã không lắng nghe bản thân, không hiểu bản thân mà chỉ chạy theo những thước đo của xã hội đương đại. Này những người hướng nội, có bao giờ bạn buồn vì tính cách của bạn? Có bao giờ bạn ước mình trở nên cởi mở, hướng ngoại hơn? Bạn tự hỏi tại sao mình không nói nhiều, tại sao mình không dễ kết thân, tại sao mình không phải là người nổi bật ở trường lớp, tại sao mình chỉ ngồi im khi làm việc nhóm? Đã bao giờ bạn nghĩ: Thì tính mình hướng nội mà, nên nhút nhát và ít nói có gì sai chứ. Tại sao và tại sao? Rất nhiều lần mình đặt ra những câu hỏi ấy.
Có rất nhiều lý do làm mình trân trọng quyển sách này, một trong số đó chính là: Quyển sách giúp chúng ta thay đổi cách nhìn nhận về người hướng nội, và quan trọng không kém còn là cách người hướng nội nhìn nhận về chính bản thân họ. Tập làm quen với việc không quan tâm đến người khác nghĩ gì, mỗi người trong chúng ta, nhất là những con người hướng nội, cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân. Hiền lành, ít nói không phải là khuyết điểm. Đừng ước mình trở thành người hướng ngoại (Vì dù có ước cũng khó lòng thành sự thật lắm :))) Cách chúng ta nhìn nhận bản thân rất quan trọng, vì nó giúp hình thành sự tự tin trong mỗi người, và nếu không có sự tự tin vào chính bản thân thì có thể nói bạn đã thất bại rồi.
Quyển sách tập hợp những ví dụ cụ thể, những câu chuyện lấy từ đời thực, của những con người thật. Ngoài ra, xuyên suốt quyển sách là những lập luận được lấy từ kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau về tâm lý, hành vi. Hóa ra người hướng nội chúng ta đã làm thế giới phải nghiên cứu một cách sâu sắc đấy!
Có một điều mình khá đồng ý sau khi xem 1 video thế này: Hướng nội hay hướng ngoại là thái cực của tính cách, còn nhút nhát chỉ là một trạng thái cảm xúc nhất thời. Có nghĩa là bạn có thể thay đổi sự nhút nhát được. Ơ thế có nghĩa nhút nhát là xấu lắm sao, tôi cứ trầm lặng câm như hến ấy, tôi thích vậy đấy ai làm gì được tôi. Đúng, chẳng ai làm được gì mình nếu mình nhút nhát cả. Thế nhưng, nhút nhát sẽ làm mình trở nên bất lợi ở nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống, làm mình đánh mất những cơ hội mà lẽ ra nếu như mình nắm lấy được thì có lẽ cuộc đời mình trang sang mới, một cách tốt đẹp hơn. Cuộc sống này vận hành như vậy đấy, bạn cần phải lên tiếng khi cần thiết, bạn cần hòa nhập nhưng không hòa tan, bạn cần giao tiếp và bạn cần những người xung quanh.
Thế thì phải thay đổi bản thân để thích nghi với xã hội à? Lại phải gồng mình cả ngày để rồi về nhà trong trạng thái rã rời về tinh thần ư? Đừng lo lắng, tất cả những băn khoăn, thắc mắc sẽ được Susan Cain giải đáp một cách sâu sắc. Ngoài ra, quyển sách rất đáng đọc nhờ có văn phong biên dịch của dịch giả Uông Xuân Vy và Nguyễn Phước Hoàng Diễm. Quyển sách có bản dịch tốt, lời văn chuyển ngữ rất tự nhiên và hầu như không có một lỗi ngữ pháp nào, mặc dù đôi lúc mình thấy câu chữ còn hơi khó hiểu. Tuy nhiên, bản dịch này đã truyền tải đầy đủ thông điệp của bản gốc, và chính nhờ bản dịch tiếng Việt đã giúp mình tiếp cận quyển sách quý giá đến thế.
— — — —
Những công ty hiện nay thiết kế văn phòng chỉ dành cho người hướng ngoại, chẳng có không gian riêng để người hướng nội được một mình làm việc. Những văn phòng không có vách ngăn và hàng ngày chúng ta dù muốn hay không đều phải nghe những cuộc điện thoại của đồng nghiệp ngồi bên cạnh. Ồn ào và gây mất tập trung, những văn phòng dành cho người hướng ngoại làm chúng ta mệt mỏi. Thế nhưng, mình lại yêu những văn phòng không có vách ngăn ấy, khi mà tất cả nhân viên ở mọi bộ phận đều nhìn mặt nhau hàng ngày. Mình lại thấy những văn phòng “mở” lại giúp mình làm quen với mọi người nhanh hơn, dễ giao tiếp hơn và công việc trơn tru hơn. Mình không sợ những không gian dành cho người hướng ngoại. Mình thích những con người hướng ngoại vì ở gần họ lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Mình chỉ cần nghe mà chẳng góp giọng, mình cũng cảm thấy vui. Chính những người đùa rằng mình xa lánh lại là những người chọn từng món quà chia tay và cẩn thận ghi từng lời chúc ý nghĩa ngày mình rời khỏi công ty. Chính những anh chị mà mình nghĩ rằng mình chẳng bao giờ nói chuyện được lại là những người nói chuyện với mình nhiều nhất. Mình yêu những con người ở nơi đó, ở văn phòng mở toang đó. Từ “Reserved” không mang nghĩa tiêu cực, mà nghĩa là “slow or unwilling to show feelings or express opinions” (Oxford Learner’s Dictionaries) – kín đáo, ít thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Nhút nhát không phải do hướng nội tạo ra. Hướng nội không xấu. Cái xấu là bạn đánh giá bản thân quá thấp.
“Chị nghĩ quyển sách này sẽ giúp em đấy”. Đúng là như vậy, mình chỉ muốn nói rằng quyển sách sẽ giúp các bạn nhiều đấy. Hãy đọc kể cả khi bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, đọc để hiểu bản thân, hiểu những người xung quanh, hiểu người bạn hay ngồi một mình trong lớp, hiểu người đồng nghiệp ngồi bên nhìn có vẻ hiền lành ít nói, và hiểu cả cha mẹ mình nữa.
Bạn là hoa bồ công anh hay là hoa phong lan nhỉ? (Đọc sách xong bạn sẽ hiểu câu hỏi này của mình).