Thăng trầm Việt ngữ (P2): Sự hình thành chữ Quốc ngữ (I)
Sau khi đã hiểu về chữ Nôm qua phần 1 , chúng ta sẽ tiếp tục đến với một thứ chữ đã rất quen thuộc với tất cả người dân Việt Nam...
Sau khi đã hiểu về chữ Nôm qua phần 1, chúng ta sẽ tiếp tục đến với một thứ chữ đã rất quen thuộc với tất cả người dân Việt Nam - chữ Quốc ngữ. Làm thế nào mà một loại chữ viết được tạo bởi những người ngoại quốc lại có thể xâm nhập vào một quốc gia phong kiến đầy bảo thủ lúc bấy giờ và phát triển trở thành chữ viết chính thức của người Việt hiện nay? Hãy cùng tìm hiểu về lịch sử hình thành của nó nhé!
Bài viết dựa theo cuốn Tiếng Việt 6 của nhóm Cánh Buồm. Mình có giản lược và tóm gọn lại để các bạn dễ theo dõi hơn.
1. Hoàn cảnh ra đời của chữ quốc ngữ
Dòng Tên (Societas Jesus)
Vào thế kỷ 17 các nhà truyền giáo phương Tây đã tới nước ta. Những nhà truyền giáo này ban đầu đều thuộc dòng tu gọi là Dòng Tên. Sao lại gọi là “Dòng Tên”? Đó là vì người sáng lập đã lấy chính tên Chúa Jesus để đặt tên cho Dòng. Các nhà truyền giáo Dòng Tên đều tình nguyện đến các nước phương Đông để [...] “mở ra những chân trời mới cho Tin Mừng được gieo vào lòng người Á, Phi, Mỹ”. Do đó, có thể hiểu mục đích truyền giáo cùng đi kèm với mục đích tìm công bằng cho xã hội, và hoạt động trong địa hạt văn hóa và giáo dục. Các nhà truyền giáo này được đào tạo rất kỹ lưỡng trước khi đi truyền giáo ở những đất nước xa xôi, và sau đó các vị cũng học hỏi không ngừng và để lại nhiều công trình quý báu.
Chúng ta cũng nên biết rằng vào thời đó việc đi lại khó khăn và chủ yếu bằng đường biển. Vậy mà từ năm 1542, François Xavier đã tới Goa mở ra một thời kỳ truyền giáo mới tại châu Á. Sau đó vào năm 1549 các nhà truyền giáo Dòng Tên đã tới truyền giáo ở Nhật Bản, tiếp đó năm 1582 họ tới Trung Quốc. Khi tới những quốc gia này, ngoài mục đích truyền giáo, các nhà truyền giáo Dòng Tên còn nghiên cứu về phong tục, tập quán, ngôn ngữ bản địa và tạo ra một loại chữ viết mới theo cách Latin hóa ngôn ngữ bản địa.
Dòng Tên tới Việt Nam
Năm 1613, tại Nhật Bản nổ ra cuộc cấm đạo trên cả nước, cho đến năm 1614 hầu hết các nhà truyền giáo Dòng Tên bị trục xuất khỏi Nhật Bản và phải tạm lánh về Macao. Trong lúc đó có một nhà buôn người Bồ Đào Nha tới báo tin với Thống đốc Macao và Cha Valentim Carvalho, đức giám tỉnh Dòng Tên Nhật Bản rằng Đàng Trong là xứ trù phú, tàu thuyền đi lại thuận tiện. Vậy là Cha giám tỉnh cử ba linh mục đầu tiên tới miền đất Đàng Trong. Ngày 6/1/1615 tàu nhổ neo từ Macao và tới ngày 18/1/1615 ba ông đã đặt chân tới Cửa Hàn thuộc Đà Nẵng.
Theo bản tường trình của Linh mục Christoforo Borri, sau khi tới Cửa Hàn vào dịp lễ Phục sinh, Buzomi cho xây một nhà nguyện. Sau đó các ông tới Hội An cũng trong năm 1615 và các ông xây dựng cơ sở đầu tiên tại đây vào cuối năm 1615. Khi đó Hội An là hải cảng sầm uất, là nơi giao thương buôn bán của các tàu thuyền người Bồ Đào Nha, Hà Lan và là nơi định cư của người Hoa và Nhật. Sở dĩ ba nhà truyền giáo này mở được cơ sở đầu tiên tại Hội An vì tại đó có rất nhiều giáo dân Nhật đang buôn bán và sinh sống. Có lẽ mục đích chính của các nhà truyền giáo này khi tới Đàng Trong là để lo linh hồn cho những Nhật kiều này, rồi nhận thấy đây là mảnh đất màu mỡ để truyền đạo Công giáo, nên nhờ sự thông ngôn của những người Nhật tại đây, các vị đã xây được cơ sở đầu tiên.
Thương cảng Hội An thế kỷ 16, 17
2. Giai đoạn sơ khai của chữ quốc ngữ
Thời kỳ sơ khai
Thời điểm chữ quốc ngữ xuất hiện đầu tiên hầu hết là những tên địa danh hoặc tên người:
Annam: An Nam
Sinoa: Xứ Hóa (Thuận Hóa)
Cacham: Ca Chàm (Kẻ Chàm)
Bafu: Bà Phủ
Unsai: Ông sãi
Chiuua: Chúa
Trong những cách ghi bên trên, ta thấy các linh mục vẫn ghi tiếng Việt với các âm tiết liền vào nhau. Chúng ta biết rằng các ngôn ngữ châu Âu mẹ đẻ của các Cha đều là đa âm tiết, còn tiếng Việt thì đơn âm tiết. Trong những văn bản viết tay có chữ quốc ngữ đầu tiên, dấu ấn cách ghi đa âm tiết thể hiện rất rõ trong các văn bản này.
Thời kỳ bắt đầu tách chữ theo âm tiết
Đây là câu các Cha nói khi muốn hỏi người dân có muốn gia nhập Công giáo hay không:
“Con gnoo muon bau tlom Hoalaom chiam?” – Con nhỏ muốn vào trong Hoa Lang chăng?
* Hoa Lang chỉ Thiên Chúa giáo
Chúng ta thấy đây là một lối viết chưa có dấu thanh, nhưng các tiếng cũng đã được ghi lại tách rời nhau (trừ trường hợp Hoalaom). Và đến năm 1632, các tiếng đã được tách rời và dấu thanh cũng gần như hoàn thiện. Một số ví dụ như:
đàng tlão, đàng ngòay, đàng tlên: đàng trong, đàng ngoài, đàng trên.
nhà huyẹn: nhà huyện
oũkhỏũ: ông Khổng (Khổng Tử).
ʗbua: vua.
chúa oũ: chúa Ông
Hoàn thiện cách ghi các thanh
Chúng ta đều biết tiếng Việt có sáu thanh. Thế nhưng, vì các ngôn ngữ Châu Âu không có thanh, nên trong thời kỳ đầu các nhà truyền giáo đều viết tiếng Việt không có dấu. Để phác thảo quá trình dấu thanh tiếng Việt được sáng tạo như thế nào, chúng ta sẽ xem lại các văn bản viết tay, và tìm các dấu thanh xuất hiện dần trong các văn bản này (theo thứ tự thời gian).
Dấu thanh Năm xuất hiện Trong văn bản của tác giả Ví dụ
Dấu huyền 1621 Borri Chià
Dấu sắc 1625 Antonio de Fontes Bến Đá
Dấu hỏi 1632 Gaspar de Amaral Kẻ Chợ
Dấu ngã 1632 Gaspar de Amaral Vĩnh Tộ
Dấu nặng 1632 Gaspar de Amaral Nghệ Ăn
Vậy là phải sau 17 năm kể từ khi các giáo sĩ đặt chân đến Đại Việt, hệ thống dấu thanh của tiếng Việt mới xuất hiện đầy đủ trên các văn bản viết tay. Trên thực tế, khi đó các giáo sĩ Dòng Tên mới chỉ dùng chữ quốc ngữ để ghi các địa danh hoặc tên các nhân vật xen kẽ trong các lá thư mà các Linh mục gửi về cho vua Bồ Đào Nha hoặc Giáo Hoàng.
Vậy nhưng những dấu thanh đó đã xuất hiện như thế nào?
Cha Alexandre de Rhodes đã giải thích:
“Chúng tôi đã nói rằng các thanh hầu như là hồn của các từ trong ngôn ngữ này, chính vì vậy phải rất thận trọng khi học các thanh. Do đó chúng tôi dùng ba dấu của tiếng Hy Lạp là: dấu sắc, dấu huyền và dấu ngã; mà bởi vẫn chưa đủ nên chúng tôi thêm dấu chấm dưới (nặng) và dấu hỏi của chúng ta”.
Ông còn nhận ra được sự khác biệt giữa tiếng nói và chữ viết của nước ta thời đó:
“Những dấu thanh không được ghi trong chữ viết của họ, nhưng chỉ biểu hiện trong giọng nói mà thôi: điều này thực sự làm khó chúng tôi, mặc dầu sự đa dạng các thanh này cũng thể hiện trí thông minh của dân nước này. Thế nên chúng tôi đã nghĩ cách ghi các giọng khác nhau đó bằng tất cả cách viết của chúng ta, làm cho chúng ta hiểu biết sự khác biệt trong cung giọng để hiểu ý nghĩa”.
Cha Alexandre de Rhodes và cuốn từ điển Việt-Bồ-La
Phần II
Dựa theo Tiếng Việt 6 - Nhóm Cánh Buồm
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất