Vào thưở sơ khai, khi những nhóm người tinh khôn đầu tiên xuất hiện trên Thế Giới. Giữa muôn vạn cá thể cùng sinh tồn song hành trên quả địa cầu này, loài người chúng ta chỉ là một thành viên bé nhỏ trong hệ sinh thái vĩ đại đó. Chúng ta, cũng như bao giống loài khác đều là những người con của mẹ thiên nhiên.
Chúng ta cảm tạ những con mồi mà ta đã săn được, và chấp nhận là con mồi của những loài mạnh mẽ hơn. Chúng ta cảm ơn những cánh rừng, từng cái cây đã cung cấp những cây rau, trái quả nuôi sống muôn loài. Lúc đó quan hệ của chúng ta đối với cây cỏ, muôn thú là một sự kết nối cộng sinh sâu sắc.
Cho đến khi cuộc cách mạng nông nghiệp khởi sự.
img_0
Bức "The Garden of Earthly Delights" của Hieronymus Bosch
Thay vì sống cuộc đời săn bắt – hái lượm từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chúng ta phát minh ra trồng trọt, tự tạo ra lương thực cho mình. Nhiều lương thực hơn, dẫn đến quy mô dân số gia tăng, và dẫn đến áp lực tạo ra nhiều lương thực hơn nữa. Và chúng ta tiếp tục phát minh ra chăn nuôi. Săn bắt quá nguy hiểm, thay vì thế, chúng ta bắt bớ những loài động vật nhiều thịt về và thuần hóa, vỗ béo và kiểm soát sự sinh sản của chúng, khiến chúng trở thành những kho thịt sống lưu động cung cấp lương thực một cách bền vững cho chúng ta.
Việc làm chủ được lương thực khiến loài người có một sự biến chuyển đáng kể trong nhận thức về thế giới quan. Chúng ta dần cảm thấy mình quyền năng hơn những giống loài khác về những phát minh vô tiền khoán hậu của mình. Loài người không còn cảm thấy mình ngang hàng với bất cứ sinh vật nào trên Trái Đất này nữa. Vai trò cộng sinh giữa loài người với muôn loài từ thưở sơ khai bị dở bỏ, thay thế cho nó là vai trò của kẻ thống trị và loài bị trị.
Từ một hệ sinh thái cộng sinh, ngang hàng và tôn trọng lẫn nhau. Loài người tự tách mình ra, tuyên bố mình là kẻ thượng đẳng và mọi sinh linh khác phải cuối mình phục dịch chúng ta. Quả thực, loài người chúng ta có đủ quyền năng để làm như vậy, và đã chọn làm như vậy: trở thành vị chúa tể của muôn loài.
Cuộc cách mạng nông nghiệp không chỉ thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế của loài người, mà còn định hình lại hệ thống nhận thức của chúng ta với Thế Giới. Sự đột phá trong sản xuất lương thực cũng đã tạo tiền đề cho nhiều phát minh quan trọng nối tiếp nhau, về công cụ, khí giới và kiến trúc. Loài người không sợ hãi trước cái đói nữa, và dần dà những sinh vật hùng mạnh nhất trên Trái Đất này cũng phải chịu khuất phục trước trí thông minh của chúng ta.
Dù sao vẫn có những thứ làm con người sợ hãi, những thứ không thể kiểm soát được lúc ấy. Là thiên tai, hạn hán, dịch bệnh. Những sức mạnh có sức tàn phá khủng khiếp mà nền văn minh lúc đó không sao hiểu nổi. Và để bớt phải sợ hãi trước những thế lực khó giải thích đó, chúng ta phát minh ra một trò chơi, gọi là Tôn Giáo.
img_1
Cảnh Chúa truyền sự sống cho Adam trên mái vòm nhà nguyện Sistine 
Tôn Giáo giải thích mọi điều, từ miệng lưỡi của những kẻ sáng tạo ra nó. Nỗi sợ hãi, và có thể là cả lòng kiêu ngạo (rằng với trí thông minh của minh loài người có thể giải thích được mọi thứ) đã khiến đám đông còn lại tin vào những điều huyễn hoặc đó, rằng chúng ta được tạo ra bởi bàn tay của những vị thần quyền năng trên trời, rằng những nỗi khổ đau chúng ta phải gánh chịu là do sự giận dữ của các ngài, rằng chúng ta cần tỏ lòng kính trọng của mình đối với bề trên bằng việc hiến tế các món quà…
Dù ở thời điểm đầu, số đông loài người tỉnh táo không dễ để tin tưởng một thứ vô hình lại chi phối bản thân mình, nhưng do không còn lời lý giải nào hợp lý hơn, nên chúng ta thỏa hiệp. Sự thỏa hiệp với sự sự huyễn hoặc này tạo ra tính ổn định trong xã hội loài người, tạo điều kiện cho nền văn minh của chúng ta tiến tới những nấc thang mới trong biên niên sử.
Sự thỏa hiệp này cũng đánh dấu sự chuyển đổi nhận thức về tính liên kết của chúng ta đối với Thế giới:
– Dịch chuyển từ mối liên kết giữa con người đối với tự nhiên. Ở thể liên kết này, chúng ta cùng hợp tác với muôn loài để sống cuộc đời cộng sinh với thiên nhiên.
– Sang một trò chơi lớn với 2 lớp nhân vật chính là Con người và Thần linh (hay sự huyễn hoặc của những kẻ biết thao túng nỗi sợ của chúng ta). Trong trò chơi này, loài vật đóng vai phụ là những công cụ giúp chúng ta thực hiện những vở diễn niềm tin đặc sắc như các nghi lễ hiến tế. Hay trở thành những đồ chơi cho chúng ta khỏa lấp nỗi buồn chán của bản thân.
Trò chơi tôn giáo giữa con người và thần linh kéo dài đến hàng thiên niên kỷ, cho đến khi một sự kiện được xem là bước đánh dấu bản lề thứ 2 cho sự phát triển của nhân loại xuất hiện: Cuộc cách mạng công nghiệp. Diễn ra vào đầu thế kỉ 19. Cuộc cách mạng này lại một lần nữa tái định hình tư tưởng của loài người đối với Thế Giới.
Mỗi khi xảy ra một hiện tượng thời tiết bất thường. Thay vì chấp nhận rằng đó là ý muốn của thần linh như ông cha ta vẫn nhủ, nay chúng ta tìm kiếm câu trả lời bằng những tính toán dựa trên nền tảng logic và khoa học. Dần dà, chúng ta mới vỡ lẽ rằng té ra mọi thứ đều có tính quy luật, và tri thức của chúng ta có thể nắm bắt thậm chí kiểm soát được những quy luật đó. Chẳng có quyền năng của vị thần nào ở đây cả. Cuộc chơi giữa loài người và những kẻ nhân danh các thế lực siêu nhiên dần đến hồi kết thúc khi trình độ khoa học kỹ thuật của loài người dần tăng tiến.
Cái chết của những vị Chúa trời mở ra một kỉ nguyên mới của Thế Giới, mà ở đó loài người chính thức là kẻ thống trị tuyệt đối của vạn vật (thật ra thì trước đó đã là như vậy). Giờ thì không có thế lực nào kìm hãm chúng ta được nữa rồi. Những dịch bệnh bì đẩy lùi bởi các thành tựu trong lĩnh vực y học chứ không phải các nhà truyền giáo khiến cho dân số của loài người gia tăng nhanh chóng, từ 1 tỷ người ở đầu thế kỉ 19 đến 2 tỷ ở đầu thế kỉ 20 và đạt 6 tỷ vào đầu thế kỉ 21. Để có nơi ở cho từng ấy con người sinh sống, chúng ta khai thác và tàn phá mọi thứ trên những nơi ta đặt chân đến, hàng ngàn giống loài đã bị tuyệt chủng trong cuộc đại hành trình đẫm máu này.
Những năm đầu thế kỉ 21 chứng kiến những phản ứng rõ rệt của thiên nhiên đối với những tác động tàn bạo của loài người đến hệ sinh thái vốn rất yên bình trước khi họ xuất hiện. Loài người bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Việc là chúa tể của quả địa cầu này có nghĩa lý gì khi nó đang ngày càng chết dần chết mòn? Vậy nên chúng ta đang có động thái tìm lại những giá trị xưa cũ của tổ tiên mình, là cảm nhận giá trị to lớn của mối liên kết giữa tự nhiên và con người, và sữa chữa những sai lầm, hàn gắn những tổn thương trong mối quan hệ này. Một cách đủng đỉnh và hời hợt.
Tương lai loài người rồi sẽ thế nào? Đó là một câu hỏi đã gợi nên rất nhiều cảm hứng cho các nhà làm phim ở Hollywood. Có thể rồi đây chúng ta sẽ chiến thắng cả mẹ thiên nhiên bằng những phát minh thiên tài và hưởng thái bình ngàn đời tiếp theo, có thể chúng ta sẽ nắm tay nhau trong thời khắc cuối cùng của sự đại tuyệt chủng do hàng ngàn cơn sóng thần hay kỉ băng hà lần thứ 2 mang lại, có thể một chủng ngoài hành tinh nào đấy sẽ đến cứu chúng ta - hoặc thổi bay chúng ta, vân vân mây mây... Tương lai là vạn điều khả kiến, chúng ta chẳng thể chắc chắn điều gì. Duy có một điều chắc chắn ở hiện tại, đó là hành tinh này, khối cầu nhỏ màu xanh này và tất thảy những sinh vật tồn tại trên nó, chỉ là một hạt cát nhỏ bé trong vũ trụ bao la. Cho đến hiện tại, đó là ngôi nhà duy nhất mà chúng ta có.
Nhìn lại xem chúng ta đang làm gì với ngôi nhà duy nhất của chính mình.
Đọc thêm: