Tiếp nối của phần trước: Sự thành thành chữ Quốc ngữ (I)

3. Hệ thống các âm và cách ghi

Thời gian “ghi âm” tiếng Việt, tạo ra chữ quốc ngữ, không chỉ trong một chốc lát mà đã kéo dài nhiều trăm năm. Cũng trong khoảng thời gian quá dài đó, bản thân tiếng Việt cũng thay đổi và điều đó cũng phản ánh trong các bộ chữ được ghi lại. Căn cứ vào các cuốn từ điển, ta thấy cuối cùng thì các linh mục cũng dần dần phân biệt được đúng các phụ âm tiếng Việt như hiện nay chúng ta đang dùng, được ghi bằng các con chữ sau (theo thứ tự trong từ điển):

Bảng chữ cái trong cuốn từ điển Việt–Bồ–La có các chữ như sau:

A–Ă–Â B–BL ʗb C–CH D Đ E–Ê G–GH–GI H I (J)

K–KH L M–ML N–NG–NH–NGH O–Ô–Ơ PH Q R S

T–TH–TL V (U)–Ư X

Phần phụ âm ghi được hồi thế kỷ 17 như sau:

B–BL ʗb C–CH D Đ G–GH–GI H K–KH L M–ML

N–NG–NH–NGH PH Q R S T–TH–TL V X

Và sau quá trình biến đổi ngữ âm, chúng ta có bảng phụ âm tiếng Việt hiện đại như sau:

B C–CH D Đ G–GH–GI H K–KH L M N–NG–NH–NGH PH Q R S T–TH–TR V X


Trước thế kỷ 17, trong ngôn ngữ của chúng ta vẫn còn những tổ hợp âm đầu như pl, bl, kl, phl, khl, ml, đó là kết quả còn lại của tiếng Việt (khi vẫn còn nằm trong nhóm Việt–Mường). Sau đấy hai nhóm phl, khl chuyển thành s, còn tổ hợp pl nhập vào bl, kl nhập vào tl, vì vậy đến thế kỷ 17 chỉ còn lại ba tổ hợp âm đầu tl, blml (đôi khi là mnh).

Trong tiếng Việt hiện nay, các tổ hợp tl, bl, ml không còn tồn tại. Điều đó chứng tỏ tiếng Việt có sự đơn hoá triệt để dần trong hệ thống phụ âm đầu. Một số tổ hợp âm đầu có từ thời tiền Việt – Mường và một số tổ hợp âm đầu khác là kết quả rút gọn những từ ngữ âm song tiết trước đây và đến những thế kỷ sau này nó đã chuyển dần thành những âm đầu đơn. Chẳng hạn: từ nửa sau thế kỷ 17 đến nay các âm tl, blml có những sự biến đổi rõ rệt: tl, bltr; mlnhl

Ví dụ: tlâu → trâu; tlời → trời, giời; blời → trời; mlời → lời.


4. Con đường áp dụng chữ quốc ngữ vào nền giáo dục toàn dân

Vì sao chữ quốc ngữ được áp dụng?

Kể từ khi ra đời, chữ quốc ngữ chỉ được sử dụng trong cộng đồng Công giáo chứ nó chưa được phổ biến ra bên ngoài. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ năm 1858 sau khi người Pháp đổ bộ vào Cửa Hàn rồi đến khi họ đổ bộ vào Sài Gòn ngày 17 tháng 02 năm 1859.

Tới năm 1861, trường Adran Sài Gòn được thành lập. Và ở thời kỳ đầu này, quân viễn chinh Pháp phải nhờ đến Hội Thừa sai để được cung cấp những người thông ngôn đầu tiên. Lúc này, chữ quốc ngữ cũng đã bắt đầu được dạy trong nhà trường tuy thời lượng còn ít. 

Bắt đầu năm 1866, việc dạy tiếng Pháp cho người Việt Nam được khởi sự nhưng vẫn còn nằm trong tay các giáo sĩ; Giáo hội lần hồi mở trường ở Mỹ Tho, Vĩnh Long và Chợ Lớn. Các trường học nhà dòng được chính quyền thuộc địa trợ cấp.

Ngày 17/11/1874, đô đốc Dupré ra quyết định tổ chức lại hoàn toàn nền giáo dục quốc dân. Nền giáo dục này được tuyên bố là miễn phí và tự do, tuân theo quy định chung của giáo dục quốc dân ở Pháp. Việc giáo dục (ở Nam Kỳ lúc đó) chịu mệnh lệnh trực tiếp của giám đốc nội vụ và đặt dưới sự giám sát của các trường quận mà trách nhiệm thuộc về các viên chức hành chánh. Các trường làng dạy chữ Hán bị bãi bỏ hoặc sáp nhập vào trường ở quận lỵ, biến thành một trường duy nhất dạy chữ quốc ngữ. Có 6 trung tâm thanh tra: Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, mỗi nơi đều có một trường Pháp.

Có thể nói rằng buổi đầu thời Nam Kỳ thuộc địa Pháp, tổ chức giáo dục ở đây còn đang trong thời kỳ mò mẫm, việc đem chữ quốc ngữ thay thế hẳn chữ Nôm và chữ Hán có khi phải khựng lại, bằng chứng là việc tái lập các chức đốc học, giáo thọ, huấn đạo, và tổ chức lại các cuộc thi hương.

Việc áp dụng chữ quốc ngữ vào nền giáo dục không hề đơn giản và vấp phải rất nhiều khó khăn. Vì dẫu sao người Pháp khởi xướng cũng là người đi chinh phục và không dễ thuyết phục người dân nước sở tại chấp nhận một lối viết khác thay thế một thứ chữ viết đã gắn với họ cả tận 19 thế kỷ.

Trước làn sóng mới này, xuất hiện hai bên ý kiến ủng hộ và phản đối dung chữ quốc ngữ: bên ủng hộ mà đại diện là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, họ phải đương đầu với một hàng ngũ còn hùng mạnh thuộc trường học Hán–Nôm truyền thống mà đại diện là các nhà nho yêu nước như Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, v.v... Cuộc đối địch không thuần xảy ra giữa hai hệ chữ viết của một ngôn ngữ mà còn giữa hai thái độ chính trị, những niềm tin tôn giáo khác nhau: Thiên chúa giáo với ba tôn giáo khác đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân: Phật giáo, Đạo giáoKhổng giáo.


Chữ quốc ngữ lan rộng ra Bắc Kỳ

Sau khi được sử dụng làm chữ viết “chính thức” của tiếng Việt ở Nam Kỳ thuộc Pháp, chữ quốc ngữ bành trướng ra phía Bắc. Những biến cố lịch sử có tác động vào, hoặc đánh dấu lên sự bành trướng này là việc Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. Sau đó ngày 6–6–1884, triều đình Huế và Pháp ký hiệp ước Patenôtre, theo đó nước Pháp sẽ thay mặt nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngoại. 

Như vậy từ đây chữ/tiếng Hán nhường bước cho chữ/tiếng Pháp trên mặt ngoại giao. Sau khi Paul Doumer sang làm Toàn quyền Đông Dương năm 1886, ông tiến hành một loạt cải tổ trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể trong năm này ông cho thiết lập Bắc Kỳ Hàn lâm viện (Académie Tonkinoise), rồi tới năm 1896, Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định cho thành lập một trường Pháp–Việt ở Huế, gọi là Trường Quốc học Huế.

Ngày 6/6/1898, Toàn quyền Ðông Dương đặt thêm một kỳ thi phụ cho khoa thi hương trường thi Nam Ðịnh. Môn thi gồm năm bài tiếng Pháp và có phần dịch sang tiếng Việt (bằng chữ quốc ngữ).

Ngày 15/12/1898, Toàn quyền Ðông Dương Paul Doumer ra nghị định thành lập Phái đoàn Khảo cổ học Thường trực tại Ðông Dương, đến 20/10/1900 đổi thành Trường Viễn Ðông bác cổ đặt tại Sài Gòn rồi tới 1902 chuyển ra Hà Nội.

Trường Viễn Đông bác cổ

Cùng với một loạt các cải tổ và đàn áp, nước Việt Nam dưới mắt người Pháp xem như đã được bình định, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu đặt những cơ chế về hành chính, giáo dục để cai trị và bảo hộ các xứ thuộc địa. Các cơ chế chính quyền của triều đình nhà Nguyễn dần dần hoặc bị thay thế hoặc bị làm suy yếu đi không còn thực quyền. Hán học, nền tảng của công cuộc đào tạo sĩ phu, quan chức nhà Nguyễn, theo đó cũng tàn tạ nhường chỗ cho lớp quan chức mới xuất thân từ các trường Pháp–Việt. 

Chữ quốc ngữ từ trong Nam lan ra đất Bắc, xen vào các kỳ thi; biết Quốc ngữ trở thành một yêu cầu để bước vào quan trường. Tuy vậy, vào cuối thế kỷ 19, những bước đi đầu tiên của chữ quốc ngữ ở miền Bắc còn rất e dè, như lời tự thuật của nhà nho Nguyễn Bá Học:

“Tôi lúc mới học Quốc–ngữ thường không dám học to tiếng, chợt có khách đến phải giấu ngay sách vào trong túi áo”.


Bước ngoặt cho thành công của chữ quốc ngữ

Nhưng bước ngoặt quyết định dẫn đến sự thành công của chữ quốc ngữ lại do chính các nhà nho trong hàng ngũ phong trào Duy tânÐông Kinh nghĩa thục.

Phong trào Duy tân phát động từ năm 1905 ở Quảng Nam với ba lãnh tụ: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Bộ ba này năm 1905 nhân chuyến vào Nam, đến Bình Ðịnh, mượn tên ứng thí trong một kỳ thi đã làm hai bài thơ Chí thành thông thánhDanh sơn lương ngọc đả kích những người còn ngủ mê trong giấc mộng văn chương bát cổ. Hai bài thơ này rõ ràng tấn công vào nền cựu học, bài xích cái học cử nghiệp, mở đầu cho chủ trương tân học sau này của phong trào.

Ðông Kinh nghĩa thục khai giảng tháng 3 năm 1907 tại phố Hàng Ðào, Hà Nội, chương trình noi theo đường lối tân học của Trung Quốc và Nhật Bản. Trong các sĩ phu sáng lập có cụ cử Lương Văn Can, thục trưởng của trường; cụ huấn Nguyễn Quyền, giám học; cụ án Nghiêm Xuân Quảng,... và một số nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, v.v... Mục đích của phong trào là: khai trí, mở những lớp dạy học không lấy tiền. Dùng chữ quốc ngữ để dạy là lợi khí để khai dân trí, nhưng hợp với chiêu bài “khai hoá” mà người Pháp không có lý do gì cấm.

Lớp học của trường Đông Kinh nghĩa thục

Từ buổi đầu cuộc chiếm đóng Nam Kỳ của Pháp đến khi phong trào Duy tânÐông Kinh nghĩa thục ra đời, nửa thế kỷ trôi qua, chữ quốc ngữ đã lột xác dưới mắt các sĩ phu Việt Nam. Chữ quốc ngữ trước kia bị xem như một toan tính của chính quyền thuộc địa hòng Âu hóa nền quốc học Việt Nam, và được xem như một thứ chữ rẻ tiền dưới con mắt của các sĩ phu thì bây giờ chữ quốc ngữ được đón tiếp như một công cụ chuyển tải hữu hiệu những tư tưởng yêu nước, những tri thức mới.

Chữ quốc ngữ đã dần thay thế chữ Hán và nền giáo dục mới cũng dần thay thế nền giáo dục khoa cử đã tồn tại cả ngàn năm. Thắng lợi này được thể hiện rõ nét trong bài diễn văn của đại úy Jules Roux đọc ở Toà Ðốc lý quận 6 Paris, ngày 6–7–1912 nhan đề là: Cuộc thắng lợi vĩnh viễn của phương thức ghi tiếng Annam bằng con chữ latin hay “Quốc ngữ”:

“Phần tôi, tôi không thù ghét gì chữ Hán nhưng thứ chữ này đối với Quốc ngữ trong 30, 40 năm tới đây sẽ giống như tiếng Latin đã trở thành đối với tiếng Pháp như ngày nay... [...]  “Việc giảng dạy Quốc ngữ đã toả lan với một tốc độ chóng mặt...” [...] “Chính là thông qua Quốc ngữ mà dân An Nam gắn bó với nền văn minh Pháp và chính cũng qua Quốc ngữ mà chúng ta xáp lại gần với dân tộc này...”


Sự bùng nổ của báo chí Bắc Kỳ

Có thể nói chính báo chí đã có 1 vai trò quan trọng giúp chữ quốc ngữ lan rộng và đến gần hơn với người dân Việt Nam.

Năm 1907, các nhà Duy tân trong Đông Kinh nghĩa thục sử dụng tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, sau này đổi thành Đăng cổ tùng báo in bằng hai thứ chữ: chữ Hán do Đào Nguyên Phổ phụ trách và chữ quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách.

Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh điều hành ra số đầu tiên ngày 15 tháng 5 năm 1913, với phương châm “phổ biến văn hoá Tây phương, cổ động học chữ quốc ngữ, giới thiệu kiến thức thực nghiệm như canh nông, công nghệ...”

Nguyễn Văn Vĩnh thực sự là người có công rất lớn trong việc truyền bá, cổ vũ cho chữ quốc ngữ. Ông và những cộng sự trong Đông Dương tạp chí nhận thấy chữ quốc ngữ là một lợi khí, một phương tiện để mở mang, nâng cao dân khí và chấn hưng nền văn hoá dân tộc nên đã tích cực viết nhiều về vấn đề này, tiêu biểu như: Chữ quốc ngữ, Cách viết chữ quốc ngữ, Chữ nho nên để hay nên bỏ, Tiếng Annam,... Qua đó, Nguyễn Văn Vĩnh phân tích, lý giải để khẳng định, đối với nhân dân Việt Nam, cần thiết phải sử dụng chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm.

Sự nghiệp báo chí vẻ vang của Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện qua hàng trăm bài viết của ông bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, ngoài ra ông còn dịch văn chương Pháp ra chữ quốc ngữ và chuyển thể những tác phẩm văn chương đặc sắc của Việt Nam qua tiếng Pháp. 

Tiếp theo thành công của Đông Dương tạp chí, năm 1917 Nam Phong tạp chí cũng ấn hành số đầu tiên do Louis Marty, thanh tra mật thám Đông Dương sáng lập. Trong đó, Phạm Quỳnh phụ trách về phần chữ quốc ngữ, Nguyễn Bá Trạc chịu trách nhiệm về phần chữ Hán.

Phạm Quỳnh không khoan nhượng trước một bộ phận người Việt Nam có tư tưởng xem thường chữ quốc ngữ, coi chữ quốc ngữ là thứ chữ không đáng học, không thể bằng chữ Pháp:

“Chữ quốc ngữ được thí nghiệm trong ba trăm năm được tiện lợi như thế, vậy mà còn có người bài bác, bao phen vận động muốn sửa đổi lại. Những nhà muốn cải cách ấy chỉ có câu nệ rằng trong chữ quốc ngữ có nhiều vần không hợp với tiếng Pháp: nhưng tiếng Pháp là tiếng Pháp, Quốc ngữ là Quốc ngữ”.

Ông nhấn mạnh:

“Ngày nay chữ quốc ngữ đã nghiễm nhiên thành thứ chữ viết, cái văn tự chung của dân tộc Việt Nam vậy. Học vừa dễ vừa mau, dùng vừa hay vừa tiện, thật là một cái lợi khí để truyền bá sự học trong quốc dân. Nay chúng ta được dùng cái chữ thần diệu đó”.

Chúng ta còn chứng kiến sự bùng nổ của chữ quốc ngữ trong việc sáng tác tiểu thuyết, văn xuôi, thơ ca với sự ra đời của nhóm Tự lực Văn đoàn năm 1933, phong trào Thơ Mới những năm 1930...

Như vậy từ một lối viết do các linh mục khởi xướng, sau hơn ba thế kỷ, chữ quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thức của người Việt Nam.



Dựa theo Tiếng Việt 6 - Nhóm Cánh Buồm

Phần 1: Từ chữ Hán đến chữ Nôm

Phần 2: Sự hình thành chữ Quốc ngữ (I)