Tháng ngày lang thang đầu ghềnh cuối bãi
Sài Gòn một mình, ốm, nằm trong căn gác nhỏ, tự dưng bản thân lại nhớ nhà rất nhiều, đâu đó tiếng Lệ Mai văng vẳng bài hát buồn của...
Sài Gòn một mình, ốm, nằm trong căn gác nhỏ, tự dưng bản thân lại nhớ nhà rất nhiều, đâu đó tiếng Lệ Mai văng vẳng bài hát buồn của Trịnh:
Chiều chủ nhật buồnNằm trong căn gác đìu hiuÔi, tiếng hát xanh xao của một buổi chiềuTrời mưa, trời mưa không dứtÔ hay mình vẫn cô liêu”
Nỗi nhớ dài đằng đẳng nhưng chẳng biết từ đâu, có nhiều lý do để nhớ, hoặc không vì lý do gì cả.
Ở nơi đó có mối tình đơn phương của cậu học trò sống bằng ảo tưởng (bằng mộng mị), có bóng dáng của người thiếu nữ mang tên loài hoa trong mắt kẻ lãng du; cũng ở đó có đám bạn từ thời tóc xanh còn để chỏm. Trở về nhà, tôi luôn thích thú dành thời gian rảnh rỗi ngồi trò chuyện với chúng bạn và mải miết trong những câu chuyện không đầu không cuối. Gặp lại người xưa, ôn lại chuyện cũ, cái cảm giác như được uống một bình rượu dù đã cũ nhưng vẫn muốn uống hoài uống mãi. Không phải vì ta mê rượu mà ta bị mê hoặc, ta tự cho phép bản thân ngây ngất chìm đắm cùng hương rượu, cái hương pha lẫn giữa thân quen của những năm tháng đã qua cùng chút là lạ của hôm nay – đổi thay của thời gian, hoặc ký ức bị lãng quên. Vài người đặc biệt thuở xa, cũng như đến lúc nhấp môi mới giật mình hóa ra hương xưa là vậy, uống cạn chén rồi vẫn còn lưu luyến. Nhưng, thoáng qua thôi, cơn say mộng mị lại kéo ta về với thực tại, với những hương mới, cùng thoang thoảng mùi vị sót lại từ ngày ấy, cho đến tận bây giờ, rồi đến ngày mai, và đến bao giờ?
Vào những ngày bạn bè vật lộn trong cuộc sống vội vã của tình của tiền, một mình cùng ly cà phê nhỏ từng giọt lặng lẽ trong góc quán quen thuộc tôi đưa tâm trí về phía xa xăm, nhìn trời nhìn đất nhìn mây, nhìn người qua người lại trên con đường nhỏ, nhìn dòng sông của một thời ấu thơ cứ chầm chậm chảy, lòng lại bâng khuâng man mác buồn chẳng hiểu vì đâu: sông cứ chảy và đời người cứ trôi đi lặng yên và lắm lúc là những biến cố lớn thay đổi cả một cuộc đời-một thân phận.
Một anh bạn thường được chúng tôi nhắc tới bỗng một ngày hè đã bỏ gia đình, bỏ bạn bè mà ra đi mãi mãi. Anh đi vội quá, làm tôi giật mình hoảng hốt nhận ra rằng cuộc đời sao mà vô thường, mới hôm qua anh em còn đùa giỡn với nhau mà bây giờ kẻ dương người âm cách biệt. Âu cũng là cái may mắn cho tôi khi được gặp anh nằm trong quan tài lần cuối, thắp cho anh nén nhang như một lời nguyện cầu anh lên đường thanh thản, và cũng là một lời tạ lỗi của tôi với anh, với cuộc đời này. Hôm tiễn anh về với cát bụi, một cô bạn cùng lớp – người con gái ngày xưa anh thầm thích và hình như cô cũng biết điều đó, bỗng khóc rống lên làm chúng tôi cũng mắt đỏ nghẹn ngào chẳng nói lời gì cuối cùng với anh. Chẳng biết ngày xưa nếu anh đủ dũng cảm, cô bạn kia có đáp lại không nữa? Ít ra giữa anh và cô cũng có chút thoáng lãng mạn lướt qua của tuổi học trò. Ôi, những ngày xưa thân ái…
Đất đưa anh vào cội nguồn…Bạn bè còn đó anh biết không anh?…Đất hoang vu khép lại hẹn hò…Người tình rồi quên, bạn bè rồi xa…
Câu hát của ông Sơn cứ ám ảnh tôi suốt một thời gian dài: vài năm nữa thôi có ai còn nhớ, ai còn nhắc tới anh nữa, hoặc nếu có cũng chỉ là một chút thở dài ngậm ngùi thoáng qua. Rồi cũng sẽ tới lượt tôi, bạn tôi…
Cuộc đời vô thường đến thế mà sao con người ta còn hững hờ với nhau?

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất