Một buổi tối ngồi nhâm nhi ly white russian ở The Alchemist, chị bạn tôi bảo, chị ấy mới nói chuyện với người yêu, qua email. Anh chị nói chuyện qua lại bằng email. Ảnh đang đi công tác, ở Mỹ, nên múi giờ cũng lệch.

Nói đến chuyện gửi email cho người yêu, chắc mọi người đều nghĩ nó có gì đó hơi kì. Đầu tiên là mình luôn nghĩ email chỉ dành cho công việc. Thế nên gửi email cho người yêu có gì đó hơi trang trọng. Thứ hai, quan trọng hơn, chúng ta đang ở một thế giới siêu kết nối, facebook, viber, zalo, kakao, line, whatsapp, cái nào cũng cài trên điện thoại cả. Hai người lại dùng chung iphone, tiện thì imess hoặc face time thôi.

Lúc đó tôi cũng nghĩ thế. Nhưng cho đến một ngày tôi gửi email cho cô ấy, tôi mới hiểu tại sao chị bạn mình lại dùng email. Điều này không chắc đúng với mọi người, nhưng cá nhân tôi, (có thể coi là một điểm yếu cố hữu), để nói chính xác những gì mình nghĩ, tôi phải cân nhắc khá lâu. Thành thử có vẻ email thực sự phù hợp để tôi có thời gian viết ra những gì mình định nói với cô ấy. Hơn là những giây phút ngập ngừng khi gọi điện thoại. 
Kì thực ngay cả với công việc, tôi cũng thích sử dụng email hơn các công cụ nhắn tin, rất nhiều. Lí do là tại tôi rất ghét khi mình chưa nói hết câu, bỗng nhiên một người nhảy vào chat loạn xị ngậu lên. Cuộc nói chuyện bị ngắt quãng và bỗng nhiên mọi thứ trôi tuột đi đâu. Cũng vì thế, vì giữ phép lịch sự, kể cả trong công việc hay cá nhân, mỗi khi đầu bên kia hiện lên là đang typing, tôi sẽ để bạn nói hết lượt của mình cho xong. Không biết có được tính là phép tắc giao tiếp không, hay đơn giản nó chỉ là một tính cách gì đó rất cá nhân của tôi thôi. Thành thử khi email, mọi người đều có thời gian cho lượt lời của mình, nên tôi khá thoải mái với email, một cách rất tự nhiên. 
Các công cụ chat trực tuyến, như messenger, viber, đều hiện dòng trạng thái seen. Điều này khiến người gửi đi kì vọng muốn biết về chuyện người kia đã đọc chưa, đọc rồi sao không trả lời, người kia đang nghĩ gì, có gì ngập ngừng. Nó cũng khiến người nhận, có thể ngay lúc đấy chưa biết trả lời ra sao, nhưng vì phép lịch sự, hay vì sợ sự kì vọng của đối phương, mà phải trả lời ngay lại. 
Trong email của mình, tôi có nói thực sự anh gửi cho em, nhưng đúng hơn anh thấy anh viết ra như gửi cho chính mình. Nó giống như anh muốn kết thúc một cái gì đó cho chính bản thân mình. Nên anh chỉ cần biết em đã đọc, thế thôi. Tôi biết thế. 2 tuần sau thì em trả lời, và tận 1 năm sau tôi mới reply lại. Chúng tôi hiểu thời gian cần để trả lời là bao nhiêu, nên cũng không bị gượng ép như chat messenger. Chứ bạn sẽ thấy kì, khi nếu chat cho ai đó mà một năm sau người đó mới trả lời. 
Điều cuối cùng, có lẽ cũng vô cùng cá nhân đối với tôi. Là quãng thời gian đó, tôi viết một bài trên blog cá nhân của mình. Tôi cũng chỉ viết cho mình thôi, đương nhiên cũng không hi vọng gì cô sẽ đọc. Nhưng lần gặp nhau sau, cô nói cô thực sự hạnh phúc vì bài viết đó, và mọi cô gái khi đọc một bài viết về mình như thế đều sẽ hạnh phúc. Nghe giống như một đoạn rap của B Ray, "em có muốn cảm giác như em là người duy nhất? Như những bài hát, mà anh viết là đều cho em?" 

Có lẽ vì làm nghề Marketing, phần lớn động lực thôi thúc tôi khi viết là cho nhiều người đọc. Đó là một cuốn catalog cho sản phẩm ô tô mới, để người đọc ra quyết định mua xe. Đó là mẩu quảng cáo. Thế nên tôi hoàn toàn quên mất rằng có những bài viết chỉ cần mình đọc thôi là đủ, và có những bài viết mình muốn một người đọc thôi là đủ. Nghĩ lại đến câu nói kia của em, có lẽ bao nhiêu bài báo được đăng, bao nhiêu bài viết trên sách được xuất bản, tôi cũng chưa bao giờ hạnh phúc như thế vì con chữ của mình. 
Gần đây tôi có xem một video của tác giả Dan Brown chia sẻ về chuyện viết, ông nói, hãy viết như thể không ai đọc ấy, vì đúng là không ai đọc thật. 
Thế nên, nếu mình chỉ muốn nói với duy nhất một người, một email là đủ.