*Chỉ là những ghi chú không đầu không cuối của một “thiếu nữ” dậy thì lần thứ n trong những tháng ngày chập chững bước vào hàng ngũ 33+*
Chẳng hiểu vì sao nhân loại chọn ngày đầu tháng Tư để nói dối nhau. Rồi từ đó lại hình thành nên Ngày Quốc tế tỏ tình, dành cho những kẻ muốn gửi gắm chút yêu đương nhưng lại ngại đối mặt với cảm giác bị chối từ.
Trước khi bước sang tháng Tư, mình đã đưa ra một quyết định rằng sẽ sống thật chân thành với bản thân, có lẽ vì vốn thời gian để giấu đi những muộn phiền âm thầm đã cạn rồi. Mẹ hơi giận vì mình dọn ra riêng, nhưng vẫn thường xuyên gọi điện thoại dặn con gái nhớ về nhà lấy cơm mẹ nấu. Trong lòng mẹ, mình vẫn chỉ là con bé 3 tuổi chưa khôn đúng bằng số tuổi thật của nó.
Mình thích việc có một chiếc kệ hoặc chiếc bàn nhỏ phía sau cánh cửa chính, để khi vừa bước vào nhà có thể vứt lung tung các thứ lỉnh kỉnh lên đó mà không sợ rơi. Đặc biệt bên trên phải có một miếng lót hoặc khăn trải bàn, nó khiến cho âm thanh va chạm của những món đồ trở nên dịu dàng hẳn. Tiếng của chùm chìa khóa sẽ bớt lách cách, kể cả ổ khóa, túi ni lông hay chiếc điện thoại cũng thế, khi mà ta biết luôn có một sự mềm mại chở che những điều thô ráp và tùy tiện thì ta cho phép mình phóng túng lười biếng, cẩu thả một cách tự nhiên. Nếu không ai cho ta sự mềm mại đó, thì ta có thể tự ban tặng cho mình. Đó là chân lý mình đã học được từ những ngày đầu xây dựng đế chế tự do này.
Cuối tuần vừa rồi, mình đã đi nghe concert Sound of Animashon thay vì đi xem phim rạp như thường lệ. Khi đắm chìm trong không gian âm nhạc của những bộ Anime cũ, mình thấy thật biết ơn và tự hào. Manga và Anime luôn là một phần trong mình, đó là những mảng kí ức tinh nghịch, đầy sắc màu và mộng mơ. Những ảo ảnh đáng yêu đã cùng mình đi qua nhiều lần khủng hoảng trong đời. Những chiếc bánh ngọt ngào cứu rỗi vị đắng trong tâm hồn khi mình không tìm được câu trả lời trong thực tại. Đôi khi mình nghĩ, việc chẳng thích ai nữa có khi là do mình cứ mãi đắm chìm trong thế giới 2D, và Fujiwara no Sai vẫn là một “gã” mình chẳng thể buông bỏ.
Trong The Perfect Days có cảnh Nico hỏi bác Hirayama rằng có thể tìm thấy bài hát trong cassette của bác trên Spotify không, bác Hirayama bảo không biết, và hỏi “cửa hàng đó ở đâu ?”, “cửa hàng” ở đây chính là Spotify. Nico cười ngất vì cái sự lỗi thời một cách ngây ngô của ông bác già. Đoạn này làm mình nhớ đến một cảnh phim tương tự trong Goblin, khi Duk Hwa bảo cài đặt “app store” trên điện thoại, hai ông chú Yêu Tình và Thần Chết toang đứng dậy đi ra “store” để lựa “app”, Duk Hwa chỉ biết câm nín lắc đầu. Đây là những cảnh quay hài hước, nhưng đặc biệt ấn tượng đối với mình khi đã truyền tải thông điệp về một “độ lệch thế hệ” giữa những bạn trẻ và những người già (dần) như mình. Chẳng phải mới đây, mà có lẽ là từ 2 3 năm trước, mình đã thấy bản thân bắt đầu tiệm cận đến ngưỡng “lạc hậu” vì không biết tên các ca sĩ trẻ, những bài hit mới, những xu hướng trên mạng, … Ngày trước mình vẫn thấy khó hiểu và lấy làm phiền phức khi mẹ chẳng biết cách bật đầu máy video, cả chuyện bấm nút máy giặt, hay đọc tin nhắn và gửi hình ảnh trên các phần mềm trò chuyện. Nhưng có lẽ, mình cũng sắp như mẹ rồi. Đào thải là điều đương nhiên, và tiến trình của nó cũng sẽ âm thầm nhẹ nhàng, như cái cách mà một ngày khi mình thức dậy, bỗng thấy cuộc đời ở sau lưng, và loay hoay không biết hôm nay phải bắt đầu từ đâu. Bơ vơ và hơi hoảng hốt.
Chúng ta có thể nói về những nỗi đau đã qua với một thái độ bình thản và ung dung. Không phải vì ta đã vượt qua hay lỡ quên mất nó. Ta vẫn ở trong đó, thậm chí còn kẹt lại với những xúc động và sợ hãi vô hình. Nhưng ta nhắc về nó một cách thản nhiên vì ta đã chấp nhận nó là một phần của bản thân, không thể tách rời, hoặc chưa thể tách rời. Không cố trốn chạy hay tự vỗ về bản thân rằng mình đang ổn.
“Tôi không ổn nhưng tôi vẫn có thể nói về nó”
Có thể mình sẽ mãi không ổn khi nhớ về những chuyện ấy, nhưng mình vẫn có thể kể lại như một cách trò chuyện với bản thân, hoặc chia sẻ với người đối diện, rằng “tôi đã cởi mở với những nỗi đau bên trong mình”.
Mình lại nhớ đến The Perfect Days, khi bác Hirayama dắt Nico đến nhà tắm công cộng rồi hẹn 20 phút sau gặp lại. Tắm xong, Nico vừa lau tóc vừa mở cửa tủ lạnh lấy ra một chai nước ép, bác Hirayama hỏi Nico “có đói bụng không”, Nico gật đầu không giấu giếm, sau đó hai bác cháu cùng nhau đạp xe đi ngắm sông, mình đã khóc vì nghẹn ngào và trong lòng trỗi dậy một cảm giác ganh tỵ lẫn tức giận, buồn và ước ao.
Mình ước gì cũng có một người thân “xa lạ” như Nico có bác Hirayama, một sự dịu dàng thông thái, một nơi mà thỉnh thoảng mình được phép ghé thăm trong những ngày muốn trốn chạy thế giới này. Một chốn dung túng cho những yếu mềm non nớt của một đứa trẻ chưa muốn lớn.
Thật may là thế giới của Nico có bác Hirayama và thế giới của bác Hirayama cũng luôn có một góc riêng sẵn sàng chào đón Nico. Thật mừng vì họ có nhau.
Còn mình thì không.
Mình chỉ có một mình.
*Viết cho một tháng Tư thành thật*
Sài Gòn
14.04.24
[Tặng mọi người bài hát mà mình đang nghe :*]
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất