"Ta tự hỏi về con người. Thứ thái độ mà con người dành cho chị gái ta thật kỳ lạ. Tại sao họ lại sợ nơi không có ánh mặt trời?
Chết đi cũng tự nhiên như là được sinh ra vậy. Nhưng họ kinh sợ chị, rồi cầu nguyện trong sự yếu ớt của họ để hi vọng không khiến chị giận dữ.
Rất nhiều năm trước ta nghe được một bài hát trong giấc mơ, một bài hát của những kẻ trần tục hân hoan món quà mà chị tặng cho họ.
Và ta vẫn nhớ
"Cái chết đứng trước mặt ta ngày hôm nay: Như người nằm ốm ngồi dậy đây Như sau bệnh tật, đến cánh vườn tươi xanh này Cái chết đến trước mặt ta ngày hôm nay: Như hương thơm của nhựa cây mật nhi lạp Như làn gió mát lành mơn man đôi bàn tay Cái chết đến trước mặt ta ngày hôm nay: Như hành trình trong mơ Như sự trở về của người lính dạn dày Cái chết đến trước mặt ta ngày hôm nay Như ngôi nhà ai đó hằng ngóng trông Sau bao nhiêu năm bị tù đày."
Áng thơ bị lãng quên đấy hiểu được cái tài năng thiên bẩm của chị."
― Neil Gaiman, The Sandman, Vol. 1: Preludes and Nocturnes
*
Nay tôi đón đông Hà Nội một mình. Sáng dậy rét run. Lọc cọc khoác áo. Lọc cọc dắt xe. Hà Nội mùa đông vẫn là Hà Nội mùa đông, dù cho có đang sánh vai các cường "cuốc" năm châu về khoản ô nhiễm. Người ta gọi Hà Nội là thành phố trẻ, tôi thì thấy nó già nua. Cái thời bom đạn khác gì mặt mụn của đám trẻ dậy thì đâu. Rồi xuân thì xanh tươi mơn mởn, mà vẫn đỗi nhẹ nhàng thiết tha. Trưởng thành to béo ra chút. Còn giờ già rồi. Già rồi cái gì cũng rệu rã. Đường phố rệu rã. Con người rệu rã. Văn hóa cũng rệu rã. Nhưng cũng giống như con gái thời xuân thì nghiêng nước nghiêng thành, khi về già, cuộc đời có vần đến đâu, nét đẹp vẫn thoang thoảng đâu đó. Mùa đông của cái đất này là một thứ như thế.
Tôi bỏ khẩu trang để đi ra đường. Biết khói bụi đấy, mà vẫn bỏ. Bỏ để hít cái khí lạnh của trời đất chuyển mùa sang cái mùa, đối với thằng tôi, là mùa đẹp nhất trong năm. Tôi thích trời xanh, mây trắng, nắng vàng, nhưng còn thích cái tiết xam xám, âm u của trời đông hơn. Đi chầm chậm, thi thoảng ngước lên nhìn trời, thi thoảng đảo mắt kiếm một vài cái khu nhà cũ cũ lượn qua, để thấy cửa sổ gỗ kiểu cũ, kiểu thời bao cấp. Màu xanh. Sờn. Già. Già như Hà Nội. Rồi dừng lại ở cái quán cà phê quen. Ngồi xuống. Làm cốc nâu đá. Trời lạnh thế này, phải nâu đá mới ngon. Sữa ngọt ngọt, cà phê đắng đắng, xuống đến đâu tỉnh đến đấy, chẳng cần biết tỉnh vì lạnh hay tỉnh vì cà-phê-in.
Tôi ngồi chờ bạn. Một mình cái đoạn đường lòng vòng là đủ rồi, giờ tôi cần người nói chuyện cùng. Cái thành phố rệu rã này khiến người hiểu nó cũng rệu rã theo. Lắm lúc muốn bỏ mà đi chỗ khác, cũng có lúc bỏ rồi, vậy mà thế nào vẫn quay lại. Quen mui thấy mùi ăn mãi, nhiều khi hít hà cái khí trời đông ở đây rồi, cho dù cả năm chờ mỗi mùa đông, cũng không muốn đi chỗ khác. Bởi mùa đông là cái đích, còn cái quãng chờ đợi là quá trình. Mà quá trình đấy có tắc đường, có còi xe, có chửi, có bới, có người, có ngợm, trong cái quãng đường từ nhà đến chỗ chứa cái cần câu cơm của mình. Lắm lúc thấy không đáng. Nhưng rồi đến cái lúc ngồi nhìn đường chìm trong giá lạnh của Tết, hay lang thang sớm đầu mùa, lại thấy đáng. Lắm người thật đáng thương, sướng không muốn, cứ muốn khổ.
- Mua cho chị đi em – Một người đàn bà bán hàng rong tiến lại gần chỗ tôi, như thường lệ, tay cầm gói tăm, cắp một bên giỏ chứ những thứ mà giỏ của một người đàn bà bán hàng rong cần phải có: kẹo cao su, bông ngoáy tai, móc chìa khóa, cùng rất nhiều hi vọng sẽ bán được cho ai đó.
- Em không chị ạ - Tôi nói, rồi cứ thế nhìn ra đường, coi như không nghe nữa. Cách tốt nhất. Nhất là tôi còn đang muốn tận hưởng cái không khí này.
Rồi sau một vài câu, chị ta cũng đi. Tôi ngồi đấy. Chăm chú nhìn vào cái khoảng không trước mặt. Như tôi vẫn làm mỗi khi đi đón đông. Xe ít, người thưa, hàng quán vắng, anh đánh giày ngồi không hút thuốc, mấy cành cây đáng lẽ phải rụng lá vào mùa thu mới đúng điệu giờ vẫn xum xuê. Cứ ngồi vậy, kéo cái cổ áo cao lên che bớt miệng, rụt cái đầu vào, ngắm nhìn mọi thứ trôi qua chậm chạp trong cái không khí mùa đông lạnh lạnh.
Tôi thích mùa đông. Yêu thì đúng hơn. Nhưng mùa đông toàn đem cho tôi tin buồn. Năm đấy khi tháng 10 đã chớm đông bà nội tôi mất. Tôi co ro trong áo, mắt sưng vù, giọng mất. Gió rít. Con đường mùa đông hiu quạnh. Hơi người đưa tang chẳng thể làm ấm nổi cái lạnh hoang tàn của cánh đồng không lúa. Tôi lững thững bước đi, nhìn về phía cái ngõ nhỏ, tự dưng thấy bà tôi đứng đó. Không, bác tôi nhìn giống bà tôi đứng đó. Từ đấy về quê tôi chẳng bao giờ còn được ăn khoai mật nướng nữa.
Lạnh lạnh người ta hay bỏ tôi đi. Người thân ấy. Người chết đã đành, người sống cũng hay có cái thói quen như vậy. Là vì tôi yêu mùa đông nên đời cứ chọn cái mùa đấy mà lấy đi của tôi cái gì đó? Hay vì tôi…
Tôi lắc đầu. Ôi dào. Vớ vẩn. Đang yên đang lành nghĩ chuyện mất mát chết chóc gì. Rồi bạn tôi đến. Tôi cười chào hắn. Hắn cười chào tôi. Chuyện ra chuyện vào, công việc, gia đình, vợ con. Hắn châm thuốc mời. Tôi lắc đầu từ chối. Mặc dù tôi thèm lắm. Lạnh lạnh thế này, có chút cà phê tỉnh tỉnh đã đành, thêm hơi thuốc vào ấm ấm ngọt ngọt họng, hôm nào lạnh quá phả khói ra đi cùng với hơi, trắng như sương mù, để cái thứ hóa chất giết người ấy đâm thẳng lên não, giết đi chút ít tế bào mà thế quái nào lại còn tỉnh hơn.
- Thế sắp tới có dự định gì không?
Và hắn hừng hực nói về dự định. Tôi thích nhìn những con người hừng hực. Họ có sự quyết tâm và thứ mong muốn thay đổi thật mãnh liệt. Tôi cần những người như thế trong cuộc đời. Họ khiến tôi không ngồi yên được. Bởi nếu tôi ngồi yên, đó là sự ngồi yên của một kẻ không có hứng thú gì với cái cuộc đời xung quanh tôi đang sống. Tôi hay trốn chạy thị phi. Tiền của. Danh vọng. Nổi tiếng. Hào quang. Không có họ tôi sẽ đi đâu đó, một mình, ngẫm nghĩ và chờ đến lúc mùa đông của cuộc đời tôi đến. Vô trách nhiệm như thế đấy. Cũng may người ta không như tôi. Cũng may hắn không như tôi.
Mà kể cũng lạ, tôi không thích những thứ ồn ào đã đành, lắm lúc tôi thấy mình sợ cả bóng tối. Lúc bé, hoàng hôn là điều gì đó thú vị lắm. Bởi thứ ánh sáng thưa thớt của những ngôi nhà, không cách xa nhau thì cũng không đủ điện, chẳng thể cưỡng lại thứ bóng tối đang khuất dần mỗi lúc mặt trời đỏ ngầu lặn xuống đằng xa. Buổi hoàng hôn là lúc tôi hay ngồi thừ ở trước sân nhà, nhìn ra xa xa, qua đám lau sậy,  bụi rậm, để chờ trời tối. Cừ từ từ, từ từ như vậy. Để rồi xung quanh tối đen như mực. Và cái bóng đêm đấy khiến cho người, cả mấy nghìn năm nay, đều kiếm tìm ánh sáng. Khi đấy là tôi sẽ tận hưởng cái thứ ánh sáng từ bất kỳ nguồn sáng nào trong nhà. Bóng đèn tròn. Hay Ti-vi. Rồi sau đó là bóng đèn nê-ông. Đèn bàn. Đèn pin. Nhưng tất cả những nguồn sáng đấy sẽ có lúc phải bị tắt. Để cả căn nhà tối om. Và tôi không ngủ được, không ngủ ngay được.
Tôi sẽ nghĩ. Có gì trong cái bóng tối kia chờ đợi mình. Có gì? Một thứ hình hài không rõ nào đó, ghê tởm, đáng sợ, sẽ chui từ cái ngóc ngách nào đó ra tóm lấy chân. Hay đơn giản chỉ là một con nhện chân kim lạc vào trong màn bò lên mặt ngưa ngứa. Hay tiếng cóc từ đâu đó trong góc nhà. Và thế tôi sẽ co rúm trong chăn, hoặc quay sang ôm chặt lấy bố tôi, người đàn ông không-sợ-gì-cả. Để cố lắng nghe lấy cái tiếng kể chuyện đều đều từ chiếc ra-đi-ô của bố, nhìn chằm chằm vào cái đèn đỏ nho nhỏ của nó để mà chìm vào giấc ngủ. Rồi đôi khi trong giấc mơ tôi mơ thấy người chết. Chẳng bao giờ tôi chết, mà là những người xung quanh tôi, bố mẹ tôi. Và rồi tôi khóc. Nức nở. Trong mơ. Cả ở ngoài nữa. Tôi mơ thấy những bộ xương trắng nằm trong đất. Lạnh lẽo, cô đơn, vĩnh hằng. Giống như bộ xương của cô cung nữ ở bộ phim cổ trang Việt Nam tôi xem buổi chiều.
Lúc bé thì còn người dỗ dành. Lớn hơn một chút, những giấc mơ như thế để tôi khóc một mình trong đêm. Tôi sợ cái chết, như thể tôi sợ bóng đêm bao quanh vậy. Cái chết hay bóng đêm đấy, là điều chắc chắn. Chẳng có gì chắc chắn bằng bóng đêm. Chẳng có gì hiển nhiên như cái chết. Thứ vĩ đại tuyệt đối đấy khiến cho tâm hồn đứa trẻ chịu không nổi, có đến thành niên thì cũng chịu không nổi. Giống lúc bố tôi nói rằng ung thư không chữa được và bà tôi sẽ mất. Để đêm tôi nghĩ đến cái thứ mà chắc chắn tôi sẽ mất – một người thân. Và tôi khóc. Khóc nhưng cố gắng không để ai nghe thấy. Rồi cứ thế mà vỡ òa lên. Để mọi người thức dậy, nói với tôi rằng “thương bà như thế là tốt”. Nhưng có nghĩa lý gì đâu, bởi bà tôi vẫn sẽ mất, chắc chắn, hiển nhiên, tuyệt đối.
- Mua cho bà đi.
Giọng già nua cắt câu chuyện của bạn tôi với tôi, bạn tôi từ chối. Tôi theo phản xạ, cũng định như vậy. Rồi đột nhiên tôi thấy cái dáng của bà cụ giống bà nội tôi thế. Tôi chẳng nỡ, tôi mua.
Mà người trưởng thành có những cách đối xử với cái chết thật trưởng thành. Họ làm quen với việc đấy, chấp nhận nó. Những ai đi qua chiến tranh coi nó hiển nhiên. Như mẹ tôi vẫn kể cái chuyện nhà bên bị bom dội chết hết với cái giọng kể chuyện, nhớ lại, chứ chẳng còn mấy sự bàng hoàng trong đấy như lúc mẹ tôi lần đầu đối mặt với nó. Bố tôi kể lại chuyện bạn bè đi chiến trường bỏ mạng ở Quảng Trị cũng vậy. Người ta đi qua mời phúng viếng, giọng cũng xã giao như không. “Bà cháu mất rồi”, “Ông cụ nhà tôi mất rồi”, “Cô A mất rồi”, “Chú B mất rồi”. À, phải rồi, họ đã quen với việc người ta già người ta chết, người ta bệnh người ta chết. Họ cũng quen với việc ra ngoài phải giữ mặt mũi, nên họ không thể ngay ở đấy mà gào khóc được. Giả như họ có làm thế được thật đi chăng nữa, thì sức đâu làm được nổi đến ba trận. Họ còn cần sức để khóc ở đám tang. Nơi mà người ta sẽ còn thuê hẳn một đội khóc thuê để trợ giúp họ, khiến cho tiếng kêu thán kéo dài từ đêm đến ngày, qua trưa hôm sau, đến đầu giờ chiều, cho đến khi cái cỗ quan tài đấy được nhấc lên, khênh ra đồng, chôn dưới cái hố sâu hoắm.
Đôi khi tôi không chịu được cái việc quen với cái chết đấy. Đôi khi tôi vẫn muốn phản kháng. Đôi khi tôi không muốn ở cuộc đời tôi phải mất ai cả. Để rồi đến lúc mỗi lần việc đấy xảy ra, mỗi lần có ai đó bước ra khỏi cuộc đời tôi theo cái cách họ sẽ đi về cõi vĩnh hằng, tôi lại đau khổ. Mà ký ức đâu có đau, những khoảnh khắc gợi về mới đáng sợ.
Như lúc bố tôi bật khóc ở cái chương trình Táo Quân Tết Nguyên Đán năm ấy khi nghệ sĩ Tự Long hát trên truyền hình về mẹ. Cái chất giọng Chèo vốn da diết, hát về một người đã khuất hẳn phải khiến cho một cái khoảnh khắc ngọt nào nào đó về bà tôi dấy lên trong lòng bố tôi. Và bố tôi khóc. Tôi phải cắn răng để không bị cuốn vào cái cảm xúc đấy của bố tôi. Mẹ tôi bảo có cái gì đâu mà phải khóc. Vì thần kinh bà vững hơn ông. Vì bà trưởng thành về tâm trí hơn ông theo một cách nào đó. Cũng có thể vì cái bệnh trầm cảm khiến cái nhạy cảm vốn sẵn có trong lòng ông càng trở nên lay động hơn bao giờ hết.
- Bác B năm vừa rồi suýt nữa chết, hai lần mổ, tưởng không qua, may mà giờ cũng đỡ rồi – Cô giáo tôi nói về chồng cô, giọng cô vẫn thế, sau bao năm, vẫn như lúc lần đầu cô giảng bài trên bục cách đây cũng ngót nghét gần hai chục năm.
- Vâng – Tôi thở dài, không biết vì cảm thấy nhẹ nhõm, hay nặng nề khi nghe vậy.
Có nhiều thứ vẫn thế. Như cô giáo tôi, hay căn nhà cô ở mỗi đợt ngày Nhà giáo về. Hoa. Thiệp. Bàn, ghế, bộ ấm chén. Đèn nê-ông nhàn nhạt. Trời mùa đông lấy đi ánh sáng nhanh hơn các mùa khác. Đứa bé, cháu cô, ngồi trong chiếc ghế nhỏ có đai giữ, nhìn tôi với ánh mắt lo lắng. Trẻ con vốn vẫn không thích tôi. Bởi cặp kính, hay có lẽ bởi khuôn mặt, hoặc cũng có thể vì cái thứ chán ghét cuộc đời ít khi tôi giấu giếm, hoặc giấu giếm rất kỹ nhưng chẳng qua mặt được những đứa trẻ, những nhà hiền triết tự nhiên, cho đến khi chúng biết nói.
- Không phải sợ - Tôi cười nói, nhưng có vẻ cũng chẳng ăn thua gì.
- Sao không qua với chúng nó? – Ý cô là đám bạn tôi
- Sáng em bận cô ạ - Thực ra là tôi không có gì để ngồi với chúng nó nổi cả.
- Có đủ hết không cô?
- Vẫn mấy đứa đấy thôi, à có thằng A không đến, nhưng cô cũng gặp nó đợt đám tang mẹ thằng H đợt rồi.
- Mẹ thằng B mất rồi ạ? Vì sao thế ạ? – Tôi nhíu mày hỏi.
- À, ung thư.
Giọng cô vẫn nhẹ như không. Tôi thở dài. Ngồi im lặng một lúc.
- Thế là lớp mình phụ huynh là mất bốn người rồi đấy.
Tôi giật mình. Đã bốn người rồi sao. Rồi không chờ tôi kịp nhớ lại, cô đã liệt kê lại cho tôi. Cô vừa nhìn tôi vừa nói, nhưng tôi biết cô không nhìn xa được, mắt cô không còn tốt nữa rồi. Cô không còn trẻ khi cô mới dạy chúng tôi, nhưng giờ thì tuổi già của cô rõ ràng quá. Và tôi lại phải nói cái câu mà tôi rất ghét. Nhanh thật, mới đấy mà đã … năm rồi. Bởi vì kiểu gì cô cũng nói. Đứa bé đột nhiên khóc ré lên. Chẳng lẽ cái “rất ghét” của tôi nó rõ ràng thế ư.
- Để cô dỗ nó một lúc nhé, ông ơi, ra có khách này, thằng T nó đến chơi này.
Và bác ra ngồi nói chuyện với tôi. Được một lúc xã giao thì hết chuyện. Bác ngồi lặng thinh, nhìn ra cửa, không biết bác nghĩ gì. Tôi cũng không nói gì. Khi người già im lặng, thường thì họ đang ở một cái hành trình suy nghĩ chậm chạp hỗn loạn nào đó không ai nên ngắt quãng nó. Không, họ không khó chịu vì bạn ngồi ở đấy đâu. Cuộc đời này còn mấy thứ để mà họ cảm thấy khó chịu nữa. Rồi chợt nhìn thấy cái khăn của đứa bé con rơi xuống, bác chậm chạp đứng dậy, ra nhặt, quay lưng về phía tôi, bác nói, tôi nghe thấy, nhưng tôi không rõ bác nói với tôi hay nói với chính mình.
- Nuôi được đứa bé, chăm bẵm, rồi nó lớn… - Bác kết câu bằng cái chẹp miệng.
Bác gấp khăn rồi để lên cái ghế, rồi lại quay lại, chậm chạp ngồi lên ghế. Chúng tôi vẫn không nói gì. Ngồi đây tôi thấy mình thật cũ. Và đến một lúc nào đó, cái cũ đấy sẽ trở thành không còn. Tôi thở dài, chợt thấy trống trải vô cùng. Tôi chờ cô ra, tặng cô cuốn sách, rồi đi về.
Trời đen kịt. Nhưng đèn hàng quán đủ sáng để tôi thấy người ra ra vào vào, đi đi lại lại trên đường tấp nập. Có điều tôi chẳng thấy an toàn hơn.
Tôi chợt nhớ đến một cái gì đó. Để lòng tôi nhộn nhạo, quặn thắt. Tôi dừng xe. Nhìn lên trời. Tôi thấy mình thật lạc lõng. Tôi thấy nhân loại thật lạc lõng. Tôi thấy cái trái đất này thật lạc lõng. 
Thật lạc lõng…