Thằng Tài
Thằng Tài tần mần vớ lấy cái điều khiển ti vi, giống như mỗi ngày, nó mở ti vi và nghe, nghe bất cứ một chương trình nào đó vô tình...
Thằng Tài tần mần vớ lấy cái điều khiển ti vi, giống như mỗi ngày, nó mở ti vi và nghe, nghe bất cứ một chương trình nào đó vô tình lọt thỏm vào lổ tai. Đã hơn nửa năm, cha nó qua nhà bà ngoại nằm dưỡng bệnh. Cái căn bệnh khốn nạn bủa vây một người đàn ông đang tuổi trung niên.
Gia đình Tài có hai anh em, nó là út. Thằng anh nó tên Phúc, đang theo học lớp cao đẳng điện. Những ngày ba còn mạnh khỏe, Phúc hay tụ tập bạn bè cà phê tâm tình đến khuya. Về nhà, nó đập cửa ra hiệu cho cha mở, cuộc sống của một thằng đang tuổi trưởng thành cứ vậy mà tiếp diễn. Tài lúc nào cũng vô tư, mở miệng là “Cha cứ qua nhà nội chơi đi, Tài ở nhà trông nhà, không sao hết”. Mà có sao đâu, Tài cũng đã 20 tuổi rồi chứ ít, cha nó cứ lo thừa, một bà dì nào đó vẫn thường thốt lên mỗi lần người ta nhắc về chuyện này.
Khói bếp lạnh ngắt, vài cái chén chất chòng lên nhau mệt mỏi dính đầy vết ố bẩn. Cái lò đầy tro, bụi bay tung tóe mỗi độ gió thổi vào nhà trái. Trên nóc nhà mạng nhện treo chằng chịt. Tài lò mò vịn cửa ra tới đằng sau, vớ lấy cái chén cơm anh hai bỏ sẵn trứng chiên, rồi ngồi luôn lên cái ghế gần đó. Ăn sáng. Tài bị mù bẩm sinh. Từ khi chào đời, mắt đã không có tròng. Vài người thân kể lại, hồi xưa đi xem bói, ông thầy bói phán kiếp trước Tài lỡ xô ngã một người xuống vực nên kiếp này mang thân thể mù lòa. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng tôi cảm nhận Tài có thể nhìn rõ mọi thứ, mặc dù đôi mắt nó luôn diếp lại, vô hồn.
Một buổi sáng nọ, tôi thấy nó khép nép bước đi trên đường, nghĩ bụng sao một thằng mù mà lại đi đứng điêu luyện trên con đường đầy xe thế kia. Tôi ngờ vực dõi theo. Nó vẫn đi, tay mò mò như đang đợi chờ một cái nắm chặt. Nó đi gần đến cổng trường tiểu học, phụ huynh chạy ra chạy vào cổng trường tạo nên một khung cảnh hỗn loạn. Bất đắc dĩ, tôi ngừng công tác theo dõi Tài… Rồi bước lên ngang nó, tôi nắm lấy cánh tay gầy guộc, toàn xương. Chẳng đợi tôi nói điều gì, nó với lên:
- Chị ba phải không, chị ba hả?
Quái, thằng này nó mù mà sao giỏi thế, mình chưa mở miệng mà nó đã biết danh tính mình rồi, ngộ thiệt ngen. Nghĩ lát, tôi ừ với nó rồi hỏi nó muốn đi đâu, nó chìa ra tờ 20 ngàn:
- Em đi mua sì - ting dâu uống.
- Ơ, mới sáng sớm mà mày uống nước ngọt rồi hả
- Em mua thêm xôi ăn sáng nữa
- Oầy, mày giàu hơn tao rồi, mày ăn sang quá
Nói xong, tôi và nó cười phá lên. Tôi kéo nó bước vào cổng trường, bên trong có căn tin nho nhỏ, nơi nó muốn đến.
- Không phải đường này đâu chị ba, đi một khúc nữa, trên kia đường vô gần hơn, đi nhanh hơn
- Úi chao, mày mù mà rành đường phết, giỏi hơn cả tao
- Hôm nào em chả qua đây ăn sáng
Hai tiếng “ăn sáng” nó thốt lên tôi nghe oai lắm, oách lắm, nghe cứ như bọn nhà giàu ăn sáng bằng điểm tâm hay hamburger gì đó. Mà nghĩ lại, nhúm xôi nhỏ với chai nước ngọt với nó đã là một thức ăn thuộc hạng thượng lưu rồi chứ chẳng đùa. Dân quê mà, ăn sáng hết 20 ngàn đã là sang rồi.
Thằng Tài hay lắm. Nó còn biết xài điện thoại cảm ứng nữa. Nghe lạ lắm, một thằng mù xài điện thoại đã lạ, đằng này, nó xài luôn cảm ứng - cái thứ mà ở quê, mấy cô chú biết chữ, sáng mắt vẫn không xài được. Từ ngày nó lượm lại cái điện thoại đó từ anh hai, trông nó mừng lắm. Suốt ngày nó lướt lướt, rồi nghe nhạc, bật kịch xem, mà không nhìn thấy nhưng sao nó vẫn xem, ngộ lắm. Rồi lắm lúc tôi lại ngờ vực, nhưng dù vậy tôi không còn ý định điều tra nó nữa. Tôi nghĩ bụng, thằng này mà nó biết đến facebook nhắm chừng nó cũng xài ra trò chứ chẳng đùa.
Tài có lương, một tháng bốn năm trăm ngàn gì đó. Có khi còn được người ta phát miễn phí sữa, bánh, gạo nữa. Tự dưng, tôi thấy nó mù mà nó oách thật, nó chẳng phải làm gì cũng có tiền để ăn sáng, có sữa để uống. Thỉnh thoảng, nó càu ràu giận lẫy vì cha nó đưa thiếu tiền ăn sáng. Hoặc có khi cha nó không kêu kịp gánh bún chạy ngang nhà, nó cũng giận.
Một buổi đẹp trời khác, chẳng biết bằng cách nào, nó có mặt tại nhà ngoại tôi từ rất sớm, ngoại tôi cũng chính là nội của nó. Nó cười nói hí hửng với mấy dì, điệu bộ vui vẻ. Góc trái nhà, trên giường, cha nó đang nằm ư ử mệt mỏi. Chắc nó cũng chẳng biết cha nó bệnh nặng như thế nào đâu, tôi nghĩ vậy. Mà có khi vậy lại tốt, nó không cần buồn rầu như thằng Phúc, nghỉ học cả tuần, chạy đôn chạy đáo lo thuốc men cho cha. Nhà nó khá, nhưng từ lúc cha bệnh, vụ mùa trúng cũng thành thất, bao nhiêu tiền đổ dồn vào tiền thuốc men, khám bệnh, mời thầy.
Nghe đâu ở miệt trên có ông thầy cúng giỏi lắm, có người bị y chan như cha thằng Tài. Chỉ nghe có vậy, ngoại tất bật gọi cậu chở đi liền, rồi cúng bái đi chùa, thử tất. Con thì mù, cha thì bị bệnh mắt, oái ăm, ngoại than miết, nghe não lòng. Bác sĩ kết luật bị viêm nhiễm do đi phun thuốc lâu ngày mà không cẩn thận làm ảnh hưởng mắt. Ngoại rầy, cằn nhằn:
Cái thằng này đã thân gà trống nuôi con lại còn cố ôm việc, mướn người ta làm bớt thì đâu đến nổi…
Mấy dì thở dài ra về. Ai cũng buồn lắm. Qua khe cửa, ở nhà trước thằng Tài vẫn ung dung ngồi trước ti vi, nghe ca nhạc.
Mấy năm trước, người ta giục ba nó lấy vợ. Nhưng không, ba nó cứ vậy mà gà trống nuôi con. Thỉnh thoảng lại nghe đâu ngoại mới tìm được một mối mới cho ba nó, nhà cũng gần đây, góa chồng, con một. Từ ngày ba nó bệnh, những người thân thay phiên chăm nom, chỉ có ngoại là túc trực thường xuyên. Thỉnh thoảng, ba nó mếu máo rằng vừa mơ thấy mẹ thằng Tài, rủ về chung nơi nào đó để sum vầy. Ngoại đau lòng, nhăn nhún nhìn thằng con trai tội nghiệp, góa vợ, bệnh tật.
- Phải chi mày nghe tao, cưới đứa nữa thì mày đâu phải cực nhọc như vầy
Tôi chẳng đủ lớn để hiểu nổi mọi sự, nhưng tôi cảm nhận được cái tình yêu mà cha nó dành cho mẹ nó. Có gì đó sâu sắc, khó mờ. Vả lại, đi bước nữa, rồi thằng con mù, rồi cái cảnh mẹ ghẻ con chồng… Nghe tới đã rầu cả ruột.
Ơn trời, ba nó khỏi. Mắt vẫn sưng phù một bên, mờ đục. May là một bên vẫn còn sáng. Mọi người cũng chỉ mong có thế. Mọi người đưa ba nó trở lại nhà. Từ cửa sau, đã nghe tiếng ti vi, chắc nó lại xem phim rồi nghe nhạc gì đó.
Dạo trước, thỉnh thoảng gặp nó, tôi lại hỏi:
- Tài, mẹ mày đâu rồi
Nó vô tư:
- Mẹ đi chùa rồi, mẹ ở đó luôn, Tài ở với ba và anh hai
Nghe thì xót lắm, nó cứ như một đứa trẻ, chẳng lo gì. Nhiều lúc tôi nghĩ chắc nó chỉ lo mỗi việc sáng ăn gì, trưa ăn gì, chiều tối ăn gì thôi. “Thằng Tài - nó sống hạnh phúc thật”. Tôi hay nói như vậy với mẹ.
Khỏi bệnh, ba nó cũng chẳng đi bước nữa mà quyết định cưới vợ cho anh hai nó luôn. Vậy là thằng Tài có chị dâu, chắc nó không cần đi mua đồ ăn sáng nữa rồi. À, vậy là nó hết ăn sang rồi. Lâu lâu về quê ngó ngang tôi thấy căn bếp nhà nó được cất lại, thành vách thẳng tấp. Thoang thoảng mùi khói, chắc chị dâu nó đang thổi cơm hay nấu canh cũng nên. Cái nhà đó chắc giờ bếp núc cũng nóng bừng, chắc đã sạch sẽ, tươm tất hơn rồi, tôi thầm nghĩ.
Bữa rảnh, tôi gọi về hỏi thăm sức khỏe gia đình, mẹ tôi hí hửng:
- Thằng Tài sắp được đi học đàn, ba nó đưa đi…
Trôi theo những câu mẹ nói, suốt buổi hôm đó, cuộc trò chuyện xoay quanh hai tiếng “thằng Tài”, giờ ở quê chắc nó sướng lắm, sắp được đi học nghề, cái điều mà cả đời chắc nó cũng không bao giờ dám mơ đến. À mà có khi nó cũng chả có thời gian để mà mơ, vì cuộc sống với nó vốn dĩ đã quá nhiều việc hay ho lắm. Rảnh tí lướt điện thoại, rảnh nữa nghe ti vi nói chuyện, rảnh nữa đi thì mua đồ ăn sáng, rảnh nữa thì hờn ba nó vì đưa mỗi 17 ngàn trong khi chế độ ăn sáng của nó tận 20 ngàn mới đủ…
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất