Bài viết sẽ khá dài, nêu ra từ những tìm hiểu, nghiên cứu độc lập của mình, do đó có thể đa chiều - có thể phiến diện mong mọi người chỉ xem như một status cá nhân và mình không ngại việc được mọi người hỗ trợ xây dựng nội dung để bài viết ngày càng tốt hơn. merci
Từ sau hiệp định Genève (1954) tình hình chính trị tại Việt Nam chuyển biến một cách đặc biệt: Hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau thậm chí là đối lập một cách sâu sắc. Trong khi Bắc Việt tiến đến xây dựng chủ nghĩa Xã Hội thì ngược lại miền Nam trở thành thuộc địa của thực dân mới, chính quyền Ngô Đình Diệm được dựng lên dưới sự hậu thuẫn to lớn từ phía Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính quyền Diệm tồn tại không lâu vì những sự mâu thuẫn nội bộ giữa bộ máy "gia đình trị" của Diệm và chính phủ Hoa Kỳ nhưng điều đó chưa bao giờ làm chậm những âm mưu xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Xuyên suốt quá trình "bình định" Việt Nam, chính phủ Mỹ đã thực hiện nhiều kế hoạch-chiến lược khác nhau nhưng điểm chung đều chỉ có một: Hợp thức hóa quá trình xâm lược Việt Nam.

I| Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Giữa năm 1965, khi chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại, Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, có thể định nghĩa một cách đơn giản công thức của chiến lược này: đó là sự tổng hợp của quân lực-khí tài Mỹ, đồng minh Mỹ cùng với lực lượng chính quyền Sài Gòn. Trước tình thế đó, ta đã nhận định tính quan trọng của việc chuyển hướng này như sau:
"Với việc thay đổi chiến lược chiến tranh như trên của đế quốc Mỹ, cách mạng và cuộc kháng chiến của nhân dân ta đứng trước một tình thế hiểm nghèo" -"Vận mệnh của dân tộc, chiều hướng phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta và trên một mức độ nào đó của cả phong trào cách mạng thế giới, phụ thuộc vào câu trả lời về cách thức chúng ta xử trí tình huống chiến lược hệ trọng này"
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà nội, 1998, tr.19.
Từ ngày 20 đến ngày 24-10-1967, Bộ Chính Trị họp bàn cụ thể về chủ trương và kế hoạch cho cuộc tiến công táo bạo tết Mậu Thân dựa trên cơ sở "dự thảo Kế hoạch chiến lược Đông-Xuân-Hè 1967-1968" được đồng chí Văn Tiến Dũng trình bày ngay trong hội nghị. Cuộc tổng tiến công nhanh chóng được triển khai qua 3 đợt. Đợt 1 mở màn bằng trận nghi binh của quân ta tại Khe Sanh (Quảng Trị) nhằm uy hiếp tuyến phòng thủ đường 9 của chính quyền VNCH, liên tiếp sau đó là hàng loạt cuộc tấn công diễn ra trên khắp miền Nam Việt Nam, tại Cần Thơ, Trà Vinh, Sài Gòn, Phan Thiết, Đà Lạt,.... Sau sự vang dội của cuộc nổi dậy đợt 1 đã tấn công trực diện vào nhân tâm nước Mỹ, gây ra những chuyển biến "chua cay" trong nội bộ chính phủ Mỹ: tướng William WestmoreLand bị cách chức, bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara phải từ chức. Tại Mỹ, làn sóng biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam diễn ra một cách mạnh mẽ. Theo Nathaniel James, một nhà hoạt động vì hòa bình đã chia sẻ: “Phong trào phản đối chiến tranh đang bắt đầu lan rộng nhanh chóng nhưng chỉ thực sự bùng nổ sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Sự kiện này là bằng chứng cho thấy cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải dành cho người dân Mỹ. Nó cũng chứng minh nước Mỹ có thể sẽ thua và sẽ không đạt được gì cả".
Những người biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam trước cửa Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ tại Chicago năm 1968. Ảnh: Arthur Rothstein
Những người biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam trước cửa Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ tại Chicago năm 1968. Ảnh: Arthur Rothstein
Kết thúc đợt 1 của chiến dịch, do phía Hoa Kỳ trì hoãn đàm phán Hội nghị Paris, mặt trận ngoại giao năm 1968-1972 bị kéo dài thêm nữa, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam buộc phải tiến hành đợt tấn công thứ 2 rồi sau đó là đợt 3. Ở bài viết này chúng ta không đi quá sâu vào quá trình, diễn biến và những thành công cùng hạn chế của cuộc nổi dậy 1968 mà thứ chúng ta cần quan tâm lúc này là những vấn đề xoay quanh câu chuyện "Thảm sát Huế" mà cả ba bên: Mặt trân Dân tộc giải phóng miền Nam, quân đội Bắc Việt (Quân Đội Nhân Dân Việt Nam) và chính quyền VNCH (Việt Nam Cộng Hòa) - Hoa Kỳ đều đưa ra những điểm tranh luận nhằm cáo buộc nhau về tội ác tại Huế.

II/Cuộc thảm sát tại Huế và vấn đề từ các bên.

Là một phần trong chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), lịch chung cho toàn quân Giải phóng về Huế là ngày 30 ăn Tết. Giờ G ấn định lúc 2h30, ngày 31/1/1968 tức rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân (lúc này có sự chênh lệch múi giờ giữa hai miền, theo đó: múi giờ miền Bắc là GMT +7, ngược lại miền Nam vẫn giữ giờ Bắc Kinh GMT +8 do đó miền Bắc sẽ ăn Tết sớm hơn miền Nam 1 ngày). Sau khi chiếm được Huế chính quyền Huế lúc này được chủ trương thay bằng chính quyền cách mạng. Trong vòng vài ngày sau đó quân lực VNCH và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (USMC) cùng quân đội Hoa Kỳ đã phản công nhằm chiếm lại thành phố Huế. Để nhanh chóng tiêu diệt quân ta tại Huế, Mỹ triển khai việc tấn công bằng hàng loạt đợt pháo kích, không kích cả trong và ngoại vi thành phố. Hành động này đã gây ra cái chết cho nhiều thường dân lẫn trong binh lính hai bên mà sau đó chính quyền Sài Gòn và Mỹ đã tự đặt ra cáo buộc đây là cuộc thảm sát do những người cộng sản làm ra dù chính tay họ đã gây ra điều đó. Một số tài liệu Mỹ và phương Tây cho rằng trong lúc chiếm giữ Huế, quân Giải phóng đã xử tử nhiều nhân viên quân sự và dân sự thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Theo ông Mark Woodruff, một báo cáo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng bắt được ngày 25 tháng 4 năm 1968 ghi rằng họ đã "diệt 1.892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, 790 tên ác ôn, sáu đại úy, 1 trung úy, 20 thiếu úy và nhiều sĩ quan trừ bị…" tại Huế. Cho đến hiện nay rất nhiều tài liệu, thông tin "chính thống" được đưa ra từ phía các bên, trong đó số thông tin từ Mỹ hay người dân, quân nhân của chính quyền Sài Gòn cũ chiếm đa số. Họ đưa ra những cáo buộc về hành động của quân giải phóng dựa trên một số tài liệu họ thu thập được và là bằng chứng đanh thép về cộng sản chẳng hạn như bộ tài liệu dày 1500 trang được ban hành ngày 26/1/1968 bởi Ban Chính Trị Trị-Thiên-Huế (Quảng Trị-Thừa Thiên-Huế) được viết bằng....tiếng Anh.
Khi nói về những vấn đề xoay quanh "Thảm sát Huế" thì tác giả, sử gia người Mỹ Douglas Pike là một tác giả tiêu biểu đại diện cho phía Mỹ khi nói về cuộc chiến tại Huế qua bài báo cáo "The Viet-Cong Strategy Of Terror" (1970). Như những thông tin từ những người được cho là nhân chứng lịch sử tại Huế năm 1968, cuốn sách trên cũng nhấn mạnh vào việc cáo buộc quân Giải phóng và chính quyền Bắc Việt về trách nhiệm của họ trong cuộc thảm sát tại Huế. Cho đến nay báo cáo này cùng tài liệu 'Nghiên cứu thảm sát Huế' từ kho tư liệu của Pike hầu như là nguồn chủ đạo cho những nội dung xoay quanh vấn đề "Thảm sát Huế", do đây là nguồn tài liệu duy nhất cung cấp được chi tiết cũng như toàn cảnh về việc khai quật các mộ tập thể với khoảng 2800 thi thể và những hình ảnh thường thấy liên quan đến sự kiện, ngoại trừ những ảnh do Larry Burrows chụp lần khai quật mộ tập thể tháng 4/1969 (cho tạp chí Life, có bức ảnh nổi tiếng vợ khóc bên xác chồng,) và các video do tâm lý chiến VNCH thực hiện, các ảnh còn lại hầu hết có xuất xứ từ kho tư liệu của Pike.
ảnh chụp bởi Larry Burrows
ảnh chụp bởi Larry Burrows
Douglas Pike đã hết sức khéo léo trong việc khớp nối địa điểm được cho là mộ tập thể, những thông tin chính trị về "Việt-Cộng" để có thể đưa đến một kết luận cuối cùng rằng: Việc gây ra thảm sát tại Huế đã và luôn nằm trong kế hoạch sẵn có của mặt trận Giải phóng và việc làm này sẽ được lặp lại khi quân Giải phóng dành được chính quyền. Những dự báo trên của Douglas đã được giới truyền thông và lãnh đạo Mỹ nhắc đi nhắc lại mãi tới 1975. Kéo theo đó là việc mất niềm tin cùng tâm lý sợ hãi chính quyền Cộng sản từ phía nhân dân miền Nam, điều này là tác nhân to lớn cho những cuộc chạy loạn trong các năm 1972-1975 của nhân dân toàn miền Nam, đặc biệt là nhân dân Sài Gòn.
Nhiều học giả Đông-Tây đã phản bác những nghiên cứu của Douglas. Chủ yếu xoay quanh hai vấn đề: số nạn nhân bị quân Giải phóng xử tử và liệu việc thảm sát có nằm trong kế hoạch sẵn có như Douglas đã cáo buộc hay không. Gareth Porter một nhà báo điều tra và nhà phân tích về các chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ năm 1974 đã phủ nhận bản báo cáo của Douglas Pike. Ông cho rằng Pike đã sửa đổi các con số về tổn thất nhân mạng thường dân trong trận chiến tại Huế, đối với Gareth Porter trên thực tế số dân thiệt mạng chưa đến 4000 nhưng theo tổng kết của Douglas Pike: Tổng số dân sự tử vong: 7.600 - chết lẫn mất tích. Tại chiến trường: 1.900 binh lính phía VNCH và Mỹ bị thương; 944 thường dân chết vì chiến cuộc.
Nạn nhân của những vụ giết tập thể:
+1.173 số tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến , 1968  
+809 - số tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-7, 1969  
+428 - số tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) - tháng 9, 1969 
+300 - số tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phu Thu, tháng 11, 1969  
+100 - số tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969
+1,946 - mất tích (tính đến năm 1970)
Ngược lại, theo Gareth Porter viết sau đó "tại địa điểm trường trung học Gia Hội, báo cáo chính thức của Mỹ, dựa trên thông tin cung cấp bởi Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10, đưa ra tổng số 22 mộ tập thể và 200 tử thi, với bình quân 9 tử thi mỗi mộ. Nhưng khi Steward Harris [phóng viên Thời báo Luân Đôn] được đưa đến địa điểm đó, người sĩ quan Việt Nam hộ tống nói với anh ta rằng mỗi ngôi mộ trong số 22 ngôi có từ 3 đến 7 xác, cho ra tổng trong khoảng từ 66 đến 150. Cũng khoảng trong thời gian đó, Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10 xuất bản một cuốn sách nhỏ dành cho người đọc Việt Nam, trong đó nói rằng tại trường học có 14 mộ (chứ không phải 22), con số này còn làm giảm tổng số hơn nữa.... Toàn bộ những vùng tìm thấy các hố chôn là chiến trường trong nhiều tuần của năm 1968. MTGPDT đã tiếp tục giữ nhiều làng nhỏ ngay cả sau khi đã bị đẩy ra khỏi thành phố, và một số làng vẫn nằm trong quyền kiểm soát của họ trong hàng tháng, khi các máy bay ném bom của Mỹ đánh phá họ dữ dội...Làng Phú Mỹ, chỉ cách Huế 3 dặm về phía đông, là một trong các làng đã bị các đơn vị Cộng sản chiếm giữ trong cuộc tổng tấn công, khi nhiều nam giới trẻ nằm trong tuổi quân sự đã được gọi vào Quân Giải Phóng. Theo một cuộc phỏng vấn sau này với một người dân làng, máy bay Mỹ đã liên tục ném bom làng, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và làm dân thường thiệt mạng....Phú Xuân, cách Huế 13 dặm, đã là chiến trường của các cuộc giao tranh dữ dội, trong đó có sự sử dụng mạnh của không lực Mỹ, trong các tuần nối tiếp cuộc Tổng tấn công....". Bên cạnh đó bác sĩ Alje Vennema làm việc cho một đội y tế Canada tại bệnh viện Quảng Ngãi và đã tình cờ có mặt tại Bệnh viện Huế trong thời gian xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân và là người đã tự thẩm tra các địa điểm mộ, nói tổng số tử thi tại bốn địa điểm chính được phát hiện ngay sau Tết là 68, chứ không phải con số 477 như đã được tuyên bố chính thức. Tuy không khẳng định rằng không có ai trong số các tử thi này đã là nạn nhân bị MTGPDT hành quyết, nhưng ông nói rằng các bằng chứng cho thấy hầu hết họ là nạn nhân của các cuộc giao chiến trong vùng chứ không phải do giết chóc chính trị. Trong trường hợp các địa điểm trong khu lăng vua, ông khẳng định rằng hầu hết các tử thi có dấu vết của quân phục. Ông kể rằng đã hỏi chuyện các dân làng gần đó, họ nói rằng trong các ngày 21 đến 26 tháng 2 khu vực trung gian đã bị bom và pháo dữ dội. Và, trái với các tuyên bố của chính phủ rằng nhiều nạn nhân đã bị chôn sống tại đó, Vennema nói rằng tất cả các tử thi đều có các vết thương. Từ đó có thể thấy rằng những số liệu của Douglas Pike hay chính trong những báo cáo, thông tin mà phía VNCH đưa ra là vô cùng mâu thuẫn. Hành động này tương đối dễ hiểu khi chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nhìn ra phần nào tương lai của họ trong cuộc chiến. Cuộc nổi dậy xuân Mậu Thân nhìn chung là một cuộc tiến công thất bại khi sự chỉ đạo từ trung ương không được ăn khớp với hành động tại địa phương, gây thiệt hại nhiều về sức người và của. Song cũng không thể không công nhận sự thành công về mặt trận tâm lý đối với chính phủ Mỹ, kích thích mạnh phong trào phản chiến có sẵn tại Mỹ và nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Những hành động sau đó từ phía VNCH càng tạo thêm nhiều sự hoài nghi về sự thật thông tin mà họ đưa ra về số liệu tại thảm sát Huế. Cũng theo Gareth Porter : "Trong các tháng Ba và Tư, khi các tử thi được cho là của nạn nhân các cuộc hành quyết của Cộng sản đang được khai quật, chính quyền Sài Gòn không cho phép bất kỳ phóng viên nào xem các địa điểm có mộ hay các tử thi, mặc dù tại thời điểm đó có rất nhiều phóng viên nước ngoài đang có mặt tại Huế."  Marc Riboud, người đã vài lần yêu cầu được nhìn thấy những ngôi mộ, đã liên tiếp bị từ chối cấp phép. Khi cuối cùng anh ta dùng trực thăng để đến địa điểm đã thông báo thì phi công từ chối hạ cánh với lí do là vùng đất đó "không an toàn". Riboud không bao giờ nhìn thấy địa điểm đó, đến khi danh mục chính thức theo thời gian của các phát hiện và bản đồ tọa độ của các địa điểm có mộ được công bố, không có địa điểm nào giống với cái mà Đại tá Tỉnh trưởng Phạm Văn Khoa miêu tả. Tuy không thể nói rằng quân ta không gây ra bất cứ tổn hại gì cho cuộc chiến kể cả dân mạng, vẫn có những sai phạm nhất định từ những cán bộ cách mạng thật sự ác ôn như lời cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói nhưng không có đồng nghĩa với những con số khủng khiếp mà truyền thông Mỹ và VNCH đã đưa ra.
Về phía Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường một nhà văn khá quen thuộc với những ai chăm học qua tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" gắn liền với học sinh cấp 3 ở Việt Nam đồng thời cũng là người viết lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân Huế nổi dậy, ông được coi là người đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện cuộc thảm sát tại Huế theo cáo buộc của Mỹ và VNCH. Ông đã khẳng định mình cùng các cán bộ khác trú tại Sở chỉ huy tiền phương tại phía tây Huế chứ không hề vào thành trong thời gian diễn ra trận đánh, nhà Huế học-Nguyễn Đắc Xuân cũng xác nhận điều đó. Tuy nhiên sau đó, khi trả lời phỏng vấn đài PBS năm 1982, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng mình có mặt tại Huế trong thời gian đó. Ông nói rằng "Nói riêng về những người bị giết thì trong số đó tất nhiên có một số là do du kích cách mạng. Khi chúng tôi vào nhà để gọi họ ra thì họ bắn trả đến cùng; họ bắn đến độ có những chiến sĩ của chúng tôi đã bị thương; khi đó chúng tôi phải bắn trả khiến những người đó bị chết tại chỗ. Trong trường hợp đó có một viên phó tỉnh trưởng của Huế... Còn một số những trường hợp khác thì chính nhân dân do đã căm thù quá lâu, đó là những người đã bị (chính quyền Sài Gòn) tra tấn, bắt tất cả gia đình phải đi ở tù ra ngoài đảo... và đến khi cách mạng bùng lên, họ lấy lại cái thế của người mạnh, thì họ tự đi tìm những kẻ đó để loại trừ như trừ những con rắn độc mà từ lâu nay nếu còn sống sẽ tiếp tục gây tội ác trong chiến tranh. Có một số đó, mặc dù chúng tôi chủ trương rằng: những người đã bị bắt và đầu hàng để hỏi khai thác thì sẽ cải tạo chứ không giết, nhưng hành động của nhân dân trong một cuộc chiến tranh bùng nổ như vậy thì chính những người chỉ huy của cách mạng cũng không thể nào mà kiểm soát nổi họ, và họ đã tự mình thi hành lấy bản án tử hình với kẻ thù quá nặng nề của mình....Đa số những tù binh của chúng tôi đã được đưa đến các trại cải tạo trong rừng. Hầu hết trong số họ sau đó đã được thả. Chỉ có một vài trong số họ bị bệnh bởi vì họ không thích ứng tốt với khí hậu trong rừng. Tất cả họ đều đã trở về với gia đình. Nhưng một số người đã bị giết chết. Đa số những người này bị giết và được chúng tôi chôn cất tại thành phố, sau đó lại được khai quật bởi Mỹ và chính phủ Sài Gòn để quay phim. Trước hết, những người đó đã bị giết bởi bom đạn của Mỹ bắn phá trong các trận phản công. Ví dụ, máy bay Mỹ đã thả một quả bom trúng vào một bệnh viện ở vùng lân cận Đông Ba, giết chết và làm bị thương hơn 200 người. Đã có nhiều người theo lực lượng của chúng tôi vào rừng sau Tết Mậu Thân. Khi đối phương vào thành phố, họ đã giết chết các thành viên của các gia đình này và đưa đến các ngôi mộ tập thể. Thi hài quân Giải phóng mà chúng tôi không có thời gian đưa đi cũng được đưa đến các ngôi mộ tập thể. Ngoài ra, nhiều tù nhân chiến tranh đi cùng với chúng tôi đã bị giết bởi bom từ máy bay Mỹ cùng với cán bộ của chúng tôi. Trong khoảng 1975-1977, khi chúng tôi đào mương thủy lợi, chúng tôi phát hiện ra rằng, trong các ngôi mộ tập thể được cho là của "các nạn nhân bị thảm sát", toàn bộ các thi thể đều mang mũ tai bèo và trang phục của quân Giải phóng. Điều này thực sự là trò lừa tinh vi của chủ nghĩa thực dân mới. Họ định một đá ném hai chim. Đầu tiên, họ đã che giấu được tội ác của họ. Và thứ hai là họ đổ hết tội lỗi trên đầu quân Cách mạng. Một nhà sử học người Mỹ đến Huế sau đó đã nói công khai rằng đó là một chiến dịch tuyên truyền lớn mà Mỹ đã chi rất nhiều tiền và được sự chấp thuận của Kissinger, nhằm bôi nhọ quân Giải phóng". Hay theo nguyên Bí thư Thành ủy Huế, lúc này là Tư lệnh chiến dịch toàn Khu Trị Thiên Huế-Lê Tư Minh viết trong hồi ký năm 1988 rằng 'Trước hết là bom đạn Mỹ ném ào ạt xuống thành phố đã giết hàng ngàn dân thường, chúng bắn chết hàng loạt người tại chỗ khi tái chiếm thành phố, hàng trăm tù binh khác ta đưa ra, đáng lẽ được sống thì đã bị trực thăng Mỹ đón đường bắn chết, bởi hễ thấy đám đông là chúng bắn không phân biệt. Đó là một sự thật rõ như ban ngày, không phải là tội ác lớn nhất hay sao? Tuy nhiên, còn lại một mặt khác của vấn đề, việc trừng trị những người có tội ác đối với nhân dân trong một cuộc chiến tranh là điều không tránh khỏi, một khi quần chúng đã nổi dậy. Và trong trường hợp đó, không một chính phủ nào có thể kiểm soát nổi những hành động trả thù bộc phát do lòng căm ghét của quần chúng từ lâu bị bức xúc, hoặc do một thứ ý thức dân tộc có tính chất tự phát ở nơi mỗi người. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có tôi. Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là phải minh oan cho gia đình, con cái của những người đã chết trong hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý định xử họ vào tội chết; có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người".
Bản thân tôi khó lòng phủ nhận thậm chí là không muốn, không thể phủ nhận những sai phạm, sai lầm gây ra từ chính những người cán bộ cách mạng hay cả những người thường dân quá khích. Như trong sai phạm của cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc 1954-1956 ta đã quá tin tưởng vào chính sách từ những nhà cố vấn Trung Quốc, quá dựa dẫm vào giai cấp nông dân và cán bộ các cấp tại địa phương mà chưa chú trọng công tác tư tưởng dẫn đến việc oan sai cho hàng chục nghìn đồng bào, cán bộ đảng viên, người có công với cách mạng. Trong chiến dịch tại Huế, phần nào cán bộ cách mạng ta cũng gây ra những tội lỗi, có thể gọi là tội ác cũng không sai. Song việc thổi phồng những thông tin gây chia rẽ ấy thật sự còn tàn nhẫn hơn. Ngay ở tướng William Westmoreland cũng thừa nhận rằng :"Lúc trận đánh bắt đầu, quân Việt Nam (Sài Gòn) và lính thủy đánh bộ (Mỹ) định chiến đấu không dùng xe tăng, pháo binh và không quân yểm trợ vì muốn bảo vệ thành phố giàu di sản này, nhưng vì địch bám giữ một cách dai dẳng nên cứ theo cách đó thì mất quá nhiều sinh mạng binh lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Tổng thống Thiệu bèn cho phép dùng bất kỳ phương tiện nào cần thiết để lấy thành phố Huế. Sự tàn phá không tránh khỏi đã xảy ra!...".

III/Kết luận.

Cho đến hôm nay, ngày mai và nhiều năm sau này nữa, cái được gọi là "sự thật" về cuộc thảm sát Huế hay bất cứ một địa danh nào khác vẫn luôn tràn lan và ngập đầy khắp mọi phương tiện. Những vấn đề quanh Huế luôn là một phần lịch sử không được phép quên lãng, vấn đề ấy phải là một phần của tiến trình lịch sử tuy nhiên những thông tin về Huế, về thảm sát Huề sẽ rất lâu sau để được xác thực. Tới lúc này tôi nghĩ rằng khi nói về Huế ta chỉ giữ ở mức độ nhất định đủ để biết rằng chiến tranh là những sự đau thương như thế và hòa bình có được là đáng giá đến mức nào. Trong suốt quá trình đọc, tìm hiểu cũng như học lịch sử tôi luôn lựa chọn cho mình một ánh nhìn trung lập nhất có thể, điều đó không có nghĩa rằng ta sẵn sàng phủ nhận những điều bịp bợm của kẻ thù đặc biệt là những kẻ thù to xác, việc lựa chọn gắn bó với những "công trình" nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử đã khẳng định tôi vô cùng yêu Việt Nam và tự hào trước những thành tựu mà người trước để lại nhưng không vì thế mà tôi cho phép mình mù quáng không phân biệt. Với tôi phải có sự phân định thật rõ ràng giữa "công" và "tội": Chính phủ Mỹ với công tác truyền thông bẩn, sự xảo trá, gian dối và bắt nạt các quốc gia láng giềng bằng sức nặng "dân số" của Trung Quốc hay chính cán bộ-chính quyền cách mạng ta với những cá nhân-tổ chức ăn hối lộ, ảo tưởng quyền lực, lạm dụng tín nhiệm hay vua Quang Trung không thật sự phi phàm, không thật sự giỏi trong việc quản trị con người,... với tôi những điều đó cũng là sự thật lịch sử không bao giờ thay đổi. Riêng đối với Huế - với "thảm sát Huế" hãy khoan hẳn phân bua rằng ai đã gây ra điều đó mà hãy nhìn về Huế nói riêng và mọi nơi từng là chiến trường nói chung như một vết tích đau thương của chiến tranh và để ghi nhớ một điều rằng hòa bình luôn là vô giá.
Xin cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của mình. merci
_________________________________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
[1]The Viet-Cong Strategy Of Terror của Douglas Pike 1970
[2]Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà nội, 1998
[3]Thảo luận:Thảm sát Huế Tết Mậu Thân/Dịch của D.Gareth Porter
[4]Massacre at Huế https://military-history.fandom.com/wiki/Massacre_at_Hu%E1%BA%BF
[5]Olga Dror, “Learning From the Hue Massacre” của tờ The New York Times, 20/02/2018. Mọi người có thể xem bản dịch tại:
[6]Cuộc phỏng vấn Hoàng Phủ Ngọc Tường :
[7]Huế trong chiến dịch Mậu Thân:
*Còn nguồn từ nhiều tài liệu khác nữa nhưng do bài viết được viết lâu dài nên mình cũng mất dần tài liệu không tìm được.