Trận Mậu Thân năm 1968 vừa là vết thương lớn, vừa là cuộc tranh cãi bất tận trong lịch sử Việt Nam. Đồ hoạ: Luật Khoa/PhotoMania.
Trận Mậu Thân năm 1968 vừa là vết thương lớn, vừa là cuộc tranh cãi bất tận trong lịch sử Việt Nam. Đồ hoạ: Luật Khoa/PhotoMania.
Bài viết kỳ trước:
Với những phân tích chi tiết trong phạm vi bài viết ở kỳ trước, chúng ta đã có nền tảng cơ bản để phân tích sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 trong lịch sử chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn của công pháp quốc tế.

Lực lượng tham gia chính yếu

Sẽ có nhiều tranh cãi về việc xác định xem ai là người đứng đằng sau cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”. Nhà nước Việt Nam đương đại đã thừa nhận vai trò “lãnh đạo” của mình trong trận chiến. Rất nhiều tài liệu nghiên cứu sử, phân tích quan hệ quốc tế, bình luận chính sách, v.v. đều chỉ ra sự chỉ đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đằng sau sự kiện đẫm máu này.
Trong số các tài liệu đó, người viết cho rằng tham luận “General Nguyên Giáp and the Mysterious Evolution of the Plan for the 1968 Tet Offensive”, [1] của tác giả Merle Pribbenow, cựu nhân viên 27 năm của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) với phần lớn thời gian làm việc liên quan đến chiến tranh Việt Nam, là một tài liệu tổng hợp khá đầy đủ và khoa học những điểm thống nhất và tranh cãi trong quá trình chính quyền VNDCCH đi đến quyết định tổng tiến công với nhiều thông tin thú vị về bất đồng giữa tướng Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn.
Tuy nhiên, trước năm 1975, phía Bắc Việt từ chối công nhận sự liên kết giữa mình và nhóm vũ trang Việt Cộng ở miền Nam, cho rằng Việt Cộng là một nhóm dân quân địa phương, thể hiện quyền tự quyết và kỳ vọng thống nhất của người dân miền Nam Việt Nam. [2]
Như vậy, có thể tóm tắt ba phe tham chiến chính yếu.
Phe thứ nhất là Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đại diện quốc gia ở miền Nam Việt Nam, cùng với quân đội, cố vấn quân sự Hoa Kỳ.
Sự hiện diện của nhóm quân nước ngoài của Hoa Kỳ có thể được lý giải thông qua khái niệm công pháp quốc tế “lời mời can thiệp” (intervention by invitation), [3] tức chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đưa ra lời mời chính thức dành cho chính phủ Hoa Kỳ để quân đội và cố vấn quân sự Hoa Kỳ hỗ trợ, đóng quân tại miền Nam Việt Nam. [4] Gắn kết với thực tiễn hiện nay, việc các học giả Anh – Mỹ cho rằng sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria hiện nay phù hợp với pháp luật quốc tế, vì chính phủ Assad đã gửi lời mời cho Nga.
Phe thứ hai cũng tại miền Nam Việt Nam là quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (hay còn gọi là Việt Cộng, trực thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam). Họ tham gia với tư cách là một tổ chức vũ trang nằm trong vùng thuộc chủ quyền của nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Pháp luật quốc tế không cấm, và cũng không thể cấm sự tồn tại của những nhóm vũ trang này.
Hoạt động chiến sự của họ, vì vậy, nói hơi lạ một chút, là không trái với pháp luật quốc tế (khác với phù hợp), miễn là các nhóm này không can dự vào các hoạt động khủng bố, vi phạm luật nhân quyền quốc tế hay luật nhân đạo quốc tế. Tuy nhiên, cũng do đó, tính hợp pháp hay hợp hiến của chúng thì do pháp luật quốc gia quyết định, và ít quốc gia nào lại thừa nhận một tổ chức vũ trang như thế.
Phe thứ ba là Quân đội Nhân dân Việt Nam, thuộc nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc.
Trong trận Mậu thân thì quân đội Bắc Việt phối hợp và kết hợp tương đối nhịp nhàng với lực lượng quân Giải phóng, một biểu hiện cho thấy tính gắn kết giữa hai lực lượng. Theo đó, quân đội Bắc Việt được dùng như một trong những mũi tiến công chính, nhưng mặt khác cũng là mồi nhử quân đội Hoa Kỳ và các đơn vị thiện chiến của quân lực Nam Việt ra khỏi các đô thị lớn, mà đặc biệt là tại Sài Gòn.
Một trong những mồi nhử như vậy có thể kể đến là trận Khe Sanh (bắt đầu từ 21/1/1968 và kéo dài hơn hai tháng), với sự tham gia của hơn 40.000 quân chính quy Quân đội Nhân dân Việt Nam, khiến cho hơn 6.000 thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ phải rời khỏi các căn cứ đồn trú gần Sài Gòn và di chuyển lên phía Bắc.
Ngay sau giao thừa Tết Mậu Thân, tức rạng sáng ngày 30/1/1968 Dương Lịch, cuộc tổng tiến công bắt đầu tại hơn 36 thành thị, 64 châu thành và nhiều làng mạc khác, là một cú giáng bất ngờ cho lãnh đạo quân đội của cả VNCH lẫn Hoa Kỳ. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin trong quyển “RAND in Southeast Asia: A History of the Vietnam War Era”. [5] Tổng quan, quân đội Bắc Việt có tham chiến trực tiếp trong chiến dịch này.
Phân đội 1 và 2 quân giải phóng Trị Thiên-Huế nghiên cứu sa bàn chuẩn bị các phương án tác chiến chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết.
Phân đội 1 và 2 quân giải phóng Trị Thiên-Huế nghiên cứu sa bàn chuẩn bị các phương án tác chiến chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết.

Các khía cạnh của trận Mậu Thân qua lăng kính luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế

Công pháp quốc tế có hai khung pháp lý quy định về chiến tranh vũ trang để điều chỉnh hành vi của các bên, được gọi là “xung đột vũ trang quốc tế” (international armed conflict) và “xung đột vũ trang phi quốc tế” (non-international armed conflict).
Dù hai khái niệm này cũng còn gây nhiều tranh cãi trong việc xác định danh nghĩa của các cuộc chiến có sự tham gia, hỗ trợ của quốc gia thứ ba, với ba nhóm vũ trang tham gia như phân tích ở trên, trận Mậu Thân nên được xem là bao gồm cả hai loại xung đột: xung đột vũ trang quốc tế (giữa quân đội Bắc Việt và quân đội Nam Việt – Hoa Kỳ) và xung đột vũ trang phi quốc tế (giữa quân đội Nam Việt – Hoa Kỳ và quân Giải phóng).

Tấn công dịp Tết

Một vi phạm đầu tiên là việc quân Bắc Việt và quân Giải phóng tiến công dịp Tết, liên quan đến tính thiện chí trong công pháp quốc tế.
Theo ghi nhận, [6] chiến tranh Việt Nam có truyền thống thỏa thuận ngừng bắn dịp Tết (được biết đến với tên gọi “Tet truce”), nhằm tạo điều kiện cho quân nhân được đoàn viên, thể hiện tinh thần dân tộc và văn hóa chung của cả hai miền. Do các tham vọng chiến thuật, quân đội Bắc Việt vẫn chủ động phối hợp với quân Giải phóng thực hiện chiến dịch.

Tử hình tại chỗ Nguyễn Văn Lém (và nhiều trường hợp xử tử tại chỗ khác)

Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp, áo kẻ) trước, trong và sau khi bị xử bắn. Ảnh: Eddie Adams/AP.
Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp, áo kẻ) trước, trong và sau khi bị xử bắn. Ảnh: Eddie Adams/AP.
Đây là vụ việc quá nổi tiếng với bức ảnh của tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn Nguyễn Văn Lém (tự Bảy Lốp). Vụ việc này là một trong những nguyên do chính khiến công luận Hoa Kỳ dần trở mặt với chiến tranh Việt Nam, và thường được dùng để chứng minh sự tàn bạo, sự vi phạm pháp luật quốc tế của quân đội VNCH.
Nguyên do của giây phút “giận quá mất khôn” này của ông Loan được các bên lý giải khác nhau, nhưng nó không phải là vấn đề mà người viết quan tâm. Câu hỏi đặt ra là Bảy Lốp có địa vị pháp lý gì theo công pháp quốc tế.
Một số quan điểm cho rằng Bảy Lốp có tư cách pháp lý của một tù nhân chiến tranh (prisoner of war) và vì vậy cần được bảo vệ theo quy chế quy định bởi Hiệp định Geneva Số 3 trong chuỗi 4 Hiệp định Geneva về nguyên tắc chiến tranh ký kết bởi các quốc gia vào năm 1949, vốn đến nay đều được xem là tập quán pháp lý quốc tế.
Tuy nhiên, người viết cho rằng đây là quan điểm chưa phù hợp.
Bảy Lốp là một đặc công của Việt Cộng. Như phân tích ở kỳ trước, chúng ta đồng ý rằng Việt Cộng là một tổ chức vũ trang nổi dậy nội địa chứ không phải là một chủ thể của công pháp quốc tế. Như vậy, Bảy Lốp không thể được hưởng quy chế tù nhân chiến tranh. Khi ông Loan thực hiện hành vi hành quyết không thông qua xét xử đối với Bảy Lốp, điều này có thể vi phạm pháp luật quốc gia VNCH và các cam kết quyền con người mà VNCH có tham gia và đã nội luật hóa; song không vi phạm pháp luật nhân đạo quốc tế và các tập quán chiến tranh quốc tế.
Mặc khác, nếu chúng ta cho rằng Việt Cộng là một đơn vị (agent) đại diện cho chính phủ VNDCCH, từ đó Bảy Lốp trở thành quân nhân trực thuộc quân đội Bắc Việt, thì Bảy Lốp cũng bị tước quyền hưởng quy chế tù nhân chiến tranh vì ba lý do:
(i) Bảy Lốp vi phạm nguyên tắc phân biệt quân nhân với thường dân trong chiến tranh (having a fixed distinctive sign recognizable at a distance). Các nhóm quân Việt Cộng, và kể cả Bảy Lốp, đều không mặc sắc phục quân sự để phân biệt với thường dân trong quá trình giao chiến. [7]
(ii) Bảy Lốp vi phạm nguyên tắc mang vũ trang mở (carrying arms openly). Tương tự như vi phạm đầu tiên, các nhóm vũ trang Việt Cộng thường xuyên giả dạng thường dân, giấu vũ khí và tấn công quân lính Mỹ – Nam Việt Nam theo kiểu phục kích, bất ngờ. Chiến thuật này thường được báo chí Việt Nam ca ngợi như việc giấu thuốc nổ, bom để đánh khách sạn dân sự là ví dụ cụ thể cho kiểu chiến tranh vi phạm tập quán quốc tế này. [8]
(iii) Bảy Lốp vi phạm quy định về việc không tấn công thường dân và các mục tiêu dân sự mà chúng ta sẽ phân tích ở phần sau.
Người đọc có thể tham khảo thêm về những quy định này tại Điều 4 (2) Hiệp định Geneva 1949 và bình luận chi tiết của Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế. [9] Dù ở trường hợp nào, người viết cho rằng ông Nguyễn Văn Lém đều không đủ điều kiện để được hưởng các miễn trừ, lợi ích bảo vệ dành cho tù nhân chiến tranh.

Tấn công thường dân và các mục tiêu dân sự

Tấn công các mục tiêu dân sự là đặc sản của Việt Cộng, và cũng là vi phạm nghiêm trọng nhất trong các vi phạm của Việt Cộng nói riêng và liên minh Bắc Việt nói chung trong quá trình diễn ra trận Mậu Thân. Vậy thường dân và mục tiêu dân sự là gì?
Thường dân và mục tiêu dân sự được định nghĩa bằng biện pháp loại trừ, nhằm bảo vệ tối đa những nhóm này. [10] Những người không phải thành viên tham chiến trực tiếp (combatant), đều được xem là thường dân. Điều này đồng nghĩa với việc kể cả các thành viên chính phủ, nhân viên công quyền, địa điểm làm việc của họ, v.v. đều là những mục tiêu dân sự. Tuy nhiên, cả quân Giải phóng lẫn Quân đội Nhân dân Việt Nam đều không tôn trọng các quy định này.
Minh chứng cụ thể nhất là việc tấn công vào tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn được ca ngợi hết mực trên báo chí và qua các tư liệu lịch sử Việt Nam. [11]
Một số báo cáo khác còn cho rằng, trong quá trình chiếm đóng ngắn hạn một số tỉnh lỵ, lực lượng Việt Cộng cũng bắt bớ và giết hại khoản 3.000 thường dân, nhân viên công vụ khác, với tội danh “phản cách mạng”. [12] Trong và sau năm 1968, việc đe dọa và khủng bố trở thành một chiêu bài hiệu quả để kiểm soát công luận miền Nam Việt Nam. [13]
Hiển nhiên, những bình luận nói trên không nhằm khỏa lấp các vi phạm luật nhân đạo quốc tế của quân đội Hoa Kỳ hay VNCH, mà cụ thể nhất là sự kiện Mỹ Lai. [14] Tuy nhiên, ở giới hạn của bài viết tập trung vào trận Mậu Thân, có lẽ Mỹ Lai sẽ được dành lại cho một bài viết khác.
Một góc Sài Gòn – Chợ Lớn sụp đổ sau cuộc tấn công Mậu Thân. Ảnh: Getty Images.
Một góc Sài Gòn – Chợ Lớn sụp đổ sau cuộc tấn công Mậu Thân. Ảnh: Getty Images.

Vi phạm nghĩa vụ mặc trang phục phân biệt với thường dân

Nghĩa vụ mặc trang phục phân biệt không hẳn là nghĩa vụ quan trọng nhất, nhưng là nghĩa vụ căn bản nhất của pháp luật và tập quán chiến tranh quốc tế.
Nghĩa vụ này trước hết nhằm thỏa mãn yêu cầu rằng việc giao chiến trong chiến tranh hiện đại chỉ là “cuộc đấu cờ” giữa những đơn vị có thẩm quyền giao chiến, với mục tiêu là triệt hạ và giảm đến mức tối thiểu sức chiến đấu của các đơn vị quân đội đối phương. [15] Chiến tranh hiện đại không phải là một cuộc “tổng khởi nghĩa toàn dân” nơi mà ai cũng trở thành người tham chiến, và ai cũng có thể trở thành mục tiêu bị giết hại. Vi phạm điều này sẽ đi ngược lại hoàn toàn tôn chỉ của pháp luật nhân đạo quốc tế.
Nghĩa vụ hiển nhiên thứ hai là nhằm bảo vệ thường dân khỏi sự thù địch, lo ngại và khả năng gây thiệt hại từ phía các đơn vị có thẩm quyền chiến đấu. Quân đội của bên nào cũng có nghĩa vụ bảo vệ thường dân, và họ không thể làm điều này nếu những “thường dân” này luôn có khả năng rút vũ khí từ sau lưng để tấn công họ.
Bằng cách vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc này trong Mậu Thân, các nhóm vũ trang Việt Cộng và quân đội Bắc Việt đã tạo nên sự bức xúc và mệt mỏi của quân lính Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam, cũng như sự nguy hiểm thường trực dành cho dân thường trong suốt quá trình trận Mậu Thân diễn ra.
***
Lời kết:
Người viết hy vọng đã cung cấp một số lập luận và tư liệu hữu ích để quý độc giả có thể có thêm một góc nhìn duy lý, từ đó làm giàu thêm những cuộc thảo luận nghiêm túc về trận Mậu Thân.
---
Nguồn tham khảo:
1. Merle L. Pribbenow, II (2008, June 1). General Võ Nguyên Giáp and the Mysterious Evolution of the Plan for the 1968 Tết Offensive. University of California Press. https://online.ucpress.edu/jvs/article-abstract/3/2/1/60746/General-Voo-Nguyeen-Giaap-and-the-Mysterious?redirectedFrom=fulltext
2. Christina Binder, & Christian Pippan. (2018). Election Monitoring, International. Oxford Public International Law. https://opil.ouplaw.com/display/10.1093/law:epil/9780199231690/law-9780199231690-e1036
3. Georg Nolte. (2010). Intervention by Invitation. Oxford Public International Law. https://opil.ouplaw.com/display/10.1093/law:epil/9780199231690/law-9780199231690-e1702?prd=EPIL
4. History (2017). South Vietnam requests more support. https://www.history.com/this-day-in-history/south-vietnam-requests-more-support
5. Mai Elliott. (2010). RAND in Southeast Asia: A History of the Vietnam War Era. RAND Corporation. https://www.rand.org/pubs/corporate_pubs/CP564.html
6. U.S. Involvement in the Vietnam War: The Tet Offensive, 1968. (n.d.). Milestones in the History of U.S. Foreign Relations. https://history.state.gov/milestones/1961-1968/tet
7. Anthony Gaughan. (2018, January 30). The Tet Offensive and the Laws of War. The Faculty Lounge. https://www.thefacultylounge.org/2018/01/the-tet-offensive-and-the-laws-of-war.html
8. Gặp lại nữ Biệt động Sài Gòn đánh sập khách sạn Caravelle. (2013, June 1). Báo Pháp Luật Việt Nam Điện Tử. https://baophapluat.vn/gap-lai-nu-biet-dong-sai-gon-danh-sap-khach-san-caravelle-post154797.html
9. Xem: https://ihl-databases.icrc.org/en/ihl-treaties/geneva-conventions-1949additional-protocols-and-their-commentaries
10. Xem: https://ihl-databases.icrc.org/en/customary-ihl/v1
11. Mạnh Tùng, Tuyết Nguyễn, Trần Duy. (2018, January 31). Cuộc tấn công của biệt động Sài Gòn 50 năm trước. VnExpress. https://vnexpress.net/projects/cuoc-tan-cong-cua-biet-dong-sai-gon-50-nam-truoc-3702681/index.html
12. Xem [5]
13. Victoria Pohle. (1969). The Viet Cong in Saigon: Tactics and Objectives During the Tet Offensive. RAND Corporation. https://www.rand.org/pubs/research_memoranda/RM5799.html
14. Simon Speakman Cordall. (2013, March 15). 45 years after My Lai, massacre’s survivors mourn a lost generation. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/opinions/45-years-after-my-lai-massacres-survivors-mourn-a-lost-generation/2013/03/15/54fb83be-8766-11e2-999e-5f8e0410cb9d_story.html?noredirect=on&utm_term=.77254d981d52
15. Xem [10]