Bất kể kết quả bầu cử ra sao, bất kể ai thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, thì kẻ thua cũng đã được định trước: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
=== 
Năm 2016, phe Dân chủ đã thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Họ đã đổ lỗi thất bại này cho việc người dân thờ ơ với chính trị và không chịu đi bầu, và trong 4 năm sau đó, họ đã ra sức vận động việc bầu cử qua thư (mail in ballot) hòng làm tăng lượng người đi bầu lên—điều họ cho rằng sẽ giúp họ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3 tháng 11 vừa qua. Họ đã hi vọng vào một “làn sóng xanh”, một chiến thắng áp đảo, nhất là khi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hết lần này đến lần khác làm muối mặt bản thân ông và nước Mỹ trước công chúng. 
Thế nhưng, làn sóng xanh đâu chẳng thấy. Giấc mơ chiến thắng áp đảo bây giờ trở thành một trò chờ đợi kéo dài và căng thẳng. Người ta mắng chửi, ném bùn vào mặt nhau. Đâu đó xen lẫn là những lời kêu gọi đấu tranh giành lấy “công bằng” và “dân chủ”. 
Ngay cả trên mạng xã hội của tôi, nơi 90% là những người Việt có thể không bao giờ có tư cách bầu cử Tổng thống Mỹ, thì sự tranh cãi vẫn ồn ào và náo nhiệt. Vừa buồn cười vừa buồn tình, khi mà người Việt ta vừa chia phe rồi gân cổ lên mắng chửi nhau, vừa theo dõi Cuộc thi Người Nổi tiếng Số 1 Thế giới. 
Việc ủng hộ Donald Trump đã không còn là thú vui tao nhã của các tay bình luận chánh trị nghiệp dư nữa rồi. Nó đã trở thành Đạo Thờ Trump. 
=== 
ĐẠO THỜ TRUMP
Donald Trump là chú ngựa ô của cuộc bầu cử năm 2016. Khi đó, ủng hộ ông đầu tiên là những “4channer”, những người trẻ hai mươi mấy tuổi tinh tường muốn phỉ nhổ vào chính trị Mỹ bằng cách bầu một cựu ngôi sao truyền hình thực tế vào Nhà Trắng; rồi sau đó là những lao động cổ cồn xanh phải chật vật với cuộc sống và đã quá thất vọng và chán nản với nền dân chủ miệng kiểu Mỹ. 
Bạn biết mẫu người đó mà: Những người lao động tay chân, thường là da trắng, sống ở những thị trấn nhỏ bé và tôn trọng truyền thống, những người mà đồng lương còm cõi đang bị đe dọa bởi toàn cầu hóa ngày một mạnh mẽ hơn. Đối với họ mà nói, việc cái ghế Tổng thống kia phe Dân chủ hay Cộng hòa ngồi vào thì cũng vậy thôi. Có ý nghĩa gì đâu chớ, khi mà ngày mai công ty khai khoáng nơi họ đang làm việc sẽ bị bán đi rồi thanh lý, và rồi họ sẽ bị ném ra hè phố mà chẳng có lấy một đồng xu trong tài khoản tiết kiệm? 
Với họ mà nói, chính trị là một xa xỉ phẩm mà họ không có điều kiện để quan tâm. Tư bản tiêu dùng nó lợi hại như vậy đó: Nó khiến bạn làm việc bán sống bán chết, rồi ném cho bạn chút vụn bánh mì vừa đủ để bạn sống sót qua ngày hôm sau. Rồi, sau khi bị vắt kiệt thân xác và tâm trí, bạn về nhà—ngôi nhà mà bạn phải vay mượn để sở hữu, trên một chiếc xe cũng đang nằm trong ngân hàng nốt. Bạn ném mình lên cái sofa êm ái mua trả góp, đối diện bạn là một chiếc vô tuyến truyền hình đời mới nhất—cũng trả góp nốt. Cạnh bạn là một bữa ăn đông lạnh vừa được hâm nóng vội vàng trong lò vi sóng. Bạn nhồm nhoàm ăn lấy bữa ăn đó, theo cách mà bạn tiêu thụ những chương trình giải trí ăn liền trên truyền hình vậy—những chương trình nhạt toẹt nhưng nhanh đến chóng mặt, được thiết kế tinh vi hòng làm giảm trí tập trung của bạn, mô tả những lối sống xa hoa vượt sức tưởng tượng khiến bạn chỉ có thể ước gì bạn được ngồi vào chỗ của họ. Và bạn đã sống trong ước mơ như thế —ngoảnh mặt làm ngơ thực tại khốn nạn của mình, chìm đắm trong giấc mơ thoát nghèo vĩnh cửu mà giới truyền thông đã bơm ngập đầu bạn. Bánh mì và xiếc. 
Nhưng 2016 đã mang lại một thay đổi lớn. Donald Trump đăng đài, và bố cáo rằng nước Mỹ đang trong một cơn khủng hoảng tồn tại chưa từng có. Đám đông đã tán dương ông ta, vì đúng là họ đang trải qua một cơn khủng hoảng khổng lồ. Đó là sự khủng hoảng về bản ngã: Những gương mặt mới, vàng và nâu và đen, rậm râu và trọc đầu và quấn khăn, liên tục xuất hiện trong những khu cư xá yên bình, vốn từng đơn sắc tộc. Đó là sự khủng hoảng về kinh tế: Việc làm khó tìm và tiền thì khó kiếm, và dường như những gương mặt mới kia đang ăn cắp mất những việc làm hiếm hoi còn sót lại. Đó là sự khủng hoảng về văn hóa: Đột nhiên xuất hiện những người Hồi giáo, Phật giáo, thậm chí là vô thần, những người đồng tính lưỡng tính thậm chí là không giới tính, và họ được bảo rằng họ phải chấp nhận và chào đón tất cả những người đó vào cộng đồng của họ. 
Thế nên, họ đã tán thưởng Trump. Donald Trump không phải là một chính trị gia truyền thống: Ông ta ăn nói mạnh bạo và không ngại cái gọi là “phải đạo chính trị”. Ông ta cũng chẳng thèm dùng thứ ngôn ngữ nước đôi mà các chánh trị gia trước hay dùng, vừa văn vẻ mà lại vừa sáo rỗng. Ông ta bỗ bã, thẳng tính, và không ngại va chạm – và họ yêu mến ông ta vì điều đó. Xây tường lên! Trump nói, và họ hoan hô. Tháo nước cái đầm lầy đi! Trump nói, và họ tiếp tục hoan hô. Tin giả! Đập nát nhà nước bóng tối đi! Nước Mỹ là trên hết! Khiến cho nước Mỹ vĩ đại trở lại đi! Tiếng hoan hô lại càng bạo hơn nữa. Đối với đám đông mà nói, Trump là kẻ dám nói điều trước đây không ai dám nói. Kệ xác cái phải đạo chính trị. Kệ xác sự thật xám xịt. Đối với họ, Trump chính là tiếng nói của người câm, là anh hùng của dân chúng. Một nhà dân túy, dân tộc cực đoan dám nói và dám làm. 
Và thế là, những kẻ phân biệt chủng tộc đã được dịp lên mặt. Những kẻ da trắng thượng đẳng, vốn dĩ không dám ồn ào bày tỏ khuynh hướng chính trị của mình, đã cảm thấy an toàn hơn khi nói ra những điều hằn học nơi công cộng. “Cút về nhà của mày đi, đồ mắt xếch!” Donald Trump đã mở toang cửa sổ Overton (*) ra, kể cả ở những kênh truyền thông chính thống. “Tin giả” và “nhà nước bóng đêm” là những từ ngữ có thể mang ra bàn luận nghiêm túc trên truyền hình. Breibart và InfoWar đột nhiên trở thành nguồn tin đáng tin cậy đối với một số người. Donald Trump không chỉ là một tổng thống: Ông ta đã trở thành biểu tượng kháng chiến chống lại quyền lực thâm căn cố đế sẵn có. 
Và thế là, Đạo thờ Trump đã ra đời. 
=== 
DÂN CHỦ CỰC ĐOAN HƠN
Khi mà Trump và tín đồ của ông ta ồn ào hơn bao giờ hết, thì phe Dân chủ đã trả lời bằng cách trở nên cực đoan hơn. Đầu tiên, nó chỉ là sự hoài nghi và hoảng loạn: Làm thế nào mà đất nước vĩ đại này đã bầu một trò hề như Trump vào ghế Tổng thống? Rồi, họ bắt đầu đổ lỗi cho nhau. 
Hình ảnh: “Chỉ có những tên da trắng ngu học mới bầu cho Trump.” 

“Cần phải làm nhục những người Mỹ gốc La-tinh (đã bầu cho Trump)” 
Redditors (người sử dụng Reddit) vạch giới tuyến rõ rệt. Hoặc là anh theo chúng tôi, hoặc là anh chống lại chúng tôi. Những người trung lập dám cả gan đồng ý với Trump dù ở một điểm nhỏ nhất cũng sẽ bị mỉa mai là “trung lập rởm đời”. Người da đen, người gốc Mỹ La-tinh và các cộng đồng thiểu số khác phải bỏ phiếu chống lại Trump, nếu không họ sẽ bị gọi là “kẻ phản bội.” Những người da trắng dám bỏ phiếu cho Trump thì được thân thiện gắn cho cái nhãn “thứ nửa người dốt nát” và các tính từ màu sắc khác. Chẳng quan trọng là bạn có đồng ý với Biden hay không, bạn phải bỏ phiếu cho ông ta chỉ vì ông ta chống lại Trump. 
Mệt mỏi lắm chứ. Và điều đó thể hiện rõ ràng vào ngày 3 tháng Mười một năm Hai mươi hai mươi. 

Mặc cho tất cả những thứ điên rồ mà Trump đã làm, mặc cho phe Dân chủ có cố gắng đến đâu, thì cuộc bầu cử cho đến bây giờ (ngày 6 tháng 11, thời điểm viết bài) vẫn chưa ngã ngũ. Non nửa số người đi bầu -- 70 triệu -- đã chọn Trump. Quá nhiều. Nhưng vì sao? Phải có lý do chứ? Lý do là đây: Đối với một cơ số người, thì phe Dân chủ không phải là lựa chọn thay thế Trump tốt nhất. 
Đối với dân đen như họ mà nói, những gì Dân chủ ban cho họ chỉ là những lời hứa rỗng tuếch. Thốt ra từ miệng của những người phe Dân chủ là những lời hằn học, miệt thị, và gây chia rẽ. Họ đã không thể hiện sự cảm thông dành cho nỗi khốn nạn của dân thường. Cái điểm cộng duy nhất của họ là “không phải Trump”, và đối với nhiều người, chỉ như thế thì không đủ. Joe Biden nói về việc hàn gắn lại quốc gia đang chia rẽ sâu sắc này, nhưng lời nói gió bay. Ông ta đã không dập tắt phe ủng hộ ông vốn đang ngày một cực đoan hơn. Ông ta đã không trấn an được những người Tin Lành gốc Mỹ da trắng (WASPs). Ông ta đã không được lòng nhiều cộng đồng thiểu số, bao gồm cả người Mỹ gốc Việt, ngay tại những bang xanh bát ngát như California hay New York. Thậm chí ngay cả “viên đạn bạc” COVID-19 cũng đã không giúp cho ông chiến thắng thực sự thuyết phục. 
Joe Biden, theo tôi, không phải là người có thể lập nên kỳ công “chữa lành” nước Mỹ. 
=== 
CHIA RẼ QUỐC HOA KỲ
Nước Mỹ luôn tự hào về sự đa dạng của họ. Những người nhập cư khi xưa đến New York đã được chào mừng bằng tượng Nữ thần Tự do và những dòng bất hủ: “Mang cho ta những kẻ hèn người khó/ Những dân đen mong được thở tự do”. Họ chính là động lực khiến cho nước Mỹ được làm một cường quốc đắc ý như ngày nay. Sự khác biệt được xem là thế mạnh chứ không phải điểm yếu. Nhưng có lẽ, điều đó không còn đúng nữa rồi. 
Giờ thì, tất cả sự tử tế đều đã biến mất. Người ta, hoặc là Dân chủ, hoặc là Cộng hòa, và người ta được trông chờ sẽ bỏ phiếu theo đúng như thế. Chính trị chia phe phái rõ rệt. Người ta trung thành với đảng phái, chính trị gia chứ không còn hành xử vì lợi ích quốc gia. Nhờ vào thuật toán thần kỳ của những Facebook và Google, mà ngày nay người ta sẽ vĩnh viễn bị nhốt trong bong bóng thực tế do chính họ tạo ra. Sự thực là điều mà họ tin vào. Bất kể là họ có thiên kiến nào, thì cỗ máy truyền thông hoàn hảo sẽ mớm cho họ đúng những thông tin củng cố thế giới quan của họ, thay vì thử thách nó. 
Tuyên giáo là chân lý. 
Nếu trước đây nền cộng hòa 300 năm của Mỹ đang cân bằng chênh vênh, thì bây giờ nó đã sát lắm rồi bờ vực sụp đổ. Hãy nhớ lại năm xưa, cái chết nền cộng hòa La Mã: Chỉ cần một tướng lĩnh quân đội dân túy xua quân tràn qua sông Rubicon, thì nền Cộng hòa sẽ trở thành quá khứ. 
Donald Trump đã cho thấy rằng ông ta hoàn toàn có khả năng bước qua điểm không thể quay đầu này. Những kẻ ủng hộ ông ta, nửa đùa nửa thật, kêu gọi bạo lực và nội chiến. Phe Dân chủ là những kẻ gian dối và hủ bại. Chống lại chính quyền bóng đêm, giành lại nước Mỹ vĩ đại -- đó là thông điệp đáng sợ của họ. Chẳng phải là thứ tôi muốn nghe, khi mà những kẻ ủng hộ Trump đa phần đều ủng hộ quyền mang súng và quyền tự trị của bang. 
Giờ thì ta hãy hồi hộp ngồi xem vở kịch hay phía trước, khi nền dân chủ mỏng manh đang oằn ra nứt vỡ. 
Đây là bản dịch của bài viết "The (Deeply) Divided States of America" được đăng trước đây trên Spiderum, Medium, và Facebook.