Mặt trận Giải phóng theo góc nhìn của công pháp quốc tế
Ngoài Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và Việt Nam Cộng hoà (VNCH), còn một đối tượng nữa cần phải nghiên cứu trong sự kiện Tết Mậu...
Ngoài Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và Việt Nam Cộng hoà (VNCH), còn một đối tượng nữa cần phải nghiên cứu trong sự kiện Tết Mậu thân năm 1968: “Việt Cộng”.
Với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người miền Bắc, điều này nghe có thể hơi lạ. Chẳng phải “Việt Cộng” chính là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay sao? Trên thực tế, thuật ngữ này được người miền Nam và người nước ngoài trong cũng như sau cuộc chiến dùng để chỉ một đối tượng khác: Mặt trân Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (hay còn được gọi tắt là Mặt trận Giải phóng, Mặt trận).
Đây là một tổ chức chính trị được VNDCCH lập ra ở miền Nam ngày 20/12/1960, mà theo báo Nhân Dân, là để “nhận lĩnh sứ mệnh đoàn kết và tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân miền nam, các lực lượng yêu nước và kháng chiến trong sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Mặt trận gắn liền với những cái tên nổi tiếng như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát, v.v. Trong Hội nghị Paris năm 1973, Mặt trận là nòng cốt của một bên đàm phán là Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Hầu hết lãnh đạo của Mặt trận, sau ngày 30/4/1975, đều nắm giữ các vị trí cao cấp trong chính quyền Việt Nam, trong đó Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Thị Bình làm tới chức Phó Chủ tịch nước. Bản thân Mặt trận sau đó cũng sáp nhập vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tính chính danh của Mặt trận phụ thuộc vào cách chúng ta xác định tính chính danh của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Quốc gia Việt Nam (mà sau đó là Việt Nam Cộng hoà).
Cả VNDCCH và QGVN-VNCH đều có những lợi thế riêng để bảo vệ tính chính danh hợp pháp của mình. Một cách khách quan, điều này không phải là khó.
Nếu cho rằng năng lực quản trị nhà nước tại miền Bắc sau 1954 là tốt, môi trường và hiệu quả quản trị công của thời độc tài do ông Ngô Đình Diệm nắm quyền tại miền Nam Việt Nam (và kể cả giai đoạn sau đó) hoàn toàn không tệ.
Trong thời kỳ này, chính sách tập trung xuất khẩu, bảo hộ và chiếm lĩnh thị trường nội địa là một trong những lý do khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng ở miền Nam Việt Nam trỗi dậy và gây được tiếng vang. Độc giả có thể tham khảo báo cáo về kinh tế giữa hai miền đã được giải mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để có một cái nhìn toàn cảnh hơn.
Tựu trung, người viết cho rằng vận dụng bốn nguyên tắc Montevideo để xác lập chủ quyền quốc gia của cả hai nhà nước là hợp lý: có lãnh thổ xác định, có dân cư xác định, có chính phủ và chính phủ có năng lực tham gia – thực hiện các cam kết quốc tế. Trên căn cứ đó, cả hai nhà nước xứng đáng được xem là hai quốc gia hoàn chỉnh.
Khẳng định danh nghĩa này có ý nghĩa quyết định để xác lập danh nghĩa pháp lý của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Nếu VNDCCH và VNCH là hai quốc gia hoàn chỉnh theo công pháp quốc tế thì Mặt trận phải bị xem là một tổ chức nổi dậy có vũ trang, hay là phiến quân, nằm bên trong lãnh thổ VNCH.
Mặt trận được biết đến bằng tiếng Anh là National Liberation Front (NLF) và cũng thường được người Mỹ gọi là Việt Cộng (Vietcong). Nhiều dữ liệu lịch sử ghi nhận rằng Mặt trận là một tổ chức có nguồn gốc… khủng bố. Và điều này không phải là vô duyên vô cớ.
Một tài liệu ghi lại, chiến thuật của các nhóm tiền thân của Mặt trận chủ yếu là bắt cóc và ám sát những “đối tượng mềm” (soft target) – mà nói trắng ra là các giết hại và gây hoang mang bằng cách nhắm vào các mục tiêu dân sự gồm quan chức và nhân viên công quyền. Chỉ trong bốn năm từ 1955 đến 1959, những nhóm này đã bắt cóc, giết hại hay ám sát hơn 1.200 nhân viên dân sự của chính quyền họ Ngô.
Đây là một chiến thuật mà ngay cả ông Hồ Chí Minh cũng phải phản đối. Tuy nhiên, sau khi được Lê Duẩn cố vấn, ông Hồ Chí Minh quyết định ủng hộ cả về nhân lực, tài lực và vũ khí cho các nhóm này và nhờ đó, năm 1960, Mặt trận mới có đủ khả năng mà chính thức hình thành.
Ngay sau đó, tính khủng bố của Mặt trận gần như không thay đổi. Dù không dùng “chiến thuật” khủng bố trên diện rộng, họ chưa bao giờ ngần ngại sử dụng chúng để đảm bảo rằng chính phủ VNCH sẽ không bao giờ thành công trong việc dân sự hóa và ổn định hóa tình hình chính trị nội địa của quốc gia này.
Mặt trận phá hoại những chương trình dân sinh nhỏ nhoi bằng cách giết hại nhân viên y tế của chương trình phòng chống sốt rét. Đồng thời, họ tuyên truyền rằng thuốc phun trừ muỗi đang đầu độc người dân. Họ cũng khủng bố dự án phát triển nuôi trồng thủy sản vốn chỉ nhằm tăng cường dinh dưỡng, thu nhập cho bữa ăn người dân vùng nông thôn.
Vụ khủng bố thuộc loại nổi tiếng nhất của họ là vụ ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông ngày 11/10/1971. Ông Nguyễn Văn Bông khi đó đang là Giám đốc Học viện Hành chánh Quốc gia, được coi là một trí thức hàng đầu của miền Nam và được kỳ vọng sẽ sớm trở thành thủ tướng. Lý do của vụ ám sát nhân vật tay không tấc sắt ngay tại Sài Gòn này là việc ông Bông trở thành thủ tướng sẽ “có lợi cho địch”. Chính bản thân người thực hiện vụ ám sát vẫn còn tự hào về “chiến công” của mình.
Lực lượng Biệt động Sài Gòn lừng danh mà nhiều người Việt Nam yêu mến trong bộ phim cùng tên, là một trong những lực lượng chủ yếu thực hiện nhiều cuộc khủng bố “đem chiến tranh vào thành phố” tương tự như những vụ việc nói trên. Vụ đánh bom khách sạn Caravelle ngày 25/8/1964 đã được phản ánh khá kỹ trong bộ phim. Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Trỗi là một thành viên của biệt động thành mà ít ai không biết tiếng. Kẻ đánh bom này thực hiện vụ ám sát bất thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara ngày 9/5/1964 tại Sài Gòn và bị VNCH xử tử hình ngày 15/10 cùng năm.
Như vậy, ngay từ thời điểm thành lập cho đến lúc tổ chức Mặt trận phát triển, hoàn toàn có đủ cơ sở để lập luận rằng Mặt trận không thể đại diện cho quyền tự quyết của người dân miền Nam Việt Nam, và càng không phải là một thực thể chính trị được công pháp công nhận.
Thay vào đó, nó là một tổ chức nổi dậy có vũ trang (armed insurgency), nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật quốc gia (VNCH), có thể nhận hoặc không nhận ủng hộ từ một quốc gia khác (VNDCCH, Liên Xô và Trung Quốc). Sau khi thành lập chính thức, Mặt trận chủ yếu vẫn sử dụng chiến tranh du kích và tấn công bí mật các thị thành.
Riêng việc VNDCCH hỗ trợ tài chính, nguồn lực, vũ khí cho các nhóm phiến quân nổi dậy bên trong lãnh thổ một nhà nước từ lâu đã được xem là vi phạm nghiêm trọng công pháp quốc tế.
Điều này được khẳng định rõ nhất và cụ thể nhất trong vụ án Các hoạt động bán quân sự trong lãnh thổ Nicaragua. Theo đó, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) khẳng định việc Hoa Kỳ cung cấp tài lực, vật lực cho nhóm vũ trang Contra nằm bên trong lãnh thổ Nicaragua để chống lại chính phủ nước này là hành vi can thiệp (intervention) vào nội bộ một quốc gia, và xâm phạm nghiêm trọng trật tự pháp luật quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Vai trò của Mặt trận trong trận Mậu Thân, thật ra không quá khó so với vai diễn thường nhật của họ. Họ gây hoang mang và sợ hãi cho thị dân miền Nam Việt Nam, khiến người dân mất đi sự tự tin vào các lực lượng quân đội chính quy của VNCH. Họ kích động nghi kỵ của cộng đồng quốc tế về sự hiện diện của người Mỹ tại miền Nam Việt Nam (với quan điểm cho rằng người Mỹ chịu rút lui thì không còn chiến tranh). Đây đều là những mục tiêu đạt được nhờ trận Mậu Thân. Tấn công các mục tiêu dân sự, không tự phân biệt đơn vị chiến đấu của mình với thường dân, hay thậm chí là sát hại thường dân… là một số vấn đề của Mặt trận chúng ta cần bàn bạc trong ngữ cảnh công pháp quốc tế.
---
Nguồn tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất