1. Chưa dám viết gì thì viết gì?

Mình dự định viết bài trên Spiderum. Mục đích cũng không lớn lao gì lắm, chỉ là có thêm kinh nghiệm trong việc làm Content Marketing, cũng như để đã cái nư khi trình bày quan điểm cá nhân và thảo luận với người khác. Với mội sự nhiệt huyết cũng hơi hơi lớn cùng với ý tưởng dạt dào, mình dự định sẽ viết 2 ngày một bài, một tháng 12 bài với đủ thể loại. Và sau một tuần bắt đầu với lòng nhiệt huyết đấy, số bài mà mình đã viết được là... 0.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là mình lười, mỗi lần định bắt tay vào viết là lại suy nghĩ nhiều khủng khiếp, chẳng khác nào một ngày dành ra 2 tiếng chỉ để vò đầu bứt tóc. Ý tưởng thì có nhưng nỗi sợ về bản thân mình yếu kém, kinh nghiệm thì không có, trải nghiệm cũng chẳng hơn ai thì liệu mình viết làm gì có người đọc. Mentor của mình nhìn thấy thế cũng sinh ra cảm giác xót xa...
Tuy bận công việc bù đầu bù cổ nhưng chị nhà - mentor của mình - vẫn có thể trò chuyện. Sau một tuần dành thời gian chăm chỉ bứt tóc, mình quyết định xin ý kiến của chị nhà, dù hơi ngại vì đã lỡ miệng tuyên bố việc viết cũng chẳng khó khăn gì.
"Sếp à... em có vấn đề này muốn hỏi..."
"Hử?"
"Khi em dồn tâm huyết viết bài mà không có tên tuổi, vậy bài viết của em chỉ là chia sẻ quan điểm cá nhân thôi ư?"
"Đúng vậy!"
Mình hỏi tiếp: "Vậy một người khác nổi tiếng hơn em thì lời nói của họ cũng uy tín hơn em?"
"Chưa đúng! Người ta tin vào thứ mà mình truyền tải nhiều hơn là người truyền tải nội dung ấy. Chỉ những người có chuyên môn trong lĩnh vực của họ mới có thể khiến người ta lắng nghe mà không cần suy nghĩ nhiều."
Mình thở dài: "Vậy thì có nghĩa lý gì, khi mà ngoài kia đầy những người có tầm ảnh hưởng, chuyên môn thì vượt xa em..."
Chị nhà tức giận gõ đầu mình một cái: "Chị hỏi mày, năm nay mày bao nhiêu tuổi?"
"19!"
"Mày mới là sinh viên năm 2 mà đòi so sánh với người ta nỗ lực 20 năm, mày thấy có nực cười không?"
Mình là một quả táo xanh, đang tập tành làm táo chín :')
Mình là một quả táo xanh, đang tập tành làm táo chín :')
"Éc! Cũng đúng..." Mình chưng hửng nhớ ra mới tập tành trong ngành được hơn 1 năm. Tuy may mắn được chỉ bảo dạy dỗ, nhưng táo xanh vẫn chỉ là táo xanh, có gượng ép cũng không thể chín kịp để mà thu hoạch. Vậy liệu mình có nên để đến khi chín muồi, đến khi tràn trề kinh nghiệm mới bắt đầu xắn tay vào viết, khi đó chẳng phải có lợi thế hơn ư?
Đang định hỏi nữa nhưng lại thôi, trong đầu hiện lên bài học đầu tiên mà chị nhà đã dạy: tự học. Có những điều mình nên tự tìm kiếm câu trả lời...
Vậy câu trả lời ở đâu? Liệu mình có nên đợi thêm 10 năm nữa rồi bắt đầu viết? Mình tìm mãi, tìm mãi, lục tung tủ quần áo, dưới gầm giường, trong tủ bếp, tìm khắp phòng cũng không thấy. Chị nhà cũng đã đi làm, hmm... Mình thở dài, ngồi xuống, trầm ngâm và nghĩ đến lời dạy của Mushashi:
"Sư phụ của ta là mèo, sư phụ meo meo"
Cái gì cũng có thể học, thợ rèn gặp khúc mắc sẽ đi hỏi ngọn lửa, nhà nông gặp khó khăn sẽ đi hỏi bông lúa. Mình sẽ đi hỏi người họa sĩ mà mình ngưỡng mộ nhất ( dù mình vẽ như hạch ). Từ lúc đọc Berserk, thế giới mà mình quan sát như mở ra một góc hoàn toàn mới lạ. Lão già Miura tuy đã ra đi nhưng vẫn để lại cho đời một kiệt tác, dù không trọn vẹn. Đọc đi đọc lại gần chục lần, mình mới có thể thấm được những bài học mà Guts tìm ra trong hành trình báo thù của anh ấy. Và trong quá trình huấn luyện cho cậu nhóc Ishidoro, Guts đã cho cậu nhóc biết cách chiến đấu và sống sót trên chiến trường khốc liệt, về những thứ căn bản lại là thứ được sử dụng nhiều nhất trong chiến đấu chứ không phải những kĩ thuật cao siêu, và cả:
Nguồn: Berserk - Chương 213
Nguồn: Berserk - Chương 213
Mình phải tìm cho riêng mình một phong cách viết riêng giữa hàng ngàn writer. Làm sao mình có thể bắt chước người khác được, khi trải nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức của mình so với họ đều khác nhau. Không chỉ vậy, phải thông thạo các nguyên tắc cơ bản cho một bài viết là từ ngữ, câu cú và phân đoạn. Bài viết của mình dù độc đáo, sáng tạo, dùng ngôn từ có hoa mĩ đến mấy nhưng tổng thể không tuân theo nguyên tắc thì cũng chẳng ăn thua. Viết một bài thật hay nhưng sai chính tả chẳng khác nào ăn cơm nhai phải sạn.
Khi đã đủ tự tin và thông thạo các nguyên tắc cơ bản, đã đến lúc biến những ý tưởng trong đầu thành ngôn từ. Giờ là lúc để trả lời câu hỏi tiếp theo:

2. Đã dám viết gì thì viết gì?

Những ý tưởng đến từ những gì mình thấy, những gì mình cảm nhận hay cả ở trong giấc mơ. Và khi mình nghĩ ra một thứ gì đó, mình sẽ phản biện nó cho đến khi không phản biện được nữa. Nếu nó qua được vòng tra khảo ấy thì sẽ chính thức được ở lại trong đầu mình, không thì sẽ cho vào sọt rác, tức là mình sẽ quên sau vài ngày.
Mình coi việc tạo ra một bài viết hoàn chỉnh như nấu một món ăn. Bếp là nơi mình viết, lửa là nhiệt huyết. Quy tắc chính là công thức nấu và ý tưởng là nguyên liệu chính. Và từ ý tưởng ban đầu, mình tìm thêm những luận điểm, những nguyên liệu phụ để món ăn của mình không thiếu sót một nhân tố nào. Còn bạn? Bạn nghĩ một món ăn với đủ mọi thứ như vậy đã hấp dẫn chưa?
Chưa, vì nó nhạt thếch!
Một bài viết không tạo nên cảm xúc nào cũng như một món ăn không có gia vị
Một bài viết không tạo nên cảm xúc nào cũng như một món ăn không có gia vị
Gia vị là thứ không thể thiếu. Có người nghĩ rằng họ có thể ăn mà không cần gia vị. Có những người có thể ăn rau luộc mà không cần chấm ( trong đó có mình :>) nhưng bài viết của bạn là cho cả một cộng đồng chứ không phải thiểu số. Người ta lướt qua bài viết của bạn, một bức tường chữ dài khủng khiếp mà không có điểm nhấn, không có một cảm xúc nào được biểu lộ thì bài luận của bạn sẽ được đánh giá cao trong mắt các giáo sư.
Người đọc có thể cảm nhận được cảm xúc của bạn thông qua ngôn từ. Khi bạn viết về tình yêu, bạn nhớ đến tình đầu của bạn và viết ra những câu văn "tình rất tình". Hay khi bạn viết về một kẻ sát nhân, nỗi sợ về sự bí ẩn của hắn và sự an toàn của bạn sẽ khiến cho bài viết thoang thoảng một cảm giác sợ hãi. Người đọc sẽ hình dung ra câu chuyện mà bạn viết bằng những trải nghiệm đã có trong đời họ, và cảm xúc của họ hiện lên đúng như những gì bạn cảm nhận. Đó là khi bạn đã nêm nếm gia vị cho món ăn của mình một cách hoàn hảo. Lúc này, hãy bưng đĩa thức ăn của bạn lên cho người đọc cảm nhận, mình dám chắc họ sẽ không thất vọng đâu.
The flavors are there!
The flavors are there!

3. Let me cook!

Nhiều người khi trưởng thành sẽ nhìn lại quá khứ và nói: "Ước gì hồi trẻ mình không đần như vậy, ước gì hồi trẻ mình chọn làm cái này, cái kia...". Mình thì không như vậy. Khi trưởng thành hơn mình không muốn hối tiếc với quá khứ. Đứng trước những kẻ đang ủ rũ mình sẽ dõng dạc nói với họ rằng: "Hồi nhỏ tao đã làm cái này", "Hồi nhỏ tao không làm sai", "Hồi nhỏ tao thượng đẳng!".
Nói vậy chứ mình vẫn còn non lắm, vẫn cần học hỏi và trải nghiệm nhiều. Lúa non hay lúa chín gì cũng nên cúi đầu hết.
Và mình đã giải quyết được nỗi "sợ viết" của mình, cũng như tìm ra được cách thức để viết một bài viết hoàn chỉnh. Điều duy nhất mình cần làm nữa đó là bật ngọn lửa cảm hứng lên, ngồi vào bàn, mở máy và bắt đầu gõ. Một tuần trước thì chưa được chữ nào, nhưng bây giờ thì có rồi.
Bài viết đầu tiên: Không biết viết gì thì viết gì?