“Đống bài tập này để tối mình làm cũng chưa muộn.”
“Deadline còn 1 tuần nữa cơ mà, mai mình làm cũng được.”
“Giờ hãy còn sớm, vào Facebook xem có gì hay không đã.”
Các bạn đã bao giờ có cảm giác như có một thế lực vô hình nào đó luôn cản trở bạn làm những việc mà đáng nhẽ các bạn nên làm, vào những thời điểm đáng nhẽ các bạn nên bắt tay vào làm và khiến các bạn luôn lâm vào hoàn cảnh phải làm việc trong hoảng loạn vào phút chót hay không?
Nó là thứ ngăn cản bạn mở sách vở ra để viết những dòng đầu tiên, hoặc mở máy tính lên để gõ những từ đầu tiên.
Mình tin rằng cũng đã có nhiều bạn trẻ nhận thức được sự hiện diện của thế lực vô hình này bên trong tâm trí chúng ta rồi, nó chính là thói trì hoãn, nhưng các bạn đã nắm được phương pháp giúp loại bỏ nó khỏi cuộc đời các bạn hay chưa?
Nếu đã biết phương pháp rồi thì các bạn đã hành động để thay đổi lối sống và loại bỏ thói trì hoãn hay chưa? Hay là các bạn vẫn còn đang trì hoãn cả chuyện đó nữa?
Cá nhân mình cũng đã từng là một “chuyên gia trì hoãn”, mình đã để nó ăn sâu vào lối suy nghĩ và hành động hằng ngày của mình. 
Mình nhận ra rằng, khi trì hoãn đã trở thành một thói quen thì nó sẽ dẫn tới nhiều thói xấu khác, như là thói lười biếng, tính vô kỷ luật, vô trách nghiệm, nghiện thế giới ảo, nghiện mạng xã hội và thậm chí là cả lối sống buông thả tiêu cực.
Trước khi đi vào chia sẻ với các bạn những lời khuyên giúp mình loại bỏ thói trì hoãn, mình cũng muốn giải thích cho các bạn hiểu bản chất của thói trì hoãn là gì trước đã. “Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng” đúng không nào các bạn?
Trong video Ted Talk mang tên “Inside the mind of a master procrastinator”, diễn giả Tim Urban đã giải thích rằng bộ não của chúng ta tồn tại hai phần quan trọng: 
Thứ nhất, là phần có khả năng đưa ra các quyết định hợp lý và login; 
Thứ hai là phần đưa ra những quyết định mang tính vui thích và khoái lạc nhất thời.
Những người hay trì hoãn là những người thường xuyên bị phần thứ hai lấn át và kiểm soát tâm trí. 
Con người dù có thông minh vượt bậc tới đâu thì cũng vẫn là một loại động vật, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi tư duy chỉ thích làm những thứ “vui và dễ” mà chúng ta được thừa hưởng từ tổ tiên linh trưởng. 
Trong khi sự thật là những thứ như bài tập về nhà, ôn thi, làm đồ án, làm nghiên cứu, viết báo cáo, tập gym, giảm cân... cùng với tất cả những hoạt động khác có thể giúp chúng ta phát triển bản thân, thì đều không hề dễ, và cũng thường là không hề vui. 
Vậy nên, đương nhiên bộ não chúng ta sẽ nghiêng về phe của những chiếc điện thoại, những bộ phim, những trò chơi game, những cuốn truyện tranh,... Từ đó nên mới sinh ra “sức cản”, và từ đó mới sinh ra suy nghĩ trì hoãn.
Với lối tư duy trên, mình, cùng với chính diễn giả Tim Urban, tin rằng bên trong tất cả chúng ta đều có tồn tại thói trì hoãn. 
Mình hy vọng các bạn sẽ không vì suy nghĩ kiểu “Hóa ra là ai cũng đều trì hoãn cả” mà càng trở nên trì trệ nhiều hơn. 
Mình chia sẻ sự thật trên vì mình mong các bạn nhận ra rằng dù chúng ta đều có thói trì hoãn là bản chất ở bên trong, nhưng có rất nhiều người đã vượt qua được nó và không còn để nó ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của họ nữa. Họ sống, làm việc và chăm sóc cho đời sống cá nhân rất năng suất và hiệu quả, khiến bạn cảm tưởng như họ có nhiều hơn là 24 giờ mỗi ngày.
Mặc dù mình cũng chưa đạt được đến trình độ sống và làm việc năng suất như những tấm gương mình ngưỡng mộ. 
Nhưng ít nhất thì mình cũng đã có gần chục năm kinh nghiệm làm “chuyên gia trì hoãn” và hơn 1 năm kinh nghiệm thực hành các phương pháp loại bỏ thói trì hoãn, vậy nên ngày hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn 5 lời khuyên mà mình đã rút ra được từ những kinh nghiệm kể trên.

1. Đừng chờ đến khi “đúng lúc”

Một trong những điều thú vị nhất mà mình học được từ cuốn sách Tuần làm việc 4 giờ, viết bởi tác giả Timothy Ferriss, chính là lối nghĩ:
Chẳng có lúc nào gọi là đúng lúc cả, bởi lẽ mọi lúc đều là đúng lúc.
Cái suy nghĩ “mình có thể làm việc này vào khi khác” có thể chính là kiểu trì hoãn phổ biến nhất mà tất cả chúng ta đều đã từng trải qua. 
Thực ra, tất cả chúng ta đều không có nhiều cái “khi khác” đó đâu các bạn ạ. Hiểu ra rằng nếu giờ mình có thời gian, và có việc cần phải làm, thì đây chính là lúc phù hợp nhất để mình làm cái việc đó, có lẽ chính là bước đầu tiên đã giúp mình tiến bộ trên con đường loại bỏ thói trì hoãn ở bản thân.
“Câu thần chú” mình hay vừa nhắm mắt vừa lẩm nhẩm đó là: “Phải làm ngay. Phải làm ngay. Phải làm ngay.”
Nhân đây, mình cũng muốn chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân nho nhỏ, rằng: Chỉ có ý chí không thôi thì sẽ không đủ để đánh bại tính trì hoãn.
Đây là bài học mình đã rút ra được từ rất nhiều lần nổi hứng muốn loại bỏ tính trì hoãn nhưng đều nhanh chóng nhụt chí và lại một lần nữa “mèo lại hoàn mèo”. Hay nói cách khác, mình lại trì hoãn chính mong muốn loại bỏ tính trì hoãn ở trong mình. Vậy nên, cách duy nhất mình nghĩ ra là phải hành động ngay. 
Dù cho có bao nhiêu cuốn sách self-help mình từng đọc, bao nhiêu video truyền cảm hứng mình từng xem, bao nhiêu bài học mà mình có thể rút ra sau những lần thất bại,... chúng đều sẽ không có nghĩa lý gì hết nếu đến cuối cùng mình không hành động để thay đổi bản thân.

2. Hãy tìm ra “vật cản” của bạn và loại bỏ chúng.

“Vật cản” là những thứ có thể sinh ra sức cản, hoặc tạo sự phân tâm. 
Chúng trực tiếp ngăn cản bạn làm những việc mà bạn cần phải làm, hoặc khiến bạn mất thời gian vào chúng thay vì dành thời gian làm những đầu việc thực sự quan trọng khác.
“Vật cản” phổ biến nhất mà tất cả chúng ta đều sở hữu theo mình chính là chiếc điện thoại thông minh. Với mình thì điện thoại là thứ mà cầm lên thì dễ mà bỏ xuống thì rất khó, vậy nên mình đã luôn giữ thói quen cách ly bản thân khỏi chiếc điện thoại vào những lúc cần phải làm việc. Và mình cách ly theo đúng nghĩa đen luôn, mình bật chế độ máy bay, để điện thoại ở một phòng khác, và làm việc ở một phòng khác.
Các bạn cũng nên hiểu rằng do “sức cản” được sinh ra từ những quyết định ham vui và khoái lạc nhất thời của bộ não, vậy nên bạn cũng sẽ không cảm thấy “sức cản” này khi các bạn lướt mạng xã hội, chơi game hoặc xem phim đâu. 
Tự chúng ta phải nhận thức được hành động của bản thân và có ý chí muốn thay đổi từ bên trong thôi các bạn ạ.

3. Chia nhỏ

Do bản chất các đầu việc phải làm thường không dễ, vậy nên bộ não mới có phản ứng tự nhiên là muốn được trì hoãn. 
Mình thấy phương pháp chia nhỏ các đầu việc thành các bước đơn giản là cách thức rất hữu hiệu để đánh lừa bộ não của mình rằng “vấn đề nó cũng không khó lắm đâu”.
Có 2 kiểu chia mà mình thường sử dụng:
Kiểu thứ nhất là chia nhỏ công việc - mình áp dụng cho những công việc có thể được chia thành các đầu mục, các bước rõ ràng, như lau dọn nhà cửa, nấu ăn, giặt quần áo chẳng hạn.
Kiểu thứ hai là chia nhỏ thời gian làm công việc đó - mình áp dụng cho phần lớn các đầu việc khác mà mình thường làm như viết bài, thiết kế, làm bài tập, nghiên cứu, đọc sách,...
Cả 2 kiểu chia này đều có thể được các bạn kết hợp thêm với phương pháp Pomodoro, 25 phút làm việc + 5 phút nghỉ ngơi, để hỗ trợ các bạn làm việc hiệu quả hơn.
Giờ thì có thể các bạn đang tự hỏi: Làm sao chia nhỏ việc ra lại có thể thực sự giúp mình bắt tay vào làm việc được nhỉ? Mình cảm thấy như mình đang có nhiều việc hơn đó chứ?
Vấn đề cũng chính nằm ở suy nghĩ đó mà chúng ta trở nên trì hoãn đấy các bạn ạ. 
Với cá nhân mình, mỗi khi mình tự nhủ: Mình sẽ cần 5 tiếng đồng hồ để thiết kế ra 3 chiếc banner này cho khách hàng, thì chắc chắn là mình sẽ rất ngại bắt đầu và nếu có bắt tay vào làm rồi thì cũng sẽ rất dễ mất tập trung.
Thay vào đó, mình nói với bản thân rằng: Mình sẽ chỉ cần phải dành ra 25 phút để làm một góc nhỏ này trên banner thôi.
Bằng cách tiếp cận vấn đề từ góc nhìn đơn giản hơn, giúp cho mình có nhiều động lực hơn để bắt đầu và cũng đồng thời dễ dàng giữ tập trung hơn.

4. Tự thưởng, tự phạt

Thật lòng mà nói, phần lớn tất cả chúng ta đều biết rằng học tập và làm việc không có gì là vui hết. 
Đúng là chúng ta có thể tìm thấy niềm vui trong quá trình học tập và làm việc. Nhưng về bản chất, đây là những hoạt động khiến cho não bộ của chúng ta trở nên mệt mỏi, căng thẳng, hay thậm chí là kiệt sức, vậy nên nó không thích những đầu việc này chút nào đâu.
Có một lý do mình có thể nghĩ ra để giải thích cho việc tại sao chúng ta lại chán học, chán làm và thường trì hoãn; đó là bởi vì chúng ta đang học và làm mà không có mục tiêu cụ thể. Phần lớn người trẻ chúng ta đều vẫn còn đang mơ hồ vì chưa biết tại sao mình đi học và tại sao mình đi làm.
Ồ, và khi mình nói "mục tiêu cụ thể" thì mình không có ý ám chỉ đến "tiền bạc" đâu nha. Tiền tài, danh vọng hay của cải thì đều là những thành quá (result), chứ không phải là mục tiêu (goal).
Không có mục tiêu cụ thể sẽ khiến cho chúng ta không có kế hoạch cụ thể. Không có kế hoạch cụ thể sẽ khiến cho chúng ta không có vạch xuất phát cụ thể. Không có vạch xuất phát cụ thể thì chúng ta cũng sẽ không thể bắt đầu, và từ đó sinh ra suy nghĩ trì hoãn.
Vậy nên, hãy ngồi xuống và suy nghĩ thật kỹ về mục tiêu của các bạn xem sao nhé.
Để giải quyết khía cạnh “không vui” này ở các đầu việc liên quan tới học tập và làm việc, mình đã học được ở anh Youtuber Ali Abdaal lối tư duy:
Coi nó như một trò chơi game.
Một trong những lý do khiến cho các trò chơi game trở nên hấp dẫn tới vậy là bởi chúng cho người chơi một cảm giác rất rõ ràng về sự tiến bộ (progress). 
Mỗi khi chúng ta đánh thắng một con boss mạnh hay qua được một cửa ải khó, chúng ta đều được thưởng một thứ gì đó từ trò chơi, bản thân người chơi chúng ta sau khi chiến thắng thì cũng sẽ có thể dựa vào những con số hiển thị trên màn hình mà hiểu rằng mình vừa có một sự phát triển vượt bậc.
Học và làm việc thì không thể cho chúng ta những cảm xúc hạnh phúc vì tiến bộ nhanh chóng như vậy được, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng lối tư duy tương tự vào đời sống. 
Cá nhân mình thường tự đặt cho bản thân những chiếc deadline nho nhỏ, mình hay đặt trùng với các múi giờ của Pomodoro luôn, và cổ vũ bản thân để hoàn thành các đầu việc trước deadline.
Tới cuối ngày, mình sẽ đếm lại và so sánh số lượng giữa các đầu việc kịp deadline với không kịp deadline. Nếu số việc kịp deadline nhiều hơn, mình sẽ tự thưởng cho bản thân, có thể là một cốc cà phê hay một hộp sữa. Còn nếu số việc không kịp deadline nhiều hơn, mình sẽ tự phạt, thường là bằng hình thức chống đẩy hoặc plank.
Các bạn có thể sử dụng các loại hình thưởng/phạt khác sao cho phù hợp với cuộc sống học tập và làm việc của các bạn nhất. Ý tưởng nền chỉ đơn giản là: Coi nó như một trò chơi game và tìm cách cho bản thân thấy được sự tiến bộ một cách rõ ràng nhất. 
Mình biết là phương pháp này nghe có vẻ hơi “cực đoan”, mình cũng hiểu rằng đây là lời khuyên có thể sẽ không được dành cho tất cả mọi người, bởi lẽ các bạn sẽ cần phải xây dựng được một nếp sống với kỷ luật cá nhân thật tốt trước đã. 
Nhưng với một đứa đã làm “chuyên gia trì hoãn” lâu năm như mình thì cứ phải mạnh tay như vậy thì mới khá hơn được.

5. Tận dụng lợi thế từ định luật Parkinson

Công việc tự nở rộng ra để lấp đầy khoảng thời gian mà chúng ta dành cho nó.
Ví dụ như mình hoàn toàn có thể viết bài viết này trong vòng 30 phút, nhưng mình lại muốn dành ra 2 tiếng cho nó. Vậy thì trong thực tế mình sẽ viết bài viết 30 phút này trong vòng 2 tiếng mà mình đã cho phép bản thân dành cho nó.
Để tận dụng được lợi thế từ định luật này, mình sẽ lại 1 lần nữa khuyên các bạn nên tự đặt ra những deadline cho bản thân khi học tập và làm việc.
Tuy nhiên, mình tin rằng chúng ta cũng không cần phải lý tưởng hóa thời gian biểu và deadline của bản thân một cách quá mức đâu, tránh tình trạng gây nên các căng thẳng không cần thiết các bạn nhé. 
Cái quan trọng là chúng ta tôn trọng những mục tiêu mà chúng ta tự đặt cho bản thân và chân quý phần thời gian mà chúng ta dành cho mục tiêu đó.
***
Sau một năm thực hành loại bỏ tính trì hoãn, mình nhận ra rằng những thứ mà bộ não chúng ta lựa chọn để trì hoãn hoặc ngớ lơ, mới chính là những thứ quan trọng sẽ đem lại nhiều giá trị tốt đẹp và tích cực cho chúng ta trong cuộc đời.
Từ ngày hiểu ra được điều đó, mình cũng đã bớt trì hoãn đi nhiều rồi, hehe.
“Keep Moving Forward.”
Chấp bút: Tom.