Khác biệt, chứ không hơn kém
Tôi sẽ rời bỏ những cuộc đua tưởng tượng trong đầu mình
Từ mấy năm nay tôi không còn dùng mạng xã hội như Facebook, Instagram và không viết gì trên đó nữa. Tôi đã mất hứng thú với việc thể hiện bản thân cho người khác thấy trên những nơi đông đúc và thị phi như vậy.
Việc chuyển sang viết trên Spiderum trong 3 tháng gần đây làm tôi cảm thấy an toàn hơn vì không ai biết tôi là ai, và nếu có người follow tôi thì là vì họ hiểu và chia sẻ quan điểm với tôi, chứ không phải do quen biết. Điều đó làm tôi cảm thấy được trân trọng. Với tôi, 1 follower trên Spiderum còn đáng giá hơn cả chục người follower trên mạng xã hội khác.
Trong 3 tháng tham gia spiderum, tôi viết khoảng hơn chục bài về những câu chuyện linh tinh trong cuộc đời mình, và tính tới hiện tại cũng được tới 160 người follow. Đâu đó tôi cũng lấy làm tự hào vì dù 160 người không biết mình là ai nhưng vẫn tin tưởng và theo dõi những bài viết của mình.
Nhưng cảm giác tự hào đó không kéo dài lâu, cho đến khi tôi lướt qua danh sách những người được follow nhiều nhất trên trang, con số là hơn 18000 nghìn lượt. Đó là lúc tôi bắt đầu rơi trở lại trạng thái so sánh mình với người khác và cảm thấy tệ hại về bản thân - một điều tôi rất muốn học cách từ bỏ.
Khi dùng Spiderum tôi rất muốn cố gắng chỉ tập trung vào bản thân, viết ra những điều mình suy nghĩ và không muốn quá tập trung vào số lượng người follow hay chạy đua với ai. Nhưng thú thực với tôi điều đó là rất khó.
Tôi không rõ liệu có phải bản tính ganh đua đã có sẵn trong con người mình từ khi sinh ra - còn gọi là được hard-wired không. Hay là do tôi được nuôi dạy trong một môi trường từ nhỏ luôn phải thi đấu với bạn bè để đứng đầu các đội tuyển, để giành giải nhất trong mọi cuộc thi, để luôn chiếm vị trí số 1 và làm bố mẹ hài lòng.
Dù lý do là gì, tôi luôn vô thức so sánh mình với người xung quanh, đặc biệt nếu đó là lĩnh vực mà tôi quan tâm và cho rằng mình có năng lực. Và điều này có cả lợi ích và tác hại. Một mặt nó cho tôi động lực phấn đấu, học hỏi và vươn lên rất nhanh. Nhiều thành tựu cho trong học tập và công việc của tôi là nhờ động lực này mà có.
Nhưng mặt khác, nó làm tôi luôn thấy bất an, nhỏ bé và vô dụng. Việc so sánh mình với người khác luôn là cách nhanh nhất để đi đến kết luận tôi không đủ tốt, tôi không đủ giỏi, đơn giản là không đủ. Và tệ hơn, thói quen đó khiến tôi rơi vào rối loạn lo âu kèm những cơn hoảng loạn panick attack dạng nhẹ và bắt buộc phải điều trị thuốc.
Tôi biết mình phải học cách dừng so sánh bản thân với người nếu muốn chữa được bệnh, nhưng thói quen đó thực sự rất khó bỏ. Nó giống như một bóng ma luôn lẩn khuất đâu đó và chầu chực vồ lấy tôi bất cứ lúc nào tôi không để ý.
Để thay đổi, tôi luôn dùng 1 câu mantra "Life is not a race! Life is not a race!" - cuộc đời này không phải là một cuộc đua. Mình không cần phải cố vượt qua người khác mọi lúc mọi nơi để chứng to bản thân có giá trị hay có mục đích sống. "You are enough! You are enough!" Mình là đủ và xứng đáng được yêu thương như chính con người mình, không cần cái gì hơn cả.
Tôi từng xem một quảng cáo của Nhật và nó đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Mở đầu quảng cáo chiếu cảnh một anh chàng đang trong một cuộc chạy đua và cứ phải cố gắng chạy vượt lên những người khác vì mọi người đều tin 'life is a marathon', nhưng đến một lúc anh chợt dừng lại và đặt câu hỏi cuộc sống có thực sự là một cuộc chạy đua như vậy không? Ai là người quyết định cuộc đua đó? Tại sao chỉ có thể có một con đường? Tại sao chỉ có thể có một đích đến?
Và sau đó anh bỏ ra khỏi đường đua, những người khác nhìn thấy anh làm vậy và cũng bắt đầu rời khỏi đường đua và họ cùng chạy đến những nơi khác nhau, làm những việc mình thực sự yêu thích như đá bóng, leo núi, nhảy dù, lập gia đình sinh con, chinh phục Bắc cực, vv...
Thông điệp của quảng cáo là cuộc sống không phải một cuộc chạy đua, mỗi con người có con đường của riêng mình và mục tiêu của riêng mình. Không cần phải so sánh mình với người khác. Và sẽ lúc mình thất bại, có lúc mình bỏ cuộc, nhưng cũng chẳng sao cả. Mỗi cuộc đời đều tuyệt vời theo cách của riêng nó.
Tôi xem quảng cáo này từ nhiều năm trước và vô cùng ấn tượng. Mỗi khi tôi bắt đầu so sánh bản thân với người khác và tự căm ghét chính mình, tôi sẽ nhớ về quảng cáo đó và nhắc bản thân rằng mình phải sống cuộc đời của mình, đi con đường của mình, hướng đến mục tiêu của mình, theo cách của mình và với tốc độ của mình. Không cần liên tục so sánh với người khác, hãy để họ theo đuổi con đường của chính họ theo cách mà họ muốn. Chúng ta vốn là khác biệt, không nhất thiết phải là hơn kém.
Một điều nữa tôi cũng thường dùng nhắc nhở và động viên bản thân là một bức ảnh tôi vô tình thấy trên mạng. Bức ảnh chụp cảnh vận động viên bơi lội Michael Phelps đang vươn mình chạm đến vạch đích trong cuộc đua, còn người sau anh lại đang mải nhìn sang Phelps. Caption bức ảnh là "Winners focus on winning, losers focus on winners." (Kẻ thắng cuộc tập trung giành chiến thắng, kẻ thua cuộc tập trung vào kẻ thắng cuộc).
Tôi hiểu đó chỉ là một khoảnh khắc vô tình được sắp đặt rất khéo cho hợp với caption. Nhưng câu caption đó làm tôi nhận ra nếu mình chỉ chăm chăm nhìn xem những người xung quanh đang ở đâu và đang làm gì, mình sẽ không thể tập trung vào con đường của chính mình. Mình sẽ mãi chạy theo người kia và đi con đường họ đã đi, dù có thể con đường đó không phải con đường mình muốn đi và nên đi.
Nếu mình để bản thân bị cuốn vào một cuộc đua trong tưởng tượng với người khác, thì mình sẽ luôn lạc lối. Và sống trên đời này có gì đáng sợ hơn là cứ mải miết chạy theo người khác để rồi mông lung và không biết mình là ai, đang ở đâu và cần đi đâu.
Bác Trần Tiến - một nhạc sĩ mà tôi vô cùng yêu quý và ngưỡng mộ từng chia sẻ bác có hai nguyên tắc khi làm nhạc. Thứ nhất là không bao giờ nghe nhạc của người khác, vì như vậy mình sẽ viết giống họ. Thứ hai, không nghe lại nhạc của chính mình để tránh viết theo lối mòn cũ.
Có thể nhiều người nghe sẽ thấy tư tưởng của bác có phần cực đoan, thậm chí là kiêu ngạo. Nhưng cá nhân tôi cực kỳ ấn tượng khi nghe bác nói vậy. Chỉ có người thực sự tự tin vào bản thân và khả năng sáng tạo của mình mới dám nói câu đó. Họ không cần tham khảo hay sao chép từ bất kỳ ai khác vì tự thân họ đã có đủ nguồn lực, ý tưởng và năng lượng sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm độc nhất của riêng mình.
Một người nghệ sĩ tự tin đứng trên chân mình và đứng một mình như vậy cũng phải rất dũng cảm. Đi cùng người khác hay đi theo người khác luôn là con đường an toàn và dễ dàng hơn. Nhưng chỉ có đi một mình thì mới thách thức được giới hạn bản thân và mang lại giá trị của riêng mình cho cuộc đời.
Một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã sống như thế và nói như thế. Một người thế hệ sau như tôi, dù không làm sáng tác nghệ thuật cũng cảm thấy mình nên lắng nghe, suy ngẫm mà học hỏi.
Bản thân tôi không coi mình là người viết lách chuyên nghiệp, nhưng việc viết có một ý nghĩa đặc biệt với tôi. Nó là cách tôi định hình lại tư duy của chính mình cũng như ghi lại quá trình học hỏi và trưởng thành của bản thân. Thông qua việc viết, tôi cũng hi vọng chia sẻ hành trình của mình với những người khác và biết đâu nó giúp ích được cho họ.
Vì vậy, một lần nữa, tôi phải học cách rời bỏ những cuộc đua tưởng tượng trong đầu mình, tập trung vào cái mình đang làm và cần làm. Làm nó cho thật tốt, cho thật chân thành và theo đúng cách mình muốn. Chỉ cần vậy thôi. Mọi thứ khác sẽ được giải quyết.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất