Con người sẽ ra sao sau khi chết? Liệu có tồn tại thiên đàng hay địa ngục? Có kiếp sau không?
Ảnh bởi
Ben Vaughn
trên
Unsplash
Cái chết vẫn luôn là một bí ẩn lớn với toàn nhân loại. Nhưng nó là một phần không thể tránh được của cuộc sống. Dù bạn có là thiên tài với những phát minh khiến cả thế giới nể phục, hay chỉ là một người bình thường vô danh chẳng ai biết đến, thì cái chết cũng sẽ diễn ra không sớm thì muộn.
Tuy nhiên, nó không phải kẻ thù cần được loại bỏ hay một trận chiến mà loài người bắt buộc phải thắng. Ngược lại, nó là giới hạn để tạo nên ý nghĩa cuộc sống. Bài viết này sẽ nói về những quan điểm về cái chết theo góc nhìn của Phật giáo, Kito giáo và một vài chủ nghĩa khác.

1. Phật giáo

Phật giáo được chia làm nhiều nhánh với nhiều quan niệm khác nhau, nhưng về cơ bản thì Phật giáo khẳng định chết không phải là hết mà chúng ta sẽ tiếp tục tái sinh dưới các quy luật nhất định, để đi sang kiếp sống mới.
Theo phật giáo Tây Tạng, thì tâm trí là dòng chảy của nhận thức, nó không phát sinh từ những nguyên nhân vật lý. Vì thế, khi cơ thể vật lý của chúng ta chết đi, những suy nghĩ và năng lượng vẫn còn tồn tại. Việc gì sẽ xảy ra với dòng nhận thức này phụ thuộc vào nghiệp quả còn tồn tại lớn nhất vào giây phút bạn lìa đời. Đây chính là động lực thúc đẩy sự tái sinh.
Đến đây phải giải thích qua một chút về luật nhân-quả. Hiểu đơn giản, luật nhân quả là việc những hành động bạn từng làm sẽ mang đến hậu quả trong tương lai. Gieo hạt nào - gặt quả đó. Nếu một người chưa thể thoát khỏi những nghiệp quả đã xảy ra trong cuộc đời mình, thì họ vẫn là chủ thể bị ảnh hưởng bởi dòng chảy của nhận thức, và tâm trí sẽ tìm một cơ thể mới để tái sinh.
Phật giáo không nhìn nhận có một linh hồn trường tồn vĩnh cửu để chuyển sinh từ kiếp này sang kiếp khác. Thay vào đó, Nghiệp quả chính là nguyên nhân tạo thành sự tái sinh. Con người hiện tại là sản phẩm của quá khứ và nó sẽ sinh ra con người trong kiếp sống mới (tái sinh vị lai). Chúng ta hiện tại không còn giống chúng ta khi còn nhỏ, từng giây phút ta đang trải qua chính là vòng lặp của cái chết và sự tái sinh.
Tuy nhiên, cũng theo Phật giáo Tây Tạng, thì vào lúc chết, tâm trí có thể trải nghiệm một khoảng trống giữa cái chết của kiếp này và sự tái sinh ở kiếp sau. Họ gọi đây là bardo - trạng thái trung gian. Bardo chính là trạng thái tự nhiên và nguyên thủy của tâm trí. Nếu đạt được trạng thái bardo vào thời khắc cái chết xảy ra, thì con người sẽ được giải thoát khỏi vòng luân hồi.
Phật giáo nói rằng không có chúa hay bất kỳ một thế lực vô hình nào có nhiệm vụ đánh giá phẩm chất đạo đức của bạn trong từng kiếp sống và quyết định cho bạn một kiếp sau tốt đẹp hay đau khổ. Thay vào đó, chúng ta sẽ nhận lại những gì chúng ta đã từng làm. Giống như hiện tại - khi cơ thể vật lý của ta vẫn đang còn sống, thì trong vô thức, ta cũng bị đẩy vào những hành động hoặc suy nghĩ bởi sự ảnh hưởng của nghiệp quả mà ta đang mang trong mình.

2. Ki tô giáo

Then the dust will return to the earth as it was. And the spirit will return to god who gave it.
The bible
Theo Kito giáo, Chúa là đấng tối cao tạo nên linh hồn. Sau khi một đứa trẻ được sinh ra, Chúa sẽ trao linh hồn cho nó. Trong kinh thánh, quá trình sau khi chết đi được miêu tả như sau:
Sau khi chết, cơ thể vật lý trở nên mục ruỗng, tất cả linh hồn được đưa đến một vương quốc gọi là Hades. Hades bao gồm Paradise (vườn cực lạc) và Torment (nơi đày ải). Nếu chúng ta làm những điều tốt đẹp thì được đưa đến vườn cực lạc và ngược lại, nếu ta làm những điều tội lỗi thì linh hồn sẽ bị đưa xuống nơi đày ải và chịu hỏa thiêu.
Các linh hồn sẽ ở vườn cực lạc hoặc nơi đày ải cho đến ngày xét xử. Kinh thánh gọi ngày này là Ngày của chúa. Trong ngày này, vương quốc Hades sẽ biến mất và tất cả những linh hồn (cả tốt và xấu) đều được sống lại và trao cho cơ thể bất tử. Những người vẫn còn sống trên trái đất vào ngày này cũng được chuyển hóa thành cơ thể bất tử. Tất cả tập hợp trước Chúa để tường trình về những hành vi của mình trong thời gian sống tại trần thế, qua đó họ sẽ được tưởng thưởng hay bị luận phạt.
Sau khi nhận phán xét, những người tốt sẽ sở hữu một  linh hồn bất tử, một cơ thể bất tử và được đi đến thiên đàng (Heaven). Những người xấu thì đi vào địa ngục (Hell) và chịu lửa thiêu mãi mãi.

3. Thế giới linh hồn

Michael Duff Newton là một tiến sĩ về cố vấn tâm lý, là nhà thôi miên có bằng cấp và là thành viên của Hiệp hội Cố vấn Mỹ. Ông đã sáng lập ra học viện Michael Newton nhằm mục đích chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên từ năm 2002-2005 với tư cách là viện trưởng đầu tiên.
Trong khi thực hành thôi miên với những bệnh nhân của mình, ông đưa ra những kết luận thú vị về kiếp trước, về thế giới của những linh hồn. Ông phát triển kỹ thuật khôi phục lại ký ức quá khứ (thôi miên tiền kiếp) để có thể đưa các đối tượng bị thôi miên nhớ lại các ký ức của kiếp trước.
Trong cuốn sách Hành trình của những linh hồn, ông viết rằng, sau khi chết đi, linh hồn của chúng ta sẽ rời khỏi cơ thể, đi qua một đường hầm và trở về nhà - nơi các linh hồn trú ngụ. Ở đó, ta sẽ được gặp lại những người mà mình yêu quý và đã được gặp trong tất cả các kiếp sống - những người có cùng mức độ nhận thức và học cùng bài học với chúng ta.
Trong hành trình phát triển của các linh hồn, tác giả chia ra thành 6 cấp độ. Mỗi cấp độ được đại diện với một màu sắc khác nhau, khi lên cấp độ cao thì những linh hồn sẽ có thêm nhiệm vụ là hướng dẫn, chỉ dạy cho các linh hồn khác.
Như vậy, khoảng thời gian mà chúng ta sống là để giúp bản thân được rèn luyện và phát triển lên một cấp độ cao hơn. Tất cả những gì chúng ta đã và đang trải qua là việc mà linh hồn của chúng ta đã lựa chọn trước khi đến với thế giới này. Để có thể phát triển tốt hơn, các linh hồn sẽ lần lượt trải nghiệm những khó khăn và phải vượt qua nó, nếu không sẽ phải tiếp tục học lại những bài học ở kiếp tiếp theo.  
Đi ngược với tư tưởng của Phật giáo, sau khi thôi miên tiền kiếp, tiến sĩ Michael cho rằng cái chết chỉ có nghĩa chúng ta từ bỏ thân xác, còn mỗi cá nhân là một linh hồn vĩnh hằng. Chết chỉ là bước chuyển tiếp, để giúp linh hồn đó phát triển thêm.
Nếu tin tưởng vào quan điểm này, thì cuộc sống không có khổ đau hay thất bại. Nó chỉ bao gồm những bài học mà bạn đã chọn và cần trải qua.

4. Chủ nghĩa khắc kỷ.

Chủ nghĩa khắc kỷ không nói về cuộc sống sau khi chết, nhưng các nhà khắc kỷ đã dành phần lớn thời gian của mình để chiêm nghiệm về cái chết.
Một trong những kỹ thuật của chủ nghĩa khắc kỷ là tưởng tượng mình sẽ chết - hoặc tưởng tượng người thân yêu nhất của mình sẽ chết. Seneca đã từng nói “chúng ta cần phải yêu thương tất cả những người thân yêu của mình…, nhưng luôn nhớ rằng chúng ta không được hứa hẹn là có thể giữ họ bên mình mãi mãi, thậm chí còn không được hứa hẹn là có thể giữ họ bên mình lâu dài”. Trong khi tận hưởng thời gian bên cạnh những người thân yêu, chúng ta nên định kỳ dành thời gian để suy ngẫm về khả năng niềm vui này sẽ kết thúc. Và cái chết của ta - hoặc của những người thân ta - sẽ kết thúc nó.
Chính vì thế, chủ nghĩa khắc kỷ khuyên chúng ta phải sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng- không phải để sợ hãi trước cái chết, mà để sống trọn vẹn cuộc đời mình. Một người luôn nghĩ rằng anh ta sẽ trẻ trung và sống mãi mãi sẽ dễ bỏ phí thời gian của bản thân và không biết trân trọng những gì mình có, hơn một người biết thời gian của mình là có hạn, và mỗi ngày anh ta lại càng tiến gần hơn đến cái chết.
Tóm lại, dù bạn tin có góc nhìn và niềm tin nào về cái chết, thì có một điều không thể phủ nhận: Chết là việc không thể tránh khỏi, và nó sẽ đến một cách bất ngờ. Tất cả chúng ta đều sở hữu một quỹ thời gian có hạn, và có vẻ như là thiếu công bằng khi một người phải ra đi sớm hơn những người khác. Nhưng đây chính là cuộc sống. Để hiểu và chấp nhận việc này là vô cùng khó khăn, khi hầu hết chúng ta đều là những người cảm xúc và muốn gắn bó cả đời với những người yêu thương.
Vậy nên, chỉ cần nhớ rằng: Cuộc đời là hành trình tuyệt đẹp, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc với người đang bên cạnh bạn, để không phải nuối tiếc vào giờ khắc bạn qua đời. 
P/s: Nhà tâm lý học Carl Jung đã nói rằng, qua quan sát của ông, một người có đức tin hoặc đi theo một tôn giáo cụ thể sẽ có khả năng vượt qua mất mát dễ dàng hơn một người không có niềm tin hoặc triết lý sống. Chính vì thế, mình hy vọng có thể đưa cho bạn một vài quan điểm, để bạn có thể phần nào chọn ra niềm tin của riêng mình và có cái nhìn tích cực hơn về cái chết.
Bạn có thể xem video tại đây:
Tài liệu tham khảo:
Sách: The bible
Chủ nghĩa khắc kỷ - William B.Irvine