Trong bài viết của tác giả Phạm Nguyên Trường bàn về niềm tin ngây ngô của Tử vi, có đề luận đến 7 điểm, và sau này được sửa thành 9 điểm. Trong bài viết này tôi sẽ giải thích đầy đủ 9 điểm này.

Dẫn nhập

Tất cả những người nói rằng thông thạo Tử vi mà tôi (hay bạn) đã gặp đều không trả lời được những câu hỏi này. Như vậy, có thể kết luận rằng, Tử vi hoặc là một thú chơi giống như môn cớ tướng hay cờ vây của người Trung Quốc cổ đại hoặc là một môn bói toán tuỳ tiện, chẳng có giá trị gì.
Đoạn trích trên chính là kết luận của tác giả, tôi muốn nói một lần cho rõ. Bất kỳ ai cũng không trả lời chứ không phải là không trả lời được. Chẳng có lý do gì người ta phải đi chia sẻ những gì họ dùng mồ hôi nước mắt, máu thịt, tiền bạc để có được cho những người không tôn trọng kiến thức. Bạn muốn tìm hiểu, xin hãy trả "học phí".
Nói như thế nhưng điều buồn hơn là vì, thời buổi bây giờ, những người im lặng thì chỉ có hai hạng: một là biết rất nhiều, biết sâu sắc đến mức không thể nào nói cho người khác hiểu được vì nó quá dài, quá công phu; hai là không biết một chút gì, chẳng biết phải nói gì. Và cũng có những hạng khác như là tôi, biết một chút ít thì thích chửi bới, thích tranh luận.
Những người xỉa xói, chê bai, bài trừ "mê tín dị đoan" kỳ thực cũng chẳng có một tí kiến thức gì về những vấn đề họ chê bai, đồng thời những người đứng lên bênh vực, lại càng chẳng có kiến thức gì, và (lại) càng tạo đà để những người vốn đã khinh thường tri thức kia tưởng rằng mình đúng. Hiện tượng này ngày một nhiều trong xã hội.
Hôm nay, tôi xin phép phá luật lệ cổ nhân, nói một lần cho rõ ràng, cho thật chỉnh xem, xem thực sự có phải 9 điểm kia là gì, và có phải là điều vô lý không ai giải quyết được trong tử vi hay không. Bài viết sẽ rất dài, điều quan trọng nên nói hai lần, rất rất dài. Các bạn có thể skip, tùy, nhưng xin các bạn hãy nhớ đọc note ở cuối bài.

Dẫn luận

Giữa đông và tây, có một khoảng cách không thể nào vượt qua, cho dù khoa học đã mổ xẻ, chẻ ngang chẻ dọc cơ thể con người hàng trăm năm nay, cũng không thể tìm được cái gì gọi là "kinh lạc" cái gì gọi là "huyệt". Nhưng không hiểu bằng một cách kỳ quái nào đó, thuốc cổ truyền vẫn có hiệu quả, châm cứu vẫn cứ là một phương pháp trị liệu chữa những chứng bệnh mà còn chẳng hề có tên trong bệnh học. Cho đến thời điểm bài viết này được viết, việc sử dụng văn minh phương Tây làm sáng tỏ cho nền triết học phương Đông là một điều khó khăn, đôi khi có phần kệch cỡm. Nhưng trước sự sính ngoại, việc không làm theo quy luật chung thì sẽ là cổ hủ, lạc hậu.
May mắn thay, chủ đề tôi muốn nói đến dưới đây lại khá là khoa học, nếu không muốn nói là thuần túy khoa học. Đặc biệt hơn nữa, đây lại chính là điểm chung giữa hai nền văn minh Đông Tây. Số học. Chúng ta hãy cùng đi vào câu hỏi đầu tiên, điều mà những người với kiến thức lớp 3 đã có thể hiểu, nhưng có những người đã học đến thạc sĩ tiến sĩ, lại từ chối hiểu.

Câu hỏi thứ nhất

1. Khởi đầu của vòng lục thập hoa giáp (60) năm là do một ngưởi nào đó nghĩ ra, người đó có thể bắt đầu tính chu kì đầu tiên trước đó hoặc sau đó vài năm, và như thế năm nay có thể không phải là Đinh Dậu mà có thể là năm Dần, hay Thìn, hoặc Tỵ hay Ngọ…v.v.
Đây là một trong 9 câu hỏi tác giả cho rằng không ai có thể giải thích được, ngoài ra, có thêm một câu hỏi phụ như sau: " ... thì tại sao cách an mệnh của Tử Vi Việt nam bắt đầu từ cung Dần, trong khi một số phái tử vi Trung quốc bắt đầu từ cung Tý?"
Ngay từ luận điểm và câu hỏi ngô nghê này của tác giả, tôi có thể hiểu ngay tác giả hiểu biết một cách hời hợt không chỉ về tử vi, mà còn cả về lịch sử.
Lục thập hoa giáp đúng là do người tạo ra, nhưng không phải là nghĩ ra một cách hàm hồ, họ dựa trên cơ sở khoa học đàng hoàng. Để hiểu được điều này, tôi nghĩ rằng mình cần phải trình bày:

Ngày tháng năm của người xưa

Có một điểm chung không thể chối cãi giữa người thời xưa và thời nay. Thời nào cũng thế, con người phải đối mặt với thời gian, phải cân đo đong đếm thời gian cho lao động, sản xuất. Mới đầu, con người ta chỉ biết có ngày sáng và đêm tối, chưa biết đến gì lớn lao hơn. Và trong đêm tối mịt mù, người ta chỉ nhìn thấy thiên thể "sáng" nhất trên bầu trời đêm: Mặt Trăng. Dựa theo sự tuần hoàn sáng tối của mặt trăng, người ta gọi ra một tháng. Ngày và đêm theo mặt trời, tháng theo tuần trăng, là những đơn vị đo thời gian đầu tiên của con  người.
Tiếp đến, con người ta dựng cột (Trung Quốc cổ đại gọi là Thổ Khuê) để đo bóng nắng, vạch được quỹ đạo chuyển động của mặt trời Đông - Tây. Khi cần thời gian chính xác hơn nữa, cổ nhân sáng tạo ra đồng hồ cát và đồng hồ nước đê đo thời gian dài ngắn ngày đêm, do đó biết được chính xác độ dài của ngày và đêm trong mỗi mùa. 
Đời này đến đời khác, hết tháng rồi lại năm, người ta nhận thấy, có hai ngày đặc biệt trong năm, cách nhau xấp xỉ 180 ngày, hai ngày đặc biệt đó có thời gian ngày - đêm là giống nhau. Người ta gọi đó là xuân phân thu phân. Người ta cũng nhận thấy thêm, là còn hai ngày đặc biệt nữa, là ngày mà ngày dài nhất, đêm ngắn nhất, và ngày đêm dài nhất, ngày ngắn nhất. Họ đặt tên hai ngày đó lần lượt là Hạ Chí Đông Chí. Khái niệm năm  chu kỳ vòng hoàng đạo được hình thành từ sự tuần hoàn khép kín của 4 mốc thời gian đã nói trên. Ngày nay, người ta đã tính một năm có 365.24217 ngày. Tại sao lại nói ngày nay, vì người Trung Quốc cổ đại, ngay khi nhận thấy sự bất cập của việc chia theo số lẻ, đã chính xác hóa bằng cách phân một ngày ra 100 khắc, và tính toán được một năm có 365.25 ngày, số ngày này chỉ chênh có 11 phút so với hiểu biết của chúng ta, đây là một điều rất đáng khâm phục.
Dựa trên 4 mốc đó, định nghĩa Xuân phân là gốc 0 độ, phương Tây chia vòng tròn hoàng đạo (đường hoàng đạo chính là quỹ đạo của trái đất quay quanh mặt trời một vòng, theo như thuyết địa tâm thì là quỹ đạo vận chuyển của mặt trời từ tiết xuân phân này sang tiết xuân phân tiếp theo) ra làm 12 cung, mỗi cung 30 độ. Phương Đông lại chia một nửa ra nữa, ngày đầu tiên của 15 độ thứ nhất là ngày tiết khí, ngày đầu tiên của 15 độ tiếp theo được gọi là ngày trung khí. Vậy chúng ta có 12 tiết khí (Lập xuân, Kinh Trập, Thanh Minh, Lập hạ, Mang chủng, Tiểu thử, Lập thu, Bạch lộ, Hàn lộ, Lập đông, Đại tuyết, Tiểu hàn) và 12 ngày trung khí (Vũ thủy, Xuân phân, Cốc vũ, Tiểu mãn, Hạ chí, Đại thử, Xử thử, Thu phân, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đông chí, Đại hàn). 
Theo cách nói đơn giản, một tháng sẽ thường có một tiết khí, và một trung khí, mỗi tháng được đặt tên theo một con giáp. Được gọi là Địa Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ. Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi)

Can chi

Người xưa xây dựng hệ can chi trên lý thuyết dịch học cổ, để có thể trình bày rõ, dứt khoát phải trình bày được hệ thống dịch học cổ. Nhưng câu hỏi của tác giả, và khuôn khổ bài viết này chưa thực sự cần thiết, chắc chắn sẽ có một bài viết khác. Dưới dây xin được tóm tắt một số điểm chính.
Lịch can chi gắn liền với sự phát triển của nông nghiệp, văn minh nông nghiệp. Nếu không có văn minh nông nghiệp thì chắc hẳn người ta đã phải có một cách tính khác cho ngày tháng năm. 
Mười thiên can: Là 10 giai đoạn thuộc phần Dương của cây cỏ, tính từ khi cây trồi lên mặt đất:
Giáp: là giai đoạn nảy mầm, Dương còn bên trong, Âm còn bên ngoài.
Ất: là giai đoạn cây non, Âm chiếm ưu thế
Bính: giai đoạn cây vươn rõ ràng như ánh mặt trời
Đinh: giai đoạn cây cỏ trường thành mạnh mẽ
Mậu: giai đoạn cây cỏ thuần thục, cành lá xum xuê
Kỷ: Giai đoạn thẳng vững thành hình thù
Canh: Cây cỏ nhiều thay đổi, đâm chồi nảy lộc, ra hoa, có hương sắc.
Tân: Giai đoạn cây cỏ nảy sinh cái mới, thành quả, kết hạt
Nhâm: Giai đoạn mầm cây mới phát sinh trong quả, trong hạt
Quý: Giai đoạn bế, mầm sống trong quả, hạt, chờ thời cơ.
Mười hai địa chi: Miêu tả 12 giai đoạn thuộc phầm Âm của cây cỏ, từ khi hạt giống được gieo đến khi hạt nảy mầm, thành cây mới, cho đến khi nhờ đất mà ra hoa, kết quả, rồi hủy diệt quay về với đất rồi tái sinh. Diễn giải tương tự như trên.
Thứ tự của 10 thiên can như trên, và 12 địa chi như chúng ta hay biết, là bất di bất dịch, người ta đếm số cho nó, từ 1 đến 10, và từ 1 đến 12. Cứ số chẵn thì gọi là âm, số lẻ thì gọi là dương. Dứt khoát chỉ xếp những thằng nào có số thứ tự chẵn với nhau, thằng nào có số thứ tự lẻ với nhau chứ không xếp nửa đực nửa cái. Bội chung nhỏ nhất của chúng là 60. Như vậy bắt đầu từ Giáp Tý và kết thúc tại Quý Hợi. Hiểu về bản chất, đây là hệ đếm đến 60, có thể dùng để đếm bất kỳ thứ gì ta muốn.

Quay lại với câu hỏi

Câu hỏi này ai trả lời cũng khiến tác giả cười khẩy, khinh thường người khác, vì rằng ý tác giả muốn hỏi, lịch tuần hoàn như thế, thì năm đầu tiên là năm quái nào chả được, không có gì có thể định được rằng năm 1996 phải là năm Tý cả. Vì nếu mốc năm đầu tiên khác đi, thì năm đầu tiên có thể là bất kỳ năm nào nó muốn. Người phản biện thì lại đi theo cái hướng là "nó chỉ là số đếm, tên không quan trọng" trong khi không hiểu rằng cách đếm này không chỉ là số đếm, đếm theo tên khác, thì cung mệnh hoàn toàn thay đổi. Chính vì như thế nên chẳng ai chịu ai. Tôi sẽ mổ xẻ câu hỏi của tác giả như sau:
Khởi đầu của vòng lục thập hoa giáp (60) năm là do một ngưởi nào đó nghĩ ra, người đó có thể bắt đầu tính chu kì đầu tiêntrước đó hoặc sau đó vài năm, như thế năm nay có thể không phải là Đinh Dậu mà có thể là năm Dần, hay Thìn, hoặc Tỵ hay Ngọ…v.v.
Tuyệt vời! Như vậy là tác giả đã thừa nhận chuyện tại sao ta lại đếm từ Giáp Tý chứ không phải Dần Thìn Tỵ Ngọ. Cũng như việc tác giả hiểu tại sao người hiện đại lại đếm từ 1, chứ không đếm từ 3, từ 7. Vậy công việc của tôi cần giải quyết là người xưa có chọn bừa một năm để làm năm giáp tý hay không?

Năm giáp tý đầu tiên

Như một vòng tròn, 60 năm rồi lại 60 năm, dứt khoát có điểm khởi đầu của nó. Ờ nhưng tôi đã trình bày đến đây rồi, người ngày xưa toàn ngắm trăng ngắm sao như thế, các bạn chắc cũng đoán được là người xưa sẽ dùng một hiện tượng thiên văn để quyết định ngày đầu tiên phải không. Nhưng, hiện tượng nào ???
Thuở xưa, có 5 hành tinh có thể thấy bằng mắt thường: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Người ta lấy thời điểm 5 hành tinh trên thẳng hàng với mặt trăng và mặt trời tạo thành ngày Giáp Tý, tháng Giáp Tý, năm Giáp Tý. Hiện tượng này được gọi là "Thất diệu tề nguyên".
Câu trả lời đơn giản nhỉ, nhưng nói thế lại có người muốn hỏi: Nếu đã như vậy tại sao tử vi lúc này lại lấy năm Tý (Kiến Tý), lúc lại lấy năm Dần (Kiến Dần). Hơn nữa Thất Diệu tề nguyên là ở đâu, năm nào, ai nhìn thấy, còn sống không ?
Không nói ra ngô ra khoai thì không xong. Sở dĩ tôi nói tác giả dốt sử là ở chỗ này. Có người nhìn thấy, nhưng mà người nhìn thấy 7 thiên thể thẳng hàng ở năm đầu tiên đó đã mất cả rồi, không ai qua khỏi cơn bạo bệnh cả, tôi rất tiếc. Người đời sau tính toán rất cẩn thận, và đã biết được rằng đó là năm 2697 trước công nguyên. Và Trung Hoa đã lấy năm đó là năm Hoàng Đế nguyên niên. Tính từ năm đó đến năm 1983 là đã có 78 vòng giáp tý. 
Tới đây sẽ lại có 2 câu hỏi: Tính thế có chính xác hay không, mà có chắc chắn là lần thất diệu tề nguyên tới, thì lại là năm giáp tý hay không. Tôi xin trả lời nhanh: Không chính xác, chính vì thế mà cực nhiều trường phái; cách tính ở trên theo các tài liệu được cho là gần với số chính xác nhất. Và, không biết, chúng ta chẳng biết được vì số đấy quá lớn (Lưu ý không nhầm với ngũ tinh tụ hội - hiện tượng biểu kiến khi 5 thiên thể nhìn thấy được thẳng hàng từ góc nhìn mặt đất, mà là 7 thiên thể thẳng hàng).
Chí ít ta cũng có thể hiểu cơ sở lý luận, thế giới quan của người xưa, chứ không phải là người xưa muốn "chọn bừa" một ngày để làm ngày đầu tiên của lịch. Còn ngày đầu tiên đấy, chưa chắc đã chính xác, nhưng nếu nói không có cơ sở, thì là ăn nói quàng xiên thiếu suy nghĩ.

Tháng Giáp Tý đầu tiên

Tiếp theo, tại sao Trung Quốc Kiến Tý, còn chúng ta Kiến Dần? Đầu tiên phải nói, Kiến Tý và Kiến Dần không phải là năm đó là năm Tý hay năm Dần, mà là tháng đầu tiên của năm là gì. Chúng ta đã có năm Giáp Tý, theo cách đếm, hiển nhiên là lịch cũng sẽ bắt đầu từ tháng Giáp Tý - hay là tháng 1 phải không. Người ta quy ước Tháng Giáp tý là tháng có Đông Chí, tiếp theo đó sẽ là theo trật tự các mùa. Lịch mà tháng Tý là tháng đầu, gọi là Kiến Tý. Tuy nhiên, đến nhà Hán, Hán Cao Tổ thấy rằng đầu năm đi ăn chơi mà lại lạnh thế, chán bỏ mẹ (thực ra ổng không có nói thế, mình đùa đấy) và quyết định là tháng đầu tiên của năm nhất định phải có Lập Xuân mới thú. Mà tiết Lập Xuân lại rơi chính vào chi Dần, từ đó có lịch Kiến Dần - tức tháng 1 là tháng Dần, vẫn tuần hoàn như vậy không có gì thay đổi cả. Nói cách hiện đại dễ hiểu. Tức là người xưa quy ước năm mới bắt đầu từ tháng 10, còn chúng ta quy ước năm mới bắt đầu từ tháng 1, không có gì đáng để bàn cãi.
Sự khác nhau này, là do kiến giải của 2 trường phái, tính từ Dần, thì theo đúng trình tự của con người, từ sinh trường đến dị diệt. Tính từ Tý, thì theo đúng khởi nguyên của trời đất, không có đúng có sai, hai phái này vốn không thống nhất. Và đương nhiên là nó có quy luật ẩn sau nó như tôi đã trình bày, không có cái gì gọi là bừa bãi ở đây. Nếu đã đặt được câu hỏi như thế, sao tác giả không suy nghĩ thêm lý do của việc chỉ có 2 trường phái là gì, sao không có hẳn 12 trường phái mà lại chỉ có 2, tôi cho rằng tác giả đang cực kỳ thiên kiến, thiếu hiểu biết và không hề biện chứng ở đây.

Câu hỏi thứ 2

2. Những ngôi sao để an vào các cung cũng là do một người nào đó nghĩ ra chứ hoàn toàn không có thật.
Các bạn ạ, chắc chắn 100% câu hỏi này và 5 câu sau là bait, bait để xem ai không có hiểu biết gì về tử vi mà vào tranh luận chứ người nào đọc một tí về tử vi rồi thì không thể phát ngôn ra câu này được.
Tất cảc các ngôi sao đó đều là những thiên thể có thể quan sát được, mỗi một vùng, một miền mà cần quan sát, đều là những vùng được phân chia theo thiên văn của Trung Quốc cổ đại bao gồm Tử Vi Viên, Thái Vi Viên, Thiên Thị Viên. Để tôi ví dụ một ví dụ google cái ra ngay:
Hỏi về Tử Vi chủ định như thế nào?
Đáp viết: Tử Vi thuộc Thổ, là đế tinh tôn quý tọa giữa trời, chủ chưởng quản then chốt của tạo hóa, thống trị nhân sinh. Dựa vào ngũ hành nuôi nấng vạn vật, là tạo định nên Số của Mệnh con người.
Sao an theo triền độ các cung các sở ti, theo niên số từng nơi từng năm mà chưởng quản tước lộc. Ở khắp các cung đều giáng phúc và thường tiêu giải cái ác. Xem ở Tam Thai thì Tử Vi thủ mệnh đúng là Trung Thai, trước nó 1 vị là Thượng Thai, sau nó 1 vị là Hạ Thai.
Đọc lằng nhằng khó hiểu, nhưng hãy nhìn, Tam Thai ở đây là cái gì ? Đấy chính là Tam Thai trong Thái vi viên, được người xưa diễn giải như sau (còn hình chụp ảnh các bạn cứ lên wiki xem rồi đối chiếu xem nó có thật hay là nói láo - thực ra cũng khó nhìn phết đấy, mình nghĩ các bạn nên xem chòm bắc đầu, một số sao của Bắc Đẩu cũng nằm trong cung Tử Vi, là đủ để hình dung ra rằng: sở dĩ tác giả muốn hỏi câu hỏi như trên vì rằng người xem tử vi hiện đại đã cắt đứt với thiên văn không biết bao lâu rồi):
Chòm Thái Vi Viên (không đầy đủ, hãy xem wiki để có hình full HD
Đến đây mà vẫn sẵn sàng nói rằng sao không có thật, thì tôi không biết nên nói gì thêm. Tiếp.

Câu hỏi số 3

3. Cách an các ngôi sao cũng tuỳ tiện vì vậy mà cách lập tử vi của Việt Nam (học trò) lại khác với cách lập của Trung Quốc (thày).
Tôi đọc, tôi cười. Chết thật, tùy tiện vậy thôi chứ biết làm sao bây giờ. Đây là môn khoa học quán sao. Tôi sẽ giải thích theo hai nghĩa: 
1. Tại sao cách an sao tùy tiện: An sao không tùy tiện, cơ sở lý thuyết của nó là các ngôi sao trên bầu trời, khi quan sát sao sẽ thấy có những ngôi sao chính và một số ngôi sao phụ bên cạnh nó, những ngôi sao khác chỉ là những lốm đốm mờ nhạt nhìn như một dải sương đằng sau. Vũ trụ này có cả tỷ tỷ ngôi sao. Nhưng chúng ta nhìn mãi, cũng chỉ có khoảng 6000 ngôi sao thôi. Chính vì sự quan sát khác nhau mà có lý luận khác nhau.
2. Cách an sao của tử vi Việt Nam khác với tử vi Trung Quốc: Suốt từ lúc đọc bây giờ, tôi cảm thấy như tác giả đang hiểu khoa học là phải chính xác ở mọi nơi. Tôi xin thưa: Cắm một cái đũa vào cốc nước, nhìn thì rõ ràng là đũa gãy, nhưng hóa ra vẫn là đũa thẳng. Không hiểu thì chỉ thấy nó sao khác nhau thế, còn hiểu được thì thấy nhiều cách nhìn, cách luận giải cho một sự vật hiện tượng không có gì lạ. Vậy sự khác nhau đấy là gì?
Chính là cái đũa cắm vào cốc nước.
Thật, tôi không đùa, chính là cái đũa cắm vào cốc nước.
Sở dĩ có hiện tượng "cong" đũa là vì nước có độ chiết quang khác so với không khí, nhìn vào sẽ thấy bị đũa cong, do ánh sáng có vận tốc khác nhau nên gây ra hiện tượng này.
Không khí của chúng ta, cũng như một biển khí vậy, chúng ta ở trong đại dương không khí, mỗi một lớp không khí của chúng ta sẽ có độ chiết quang khác nhau, giảm dần từ dưới lên trên. Trong vật lý thiên văn có một bài gọi là tính độ cao biểu kiến của một ngôi sao. Chính do độ cao biểu kiến này nên sao nhìn có vẻ sẽ "cao" hơn so với thực tế (tưởng tượng các bạn nhìn vật ở trên mặt đất từ trong nước vậy). Đây cũng là một bài toán sơ đẳng cho các bạn học vật lý thiên văn - độ cao biểu kiến của sao. Ai học thì xác nhận cho tôi với nhé, vì làm bài tập lâu quá rồi tôi đã quên đề bài.
Đi từ Phương Bắc xuống Phương Nam, ở các vĩ độ khác nhau và quan sát các chòm sao khác nhau, thì không chỉ vị trí, mà còn cả về độ sáng (mà độ sáng thì quyết định sao nào theo sao nào luôn, đỉnh vãi?) đều thay đổi. Người khác thì chỉ thấy nó bình thường, nhưng dựa trên quan điểm của người xem Tử Vi, thì xem sao ở đâu phải luận giải ở đấy. Đến cả chuyện như thế này cũng không biết, mà gọi là người "tìm hiểu về tử vi" thì thật cực kỳ xấu hổ.
Sẽ có người hỏi, từ năm 1700 đến giờ bầu trời có khác, tại sao tử vi không thay đổi. Tôi không hiểu là tại sao các bạn không hiểu, thật đấy, Tử vi không dùng hết tất cả các sao trên trời, phải chia thành thứ bậc, những thay đổi các bạn nói tới đã ảnh hưởng đến sao nào trong hệ thống sao của tử vi? Tôi xin đảm bảo với bạn rằng, những người xưa chỉ biết xem sao để đoán tốt xấu, thì chỉ cần một chút thay đổi của hệ này, cũng đủ để làm họ sợ té đái vãi phân. Chẳng phải tự nhiên mà phương tây có từ disaster ( dis - astro; astro là sao) tức là thảm họa vãi đái, sao xấu gọi là thảm họa đâu. Nếu rảnh, hãy cứ xem những bầu trời đấy thay đổi, có thể ảnh hưởng đến sao nào của tử vi, rồi từ đó suy tiếp xem sự thay đổi đấy có đáng không nhé.
Đoạn sau đây, tác giả không đưa vào câu hỏi, nhưng tôi vẫn muốn nêu ra:
Nhưng khoa tử vi hoàn toàn không khoa học gì hết, vì dù có 89, 93 hay 118 sao thì đây cũng là những tên gọi do một người nào đó nghĩ ra, chứ trên trời, dưới đất hay dưới biển hay trên vũ trụ cũng đều không có những thực thể nào như thế hết.
Khi viết bài phân tích, tôi luôn phải tuyệt đối công tâm, mà không chỉ tôi, ai cũng vậy thôi. Nhưng khi đọc những luận điểm thiếu đầu óc như này khiến tôi phải đứng lên chửi thề 15 phút mới có thể viết được tiếp. Như tôi nói, tất cả đều có thật. Còn con số, cũng như tôi nói, ở mỗi phương mỗi khác, thậm chí mỗi người có thể nhìn thấy số lượng sao khác nhau, duy số lượng sao chính (các vòng) sẽ là không đổi. Còn tại sao lại là 89 và 93, tôi xin phép trích nguyên văn wiki để cho mọi người khỏi phải đi đâu xa:
Bộ Tử Vi Chính Nghĩa được coi như là chính thư không thấy nói về số sao. Song xét trong mục dạy an sao thì có 93 sao. Nhưng những lá số phụ lục thì chỉ chép có 89 sao. Không thấy an sao Thiên thương, Thiên sứ, Thiên la, Địa võng. Điều này dễ hiểu bởi 4 sao trên đều ở vị trí cố định, không cần thiết an vào.
Người ta làm gì, cũng có lý do của nó, không biết mà lên mặt dạy đời, dạy đúng thì không sao, nhưng dạy sai thì là điều không thể nào chấp nhận được.

Câu hỏi 4 5 6

4. Ngay từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sang ngày hôm nay đã có 171 trẻ em Việt Nam ra đời, nghĩa là sẽ có 171 người có chung 1 lá số. Số phận của chúng có giống nhau hay không?

5. 171 cháu bé có chung lá số tử vi, cũng tức là có cung phụ mẫu giống hệt nhau (có thể kể thêm cung huynh đệ), vậy cha mẹ của các cháu bé này có số phận giống nhau hay không?

6. Hai anh em ruột, có cha mẹ chung, nhưng cung phụ mẫu (có thể thêm cung huynh đệ) của họ lại khác nhau. Các thày tử vi trả lời sao đây?
Rõ ràng, tác giả đang nói dối một cách đểu cáng và cà khịa tử vi. Những câu hỏi trên, bất kỳ một người nào nghiên cứu tử vi cũng có thể trả lời rõ ràng. Tôi không hiểu mục đích của tác giả khi hỏi 3 câu có ý nghĩa tương tự nhau như thế là để làm gì? Xin phép độc giả cho tôi được thể hiện cảm xúc của riêng mình.
Tuy nhiên, như đã nói, làm thì phải làm cho chót (tôi quên cách viết từ này đúng chính tả thế nào rồi), tôi sẽ nói rõ ràng câu trả lời ở đây.
Ở trên có 3 câu hỏi, thật thừa thãi, vì tác giả cũng chẳng hiểu tử vi, tôi sẽ quy 3 câu hỏi này về 3 câu như sau:
1. Người sinh cùng giờ, tại sao lại có số vận khác nhau và
2. Anh em ruột, sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, tại sao lại có chuyện cung phụ mẫu khác nhau, cung huynh đệ khác nhau.
Từ hai câu trên, suy ra câu tổng quát là 
3. Có tất cả 518.400 (60 can chi, 12 tháng, 30 ngày, 12 giờ, và 2 giới tính) lá số khác nhau trong Tử Vi. Vậy chắc chắn phải có những người có chung số phận

Để trả lời câu hỏi thứ nhất và câu hỏi số 3:

Tôi dám xin hỏi rằng, có ai có thể nói có bao nhiêu cách chia 1 vòng tròn ra làm 2 nửa ? Có bao nhiêu cách chia, thì đấy cũng chính là số khả năng của tử vi.
Tán phét về kinh dịch một chút, kinh dịch có 8 quẻ đơn, chồng vào nhau tạo thành 8x8 là 64 quẻ kép. Rồi người ta lại chồng 64x64 là 4096 quẻ, tuy nhiên con người không thể hiểu được từng đấy quẻ, mà lại dùng 4096 quẻ chồng lên nhau nữa, thì số quẻ là vô cùng, vô hạn, không có kết thúc. Chính vì không hiểu được nên người ta lại giản lược về 64 quẻ để cố gắng tóm lược được trời đất mà thôi.
Tử vi cũng không khác. Một một giờ, một khắc tại sao phải giống nhau? Kể cả người sinh đôi cùng trứng, có chắc rằng họ sinh ra, hít hơi thở đầu tiên của thế giới này đúng cùng một giờ một phút một giây một khoảnh khắc một sát na hay không mà cho rằng họ phải có số phận giống nhau? Điều này tôi cho là nực cười.
Một giờ có số của một giờ, một ngày có số của một ngày, một năm có số của một năm, một đời có số của một đời. Như đã khẳng định. Can Chi là số đếm, thích chia 1 giây làm 60 khoảnh rồi đến cũng được, chia 1/60 giây ra làm 60 khoảnh nữa rồi đếm cũng xong. Nhưng trí tuệ con người chưa làm được điều đó, vì vậy nên họ đành dùng cách tổng kết, phân nhóm lại để đưa ra nhận xét.
Đến đây các đồng chí bài trừ hủ lậu lại chuẩn bị nhao nhao lên chửi.
Vậy tôi cũng muốn hỏi là, vậy trong khoa học của các đồng chí, tại sao các đồng chí có thể phân loại được động vật vào một nhóm vậy ? Hệ gene của chúng khác nhau ở những đột biến đơn nhiễm sắc thể như thế, mỗi cá thể đều mang một bộ gene độc nhất, tức là mỗi cá thể sẽ có một tính trạng khác nhau, tại sao lại chia thành vào cùng một loài? Tại sao trong cùng một loài vẫn có thể hiện những tính trạng cực kỳ khác nhau, tôi xin nhắc lại, cực kỳ khác nhau (ai không hiểu chỗ này tôi đang nói gì thì mời đọc về quá trình thuần hóa các loài thực vật, bạn sẽ thấy rằng cùng một loài ban đầu, nhưng hình dáng khác nhau đến không thể nhận ra được)? Hay bây giờ các anh muốn nói rằng, các anh chị chia như thế là vì cơ sở của sinh học phân tử thế này thế kia, rằng chúng nó những trình từ lặp lại quy định nó rõ ràng phải là loài sinh vật này. Vậy tôi cũng nói rằng tôi chia như thế dựa trên quy luật ngày tháng năm của trời đất, quy đạo hồi quy của trái đất này trong hệ mặt trời, vì nó sinh vào ngày tháng năm này nên nó có những đặc tính thế này, ngoài ra cũng mang các đặc tính khác. Lý luận không đúng ở đâu?
Chẳng hóa ra chúng ta đang cố làm chung một việc, sở dĩ nó vô cùng, vô tận, nên mới phải phân loại vào từng nhóm để dễ nhận biết. Các tác giả "trí thức" không hiểu được phương pháp của họ, thì cho rằng họ là hủ lậu. Tôi thấy đây là một điều lạ. 

Để trả lời câu hỏi số 2

Thực sự câu hỏi số 2 này ... Mà thôi.
Tử vi, là cách diễn giải vận mệnh của con người, thông qua quan hệ với các cung. Nói các khác, là diễn giải vận mệnh của con người, thông qua quan hệ với người xung quanh.
Các Mác từng nói: "Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội". Xem xét con người một cách biện chứng với đồng nghiệp, với bố mẹ, anh chị em, vốn dĩ không có gì là sai. Các mối quan hệ này đều dựa trên 2 bản thể: bản thân đối tượng - chủ thể và khách thể - những đối tượng khác. 
Mối quan hệ này, vì dựa trên 2 bản thể, nên có nhiều hơn 2 chiều. Chiều từ chủ thể đến khác thể là một chuyện và chiều từ khách thể ngược lại, là câu chuyện khác. Bạn đối tốt với anh chị, nhưng anh chị có đối tốt với mình không? Có trường hợp nào bạn hết sức giúp đỡ anh chị, nhưng anh chị lại cứ phá ngang chơi bời lêu lổng về lấy tiền của bạn không? Có chứ? Vậy tôi muốn hỏi tại sao trong trường hợp này cả 2 lá số đều phải là tốt. Thế tức là anh chị cắp tiền của bạn là phải là lá số tốt. Còn anh chị đươc lấy tiền của bạn, thì đương nhiên là "được huynh đệ phù trợ", hay lá số của người anh chị cắp tiền đấy phải là xấu giống bạn?
Với bố mẹ cũng là tương tự, thế mới có quý tử, có phá gia chi tử. Tôi thấy chuyện này hoàn toàn bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên. Cái ngạc nhiên là người dám ... hỏi ra câu này.

Câu hỏi số 7

7. Làm sao lập số tử vi cho những người sinh trong tháng nhuận (âm lịch)?
Cứ lấy tháng đấy là được. Cơ sở, các hạ lại muốn tôi phải giải thích chứ gì. Được.
Rất may tôi đã trình bày sơ qua cho các bạn về chu kỳ của trái đất quanh mặt trời, 24 tiết - trung khí. Tôi cũng nói rằng, thường thì một tháng có cả tiết khí và trung khí. Nhưng chắc các bạn cũng chưa quên tôi có nói một điểm quan trọng
Một năm dương lịch có 365.25 ngày. Tức là 2 ngày trung khí hoặc 2 ngày tiết khí sẽ cách nhau 30.4 ngày, giữa 2 ngày tiết khí và trung khí sẽ là 15.2 ngày
Rõ ràng đây là số lẻ. Một năm âm lịch lại có 354.36 ngày. Một tháng âm lịch có khoảng 29.53 ngày ( là quỹ đạo biểu kiến của mặt trăng quanh trái đất)
Tức là dùng lịch mặt trăng để mà đo thời tiết, kiểu gì cũng có sai số, trong khi tất cả mình đều dùng lịch mặt trăng... toang ...
Không. Toang thế nào được.
Chu kỳ quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất chỉ là 29,53 ngày nên một năm Âm lịch có 354 ngày. So với Dương lịch thì ngắn hơn 11 ngày, vì vậy, cứ sau 3 năm sẽ chênh lệch đến 33 ngày, tức là hơn 1 tháng. Nhưng cứ một tháng đó thì vẫn còn dư 3 ngày nên người ta khắc phục tình trạng trên bằng cách cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.
Trong 19 năm Dương lịch có 228 tháng Dương lịch, tương ứng với 235 tháng Âm lịch, thừa 7 tháng so với năm Dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. Và 7 tháng trước đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm.
Nói về chu kỳ 2 hoặc 3 năm một lần, không các bạn lại nói rằng đó là xem bói mà làm ra. Bởi vì 2 ngày tiết khí hoặc trung khí cách nhau khoảng 30,4 ngày, mà một tháng âm lịch lại chỉ có 29.5 ngày, nên lẽ dĩ nhiên là sẽ có tháng chỉ có tiết khí, tháng chỉ có trung khí khoảng 32 tháng có 2 tháng nhuận. Trung bình cách nhau 2 năm 8 tháng hay 2.67 năm. Dãy số 3 6 9 11 14 17 19 kia cách nhau những khoảng 3 3 2 3 3 2, bạn thử lấy trung bình xem?
Người ta gọi tháng có chỉ có trung khí là tháng nhuận, tên tháng đó lấy theo tên tháng có tiết khí đứng trước đó. Tháng không có tiết khí, lấy gì mà sinh trung khí ? Người xưa không coi rằng đó là tháng nhuận, mà cho rằng tháng đó được kéo dài ra, được nhân lên. Đó là phải lấy cái tên của tháng trước làm cho của mình. Vì vậy mà việc diễn giải tháng nhuận theo tháng trước. Hoàn toàn có cơ sở.
Nhiều người lại bắt bẻ, tại sao thời tiết đã chuyển khác rồi, mà lịch vẫn tính như thế ? Tôi không giải thích nữa, mệt, vì đây cũng không phải câu hỏi, mà nói thì lại bị kêu ngụy biện, các bạn tự tìm hiểu, sẽ có câu trả lời.

Và những câu hỏi cuối cùng ...

8. Có người ngay từ đầu đã thiểu năng trí tuệ hoặc tự kỉ hay người thuộc giới tính thứ 3 thì lá số sẽ như thế nào? Giống hay khác người bình thường?

9. Hai đứa trẻ, sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, đửa ở VN, đứa theo cha mẹ tới Nhật, Mĩ, Úc, Canada... định cư thì số phận có giống nhau hay không?
Những câu hỏi này, hình như chưa có ai có thể trả lời cho tác giả 7 câu hỏi trên, nên tác giả lại thêm câu 9, giống hệt các câu trên để cạnh khóe. Tôi vốn định không trả lời. Nhưng câu 8 lại có ý nghĩa rất riêng. Tuy đã mệt, vẫn xin được phép trả lời như sau:
Con người nằm giữa trời và đất. Nếu không hấp thụ đủ tinh hoa trời đất, không đủ tinh hoa từ bố mẹ, thì không thành con người hoàn chỉnh, vận mệnh của những người thiểu năng trí tuệ tự kỷ, là thứ nằm ngoài quy luật vận động, ta không thể biết. Khoa học vẫn gọi là điều kiện loại trừ. Còn người giới tính thứ 3. Thì phải chăng tác giả đang kỳ thị? Hay là tôi không hiểu câu hỏi ở đây?

Kết

Suy cho cùng thì những người muốn dìm sự mê tín hủ lậu của dân tộc đi, lại chẳng hề có tí kiến thức gì về những gì mình đang dìm, hiểu không đủ, lại đi bảo người khác đừng nên tìm hiểu đừng nên biết. Kéo cả tri thức của dân tộc xuống. Đấy là điều ngu xuẩn nhất trên đời có thể làm.
Sau khi đã viết đến đây. Tôi đã tiết lộ bí mất động trời "không một ai có thể trả lời" chắc chắn tôi sẽ bị các băng nhóm giang hồ truy sát. Gian Dương đại đạo không dung thứ cho tôi. Tôi sẽ không còn chốn nương thân nữa. Nhưng các bạn có thể giúp tôi bằng cách upvote!

note: ultra-mega-important

Tôi viết bài viết trên chỉ để chỉ ra rằng, người ta thường chỉ trích và lên án cái mà mình không hiểu. Người chê trách chẳng hề đủ kiến thức chê trách. Người bảo vệ cũng không đủ kiến thức bảo vệ. Cuối cùng là thằng chột dẫn thằng mù.
Tôi xin khẳng định, Tử vi hoàn toàn là mê tín dị đoan. Các bạn không được tin theo. Tôi sẽ viết nó trong bài phân tích sau: Kinh dịch - cú lừa lớn nhất của một thiên tài.
Trân trọng.
P/S: xin nhắc lại, Tử vi là mê tín, tuyệt đối không tin theo tử vi.