Con người ta, cứ mỗi ngày lớn lên, nghĩa là lại có thêm một chút áp lực đè lên vai.
Hồi bé thì áp lực sách vở, học hành. Ra đời thì áp lực công việc và rèn luyện, trưởng thành lập gia đình thì áp lực cơm áo gạo tiền, gia đình vợ con...
Xã hội và cuộc đời là môi trường để rèn luyện và thử thách, nhưng cũng là nơi mà hàng ngày hàng giờ, cứ lừ lừ chất lên vai người ta thêm một chút áp lực.
Nếu gia đình không phải là nơi đóng cái vai trò "xả áp", thì rất dễ dẫn đến bi kịch.
Và hầu như ở Việt Nam, thậm chí khi trở về gia đình, thì cái áp lực ấy đôi khi lại càng thêm phần nặng nề. Có những người con không còn đủ hồn nhiên và tình yêu, để có thể thoải mái tâm sự với cha mẹ, với vợ hay chồng, về những thất bại liên tiếp và thường xuyên, mà mình đã gặp phải.
Những kẻ có tài thường lại có nhiều ước mơ, và càng có nhiều ước mơ hoài bão thì xác suất thất bại của họ lại càng gia tăng theo năm tháng. Và bi kịch nó nằm ở chỗ, họ không thể thoải mái trải lòng mình những thất bại đó, với những bờ vai với những khuôn mặt, mà đáng ra phải là nơi đầu tiên và mãi mãi, sẵn sằng đón nhận những thua thiệt của con cái, của vợ chồng mình, bằng một tấm lòng vị tha và vui vẻ...
Ai làm cha mẹ thì cũng đã từng làm con cái, ai làm con cái thì rồi cũng sẽ đến những ngày trải qua cuộc đời làm cha mẹ. Cơ bản rồi cũng na ná nhau, sinh ra, lớn lên, sống một cuộc sống có tròn trịa có xước mẻ, rồi tất cả đều sẽ là gió cuốn đi cả mà thôi.
Vậy nên, phải nhìn vào thời đại, phải nâng dần vốn liếng thẩm mỹ cuộc sống, để mà gỡ bớt áp lực, gỡ bớt nỗi buồn cho nhau. Hạnh phúc và thành công của một người làm cha làm mẹ, là cái nơi mà mỗi lần con cái thất bại và tuyệt vọng, chúng còn đau đáu tìm về.
Chứ không phải chỉ đơn giản là khoe những thành công, bởi thành công vốn dĩ luôn là thứ rất dễ để chia sẻ và ca ngợi, với bất cứ ai, bất cứ nơi đâu.
Đừng bao giờ để xảy ra tình huống, khi tuyệt vọng, thì nơi đầu tiên người ta sợ hãi và trốn tránh,
Là Gia Đình.