Ngày 17 tháng 04 năm 2023, truyền thông đưa tin về đề xuất của chính phủ về việc cắt giảm 2% thuế VAT (giá trị gia tăng) cho tất cả hàng hóa, dịch vụ. Đây là có thể là niềm vui cho những bà mẹ bỉm sửa khi có cơ hội mua sắm các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho con được rẻ hơn, nhàn tênh hơn khi quyết định đẩy ngay giỏ hàng shoppe, tiktok shop đã đặt!
Giải thích một chút cho ai chưa biết về VAT là gì:
1. Đây là một loại thuế gián thu
Hiện nay, người dân Việt Nam có trách nhiệm nộp thuế này theo quy định tại đạo luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung nhiều lần sau đó). Thuế gián thuế có nghĩa là loại thuế mà người chịu thuế không đồng thời là người nộp thuế. Theo đó, người nộp thuế là người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, nhà nhập khẩu và chịu thuế là người mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn, khi bạn mua một ngôi nhà thì bạn có nghĩa vụ nộp nhà nước một khoản tiền (gọi là thuế) chiếm 10% giá trị căn nhà, lúc đó khác với khi bạn trúng sổ xố, bạn không trực tiếp chạy đến kho bạc để nộp vào mà người bán là chủ đầu tư sẽ đứng ra thay cho nhà nước "thu hộ" và kê khai nộp khoản này vào ngân sách sau.
2. Nguồn thu chính trong ngân sách nhà nước
Trong số liệu quyết toán ngân sách nhà nước đã được quốc hội phê chuẩn năm 2020 (những năm 2021,2022 chưa được phê chuẩn) thì đây là cơ cấu nguồn thu từ các loại thuế.
Trong đó, từ giai đoạn trước cho đến cả các số liệu được công bố gần đây nhất, nguồn thuế VAT luôn chiếm tỷ trọng đứng đầu trong cơ cấu các nguồn thu từ thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước. Mỗi chiếc kem bạn ăn, mỗi cốc cà phê bạn uống hằng ngày đều có một phần thuế này để giúp cho bộ máy nhà nước hoạt động.
3. Mức thuế suất không phải lúc nào cũng là 10%
Thuế suất VAT thông thường đang đánh vào hàng hóa, dịch vụ là 5%, 10%. Để biết mình "được" áp ở mức nào, bạn có thể dễ dàng tra cứu tại Điều 8, Luật thuế giá trị gia tăng 2008. Chẳng hạn, với một khối (1000 lít) nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà bạn đang dùng đã bao gồm 5% thuế VAT nộp cho nhà nước.
4. Không phải mua cái gì cũng phải gánh thuế VAT
Tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi 2016) thì có 25 danh mục các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Chẳng hạn như: (1) Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống; (2) Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện; (3) Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; (4) Chuyển quyền sử dụng đất.
Một điều thú vị nữa, ngoài các loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế thì còn có trường hợp được thuế suất VAT là 0%. Tại Điều 9, Thông tư 219/2013/TT-BTC thì thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu.
Một câu hỏi thú vị sẽ được đặt ra, sự khác nhau giữa hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế và thuế suất VAT bằng 0% là gì.
Thứ nhất, điểm khác nhau giữa hàng hóa không chịu thuế GTGT và hàng hóa có thuế suất 0% dễ nhận biết nhất có lẽ là thông tin ghi trên hóa đơn: Hàng hóa có thuế suất 0% là loại hóa đơn GTGT, dòng thuế suất ghi 0%, trong khi hàng hóa không chịu thuế được ghi trên hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn GTGT nhưng dòng thuế suất bị gạch chéo.
Thứ hai, hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 0% hay hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT đều là chính sách khuyến khích tiêu dùng của Nhà nước do người mua (người tiêu dùng) không phải trả bất cứ một khoản thuế GTGT nào. Đối với Hàng hóa thuế suất 0% nhằm khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ra nước ngoài (giá bán cạnh tranh hơn, được khấu trừ, hoàn thuế); trong khi đó, hàng không chịu thuế là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những ngành nghề mới, chủ lực, khuyến khích tiêu dùng.
Thông điệp từ nhà nước
Theo thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông ngày hôm trước, Văn phòng Chính phủ gửi công văn tới Bộ trưởng Tài chính về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí năm 2023. Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế suất Thuế Giá trị Gia tăng với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính Thuế Giá trị Gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí với thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/13/2023.
Tác động của chính sách này, Bộ Tài chính dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Đổi lại kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.
Những sự thật có thể bạn chưa từng nghe
Thế nhưng, những sự thật gì đằng sau đề xuất tác động đến từng chai xì dâu, nước mắm trong căn bếp nhà bạn mà công chúng nên cần được biết:
1. Chỉ báo cho việc sức mua trong dân đang rất yếu
Trong báo cáo Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng được công bố bởi World Bank điểm lại tháng ba năm nay, khi nhận định, đánh giá về sức mua trong dân " Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do lạm phát có thể tăng cao hơn trong năm 2023 (bình quân 4,5%), khiến cho sức mua của các hộ gia đình bị xói mòn. Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân. Trong điều kiện sức cầu bên ngoài yếu đi, đóng góp từ xuất khẩu ròng vào tăng trưởng được dự đoán là số âm (-0.6 điểm phần trăm)".
Thực tế, những tháng vừa qua từ việc các công nhân ở khu công nghiệp mất việc, một số tiếp tục bám trụ ở đất khách quê người bằng việc vay mượn, dùng đến giải pháp rút bảo hiểm xã hội một lần, đến số đông còn lại bỏ về quê. Cho thấy bức tranh kinh tế ảm đạm, sức mua giảm dần đã lan tỏa đến ngõ ngách, từng bữa cơm của người Việt.
Như vậy, hành động giảm thuế suất đối với sắc thuế VAT là động thái “xác tính” thừa nhận việc suy giảm sức mua trong nước, và hành động can thiệp bằng chính sách của nhà nước để nhằm thúc đẩy trực tiếp sức mua của người dân. Qua đó, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước nhằm ngăn chặn đà sụt giảm của kinh tế, tạo thêm các công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động mất việc.
2. Bài toán hạ giá để ăn về số lượng lớn
Tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 tại Hà Nội ngày 22.6, một chuyên gia kinh tế đã ví von rằng, “thu thuế như vặt lông vịt, vặt làm sao cho sạch nhưng đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”.
Thật vậy, việc “giảm giá” lần này của nhà nước như là đẩy thêm các chú vịt, cô vịt vào các món ăn đã bày sẵn ra, dễ dàng hơn. Từ đó, “vặt” được nhiều lông mà không làm cho số đông các chú vịt cảm thấy bị đau đớn, ăn vào da thịt của chính mình.
3. Còn lắm nhiêu khê từ chuyện cũ dội về
Những ngày đi làm đầu năm 2002, khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP được ban hành và mang theo niềm vui cho các doanh nghiệp khi mức thuế suất được giảm từ 10% xuống 8%. Nhưng niềm vui ngắn chằng tày gang, những anh em làm pháp chế doanh nghiệp như tôi nhận được hàng loạt email hỏi, trao đổi của phòng kế toán liên quan đến việc lập hóa đơn với thuế suất 8% cho một số hàng hóa, dịch vụ được miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Nỗi lo doanh nghiệp bị xử phạt cứ chậc chờ khi nhập nhằng giữa các mức thuế suất khi ký hợp đồng, giao hàng và xuất hóa đơn. Vật vã tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Hàng hoá nằm trong diện vẫn chịu thuế VAT 10% nhưng dịch vụ vận chuyển đi kèm được giảm thuế 8% thì xuất hoá đơn như thế nào?
Để giải quyết vướng mắc này, buộc Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP1. Theo đó, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn riêng cho các hàng hóa, dịch vụ có thuế suất khác nhau, mà chỉ cần ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh đã thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 41/2022/NĐ-CP từ ngày 1/2/2022 thì không phải điều chỉnh lại hóa đơn và không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.
Và hành động của chúng ta!
Động thái gì của người dân, hành động như thế nào đối với thông điệp được phát đi từ nhà nước xung quanh việc giảm đồng loạt 2% thuế suất VAT. Với quan điểm của người viết:
1. Tiết kiệm là quốc sách
Hơn bao giờ hết, người dân cần tỉnh táo để chi tiêu khi “hầu bao” đang bị thắt chặt. Chỉ nên tiêu dùng vào các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu của bản thân, gia đình. Bỏ qua việc mua các hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, đặc biệt là dùng bằng thẻ tín dụng. Ngoài ra, hãy ưu tiên lựa chọn các hàng hóa, dịch vụ của người Việt đó là cách để kích cầu, thúc đẩy hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp nước nhà. Chính điều này, gián tiếp giải quyết bài toán việc làm cho dân chúng. Cơ sở để có một nền sản xuất, tiêu dùng tuần hoàn, bền vững.
2. Sử dụng “đạo quân” đồng tiền thông minh, linh hoạt
Bạn có thể sử dụng các đồng tiền tiết kiệm được từ chi tiêu để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi việc này là đón đầu các chính sách “nới rộng” từ nhà nước tung ra để đón đợt sóng tăng trưởng sắp đến. Để lựa chọn ngành nghề đầu tư, mở rộng sản xuất phù hợp, ngoài bài toán thị trường thì cần thiết có sự rà soát, đánh giá các chính sách, quy định có liên quan để hướng đến các ngành nghề được nhà nước ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, trong lúc tiền mặt là vua thì bạn có thể lựa chọn các tài sản giá tốt để đầu tư, đây là giải pháp để chống lại biến động của nền kinh tế.
3. Hãy là “chú vịt” biết bơi cừ khôi
Thuế luôn là một khoản cần thiết, mà người dân đóng góp vào ngân sách nhà nước. Đây là cơ sở để nhà nước chi tiêu, hoạt động và lo cho hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật, quản lý chưa ổn định như hiện nay, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết về phản biện chính sách. Qua đây, đoán định được đường đi, nước bước của nhà làm luật để có những quyết sách phù hợp. Tránh bị rơi vào tình huống bị tác động bởi mặt xấu của các chính sách.
Kết bài, tôi gửi đến bạn đọc một câu trong binh pháp Tôn Tử: Khi hòn đá lăn xuống đồi, người chiến binh giỏi sẽ vận dụng được đà lăn, người yếu đuối sẽ trốn chạy, và người không biết sẽ bị đè bẹp.!