Những tia nắng đầu ngày xuyên qua khói thuốc, ông Ảnh ngồi đơn độc trong khoảng sân trước nhà. Bóng cây đổ dài về phía Tây, như một kẻ chán đời đang đợi thần Chết đến đón. An khẽ khàng đẩy cổng bước vào. Đêm qua, cô bé không ngủ. 
49 ngày của bà ngoại vừa kết thúc, An sắp xếp lại những di vật gọn gàng. Em nhìn vào chiếc hộp bằng gỗ xoan lớn hơn cả tuổi mình, đó từng là bí mật mà cả thời nhỏ An tò mò muốn biết bà cất giấu gì bên trong. 
Đôi mắt của bà luôn ẩn chứa sự nuối tiếc, nhất là khi nhắc tới ông Ảnh. Chúng buồn đến mức An tin rằng bà đem một bí mật cất vào trong mắt. Nhỡ mà có điều gì bà vẫn chưa kịp làm, có những lời bà vẫn chưa kịp nói. Nghĩ vậy, em lấy chiếc búa của ba, đập mạnh tới khi bung ổ khoá. 
Một xấp thư dày hiện ra, nhiều tờ đã giấy đã ngả vàng và tem dán mờ hết hình in, cũng có những bức thư chỉ viết cách đây vài năm nhưng chưa từng được gửi. An thức cả đêm để đọc hết, và phần lớn trong số đó, em biết chúng thuộc về người chắc chắn không phải ông ngoại mình.
- Ông ơi, bà để lại cho ông ạ.
An nói và đưa cho ông chiếc hộp gỗ, em ngồi xuống cạnh ông. Nét mặt ông khựng lại. Thân quen biết bao nhiêu, đây là một trong hàng chục chiếc hộp ông đã đưa bà: 
Ông rót cho An một chén trà, rồi mở chiếc hộp ra. Ông chạm tay vào những lá thư và cả âm bản của một cuộn film cũ:
- Cuộn film này là ông chụp cho bà ấy. 
- Ông ơi, ông yêu bà con đúng không?
Sự thẳng thắn của một phóng viên ảnh mới vào nghề khiến An không kiêng dè trong cách đặt câu hỏi. Ông nhấp một ngụm trà, nhìn em:
- Đúng. Ngay từ lần gặp đầu ở Katinat, bà ấy mặc một chiếc áo dài đỏ, đứng trên sân khấu hát Cuối cùng cho một tình yêu. Hôm ấy, trong vài giây, ông đã ước mình chỉ là một phóng viên bình thường, không phải một đặc vụ tình báo gì cả.
***
Năm 1966, đêm tối tại Katinat - quán cà phê rộn ràng nhất tại Sài Gòn, đối diện với Dinh Độc Lập. Bề ngoài, Katinat chỉ như một tụ điểm chơi bời của giới tư sản, nhưng thực chất đó là nơi gặp gỡ của báo chí, chính khách hay thậm chí mật vụ tình báo của Bắc Việt, CIA và chính quyền Sài Gòn bấy giờ. Ảnh là khách quen, anh luôn được giành một bàn riêng biệt bởi người ta tin rằng có anh tới thì sẽ kéo theo khách tới.
Những vị khách ôm ấp nhau rồi dập dìu ra về, cô ca sĩ trẻ lần đầu bước ra sân khấu. Mái tóc dày, đôi mắt kẻ đậm, làn da trắng như một miếng ngọc. Nhạc càng về đêm càng chậm dần, cô cất giọng: 
Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này
Sáng nay, có tin từ rừng* cho hay anh sẽ nhận mặt giao liên của mình ở Katinat. Cuộc chiến đang dần trở lên khốc liệt, Ảnh biết mình sắp phải đối mặt với điều gì. Anh thận trọng hơn bao giờ hết. Đó cũng là lần đầu tiên, thay vì ung dung đi thẳng tới bìa rừng, Ảnh yêu cầu mình có một giao liên để thực hiện hoạt động đưa tin. Chỉ không ngờ, tổ chức lại sắp xếp cho anh cô gái trên sân khấu này. 
Anh nhận ra từ cách cô gõ nhẹ 3 tiếng vào chiếc mic trước khi hát. Đó là lời chào của bất cứ ai trong Mạng lưới tình báo 03 - gõ 3 tiếng vào thứ đầu tiên họ nhìn thấy mỗi khi gặp nhau. Ảnh mỉm cười, thầm nghĩ một kịch bản hoàn hảo nhất để tiếp cận cô gái trước mặt bàn dân thiên hạ. Hơn 10 năm dưới lớp vỏ phóng viên ảnh cạnh quân đội Mỹ và Sài Gòn, anh tin rằng bất kỳ ai xung quanh mình cũng có thể là một tay đặc vụ ẩn danh. 
Anh không thể cứ lẻn vào phòng thay đồ của cô, đưa âm bản cuộn film chụp tài liệu và bảo cô hãy đi vào rừng. Nếu vậy, ngay ngày mai, người ta sẽ tìm thấy cô nằm đâu đó nơi góc phố, còn anh sẽ được nếm mùi những món nghề tra tấn trứ danh. Vì thế, Ảnh cần hợp lý hoá sự xuất hiện của cô bên cạnh cuộc đời mình, tốt nhất là nên công khai với cả những người bạn trong chính quyền hiện thời để tránh nghi ngờ.
Gần kết thúc màn biểu diễn, Ảnh gọi người phục vụ đến bên cạnh. Họ đã quen với hình ảnh anh trong bộ suit lịch thiệp, tóc chải bảnh bao, đi Renault 4 CV màu xanh ngọc bích. Katinat là địa chỉ anh thường xuyên lui tới, đến mức có một dạo, người ta đồn nhau rằng muốn biết điều gì đó về Sài Gòn thì chỉ cần tới Katinat gặp Ảnh. 
Người phục vụ cúi thấp người, Ảnh đặt vào túi áo anh ta một tờ 10 đô la với yêu cầu hãy chuyển tới cô gái trên sân khấu. Huy - bác sĩ cấp cao của Dinh độc lập và là một tay chống Cộng khét tiếng đã bật cười khi thấy Ảnh làm điều đó:
- Sao, mê cô em này à? 
- Tôi còn độc thân mà, có gì lạ chứ.
Huy đã quen thuộc với sự cởi mở và hào sảng của Ảnh, từ những tiểu thư Sài Gòn tới cô nhân viên dịch thuật trong Sở chỉ huy cũng đều mến mộ anh. Ở Ảnh có điều gì đó cuốn hút “đậm chất Mỹ", phóng khoáng nhưng không sỗ sàng:
- Phải, anh còn độc thân. Nhưng cô em này thì chưa chắc. Anh nhớ Lệ Hà không? 
Huy nheo mắt cười, báo hiệu anh sắp nói ra một tin gây sốc:
- Cô ta nổi tiếng về độ chảnh. Ai cũng tưởng cô em đó còn độc thân. Các công tử Sài Gòn chạy dài theo gót chân. Thế nhưng, tôi từng bắt gặp cô ta bước ra từ phòng tổng thống. 
- Lệ Hà nức tiếng một thời ở đây. Khó ai qua được cái bóng của cô ấy. 
Ảnh vẫn dành sự trân trọng khi nói về cô ca sĩ từng làm điên đảo giới tư sản Sài Gòn ở Katinat:
- Bao gồm cả cô em kia ư?
Huy đánh mắt lên phía sân khấu, nhìn về phía cô ca sĩ đầy nghi hoặc chờ Ảnh nói tiếp:
- Cô ấy khác. Không xếp chung nhóm với Lệ Hà được. Tôi không thấy hào quang quanh cô ấy. Kiểu con gái này, vừa vặn với những người như chúng ta hơn.
Có điều gì đó vừa nghiêm túc vừa trào phúng trong lời nói của Ảnh. Huy biết, dù họ có trên vạn người thì về bản chất, những người như anh vẫn chỉ giống một lão quản gia của nhà Nguyễn Văn Thiệu. Nghĩa là anh không thể có món đồ tốt nhất, không thể ôm trong tay người đàn bà đẹp nhất. Tất cả những gì anh có đều là hạng hai. 
***
Ảnh gần như xuất hiện hàng đêm ở Katinat, trừ khi có những chuyến đi xuống mặt trận lấy tin. Sau lần đầu tiên gặp nhau, anh đã biết cô ca sĩ tên Viết Thảo, và gần như cả giới báo chí và công chức Sài Gòn thời đó đều hay anh say mê cô gái này nhưng bị cô ta từ chối. Tin đồn không phải thất thiệt, vì Thảo từng nhờ người phục vụ trả lại quà anh tặng. 
Mỗi khi tới Katinat cùng những người bạn, họ luôn nhìn anh với ý cười trong mắt. Đôi lúc, họ hỏi bâng quơ “Tối nay Viết Thảo có hát không?”. Đám đông càng tin vào chuyện một cô ca sĩ mới tới từ chối anh, Ảnh càng đường hoàng tiếp cận cô hơn bao giờ hết. Có khi là tặng hoa có kèm theo lời nhắn được viết bằng chữ chìm trong giấy gói. Có khi là món trang sức có giấu âm bản cuộn film chụp trộm tài liệu dưới đáy hộp. Cũng có khi là những cuốn sách ẩn chứa mật mã. 
***
Trong mắt Viết Thảo, Ảnh là người đàn ông “giống Mỹ" nhất mà cô từng gặp. Cách theo đuổi phụ nữ mang theo sự tôn trọng và bí ẩn, không phải kiểu gia trưởng như những người đàn ông truyền thống khác, cũng không phải kiểu uỷ mị như giới nghệ sĩ vây quanh cô. 
Ngay cả vài ca sĩ ở Katinat cũng nhìn Viết Thảo với ánh mắt ngưỡng mộ. Họ tò mò sao cô vẫn chưa nhận lời, rõ ràng cô không thể giấu đi được đôi má đỏ hây hây mỗi khi Ảnh nhìn mình. Cả thế giới biết giữa họ có tình. Những lúc như vậy, Viết Thảo chỉ mỉm cười rít một hơi thuốc:
- Anh ta nổi tiếng khắp Sài Gòn. Kiểu phụ nữ ở cạnh anh ta, phải là những người dám sống đường hoàng trong ánh sáng cơ. 
Có trời Phật biết, Viết Thảo nói thật. Ảnh nói thích cô rất nhiều lần trước mặt rất nhiều người. Nhưng cô không phân biệt nổi đó là vai diễn tài tình hay trong lời nói đó cũng có mong manh một phần sự thật. Cô chỉ biết, mình thích Ảnh là thật, song, điều đó trái với quy định của tổ chức. Thậm chí, nó có thể gây nguy hiểm cho mạng sống của anh và cô. 
Ban đầu, Ảnh gặp cô hàng đêm ở Katinat và là người ngồi lại tới khi cô hát xong. Anh thường ngỏ ý muốn cô ở lại nói chuyện cùng mình trong chốc lát. Thỉnh thoảng, anh đề nghị đưa cô về nhưng theo kịch bản cô sẽ luôn từ chối. Sau này tất cả mọi người đều biết về sự mập mờ giữa họ, Ảnh tới thưa dần và mỗi lần đều đem theo tin tức. 
Viết Thảo biết, họ đang là những quả bom nổ chậm giữa tâm trận chiến. Đồng nghĩa với việc nếu bị phát hiện, họ chỉ có thể nổ tung. Tình cảm bỗng trở thành thứ xa xỉ nhất lúc này. Cô hiểu. Ảnh lại càng hiểu. Anh đã sống trong lòng địch hơn 10 năm nay. 
***
Một đêm mưa Sài Gòn, Viết Thảo trằn trọc trên giường. Từ ngày bước chân vào con đường này, tiếng gõ cửa là điều cô sợ nhất, còn sợ hơn cả tiếng súng bởi không ai biết phía ngoài kia có điều gì đang chờ đợi. Nhỡ đâu, ai đó đang cầm theo họng súng lạnh ngắt chĩa vào cô. 
Nhìn qua mắt mèo, Viết Thảo nhận ra Ảnh. 3 tuần rồi anh không xuất hiện. Cô gần như bị động về lịch gặp của hai người, chỉ trừ khi tổ chức muốn nhắn gửi điều gì tới Ảnh. Họ không giống như cặp giao liên và tình báo viên khác luôn có một thời gian gặp gỡ cố định vì tính chất đặc thù trong tin tức của Ảnh. Ưu điểm của cách làm này là địch khó theo dõi, tuy nhiên cả hai đều phải phối hợp cực kỳ ăn ý trước mỗi biến động nhỏ nhất xảy ra. Quá trình nhận - truyền tin cần ngay lập tức và tuyệt đối chính xác để đảm bảo không tạo ra dấu vết. 
Viết Thảo mở cửa, cô không nghĩ anh sẽ đưa tin vào tầm này. Tóc anh ướt sũng, mặt anh vẫn còn những vết tím, nơi khoé mắt có vết rách sâu. Cô đưa anh vào nhà, vội vàng khoá cửa lại rồi bối rối lục trong tủ quần áo một tấm khăn sạch cho anh lau tóc:
- Anh bị sao vậy? 
- Em phải hỏi sao tôi lại đến đây vào giờ này chứ?
Ảnh đáp trong lúc nhận chiếc khăn từ cô. Viết Thảo lúng túng và run rẩy khi ý thức được điều gì từ câu nói của anh. Không lẽ, anh đã bị phát hiện:
- Yên tâm. 
Ảnh mỉm cười khi thấy sự sợ hãi từ mắt cô. Ngay cả lúc chỉ có 2 người, Ảnh cũng tránh nói tới bất kỳ từ ngữ nhạy cảm nào. Anh không chắc nhà cô an toàn hay dưới đế giày mình không bị gắn thiết bị nghe lén.
- Nhà em có bông băng không, vết thương của tôi bị rách rồi. 
Thảo nhanh chóng chạy đi lấy hộp dụng cụ y tế, cô thấm cồn và xử lý vết thương cho anh: 
- Sao lại bị thương? 3 tuần rồi không thấy anh ở Katinat.
- Tôi là phóng viên ảnh, đâu phải lúc nào tôi cũng ở Sài Gòn.
- Vậy là anh đi lấy tin ở chiến trường?
Thảo khéo léo khai thác câu chuyện, anh gật đầu thay cho câu trả lời. Thật ra anh dẫn theo một nhóm phóng viên quốc tế qua chiến trường Campuchia để lấy tin từ mặt trận. Sài Gòn đang có kế hoạch cho một vụ càn quét quy mô lớn. Phía Nhà Trắng muốn nghe những thông tin tích cực rằng họ đã sẵn sàng để chiến thắng sau khi phát hiện ra miền Nam Việt Nam là một chiếc hố nuốt tiền không đáy. 
Không may, dọc đường nhóm phóng viên của anh bị quân Khmer bắt cóc. Sau 3 ngày giam giữ, chúng phát hiện ra mình đã bắt nhầm người, dưới sức ép của Việt Nam Cộng Hoà, chúng buộc phải thả nhóm của anh. Họ lên máy bay trở lại Sài Gòn ngay trong ngày. Đó là lý do trên mặt Ảnh xuất hiện nhiều vết thương đến vậy. 
Ảnh không ngu ngốc mang tin tức tới cho cô ngay ở lần gặp này. Cách làm ấy rất nghiệp dư và nguy hiểm. Nếu tin tức được truyền vào rừng sớm quá, đặc biệt chỉ ngay sau khi anh trở về từ Campuchia rồi tới gặp cô thì chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này”. Ảnh biết, rất có thể anh cũng bị theo dõi, người Mỹ không dễ dàng tin tưởng ai và quyền miễn trừ an ninh của anh chưa hẳn đã vững vàng. 
Vì thế, anh chỉ đơn thuần tới gặp vì nhớ cô mà thôi. Còn tin tức, phải được phân tích và mã hoá cẩn trọng trước khi gửi đi. Nên nhớ, anh là điệp viên chiến lược chứ không phải kẻ đưa tin:
- Nghĩ cũng may. Ít nhất khi em chạm vào tôi, em cũng thấy tôi còn ấm. 
Tim Viết Thảo nghẹt lại, tiếng mưa càng lớn dội vào khiến màng nhĩ cô muốn bỏng rát, lời nói của anh thì đau lòng. Nước mắt Viết Thảo rơi, cô ngăn lời nói tiếp theo của anh bằng một nụ hôn dữ dội. Nếu lỡ, chỉ lỡ thôi, anh đã chết trong 3 tuần rồi? Anh sẽ chết mà chưa nghe được lời đồng ý của cô? Vậy thì anh quá cô độc rồi.
***
Mặt trời lên cao hơn, ông Ảnh châm thêm một lần nước vào ấm trà. An theo thói quen miết ngón tay quanh miệng chén:
- Có ai biết ông bà yêu nhau không ạ? 
- Chỉ có má của ông. Ông không giấu má ông điều gì.
Ông nhấp một ngụm trà:
Có một nguyên tắc quan trọng trong tình báo đó là tuyệt đối không để lộ nguồn tin và mạng lưới của mình. Vì nếu chẳng may một người bị lộ, tất cả những người khác sẽ chết chung. Đêm đó, ông và bà con đã phạm phải điều tối kỵ.
- Vì sao ông bà chia tay ạ?
Giống như có một con sóng tràn ra khỏi đại dương khi bà thừa nhận yêu ông. Nghĩa là con sóng vĩnh viễn không thể quay lại vị trí ban đầu, nó chìm vào bờ cát, để lại dấu vết một cách bất lực. Phải rất lâu sau, khi bình minh tới và ánh mặt trời hong khô mọi tất cả, người ta mới không thể nhận ra có con sóng nào từng chìm vào trong lòng cát. 
Trôi qua gần hết kiếp người, lâu tới mức đã có lúc ông cho rằng mình coi bà như một người đồng chí, một người bạn, hay thậm chí một hàng xóm. Nhưng sâu thẳm ông biết, bà đã tan vào ông. Bà là một phần của ông. Tới khi bà đi mất, ông mới thôi hổ thẹn để dám nhìn sâu vào cái phần tươi đẹp mà bi thương ấy. 
- Vì chuyện này quá nguy hiểm. Chúng ta không sống ở thời kỳ có thể bất chấp tất cả để yêu nhau.
***
Ảnh vẫn biết Viết Thảo là một cô gái thú vị, nhưng chưa từng hình dung cô sẽ chủ động hôn anh - như cách những cô gái Mỹ tự do theo đuổi tình yêu của đời mình. Nhất thời, anh không kịp phản ứng.
Đêm đó, cô nằm trong lòng anh. Không ai nói về chuyện ngày mai. Ảnh biết mình đã hạnh phúc tới mức đầu óc trống rỗng. Anh từng cầu hôn một cô gái Mỹ sau khi tốt nghiệp tại trường Orange Coast. Một phần vì đó là yêu cầu của công việc, một phần vì anh thực sự rung động trước cô ấy. Nhưng sự rung động đó mềm mỏng tới mức anh có thể dễ dàng kể lại chuyện tình này với bất kỳ ai. Còn lần này, anh biết mình chẳng thể kể lại với ai ngoại trừ má mình. 
- Liệu người ta có biết anh đang ở đây với em không?
- Rất có thể. Dù sao tôi cũng không định che giấu.
Cô vẽ những vòng tròn trên ngực anh, rồi cho anh một cái nhìn trực diện:
- Nghĩa là anh đã nghĩ xong hết cách để em không tiếp tục xuất hiện nữa?
Đúng vậy, Ảnh không phải là chàng thanh niên lần đầu biết yêu bất chấp tất cả tìm tới cô như vậy. Có lẽ việc anh gặp cô đêm nay là điều anh dự tính phải làm. Anh xoa tóc cô, hôn lên ngón tay cô, ước gì anh làm được nhiều hơn thế:
- Đã có ai nói với em rằng em là cô gái thông minh nhất mà họ gặp chưa?
- Em vừa mới nghe được từ một người nữa. 
Viết Thảo mỉm cười:
- Nhưng thật ra, người ta chọn em biểu diễn vì người ta tin em nhìn thấu lòng người. 
- Thấu lòng người quá, sẽ đau khổ lắm.
- Xung quanh chúng ta, anh nhìn xem, có ai không từng đau khổ chứ? 
Cô vẫn vẽ những vòng tròn trên ngực anh:
- Em từng nghĩ hạnh phúc là tự do, hạnh phúc là mẹ sẽ gội đầu cho em, hạnh phúc là quên hết đi và chỉ hát, hạnh phúc là vô tư chào hỏi một người quen trên đường mà chẳng phải trốn tránh. Dần dần em không còn chắc hạnh phúc là gì. Lâu rồi em không nghĩ về hạnh phúc nữa.
Anh ôm cô chặt hơn:
- 5 năm nữa, hoặc 10 năm nữa thôi em sẽ biết hạnh phúc là gì. Lúc đó, em có thể thong thả đi tìm hạnh phúc của mình.
- Vậy anh hạnh phúc không?
- Ngay lúc này là có. 
- 10 năm nữa thì sao?
- Tôi không biết. Nhưng chắc chắn 10 năm nữa chúng ta đều có thể tự do đi tìm hạnh phúc.
***
Sau tối đó, hai người quay trở lại như một cặp đôi tình báo và giao liên bình thường. Viết Thảo hiểu vì sao Ảnh hành động như vậy, tất cả những gì cô có thể làm là chờ đợi một tín hiệu từ anh.
Sau này, người ta sẽ nhớ về năm 1968 với Khởi nghĩa Mậu Thân. Còn hiện tại, tất cả những gì Ảnh và Viết Thảo biết là họ đang chuẩn bị gấp rút cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào đúng dịp Tết. Cuộc tấn công không thể diễn ra sớm hơn vì Mỹ sẽ tiếp tục chi viện thêm quân lính theo kế hoạch 4 năm để dập tắt ý đồ của miền Bắc Việt Nam, cũng không thể diễn ra muộn hơn vì Mỹ đang bước vào cuộc bầu cử Tổng thống. Diễn biến tại chiến trường Việt Nam sẽ tạo sức ép lên tình hình chính trị Hoa Kỳ, buộc người kế nhiệm phải thay đổi các quyết định liên quan tới miền Nam nước ta. 
Quân đội miền Bắc đã nghi binh tại Khe Sanh để “xé nhỏ" lực lượng địch, tạo cơ hội cho chiến thắng tại các điểm trong đô thị. Khe Sanh cũng là vị trí chiến lược quan trọng bởi đây là trung tâm chỉ huy của Hàng rào điện tử McNamara mà Mỹ đang xây dựng nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh. . 
Có hai nhiệm vụ mà Ảnh cần thực hiện. Một là cung cấp thông tin “nửa kín - nửa hở" để địch không thể chắc chắn chúng ta sẽ tấn công tại Khe Sanh hay Sài Gòn. Điều đó buộc chúng phải chia nhỏ quân đội ra nhiều nơi. 
Nhiệm vụ thứ hai là tham mưu các địa điểm thích hợp để tấn công tại Sài Gòn, đồng thời cung cấp chính xác thông tin về khả năng phòng ngự của địch tại những vị trí đó. Không ai có thể ung dung đi khắp nơi ở thị thành mà chẳng bắt gặp một sự nghi ngờ gì như Ảnh. 
Những địa điểm quan trọng nhất của Việt Nam Cộng hoà như sân bay, Toà đại sứ quán Mỹ, Dinh độc lập, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát,... đều được anh rà soát kỹ lưỡng. Điều Ảnh lo lắng ở đây là tấn công đồng thời đồng nghĩa với lực lượng của quân ta ở các vị trí cũng “mỏng", nếu Mỹ chi viện nhanh chóng và phản công kịp thời thì chúng ta sẽ gặp bất lợi. Vì thế, Ảnh nhắm tới việc tung hỏa mù, một bên anh cảnh báo chính phủ về khả năng tấn công Sài Gòn của quân ta. Một bên, anh yêu cầu rừng* truyền ra những thông tin xoay quanh cuộc chiến sắp tới tại Khe Sanh. 
Tình báo Mỹ như đứa trẻ hảo ngọt giành lấy que kẹo mút, tất cả mọi tin tức dồn về Dinh độc lập đều cho rằng Việt Cộng đang ráo rác chuẩn bị cho Khe Sanh với xe tăng và tham vọng biến đợt tấn công này thành Điện Biên Phủ lần hai. Vì thế, chính quyền Sài Gòn tập trung hầu hết lực lượng quân đội tinh nhuệ tại Khe Sanh, một phần lớn binh lính trong đô thị đã được cho về quê nghỉ Tết, còn lại chỉ mang tính chất cầm cự. Tổng thống Thiệu thậm chí còn về quê vợ tại Mỹ Tho đón Tết cùng gia đình.
Trong thời điểm quan trọng như vậy, tần suất truyền và nhận tin tình báo diễn ra liên tục. Mỗi đêm, anh bỏ gạo vào trong chiếc xoong, đun tới khi chất gluten và tinh bột chảy ra tạo thành mực. Ảnh sử dụng một chiếc bút lông ngỗng để viết báo cáo trên loại giấy xi măng. Việc viết phải diễn ra liên tục bởi loại mực tự chế này rất nhanh khô, sau đó toàn bộ con chữ sẽ biến mất. Ảnh gần như thuộc hết toàn bộ báo cáo của mình. Để đọc được tài liệu này, người ta sử dụng bông có thấm dung dịch gồm Iot, nước và cồn 100 độ xoa lên mặt giấy. Iot khiến cho tinh bột đổi màu, sau đó những dòng chữ bắt đầu hiện ra.
Khi Ảnh viết xong, mẹ anh cẩn thận may các bản báo cáo, giấu trong vạt áo dài anh đem tặng cho Viết Thảo. Người ngoài tin rằng Ảnh thỉnh thoảng tặng cô ca sĩ một món quà sau những đêm hát. Nhiệm vụ của Viết Thảo là tìm cách đưa chúng cho người giao liên tiếp theo đem tới địa đạo Củ Chi. Ngoài ra, cô còn phải truyền đạt ý định của tổ chức tới Ảnh một cách khéo léo, chúng thường được cài cắm trong bài hát và lời dẫn giữa mỗi phần biểu diễn. 
Tất nhiên, không thể lúc nào Ảnh cũng tặng quà cho Viết Thảo. Si mê và bi luỵ rất thiếu nhất quán với con người hào phóng đậm chất Mỹ của anh. Vì thế, Ảnh tìm ra nhiều cách để truyền tin hơn. Gần như anh luôn cài cắm những ý tứ trong chính các bài báo được xuất bản của mình, thường được ngụy trang dưới các phân tích cá nhân. Viết Thảo không bỏ lỡ bất kỳ bài viết nào, cô đọc đi đọc lại, chú ý mọi mốc thời gian, mọi hình ảnh so sánh ví von, mọi ngắt đoạn thậm chí quay ngược cả tờ báo để đảm bảo hiểu hết ý đồ. Đôi khi, anh lấy cớ gặp cô tại phòng trang điểm, đánh tráo hộp phấn cô dùng thành hộp đựng những bản phân tích được cắt nhỏ và gấp gọn. Cũng có lúc, anh rút ra điếu thuốc cuối cùng, sau đó vứt vỏ bao vào một gốc cây hay góc tường quanh Katinat. Viết Thảo sẽ quan sát và tìm cách lấy được vỏ bao chứa tài liệu trong đó.
28/1/1968, Việt Nam Cộng hoà phát hiện ra những cuốn băng cassette kêu gọi Tổng tấn công của phía Bắc Việt Nam, khiến kế hoạch bị rò rỉ ở phút chót. Điều trớ trêu là cuộn băng này được tìm thấy tại nhà của người quản lý Katinat. Cả Viết Thảo và Ảnh đều không biết rằng còn một tình báo khác cũng được cài cắm vào đây, anh ta thuộc mạng lưới khác họ. Đó là lý do Viết Thảo dễ dàng được hát tại Katinat mà không bắt gặp bất kỳ trắc trở nào.
Ngay lập tức, tất cả nhân viên và khách quen tại Katinat đều bị triệu tập lục soát cả nhà riêng lẫn nơi làm việc. Như mọi lần, Ảnh nằm trong danh sách loại trừ vì anh vốn là người cảnh báo cho chính phủ về nguy cơ Việt Cộng tấn công Sài Gòn từ ban đầu. Thậm chí khi biết tin, bác sĩ Huy và Đại tướng đã lập tức gọi anh vào Dinh để bàn bạc tình hình. Viết Thảo thì không may mắn như vậy, Ảnh thậm chí còn mới gửi cho cô thông tin về tình hình quân đội trong thành phố đêm hôm qua và tin này chưa được chuyển về Củ Chi. Trong một khoảnh khắc, điều anh lo lắng nhất là sự an nguy của Viết Thảo, phải tìm cách báo tin cho cô sớm nhất nhưng anh thì lại không thể ra mặt. 
Chẳng còn cách nào khác, chính má anh đã tới nhà cô, còn anh bỏ thêm một viên thuốc độc vào ve áo trước khi đến gặp Tổng thống phòng trường hợp bị lộ. Viết Thảo hiểu nếu cô trốn đi, tên cô sẽ có trong danh sách truy nã và Ảnh chắc chắn chịu liên lụy về sau. Thay vì thế, lựa chọn khôn ngoan hơn là ở yên tại chỗ và tìm cách giấu đi bản báo cáo. Về nguyên tắc, cô buộc phải giao chúng cho cấp trên. Nhưng tình thế cam go, Viết Thảo quyết định ghi nhớ toàn bộ nội dung Ảnh cung cấp và huỷ đi bản báo cáo. Ảnh từng nói với cô, tài liệu là điệp viên, mất đi tài liệu nghĩa là mất đi điệp viên. Cô thà chịu khiển trách nếu sống sót còn hơn mất đi anh. 
Cô nhanh chóng bỏ bản báo cáo của Ảnh vào trong bếp lửa kèm theo mấy quả bồ kết. Hương của bồ kết át đi mùi khét của giấy, sau đó, cô nhanh chóng lấy phần tro vụn, bồ kết, hương nhu và vỏ bưởi cho vào nồi nước vờ như đun nước gội đầu. Nước lá có màu đen, nổi bọt nên dễ dàng che giấu màu đen của tro bếp. Nồi nước sôi bùng cũng là lúc quân Ngụy kéo tới kiểm tra. 
Tim Viết Thảo ngừng đập, cô đứng nép vào một góc tường. Đám lính lục tung mọi ngóc ngách, chúng đập vỡ cả những chiếc hộp mà Ảnh tặng cô. Một cuộn film rơi ra trên mặt đất. Đó không phải là cuộn film chụp tài liệu như mọi lần mà là cuộn film Ảnh chụp Viết Thảo được cô giữ lại âm bản làm kỷ niệm. Sau cùng, một tay lính đổ ụp nồi nước lá xuống sàn nhà. Tro giấy tan trong nồi nước lẫn vào đám lá, không phát hiện ra điều gì bất thường, chúng bỏ đi. Lúc ấy, Viết Thảo mới thấy mình đang thở. 
Ngày hôm đó dường như vô tận, tới tận đêm vẫn không thấy có thông tin bất thường nào từ Katinat, Ảnh mới yên tâm rằng Viết Thảo bình an. Anh không thể tới gặp cô vì Nha cảnh sát đã đẩy mức kiểm soát an ninh cao nhất từ sớm nay. Quá giờ giới nghiêm, đám lính Ngụy sẽ còn tuần tra gắt gao hơn nữa. Đêm đó, anh thức trắng trong phòng làm việc. Má cũng bất an, bà mất ngủ liền qua phòng gặp anh, con chó becgie nhận ra người quen không sủa lấy một tiếng:
- Con tính sao? Chuyện của hai đứa tổ chức có biết không?
- Không má ạ. Chuyện này quá nguy hiểm.
- Cô bé rất thông minh và xinh đẹp. Má thương hai đứa. 
- Má đừng lo lắng. Chúng con biết phải làm gì.
Sáng hôm sau, anh đội tóc giả, thay trang phục, đi đôi giày bata mòn đế, hoá trang thành một lơ xe tới nhà cô. 
Ảnh ôm chặt lấy cô, họ run tới mức không thể cho nhau một nụ hôn. Viết Thảo xoa lên gò má anh, chúng ướt đẫm. Lần đầu sau khi ba mất, Ảnh mới khóc như vậy. Trôi qua rất lâu, Viết Thảo mở lời:
- Đã đến lúc anh nói cho em biết em nên rời khỏi anh như thế nào rồi?
Ảnh vuốt ve má cô, tì lên trán cô, thấy biết ơn vì cơ thể cô còn ấm:
- Katinat sẽ tạm thời không hoạt động, đây là lúc em nên đi.
- Còn anh thì sao? Anh không cần em nữa à?
Có trời Phật biết, anh ước mình có thể dừng lại vì cô. Anh cũng chỉ là một con người:
- Được. Hôn em.
Ảnh đặt lên trán cô một nụ hôn. Viết Thảo mỉm cười nhìn anh:
- Mẹ em ở Huế. Ba em mất vì giặc Pháp. Bà ở vậy và âm thầm theo Cách mạng. Bà cứ ở vậy. 
Ảnh nhìn sâu vào đôi mắt cô. Anh không mong cô sẽ lựa chọn như má mình. Anh hôn lên môi cô. Anh vuốt ve tóc cô:
- Công việc của chúng ta không còn an toàn nữa. Tôi sẽ tìm kiếm người khác thay em. Về Huế hoặc bất cứ đâu. Hiểu không?
- Được. Hôn em.
Viết Thảo sờ vào ve áo anh. Từ lần đầu anh qua đêm tại nhà cô, Viết Thảo đã biết anh luôn bỏ một viên thuốc độc bên mình. Cô lấy viên thuốc của anh:
- Tặng em được không? Nếu một lúc khác gặp nguy hiểm, anh không cứu được em thì nó sẽ cứu em.
- Chỉ được dùng trong một trường hợp duy nhất. Nhớ chưa?
Viết Thảo gật đầu:
- Tôi yêu em. Không phải để cho ai xem.
- Em cũng yêu anh. 
***
Năm An 4 tuổi thì ông ngoại mất. Má kể ngày nhỏ An tưởng nhầm ông Ảnh là ông ngoại. Em ngưỡng mộ ông từ khi còn bé xíu, hầu hết những gì An hình dung về thế giới đều dựa trên lời ông kể. Ông có thể nói làu làu tiếng Anh và tiếng Pháp, kể chi tiết từng sự kiện lịch sử, mô tả say mê những vùng đất Mỹ, giải thích tỉ mỉ về mỗi loại chó, chim và cây cảnh. Vì ông mà An quyết định chọn công việc phóng viên, ông cũng là người thầy đầu tiên trong nghề của em. 
Ông ngồi hàng giờ phân tích cho An cặn kẽ từng sự kiện, hướng dẫn em nên quan sát ai, lấy tin ở đâu, phân tích như thế nào, giải thích các hành động ra sao. Nhưng tuyệt nhiên, ông rất ít khi nói về những chiến công của mình. Trong phòng sách của ông, huy chương và bằng khen là hai thứ mà người ta khó thấy nhất.
Hoá ra, siêu anh hùng trong thế giới của An lại từng có một mối tình sâu đậm với bà ngoại em:
- Ông có từng hối hận không ạ? 
Ông lắc đầu:
- Không thể. Và ông cũng không được phép hối hận. Có quá nhiều người đã chết. 
Nước trà đã loãng, An hiểu ý đứng dậy pha một ấm mới, con becgie bước theo chân em. Nó đã quen em như một người nhà nên chẳng hề gầm gừ cảnh giác. Nó là đời thứ 3 của con chó huyền thoại đã cùng ông ngang dọc khắp Sài Gòn thời chiến.
- Tổ chức có dễ dàng để bà rời khỏi ông không ạ? 
- Không. Phải mất rất lâu để gài một tình báo vào xung quanh địch. Nếu chẳng có lý do chính đáng, họ sẽ không để bà ấy rời đi. Mà ông đâu thể nói với họ rằng vì ông yêu bà con nên họ hãy điều chuyển bà ấy. 
Ông rót nước trà đầu tiên để tráng sạch chiếc chén, nói tiếp:
- Ông đã yêu cầu cấp trên điều chuyển bà ấy vì sơ suất trong lần đưa tin năm 1968 đó. Ông không thể để một giao liên phạm sai lầm bên cạnh mình. Katinat cũng chẳng còn an toàn cho vỏ bọc của bà ấy. Về điều này thì cấp trên buộc phải đồng ý dù họ nghi ngờ khi thấy ông quyết liệt như vậy. Nhưng chẳng còn cách nào khác, họ vừa mất một tình báo chiến lược là Hai Quốc khi người giao liên của ông ấy bị lộ. Họ không dám mạo hiểm.
- Vậy phía bên kia thì sao ạ? Họ không bất ngờ khi bà bỗng dưng biến mất ạ? 
***
Tháng 2 năm 1968, nổi dậy Mậu Thân diễn ra khiến cho cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà chấn động. Các chiến sĩ biệt động đã thành công chiếm đóng, kiểm soát những điểm quan trọng của thành phố nhiều giờ liền. Đặc biệt, toà đại sứ quán Mỹ do quân giải phóng “làm chủ” suốt 6 tiếng đồng hồ khiến tổng thống Mỹ phải thốt lên rằng: “Việt Cộng đã đi dạo mát trong đại sứ quán của ta rồi".
Tuy nhiên, Việt Nam Cộng Hoà vẫn áp đảo về số lượng và phản công lại ngay lập tức, quân đội Việt Cộng thiệt hại lớn về người nhưng Ảnh biết chúng ta đã thành công về chiến lược, tuyên truyền và ngoại giao. Những cuộc nói chuyện sâu sắc với bác sĩ Huy và các tướng và tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa cho anh biết điều đó. Anh gửi tin tức về rừng, đây là liều thuốc giảm đau duy nhất lúc bấy giờ sau khi hầu hết các thành viên biệt động Sài Gòn đều thương vong. 
Ảnh vẫn như mọi khi là “chỗ dựa tinh thần" cho bác sĩ Huy. Anh có khả năng phân tích sắc bén về quân sự, chính trị mà ngay cả những quan chức trong bộ máy chính quyền Sài Gòn bấy giờ đều khao khát sở hữu. Họ trông chờ anh sẽ chỉ ra hành động tiếp theo của Việt Cộng sẽ là gì. Họ hy vọng anh sẽ tiên đoán được phản ứng của phía Mỹ sau trận đánh vừa rồi. Ảnh được chú ý hơn bao giờ hết.
Sau cuộc nổi dậy, Việt Nam Cộng Hòa đẩy mạnh tìm kiếm điệp viên Việt Cộng để trả đũa cho sự thất thế bẽ bàng. Họ thừa hiểu phải có gián điệp thì quân đội giải phóng mới dễ dàng tiếp cận và đánh chiếm những vị trí quan trọng. Tình thế khó khăn hơn cho Viết Thảo rút lui. 
Katinat đã hoạt động trở lại dưới sự sắp xếp của Ảnh. Anh thuyết phục bác sĩ Huy rằng mở lại Katinat sẽ “dụ" Việt Cộng xuất hiện lấy tin bởi điều họ cần nhất bây giờ là nghe ngóng phản ứng của Việt Nam Cộng Hoà cũng như phía Mỹ. Tất nhiên, bác sĩ Huy không thể từ chối. Viết Thảo cũng được mời quay trở lại hát.
Ảnh vẫn đến mỗi đêm, khi thì đi cùng những người bạn nhà báo, khi thì tới với vài người quen biết trong đại sứ quán. Anh vẫn là ông hoàng của sàn nhảy. Bên cạnh anh xuất hiện thêm một cô gái Mỹ, hơn anh 2 tuổi, mái tóc vàng óng ánh. Đó là đại diện mới của Times được cử sang. 
Cô gái toát ra khi chất của một tâm hồn tự do. Cô có thể ngồi vào lòng Ảnh trong bữa tối, cầm tay Ảnh lúc bước ra khỏi quán và ngả vào vai anh khi hai người tình tứ khiêu vũ giữa sàn nhảy. Viết Thảo ngưỡng mộ sự phóng khoáng như làn gió biển ấy.
Người ta đồn rằng Ảnh phải lòng cô gái Mỹ mới đến. Viết Thảo bắt gặp ánh nhìn châm biếm từ những người đã từng ngưỡng mộ cô khi lọt vào mắt anh. Giờ đây, cô đáng thương. Viết Thảo hiểu Ảnh cố tình tặng cho cô vỏ bọc bẽ bàng này. Làm gì có cô gái Việt Nam nào thời bấy giờ có thể phản kháng khi thấy người mình thương gần gũi một cô gái khác. Họ chỉ có hai lựa chọn, hoặc âm thầm chịu đựng, hoặc âm thầm rút lui. Chẳng cần giải thích, miệng đời cũng tự hiểu cho sự dần biết mất của Viết Thảo.
***
- Đã bao giờ ông thấy bà giận ông chưa ạ?
Ông vuốt ve tấm ảnh của bà:
- Chưa bao giờ. Bà ấy mạnh mẽ hơn ông nhiều.
***
Tháng 4 năm 1975, Sài Gòn chính thức được giải phóng toàn bộ, Việt Nam nối liền thành một quốc gia thống nhất. Ảnh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được phong hàm đại tá. Ở độ tuổi “chín" nhất của một người đàn ông, nhưng anh thấy mình đơn độc như con chim non lần đầu ra khỏi tổ.
Hầu hết bạn bè đã lựa chọn tị nạn, anh lo cho chính an nguy của chính mình và gia đình, nhưng anh không nỡ rời bỏ nơi đây. Những cậu lính trẻ cầm AK 47 vào thành phố, họ chẳng biết thân phận anh là ai. Rất có thể một giây nữa thôi, họ sẽ chĩa họng súng vào anh như cách họ trả đũa một kẻ phản quốc. Hầu hết Sài Gòn đều biết chính anh đã lái xe chở bác sĩ Huy tới chuyến bay cuối cùng để rời khỏi miền Nam Việt Nam.
Cuối cùng, họ vẫn để cho Ảnh sống sót và khoác vinh quang trên vai. Nhưng anh đã sống với hệ tư tưởng Mỹ, tin tưởng vào thứ được gọi là tự do cá nhân, cởi mở với những người bạn phương xa và làm báo một cách thẳng thắn trong hơn 20 chục năm. Giờ đây, anh lạc lõng giữa chế độ mới. 
Anh đã vốn làm việc độc lập, nhưng hiện tại anh còn đơn độc hơn khi phải hoà nhập vào cái chung của chủ nghĩa xã hội. Ảnh nhận ra, thứ chung duy nhất giữa anh và họ có lẽ là dòng máu đang chảy trong người. Dòng máu đó cho họ tình yêu nước tới mức đã có lúc họ sẵn sàng chết vì nhau.
Người ta không hiểu anh. Người ta sợ anh. Quá khó tin khi hơn 20 năm sống cạnh địch và thân cận với gần như tất cả giới “máu mặt" Sài Gòn mà anh vẫn bình an vô sự. Họ nghi ngờ CIA đã để lại anh, rồi thì anh cũng đang là một “mật báo" Mỹ cài cắm lại Việt Nam. 
Anh biết nhà mình luôn bị theo dõi, bằng một cách nào đó mà họ đã hợp lý hoá việc hạn chế quyền tự do xuất cảnh của Ảnh. Ba bữa nửa tháng, anh tham gia các cuộc họp chi bộ và thường được yêu cầu kiểm điểm sâu sắc. Tuy vậy, họ vẫn gửi thông tin đều đặn về Trung Quốc, Mỹ, Nga, Pháp,... tới nhà để anh phân tích. 
Ảnh chỉ làm bạn với má, người sếp trực tiếp trong mạng lưới, vài đồng đội còn sống, những con chó becgie và chim cảnh của mình. Không còn làm báo nữa, anh dành phần lớn thời gian đọc sách. Thỉnh thoảng trong ngày, anh nghĩ về Viết Thảo. 3 năm qua đi, khi cảm giác mình đã thích nghi với cuộc sống như thế này, Ảnh mới dám đi tìm cô.
Ảnh kể về cô với cấp trên và biết cô đã trở lại Huế trong lần điều chuyển đó. Họ hứa sẽ giúp anh tìm lại cô. Đó là những ngày hiếm hoi Ảnh thấy mình có sức sống. Má vỗ về anh:
- Nếu con bé chưa lấy chồng, con hãy xuống nhà người ta cưới hỏi đàng hoàng nghen.
- Dạ má.
Có trời mới biết, đã có lúc anh thất vọng về nền hòa bình đang có. Người ta còn đếm không hết những sinh mạng ngã xuống cho đất nước này để đánh đổi lấy điều gì? Một nền kinh tế đình trệ? Một sự cấm vận? Một nhịp sống ì ạch? Một sự chia ly? Hy vọng mong manh được gặp lại Viết Thảo là điểm sáng để anh biết rằng mình vẫn đang hạnh phúc. Anh từng nói với cô “10 năm nữa chúng ta đều có thể tự do đi tìm hạnh phúc”.
Đó là một ngày Sài Gòn mưa, Katinat đã được chính phủ trưng dụng như nơi tiếp khách của giới công chức. Cấp trên báo với anh:
- Viết Thảo đang ở Hà Nội. 
Ảnh sững sờ:
- Cô ấy theo chồng ra Hà Nội 3 năm rồi. Chồng cô ấy trước đây là pháo binh, chuyên nghiên cứu thuốc súng, cũng có tiếng trong quân đội lắm. Tiếc cho anh ta, vì xuất thân từ gia đình tư sản nên anh ta được điều chuyển về làm giảng viên tại một trường đại học ngoài đó.
Ảnh yên lặng, tất cả những gì anh nghe được là từ “chồng". 10 năm sau 1968, mừng là cô đã có hạnh phúc của mình.
***
2 năm nữa trôi qua, má luôn giục Ảnh về chuyện lấy vợ. Bà đã quá già để tiếp tục ở bên anh. Ảnh hiểu cũng đến lúc mình nên bước tiếp. Anh vẫn giữ nguyên phong độ và khí chất của một người đàn ông “kiểu Mỹ". Ảnh tập võ, chạy bộ, đi uống cà phê sáng mỗi ngày. Anh hẹn hò với một người phụ nữ ở hiệu sách, cô là góa phụ, chồng cô là lính cảm tử trong Mậu Thân 1968, họ có một đứa con gái 13 tuổi.
Anh bên cạnh cô như hai người tri kỷ, cô chăm sóc má anh giống con gái trong nhà. Tại Mỹ, một người phụ nữ đi bước nữa hết sức bình thường, nhưng ở Việt Nam thì khác. Chẳng phải Ảnh ngần ngại cho cô một hôn lễ, nhưng cô không muốn rình rang. Cô chỉ có một yêu cầu là anh hãy thương con gái cô như cách cô thương gia đình anh. Điều này chẳng khó khăn gì với Ảnh, anh thậm chí còn không nỡ bắt cô bé gọi mình là ba. 
Ảnh yên bề gia thất thì má mất. Anh lại một lần nữa rơi vào cảm giác đơn độc tới cùng cực. Số thuốc anh hút ngày càng nhiều. Cũng vào lúc đó, một gia đình hàng xóm mới chuyển tới cạnh nhà Ảnh. Có đem hết óc phán đoán của tình báo chiến lược anh vẫn không thể ngờ được đó là Viết Thảo cùng chồng và con gái vừa tròn 3 tuổi. 
Họ gặp nhau như một tia sáng trong lòng Ảnh nhưng lại là sự bẽ bàng của Viết Thảo. Chồng cô được điều chuyển công tác vào miền Nam, trường học cấp cho họ một căn nhà công vụ. Anh làm quen lại với cô như hai người hàng xóm. Viết Thảo thậm chí còn tin rằng anh đã lấy vợ và có con gái lớn, chỉ mình cô chờ đợi suốt 10 năm để biết được hạnh phúc là gì. 
Dù thấu cảm tới cỡ nào, Viết Thảo cũng không thể giấu được sự hờn giận. Cô cố tránh mặt để Ảnh không phát hiện ra và chôn chặt sự ấm ức vào lòng, vì sâu thẳm cô hiểu cô còn để ý đến anh nghĩa là cô đang có lỗi với chồng.
Chồng Thảo vốn là “nhà binh", giờ chuyển sang làm nghiên cứu sinh, anh vẫn thích nói chuyện chiến lược và chính trị. Anh thường tìm Ảnh trò chuyện, hai người rất hợp nhau. Họ có thể ngồi uống trà, bàn bạc từ tình hình ngoại giao với Mỹ tới ý đồ của người Trung Quốc đến giống chim quý mà Ảnh đang nuôi suốt buổi chiều. 
Có lẽ, cả hai người đều trở thành “người đứng rìa" chuyện chính trị sau cuộc chiến nên họ thấu hiểu và hoà hợp với nhau hơn. Tối đó, chồng Viết Thảo nói:
- Mai chúng ta qua nhà anh Ảnh nhé. Anh ấy mời nhà mình sang ăn giỗ mẹ. 
Viết Thảo chần chừ, cô không bao giờ quên hình ảnh của bà trong ngày hôm đó hối hả tìm đến cô báo tin. Nghĩa tử là nghĩa tận, Viết Thảo luôn muốn mình có thể sang thắp cho bà một nén hương, nhưng cô ngại đối diện với Ảnh.
Thấy cô ngập ngừng, chồng mỉm cười:
- Em còn chưa có dịp nói chuyện với anh ấy và chị nhà. Bán anh em xa, mua láng giềng gần. Chúng ta vào đây cũng chẳng quen biết ai. 
Anh nhấp một ngụm trà:
- Hay em sợ anh ghen à? 
Viết Thảo cau mày, cô cho anh một cái lườm duyên dáng:
- Bây giờ, hai người còn thân thiết hơn em. 
Trước khi lấy nhau, Viết Thảo đã kể cho chồng nghe hết mọi chuyện. Chồng cô là con nuôi của mệ, không phải tự nhiên bà đồng ý cho cô đi theo Cách mạng. Cha Viết Thảo mất vì giặc Pháp, mệ cô căm ghét giặc Tây. Bà nuôi giấu cán bộ ở nhà và luôn luôn nhắc cô về tình yêu nước. 
Viết Thảo và anh lớn lên cùng nhau rồi lại cùng nộp đơn xin đi bộ đội. Anh được chọn vào pháo binh còn cô thì không vì thời đó thiếu súng, con gái lại khó chịu được cái khổ của chiến trường. Viết Thảo ở nhà tiếp tục đi học, cô nổi bật nhất trường quốc học bấy giờ vì vừa xinh đẹp, vừa rất giỏi tiếng Pháp. Bấy giờ, có một cán bộ bí mật tới nhà đề nghị Viết Thảo hãy trở thành một điệp viên tình báo. Từ đó, cuộc đời cô đi theo hướng mà vĩnh viễn cô không bao giờ hình dung được. 
Sau Mậu Thân năm đó, Viết Thảo về đơn vị và được điều động quay trở lại Huế. Mỗi lần nghe thấy tin CIA lùng sục bắt được một điệp viên nào tại Sài Gòn, trái tim cô lại bóp nghẹt trong lồng ngực. Có trời mới biết, cô đếm ngược mỗi ngày trong suốt 10 năm. Cô đã nghĩ Ảnh sẽ đến tìm mình. 
Hoà bình năm 1975, cô không nghe thấy bất kỳ tin tức nào của Ảnh. Những người bạn của anh đã về Mỹ hoặc tháo chạy, liệu anh có theo chân họ hay không?
Mệ giục Viết Thảo tính chuyện chồng con. Năm 1977, Việt Hoàng - người chồng hiện tại của cô trở về. Anh vẫn chững chạc, âm trầm và dịu dàng như trong ký ức của Viết Thảo. Cô đã nghe những thành tích của anh trong quân ngũ, cô cảm phục sự dũng cảm của anh vì không biết có bao nhiêu người đã hy sinh khi chế tạo chất nổ. 
Việt Hoàng được cho về nhà nghỉ phép, nhưng cô hiểu đó là “cái cớ" cho một đợt điều chuyển công tác mới. Bởi vốn dĩ Việt Hoàng sinh ra trong gia đình tư sản, bố mẹ anh là người chủ tiệm may Âu phục có tiếng ngoài Hà Nội. Năm 14 tuổi, anh theo cậu trốn gia đình lên tàu vào trong đi theo Cách mạng. Sau 1954, họ đã di cư sang Pháp. Giờ đây, khi hoà bình lặp lại, người ta quyết tâm tiêu diệt mọi vết tích cũ của tư sản, xuất thân trở thành lý do để người ta loại Việt Hoàng khỏi hàng ngũ. Cô thấy rõ một nét buồn trong mắt anh. 
Anh ngỏ lời với Viết Thảo về chuyện được lấy cô làm vợ. Cô từ chối. Dù cô trân trọng tình cảm của anh, cô cũng chẳng nỡ để anh đau lòng thêm một ly một tấc nào. Nhưng cô không muốn quên Ảnh, ít nhất là tới khi 10 năm đã trôi qua. 
Cô kể cho Việt Hoàng về những điều đã làm tại Sài Gòn, những người cô đã gặp và cả người đàn ông thị thành “kiểu Mỹ" nhất trong đời cô. Từ ánh mắt của Viết Thảo, anh biết cô yêu sâu đậm anh ta chứ không phải sự “sùng bái" nhất thời với một thứ gì đó mới mẻ. 
Vài tháng sau, Việt Hoàng có lệnh điều ra Hà Nội. Anh được phân công về một trường đại học chuyên nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật, công nghệ mới. Đó có lẽ là công việc “na ná" giống nhất với những gì anh đã làm hồi còn ở pháo binh mà người ta sắp xếp được. Anh về lại Hà Nội:
- Bất cứ khi nào muốn, anh đều có thể về Huế. Em và mệ chờ anh. 
Viết Thảo biết Việt Hoàng sẽ rất cô đơn ở Hà Nội. Căn nhà cũ của gia đình anh đã sang tên cho người khác, giờ có khi cũng bị chính quyền tịch thu. Bạn bè của anh hầu hết trong quân ngũ. Anh lại là kiểu người ít nói, chẳng ai nghĩ sẽ có ngày anh trở thành một thầy giáo giảng bài trước hàng chục, hàng trăm sinh viên.
***
Năm 1977, mệ ốm nặng. Ảnh không đến. Viết Thảo gần như tuyệt vọng. 10 năm sau, cô đã biết hạnh phúc không thuộc về mình. Cô điện cho Việt Hoàng về gặp mệ lần cuối. Mệ đặt tay cô vào tay anh rồi lặng lẽ ra đi. Đó là người phụ nữ kiên cường nhất cô từng biết. Bà ghét nhạc Trịnh Công Sơn vì tinh thần phản chiến, lúc nào, bà cũng muốn con gái của bà phải hát những khúc quân ca hào hùng. Bà không biết rằng hùng ca là mặt sau của bi tráng. Đời bà chính là ví dụ rõ ràng nhất. 
Việt Hoàng cầu hôn cô lần nữa. Viết Thảo đồng ý. Một phần vì má. Một phần vì thế gian này họ chỉ còn duy nhất đối phương để nương náu mà thôi. Năm 1980, họ cùng đứa con gái 3 tuổi chuyển vào Sài Gòn. 
***
Vợ Ảnh là một người phụ nữ khéo léo và tháo vát. Cô chuẩn bị chu đáo từng chi tiết nhỏ trong ngày giỗ má chồng. Thỉnh thoảng, cô còn mang cho con gái Viết Thảo những chiếc bánh thuẫn tự làm. Vì thế, Viết Thảo có thiện cảm với cô.
- Gọi các chú vào ăn cơm đi con.
Vợ Ảnh giục người con gái lớn trong nhà. Đứa trẻ không gọi Ảnh là ba. Thấy nét băn khoăn trên khuôn mặt Viết Thảo, vợ anh giải thích:
- Con bé là con riêng của em với chồng trước. Anh ấy hy sinh hồi Mậu Thân, lúc đó nó 3 tuổi. Anh Ảnh đã cưu mang má con em. Con bé thương anh Ảnh lắm, nhưng không ai thay thế ba nó được.
Vợ Ảnh vẫn thoăn thoắt bày biện mâm cỗ lên bàn thờ:
- Má thích ăn nhất là canh khổ qua. Anh Ảnh thì chê đắng. Hơn 1 năm làm dâu, má thương em như con gái trong nhà. Hôm nay, em nấu toàn những món má thích. 
Viết Thảo sững sờ.
Tối đó thấy vợ bần thần từ lúc trở về nhà, dỗ con gái ngủ say, Việt Hoàng hỏi:
- Có chuyện gì vậy em?
- Con bé không phải con anh ấy. Anh cũng biết rồi đúng không?
- Đúng vậy. Anh ấy mới lập gia đình gần đây thôi.
Tim Viết Thảo thắt lại, có lẽ nào anh đã đi tìm cô:
- Em nên nói chuyện với anh ấy một lần cho rõ ràng. Anh ấy là người đàng hoàng, anh tin là anh ấy đã từng đi tìm em.
Cảm ơn trời Phật đã cho Viết Thảo gặp được một người đàn ông rộng lượng. Anh không hề tỏ ra bất kỳ sự nhỏ nhen hay nghi kỵ nào khi vợ mình gặp lại người cô từng yêu sâu đậm:
- Anh không buồn lòng em sao?
- Anh đã lấy em. Chuyện của em cũng là chuyện của anh. Chúng ta đã đi qua những cuộc chiến nay sống mai chết. Chuyện tình cảm này, có gì mà không đối mặt được. 
Trước khi đi ngủ, Việt Hoàng đặt tay lên vai cô:
- Anh Ảnh vẫn duy trì thói quen hàng ngày tới Katinat.
***
Lần đầu tiên sau 12 năm, Viết Thảo gặp lại Ảnh ở Katinat. Anh ngồi ở chiếc bàn hướng ra cửa sổ, hút một điếu thuốc hiệu gì cô không rõ. Loại thuốc trước kia anh hay hút, giờ đã không còn nhập khẩu vào Việt Nam. 
Cô bước tới, khuôn mặt không trang điểm cầu kỳ như những đêm diễn. Những nếp nhăn chẳng cần che giấu, cô ngồi xuống đối diện anh. Ảnh thoáng bất ngờ, anh lúng túng không biết nên làm gì tiếp. Đây là lần đầu tiên Viết Thảo thấy anh như vậy:
- Katinat khác quá rồi. Không ngờ đã 12 năm.
Đúng vậy. Năm 75, nhà nước tịch thu nơi này thành nơi tiếp khách của chính quyền. Khách tới đây đều là người làm trong nhà nước. Ban ngày quán vắng vẻ lắm.
- Hồi đó, cánh nhà báo nước ngoài luôn vây quanh anh ở đây.
Ảnh bật cười:
- Họ còn luôn dành riêng cho anh một bàn, họ bảo có anh thì mới kéo theo khách đến. 
Ảnh chỉ sang chiếc bàn chính giữa quán. Hai người cùng mỉm cười. Không khí ngượng ngùng tan vỡ. Ảnh mở lời:
- Em vẫn thế. Không thay đổi một chút nào.
Cô lắc đầu:
- Không không. Kiểu tán tỉnh “chất Mỹ" như thế chẳng làm em rung động nữa rồi. Đã 12 năm. Em thành một người mẹ. Bận và già.
Ảnh nhấp một ngụm cà phê, lắc đầu:
- Em hạnh phúc, đúng không?
- Có lúc có, có lúc không. Năm 77, mệ mất, anh không đến tìm em. Khi ấy thì em đau khổ. 
Cô nhìn vào mắt anh, thoáng tủi hờn rồi tan biến:
- Anh có từng tìm em không?
Anh rít một hơi thuốc dài:
- Đã từng. Năm 78, cũng tại nơi này, người ta nói cho anh biết em đã theo chồng ra Hà Nội. 
Nước mắt Viết Thảo rơi, cô không thể nói anh hãy hôn cô như sáng hôm đó. Cô không biết mình khóc vì gì, cô yên lặng và nước mắt rơi rất lâu. Ảnh bối rối. Họ chẳng thể quay trở về như một ngày 1968 nữa. Ảnh đã quá hiểu về chia ly, nhưng không có nghĩa anh bớt đau hơn. Ảnh cầm tay cô, anh úp mặt vào đôi bàn tay cô bật khóc. Từ khi má mất tới giờ, Ảnh mới dám nhìn rõ lòng mình đang bị xé toạc ra làm đôi. Ấm ức, cay đắng, tủi thân và bất lực từ 1968 tích tụ như đổ ra thành dòng.
***
An không tìm được từ gì khác ngoài xúc động khi nghe ông kể. Chiến tranh, chia ly, nghi ngờ đã đổ dồn lên người đàn ông nhỏ bé trước mắt em:
- Sao ông không nghĩ sẽ tìm bà sớm hơn?
- Ông cũng thất lạc chính mình. Họ vẫn dè chừng ông sau 1975. Ông không rõ bước tiếp theo của họ là gì. Ông đã sống như người Mỹ hơn 20 chục năm, và giờ họ muốn ông lập tức sống như người Nga. 
Ông nhấp thêm một ngụm trà:
- Bạn bè cũng cắt đứt gần hết. Những đầu mối ông từng có đã về Mỹ hoặc trong trại cải tạo. Ông không có một công việc cụ thể như trước. Ông không biết mình mở mắt dậy vì điều gì.
Đôi mắt ông đầy sự mất mát:
- Ông chỉ là một người Việt Nam. Thậm chí, ông không còn là một phóng viên nữa. Ông đã đấu tranh liên tục trong một cuộc chiến lớn. Sau 75, ông nghĩ mình vẫn sẽ đấu tranh cho một điều gì đó khác, như tự do chẳng hạn. Nhưng sau cùng, ông thấy mình già và cô đơn. Tự do có lẽ cũng là một chất gây nghiện, ông đã nghĩ mình phải thử “cai” nó.
Tới 1986, Việt Nam đổi mới theo kinh tế thị trường. Sự tự do mà ông Ảnh mong ước cũng đến. Người ta biết mình sai và thật may họ đã dũng cảm sửa sai. 1995, Việt Nam nối lại quan hệ với Mỹ. Sự chữa lành giữa hai quốc gia mà ông đều yêu quý trở thành hiện thực. 
Ông đã là một điệp viên kiệt xuất không kém gì thần tượng Richard Sorge - người giúp Nga chiến thắng Đức trong thế chiến thứ 2. Ông cũng là một nhà báo sắc sảo, chính trực mà rất nhiều phóng viên quốc tế ngưỡng mộ. Nhưng sau cùng, ông vẫn là một người cô đơn sống trọn vẹn cả hai cuộc đời.