Điều kiện cần để sử dụng một thuật ngữ là hiểu định nghĩa của nó. Điều kiện đủ để sử dụng một thuật ngữ là hiểu ý nghĩa của nó. Điều này đặc biệt đúng khi sử dụng các thuật ngữ có bề dày văn hóa xã hội như “Nữ Quyền” – Feminism.
Cái khó khi mang Chủ Nghĩa Nữ Quyền vào từ điển tiếng Việt là việc hệ tư tưởng của các nước đã phát triển và đang phát triển không giống nhau. Nữ Quyền ở nước ngoài đã xuất hiện từ rất lâu, thông qua các bối cánh rất cụ thể của xã hội và chính trị như #MeToo Movement gần đây. Còn ở Việt Nam, Nữ Quyền vẫn luôn được chú ý nhưng bùng nổ thành cột mốc khiến cả xã hội hướng về thì chưa.
Việc xã hội không cùng hướng về cùng một thứ dẫn đến một vấn đề: họ không có cùng một cách hiểu về thứ đó, nên họ chưa thể cùng nhau đấu tranh. Việc này thể hiện rất rõ trong các bối cảnh đời thường của cuộc sống.

Feminism – Nữ Quyền là gì? Hiểu sao cho đúng?

Bạn xem MV Đôi Mi Em Đang U Sầu của Đông Nhi chưa?
Good music, just bad description
Good music, just bad description
MV mới của Đông Nhi rất xịn, nhưng cách ekip dùng từ “Nữ quyền” trong bối cảnh này thì không. Để giải thích chuyện này, có 3 định nghĩa cần làm rõ:
- Female: Nữ giới
- Feminine – Nữ tính/ Tính nữ: những đặc điểm/ phẩm chất thường được quy cho nữ giới
- Feminism - Nữ quyền: Vận động quyền với mục tiêu bình đẳng giới. Áp dụng cho các khía cạnh cuộc sống xã hội, chính trị, kinh tế…
Thuật ngữ “Nữ Quyền” có nguồn gốc từ tiếng Pháp “féminisme”, khai sinh vào năm 1837 bởi nhà triết học Charles Fourier. Ban đầu, từ này dùng để chỉ "phẩm chất hoặc tính cách nữ tính",  sau đó được sử dụng lần đầu bằng tiếng Anh vào năm 1890, gắn liền với 4 làn sóng (waves):
- Làn sóng đầu tiên: vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tập trung giành các quyền cơ bản, năng lực chính trị và quyền bầu cử cho phụ nữ.
- Làn thứ hai: vào những năm 1960 và 1970, tập trung chấm dứt phân biệt đối xử trong xã hội, trong giáo dục và nơi làm việc.
- Làn thứ ba: vào đầu những năm 1990 tập trung vào bản sắc cá nhân và sự đa dạng của Tính Nữ.
- Làn sóng thứ tư: bắt đầu từ 2008, tập trung vào việc trao quyền và tạo ra lựa chọn cho mọi người, chống lại quấy rối tình dục, body shaming và r.a.p.e culture. Mạng xã hội đóng vai trò rất lớn trong làn sóng này, điển hình như #MeToo viral vào năm 2017 sau scandal tình dục của nhà sản xuất phim Harvey Weinstein với tới 87 nạn nhân lên tiếng tố cáo.
Khai sinh bởi phụ nữ, làn sóng có nhân vật tâm điểm là người nữ, thường tập trung đấu tranh cho sự bất công nữ giới gặp phải trong xã hội. Đây có lẽ là lí do tại sao nhiều người nhầm lẫn Nữ Quyền chỉ dành cho phụ nữ (và đàn ông là kẻ thủ). Thực ra từ làn sóng thứ 3 từ năm 1990, suy nghĩ này đã không còn đúng nữa.
Mục tiêu sau cùng của Nữ quyền (Feminism) hiện đại là sự tự do và công bằng. Đích đến sau cùng của Nữ Quyền là XÃ HỘI BÌNH ĐẲNG: Nơi dù bạn là nữ - nam - khác, đều có an sinh, quyền lợi và LỰA CHỌN trong cuộc sống NHƯ NHAU. Nơi các tư tưởng trọng - khinh không còn tồn tại hay những ngôn luận sexist như “Đàn bà con gái đúng là chỉ có thế”. “Đàn ông ai lại đi khóc”,… chả còn được dùng nữa.
Quay lại MV của Đông Nhi, hình ảnh cách tân Mỵ Châu đi đả nhau với Trọng Thủy rất chất. Nhưng dùng “Tính nữ” mạnh mẽ (Feminine) để mô tả sẽ phù hợp hơn là “Nữ quyền” (Feminism). Vì kéo băng đi trả thù đúng là quyết định táo bạo của một người nữ (Female) trong xã hội lúc đó, mục đích sau cùng là cho Trọng Thủy “ăn hành” chứ chưa trực tiếp nhắm đến bình quyền cho mọi người.
Tương tự, hình ảnh các nhân vật nữ trong phim ảnh, MV ca nhạc bay nhảy đùng chéo, trang phục hầm hố mà truyền thông hay mô tả là hình ảnh Nữ Quyền cũng chưa trọn vẹn. Họ có thực sự làm vậy vì Nữ Quyền hay vì mục đích nào khác? Chúng ta đều có câu trả lời.

Feminism – Nữ Quyền trong bối cảnh xã hội Việt

"Nữ Quyền” trong các trường hợp xã hội sẽ phức tạp hơn các ấn phẩm giải trí vì nó có nhiều khía cạnh cần xem xét hơn. Ví dụ một vấn đề từng gây tranh cãi đa chiều trong xã hội là chuyện trở thành mẹ đơn thân – Single Mom.
Để trả lời vấn đề này, chúng ta (lại) cần remind định nghĩa và mục đích sau cùng của Nữ Quyền: là các vận động giúp chấm dứt phân biệt giới tính, bóc lột hoặc áp bức dựa trên giới tính.
Bản thân chủ đề Single Mom không phải là mục tiêu chính của Nữ Quyền, nó chỉ là biểu hiện bên ngoài. Việc một người trong xã hội đó, có được quyền tự do quyết định về bào thai do mình tạo ra, có thực sự chủ động đưa ra lựa chọn trở thành mẹ đơn thân hay không, và có được xã hội tôn trọng đối xử công bằng với lựa chọn của mình hay không mới là cốt lõi thực sự
Biểu tượng của Nữ Quyền không phải là Single Mom, mà là sự Bình Đẳng và Tự Do. Nên “Single mom là biểu tượng của Nữ Quyền” ở đây được giật tít vô tội vạ, vì nó không đi đến cốt lõi mà chỉ dùng cụm từ “Nữ Quyền” như một cách đánh bóng nội dung bài viết. Chưa kể rủi ro điều hướng dư luận biến Single Mom thành một trào lưu.
Điều tương tự cho các vấn đề như phá thai, bất bình đẳng lương khi đi làm, quyền lợi ly hôn,… chúng cũng đều là động lực để Nữ Quyền tiếp tục đấu tranh, nhưng không thể nói nó là biểu tượng hay linh hồn của Nữ Quyền.

Lý do tại sao phải hiểu đúng về Feminism – Nữ Quyền?

Mình đang muốn nói gì ư?
Ted Talk speech của Thùy Minh (2015) về chủ đề “Stop fighting for feminism” (Ngừng đấu tranh vì Nữ Quyền) hiện đang có 1,3 triệu views trên Youtube.
Thùy Minh qua đó khuyến khích mọi người hãy tự do là chính mình, thông điệp khá hay nhưng bài speech của cô rơi vào 1 nút kẹt: Cô tách bạch khái niệm nữ quyền (Feminism) với tính nữ (Feminine).
Xem trong clip bạn sẽ thấy, Thùy Minh dẫn dắt người nghe từ:
Bối cảnh:
- Vấn đề cô là single mom do khi đó cô không có lựa chọn
- Vấn đề nữ giới trong văn hóa Việt bị mắc kẹt trong các định kiến như da quá ngăm, đeo khuyên mũi nên không thể lên sóng truyền hình
- Ví dụ về khuôn mẫu các ngôi sao đương đại ăn mặc ngầu ngầu để đề cao Nữ Quyền nhưng thực ra đều là những người dịu dàng
Leo thang:
- Viễn cảnh của một người theo Nữ Quyền sẽ độc thân hoặc sẽ trừng phạt đàn ông (?!)
- Vạch rõ nữ quyền là việc của phụ nữ, và đàn ông không quan tâm - “don’t care much about Feminism” như cách cô nói
Kết luận:
- Muốn là người mạnh mẽ, muốn trở thành Feminist - nhà vận động nữ quyền, hay mềm mỏng, không đấu tranh cho Nữ Quyền là do bạn. Hãy đảm bảo rằng đó là quyết định của chính bạn.-------
Bài Speech của Thùy Minh nhận về nhiều comments nói rằng ý tưởng hay, nhưng truyền đạt không trọn vẹn. Cá nhân mình cũng thấy vậy.
Quay lại định nghĩa một lần nữa:
-Female – Nữ giới
Feminine – Nữ tính/ Tính nữ - những đặc điểm/ phẩm chất thường được quy cho nữ giới
Feminism - Nữ quyền – Vận động quyền với mục tiêu bình đẳng giới. Áp dụng cho các khía cạnh cuộc sống xã hội, chính trị, kinh tế…
Kết luận “người phụ nữ có toàn quyền mềm yếu hoặc mạnh mẽ” của Thùy Minh, là đang khuyến khích mọi người hãy cứ phát huy các đặc điểm phẩm chất tính nữ (Feminine) của mình.  Nhưng để một người được toàn quyền tự do làm như vậy, chính là việc mà Nữ Quyền (Feminism) đang đấu tranh để đạt được. Tiêu đề bài speech “Ngừng đấu tranh vì Nữ Quyền” bản thân nó đã mâu thuẫn với thông điệp Thùy Minh đang kêu gọi rồi. Vì ngừng đấu tranh, thì đào đâu ra cái không gian bình đẳng cho “người phụ nữ có toàn quyền mềm yếu hoặc mạnh mẽ”.
Một điểm trừ khác, cách dùng đàn ông làm điểm tham chiếu trong bài Ted Talk đã vô tình xóa đàn ông khỏi bức tranh những người được hưởng lợi từ Bình Đẳng Giới – mục tiêu cốt yếu của vận động Nữ Quyền. Và bạn biết đấy, có Nữ mà không có Nam, sẽ không có Bình Đẳng Giới. Giống như Yin mà không có Yang, không thể nào tạo ra cân bằng Âm Dương được.
Nữ Quyền không yêu cầu bạn phải thay đổi bản thân, cũng không nhất thiết xem đàn ông là kẻ thù. Nó chỉ khuyến khích bạn hãy làm những việc để mọi hành vi phân biệt áp bức dựa trên “Giới” không còn nữa mà thôi. Và bộc lộ tính nữ của mình một cách tự do là một trong số những việc đó.
Nếu ai cũng hiểu Nữ Quyền theo cách riêng thì lực lượng đấu tranh cho Nữ Quyền sẽ phân tán, mỗi người đấu tranh một nẻo, mỗi thông điệp lại kêu gọi một kiểu. Vậy thì chỉ riêng việc “thống nhất 12 sứ quân” đã là một vấn đề rồi, nói chi là cùng hướng đến Bình Đẳng Giới?

TÓM LẠI LÀ...

Ở nước ngoài, Nữ Quyền đã có từ năm 1900, với 4 đợt sóng đấu tranh sinh ra từ bối cảnh xã hội mỗi thời điểm. Riêng ở Việt Nam, phong trào Nữ Quyền vẫn chưa tạo thành làn sóng rộng rãi. Điều này càng nhấn mạnh, việc hiểu đúng Nữ Quyền chính là bước đầu tiên mọi người cần làm cùng nhau, là “nhu yếu phẩm” cho hành trình vận động quyền sau này.
Dùng từ “Nữ Quyền” trên truyền thông, trên các ấn phẩm giáo dục hay phim ảnh một cách bừa bãi, thiếu chiều sâu và kém nhất quán thì Bình Đẳng Giới sẽ ngày càng xa vời, vì nó sẽ tạo ra thêm nhiều sự nhầm lẫn trong các nhóm cộng đồng nói chung và các nhóm hoạt động xã hội đang đấu tranh cho Bình Đẳng Giới nói riêng.
Để đảm bảo các hoạt động xã hội trong khuôn khổ Nữ Quyền đi đúng hướng ngay từ đầu, đạt được đúng mục tiêu là Bình Đẳng Giới thì nên bắt đầu từ việc hiểu một cách sâu sắc về Nữ Quyền trước đã. Vì “Muốn đi chung một con đường, bước đầu tiên phải là có cùng một đích đến”
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
------------------------------------------
Chú thích thêm:
Chia sẻ thêm với các bạn: 4 types of feminism:
Radical Feminism - Chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến: xã hội trong nam khinh nữ và vai trò giới cho đến nay đã ăn sâu vào mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại mà bình đẳng thực sự chỉ có thể đạt được khi cải tổ hoàn toàn hệ thống xã hội hiện tại.
Marxist Feminism – Chủ nghĩa nữ quyền Mác-xít: cho rằng chủ nghĩa tư bản được thiết kế nhằm mang lại lợi ích cho các hệ thống phân cấp gia trưởng và khuyến khích nữ giới phải trở nên phụ thuộc vào các giới khác. Và đạt được bình đẳng giới sẽ liên quan đến việc phá bỏ các hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa bóc lột và đánh giá thấp sức lao động của phụ nữ.
Liberal Feminism – Chủ nghĩa nữ quyền tự do: bất bình đẳng giới không nằm ở các cấu trúc và thể chế mà nằm ở văn hóa và các giá trị của xã hội. Đóng khuôn vai trò của nam và nữ có hậu quả là tạo ra những kỳ vọng cứng nhắc, không linh hoạt và cả hai giới bị tổn hại
Difference Feminism/ Postmodern Feminism - Chủ nghĩa nữ quyền khác biệt / Chủ nghĩa nữ quyền hậu hiện đại: Chỉ trích lý thuyết của những người theo chủ nghĩa nữ quyền trước đây về việc trở thành người theo chủ nghĩa cốt yếu (Essentialist). Quan tâm đến mối quan hệ giữa quyền lực và tri thức hơn là 'chính trị và cơ hội'.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về Feminism - một từ vựng rất xinh đẹp và giàu tố chất văn hóa này. Hãy thử google tác giả bell hooks và những cuốn sách của Bà nhé. Have fun!
----
Post Note:
Chào mừng bạn đến với series “Giới” Ngộ (Gender-lightenment), chơi chữ của “Giác Ngộ” (Enlightenment), nghĩa là tỉnh ra mà hiểu rõ. Vì có hiểu thì mới có thương, thương mình, thương những người giống mình, thương những người khác mình.
Dành tặng những người vẫn đang trên hành trình hiểu giới của chính mình. Các kiến thức trong Series này có 2 mục tiêu lớn:
- Phải đơn giản, tinh gọn nhất, giúp bạn hiểu về mình và thế “Giới” của mình.
- Phải phù hợp cho bất cứ cộng đồng Giới nào, không phân biệt trong ngoài LGBT+
Hi vọng bạn sẽ yêu thích, và mong gặp bạn ở số kế tiếp.
Chủ thớt: @danhnguyen1212