Hè rồi Daniel đi thực tập trong một tập đoàn lớn. Hôm bữa có sếp người nước ngoài qua, ông ta sở hữu khối tài sản đồ sộ, sự nghiệp và gia đạo vẹn toàn. Mình và anh em công ty phân công đưa ổng lên farm ở Đà Lạt làm việc. Xong thì ổng mời đi ăn. Trước đây thì Daniel cũng có lên Đà Lạt nhưng mà chỉ toàn đi chợ đêm ăn bánh tráng nướng. Sinh viên mà, tiền đâu ra mà ăn nhà hàng, thầm nghĩ phen này được ăn no căng bụng. Mà đời hông như mơ. Nhà hàng sang trọng (tận 6 sao) mà Sếp kêu toàn mấy món có rau, củ, quả. Ổng còn nói cái nhà hàng này nổi tiếng nhất là mấy món như vầy, tụi mày ăn nhiều vào để hấp thụ tinh hoa của đất trời cao nguyên. Khóc! Mình ăn nấm thì nhớ tới lươn hấp sả, ăn bông artichoke thì nhớ tới sụn bò tơ hầm củ cải. Cái thành ra vừa ăn vừa khóc thầm, mỗi miếng nuốt vào như nuốt luôn nước mắt. Sếp nhẹ nhàng múc cho anh em mình một đứa một bát đầy cà rốt - đúng ngay thứ mình hông ưa. Từ nhỏ tới lớn, mình đã hông bao giờ đụng đến thứ củ này, cái mùi vị của nó làm mình ghét cay ghét đắng. Nhưng giờ Sếp để phần cho mình rồi, hem ăn thì mất lòng, lần sau ổng hổng dẫn đi nữa. Mình đành nhắm nghiền mắt rồi thồn đống cà rốt vào miệng, trệu trạo nhai. Thấy mình ăn, ổng mới hỏi là mày hem thích ăn hả Daniel. Mình thật luôn với Sếp là trước nay em chỉ ham mê thịt thà như phàm phu tục tử, chứ ăn rau ăn cỏ, em HEM THÍCH. Anh em đi cùng tái mặt cả. Sếp hớp một ngụm nước lọc, lấy khăn lau miệng một cách tiêu sái rồi nói: “Vì mày theo tao chưa lâu, chưa quen với phong cách sống và tư tưởng của tao nên lần này tao không chửi. Nhưng từ hồi tao lăn lộn lập nghiệp tới giờ, tao ghét nhất tụi mở miệng ra là không thích cái này, không ưa cái nọ. Kiểu người như vậy sống ở đời đã là khó chứ chưa nói đến chuyện hợp tác làm ăn!”. Mình nghe xong thì chưng hửng. Ủa?! Hông lẽ chuyện sở thích cũng ảnh hưởng đến công việc hay sao? Trước giờ thầy cô có ai dạy mình đâu, phải chăng sếp là cao nhân nên tâm ý sâu xa vời vợi!? Thấy vậy mình liền năn nỉ Sếp chỉ bí kíp, chứ đầu óc em non dại hông hiểu được. Sếp liền đá mắt nhìn chén cà rốt trên bàn. Hiểu ý, mình lao vào ăn ngấu ăn nghiến như Tôn Ngô Không ăn đào tiên, loáng cái đã hết sạch chén-cà-rốt-thân-yêu. Sếp cười hài lòng. Sau đó, ổng dạy mình một bài học mà suốt đời mình hem thể nào quên được - bài học về “SỰ THÍCH NGHI”.
Động từ thích nghi, ADAPT, tiếng Anh đọc là: ờ đáp tờ (chữ tờ đọc nhẹ nghe cho nó tây), nội động từ của nó mang nghĩa là thích nghi, còn ngoại động từ thì có nghĩa là tra vào, lắp vào. Năng lực thích nghi tiếng Anh là ADAPTABILITY. Từ thời nguyên thủy, khả năng thích nghi chính là điều kiện quyết định đến sự tồn vong của một giống loài. Trái đất như cái phễu có lưới, sàng lọc tất cả, chỉ những loài có thể thích nghi với điều kiện sống mới có thể tồn tại.
Lịch sử loài người cũng cho thấy, dân tộc nào có khả năng thích nghi cao thì phát triển hùng mạnh. Không phải tự nhiên mà quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn là những dũng sĩ kiêu hùng trên lưng ngựa. Sự hung mãnh của họ là kết quả của bao thập kỉ vật lộn để sinh tồn với tự nhiên, sống đời du mục và chiến tranh triền miên giữa các bộ lạc. Chỉ đến khi Thiết Mộc Chân (Thành Cát Tư Hãn) đứng ra thống nhất thì loạn lạc mới chấm dứt. Và cũng từ đây, thế giới ghi nhận sự ra đời của một trong những đế chế hùng mạnh và oanh liệt bậc nhất lịch sử nhân loại.
Tục xưa kể lại, khi một bé trai Mông Cổ được sinh ra sẽ được bà mụ sẽ thả trong chậu nước to, đứa nào vùng vẫy được thì sẽ được nuôi lớn, còn nếu đoản mệnh thì đành chấp nhận. Không ai có quyền chống đối phong tục này và không có đứa bé nào là ngoại lệ, kể cả hoàng thân quốc thích. Bất cứ 1 người đàn ông Mông Cổ nào, từ khi còn là một đứa trẻ, cũng phải trải qua nhiều thách thức kinh hoàng nhằm chọn ra những đấng nam nhi mạnh mẽ nhất, kiên cường nhất, có thể sống với mọi điều kiện, với mọi kiểu khí hậu, địa hình. Quân của Đại Hãn anh dũng thiện chiến, trước rừng thiêng nước độc không chùn chân, tuyết lạnh sương pha không run rẩy, sa mạc chói chang không khát nước. Họ tồn tại được hết nên vó ngựa Mông Cổ mới càn quét từ Á sang Âu, khiến nhà Tống của Trung Hoa rộng lớn phải quỳ gối, nước Pháp cũng khiếp sợ. Ngay cả đế quốc La Mã thần thánh cũng phải hát bài kinh cầu nguyện:”Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ của Tatar”(Tatar, đọc là Tát ta, hay còn gọi là Thát Đát-ý chỉ quân Mông Cổ) . Cuối cùng, những kẻ tự xưng là sói của thảo nguyên đã dùng võ lập quốc, dựng lên một vương triều vĩ đại với tổng diện tích lãnh thổ lên đến 24 triệu ki lô mét vuông.
Khả năng thích nghi chính là vũ khí tối thượng của kẻ mạnh, thời nào cũng thế.Đứng trước gió bấc phương Bắc thì cười khẩy, không được nổi dù chỉ một cục da gà. Ngồi dưới nắng gắt trời Nam phải cười nói khoái hoạt, phe phẩy quạt mo như Chu Du ngồi tính kế cho Đông Ngô. Phong thái hào hoa, mặc xác bốn mùa thì mới đủ sức tiêu dao giang hồ, ngang dọc bốn phương. Trong đại dương không có loài cá lớn nào mà sức thích nghi kém, suốt quãng đời của mình, chúng nó thực hiện những cuộc di cư vĩ đại dài hàng nghìn cây số, xuyên qua những dòng biển nóng lạnh của những đại dương khác nhau trong nhiều ngày liền không mệt mỏi. Dưới lòng biển thăm thẳm, nơi có áp lực nước khủng khiến có thể ép bẹp chiếc Fortuner trong một nốt nhạc cũng tồn tại hàng tá loài cá sinh sống. Có con vảy cứng như thép, có con mỏng dẹt như giấy. Mày thấy đó! Tạo hóa nhiệm màu, thích nghi là chìa khóa để tồn tại. Nếu mày tự tin mình là kình là ngạc thì cứ bơi ra bể lớn. Tồn tại được, adapt được thì xin mời vùng vẫy cho thỏa chí anh hùng! Cứ tập thích nghi đi, rồi trong cuộc đời này mày sẽ kiêu hãnh vẫy đuôi, đạp sóng đạp gió giữa muôn trùng khơi!!!
Hùm beo có nanh vuốt để săn mồi, người có khả năng thích nghi để tồn tại. Nhưng nanh vuốt không được mài giũa thì sẽ cùn. Khả năng bất kỳ, nếu không được đem ra “xài” sẽ mất. Trải qua thời gian tiến hoá, cái khả năng thích nghi ngày càng teo lại, cái tôi ngày càng phình ra to. Mà lớp trẻ Việt Nam là điển hình cho vụ này. Ai cũng đặt cá nhân mình lên trên đầu, lòng vị kỷ cao ngất. Hưởng thụ quen nên hem chịu được những cái bất tiện nhất thời. Cơm nước ba mẹ dâng lên tận họng, chỉ việc ngồi vào bàn mà ăn, chỉ mỗi học bài mà cũng có giỏi gì với thế giới đâu. Đã vậy mà ăn còn kén này kiêng nọ, chê lên chê xuống. Quanh năm suốt tháng chẳng cần phải đụng vào việc nhà vì đã có ba mẹ dấu yêu nai lưng làm hết. Chính sự bảo bọc của phụ huynh đã làm thui chột con cái mình, gián tiếp biến tụi nhỏ thành những đứa bất tài vô dụng. Ở điều hòa riết không chịu nổi tiết trời hanh khô, đạp ra nắng là đứng xíu là xỉu. Mưa gió chút là cảm mạo sổ mũi, thì hào kiệt anh hùng cái nỗi gì? Tao thấy tụi sinh viên đi làm tình nguyện, ở nhờ nhà người ta mà trời mới oi bức xíu là than “nóng quá, nóng quá”, cứ mỗi đứa một câu, cả bầy cùng than nghe như bầy vịt. Rồi tới mùa lạnh ở Hà Nội, thanh niên trai tráng mà mặc mấy cái áo phao to sù sụ dày hơn cái áo của tao gấp mấy lần, ngồi co ro trong quán cà phê bệt, luôn miệng kêu “ Rờ..ờ…ẹt…quạ” (chắc nguyên văn là “rét quá” nhưng do trời lạnh, răng môi đánh vào nhau cằm cặp nên nó biến âm thành ra như thế!). Hai tay tụi nó thì nhét sâu trong túi, nhìn co ro côi cút như cô bé bán diêm nhưng phiên bản vai ngang bụng nở. Tao nhìn mà cám cảnh, không tìm đâu ra được hào khí Đông A của tổ tiên trên người tụi nó hết! Người Mông Cổ thích nghi nhưng người Đại Việt xưa còn thích nghi tốt hơn, nên mới đánh thắng được đó. Nhưng sao thế hệ sau càng ngày càng kém thích nghi hơn vậy (cha mẹ mày thì thua ông bà, mày thì thua cha mẹ mày). Rồi tương lai tụi mày sẽ đi về đâu nếu cứ cái tôi ngất ngưỡng thế này?
Tao đi công tác bên Hàn, trời lạnh âm mấy độ mà dưới đường là cả tá sinh viên đại học mặc áo ba lỗ chạy bộ ầm ầm, miệng thở ra khói, mặt mũi ngời ngời khí chất nam tử hán y chang Jang Dong Gun. Còn những nữ sinh thì mặc hoodie xinh xắn, hem chạy mà đi bộ nhanh thành tốp, vừa đi vừa cười nói rôm rả. Mà cười là che miệng nha, nhìn duyên dáng nữ tính hết sức luôn vậy á! Tao nhìn tụi nó mà thấy xuân thì phơi phới, máu huyết rần rần chạy dọc thân thể. Tao lột áo ở trần, mặc cái quần thể thao màu xanh chuối rồi phi xuống đường chạy chung, vừa chạy vừa hét Ki-un-ne-yo (có nghĩa là cố lên đó). Sinh viên ở mấy nước phát triển ai ai cũng vậy, hem bao giờ sợ lạnh sợ nóng, cứ thể dục thể thao ì xèo, cơ thể tráng kiện, khoẻ mạnh cực kỳ. Người ta làm được thì mình làm được. Đi đâu tao cũng thấy thú vị, đến đâu tụi nó cũng vui vẻ tận hưởng. Tới Bắc Cực phải chào nhau bằng cách cọ mũi như người Eskimo. Tới Kenya thì người ta nhổ nước bọt vào tay rồi mới bắt tay chào hỏi, tao cũng hào hứng nhổ lên tay mấy bãi rồi đi bắt tay hết cả làng. Trong từ điển của tao hông có gớm có ghê cái gì cả. Những nghi thức đó trong mắt tụi mày là kém vệ sinh, là mất lịch sự nhưng đối với dân bản địa lại hàm chứa cả văn hóa và giá trị tinh thần sâu sắc. Người tinh hoa là người hiểu và chấp nhận những điều như vậy. Cứ thích nghi và hòa nhập, từ đó tâm hồn sẽ trở nên rộng lớn hơn, bao dung và thu nhận mọi khác biệt của bốn phương. Đó gọi là đức tính QUẢNG ĐẠI, cũng chính là sự thăng hoa của thích nghi. Người quảng đại rồi sẽ trở thành phần tử tinh hoa, sau khi tốt nghiệp sẽ tỏa đi khắp thế giới, bay khắp năm châu bốn bể. Quăng tụi nó ở đâu cũng được, tụi nó enjoy hết, say OK hết. Tụi nó thích nghi tất cả, dung hợp tất cả, dù ở đâu cũng sinh sống vui vẻ và làm giàu được!
Thương nhân quốc tế, bay đông bay tây thương thuyết mần ăn, quy tắc đầu tiên là: nhập gia tùy tục! Mày yên tâm là giới làm ăn thật sự chuẩn quốc tế, họ không có ăn mấy món hại sức khoẻ như tiết canh hà nàm này nọ, cũng không có ăn động vật hoang dã quý hiếm hay thú cưng đâu. Thực phẩm phổ biến của họ, mùi vị thế nào cũng là thực phẩm, mình đều phải ăn được. Tao qua Thái làm ăn, vừa bước xuống máy bay là chắp tay Sa-wa-dee (xin chào). Tụi Thái mời ăn châu chấu, bò cạp chiên là tao cười tít mắt nói Mai pen rai (rất sẵn lòng). Tao qua Trung Quốc cũng vậy. Đối tác uống nữ nhi hồng ăn tàu hũ thúi là tao gắp lấy gắp để. Đi Trung Đông, người ta mời Shisa là tao hút liền. Lên Tây Bắc, người ta mời 1 chén rượu ngô thì tao mời lại 1 chén, mèng mén thắng cố gì cũng vừa miệng tao. Cứ vậy là người ta thích! Thích thì mới đặt bút hạ tay ký hợp đồng được. Còn ký xong, về tới khách sạn móc họng ói hay mang mõ ra gõ mõ đọc kinh sám hối là chuyện của mình, hem ai biết (trừ mình với cái bóng đèn trong phòng). Người mà nóng lạnh không than, dễ ăn dễ ngủ, không màng tiểu tiết, thích nghi tất cả mới có thể dựng nên cơ đồ. Cứ học tập mấy con gián ấy. Cống rãnh nào cũng sinh sôi được. Dù nổ bom nguyên tử thì vẫn nhởn nhơ bò quanh như thường. Cho nên người ta mới gọi gián là Tiểu Cường, vì sức thích nghi của nó quá mãnh liệt.
Mày cứ ngẫm lại chữ ADAPT, cứ thử hình dung mỗi người trên đời đều là mảnh ghép, còn thế gian là một bộ xếp hình khổng lồ. Nếu mày là mảnh xếp hình linh hoạt, mềm dẻo thì lắp vào đâu cũng trùng khớp, tra vào đâu cũng phù hợp thì mày sẽ có tất cả những gì mày muốn. Trong bức tranh về muôn thú, mày sẽ là mảnh ghép của đại bàng. Dù thượng đế nhét mày vào bất cứ ngõ ngách nào, mày cũng có thể tồn tại được. Tất cả những gì tao có thể khuyên mày là phải tập thích nghi ngay từ bây giờ đi, cái tôi ao làng tiêu biến đi. Phải tập từ những việc nhỏ nhất. Không xài điều hòa mà hãy chuyển hẳn sang xài quạt, vừa tiết kiệm điện vừa bảo vệ môi trường. Trời nóng thì chơi theo kiểu nóng, lạnh thì chơi theo kiểu lạnh. Trời rét thì chạy bộ rồi tắm, tuyệt đối không tắm nước nóng! Mày phải trở thành “con người BA KHÔNG” : không than thở, không bất mãn và không phàn nàn. Enjoy với tất cả, tìm thấy niềm vui trong mọi thứ. Thích nghi để tiến hóa chứ không phải cam phận ong kiến. Có như vậy thì mới trở thành hùng ưng tung cánh giữa không trung. Thích này thích nọ chứ hông thích nghi thì cả đời tầm tầm. Thương thay những kẻ chỉ biết có lợi ích vật chất tầm thường, trí khôn dạy nhau kiểu "thóc đâu thì bồ câu ở đó", sống chỉ để kiếm ăn thì uổng cả một kiếp bình sinh!
Nghe lời Sếp nói mà mình hổ thẹn quá chừng. Thì ra bấy lâu nay tư duy tiểu nông đến độ não đóng phèn, cứ ngu ngơ đặt chữ THÍCH lên trên cửa miệng (cái tôi lớn). Sếp hỏi: “Bây giờ thì sở thích lớn nhất của mày là gì hả Daniel?”. Mình dõng dạc trả lời: “Dạ em không còn thích gì nữa, em chỉ THÍCH NGHI".