Bệnh trầm cảm ngày càng tăng, những vấn nạn ngày càng nhiều và quá nhiều thông tin tiêu cực đến với xã hội ngày nay. Thì có bao giờ bạn thắc mắc là liệu có phải vì công nghệ phát triển, truyền thông ngày càng mạnh mẽ và thông tin đa dạng đã khiến giới trẻ trở nên tiêu cực hơn với xã hội, và tiếp nhận thông tin một cách không kiểm soát được hay không.
Trong chiều dài lịch sử, con người không ngừng tìm kiếm những phương tiện, công cụ có thể tăng sự kết nối và giao tiếp giữa con người với nhau.
Minh chứng tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể thấy rõ ràng là từ việc đưa thư, chuyển thành điện thoại bàn rồi đến smart phone như hiện nay. Mọi công nghệ đều giúp thông tin được truyền tải tốt hơn, và tăng khả năng giao tiếp giữa người với người nhanh hơn. Nhưng từ đó cũng sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề hơn đối với công nghệ, tương tự với hai mặt của đồng xu, không có bất cứ thứ gì là hoàn toàn có lợi hoặc hại.
Đồng tình là mạng xã hội đưa rất nhiều tin tức tiêu cực, những hội nhóm và người có sức ảnh hưởng đôi khi cũng đem đến những xu hướng rất không lành mạnh đến với giới trẻ, nhưng vấn đề của những việc đó không xuất phát từ mạng xã hội. Theo tôi nó đến từ cách giáo dục.
Việc nền giáo dục không đưa môn học tư duy phản biện (critical thinking) vào giảng dạy đã gây nên tình trạng “đọc nhưng không chọn lọc”, từ đó fake-news xuất hiện và chúng ta không biết đâu là thật đâu là giả.
Theo một lối giáo dục cũ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, những đứa trẻ không thể nào đặt ra câu hỏi tại sao cho những vấn đề mà chúng thắc mắc. Chúng chỉ biết “ngoan ngoãn vâng lời” và thế là nó sẽ được thưởng, và thương yêu mà quên mất là trong một thế giới với đủ loại kiến thức thì việc đặt câu hỏi cực kì quan trọng trong quá trình tư duy.
Có một thông tin tôi được học ở đại học rằng “mọi thông tin mà chúng ta tiếp thu được cho đến năm 18 tuổi hoàn toàn không phải là những gì chúng ta tưởng.
Mọi thứ đều là đúng với định nghĩa của bạn bè xung quanh, ba mẹ và thầy cô giáo chứ không phải chính chúng ta. Cho đến khi chúng ta phát triển toàn vẹn, mọi thứ cần phải được nhìn nhận một lần nữa và xác định xem đâu mới là đúng, đâu là sai với bản thân mình.”
Và đó là cách mà phương Tây luôn giáo dục cho những đứa trẻ về tư duy phản biện để có cái nhìn đa chiều hơn với mọi vấn đề trong cuộc sống, đến xã hội. Trước mọi vấn đề luôn đặt ra những câu hỏi tại sao lại như thế, và như thế thì có hợp lý hay không.
Percy Spencer Lebaron, nhà kỹ sư và phát minh người Mỹ đã chế tạo ra lò vi sóng nhờ một thanh socola tan chảy trong túi quần.
Wilhelm Conrad Röntgen một nhà vật lý học người Đức phát hiện ra tia X hay còn được gọi là X-ray nhờ một lần tình cờ phát hiện một tia ánh sáng xanh trong phòng thí nghiệm.
Hay Oscar Minkowski và Josef von Mering đang nghiên cứu tuyến tụy có ảnh hưởng đến việc tiêu hóa hay không và nhờ đó họ vô tình đã hỗ trợ cho một nhóm nhà vật lý học của đại học Toronto về insulin để trị tiểu đường ngày nay.
Và bạn thấy điểm chung của ba người họ là gì không? Đó là những phát minh vĩ đại đều đến từ những lần tình cờ và sự tò mò của con người khi luôn đặt ra câu hỏi “ủa tại sao nó lại như vậy”, “Làm thế nào mà được như thế”, và “nó từ đâu mà ra”.
Nếu Percy Spencer Lebaron không thắc mắc tại sao thanh socola của mình lại bị chảy và tìm hiểu rõ nguyên nhân ngọn nguồn, chúng ta sẽ không có lò vi sóng ngày nay.
Hay Wilhelm Conrad Röntgen đơn giản chỉ nghĩ đó là một tia ánh sáng xanh bình thường thì chúng ta cũng không có máy chụp x-ray hiện đại như bây giờ.
Và nếu bỏ qua nghiên cứu tuyến tụy có liên quan gì đến tiêu hóa thì có lẽ 463 triệu người trên thế giới (Theo thống kê của Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2019) sẽ chết vì căn bệnh tiểu đường.
Đổi vị trí lại một chút, nếu chúng ta không thắc mắc liệu đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai, từ đâu có được những tin tức mà chúng ta có, chúng ta sẽ bị đám đông dẫn dắt và tin vào những gì số đông vẫn luôn tin. Đồng thời sẽ tiếp thu một lượng kiến thức tiêu cực và lệch lạc.
Một minh chứng lớn nhất của vấn nạn này là vụ việc của Jonny Deep và Amber Heard khi mọi chuyện vừa được tung ra, mọi người thay phiên nhau quay lưng lại với Jonny Deep mà không hề đặt ra câu hỏi đâu là đúng, đâu là sai.
Những tin tức được mua để đẩy bài đều theo một hướng duy nhất là Jonny Deep là kẻ bạo hành, nhưng sự thật chứng minh ông lại chính là nạn nhân. Và cũng nhờ vào mạng xã hội, và sự phát triển của công nghệ như máy ghi âm, và live stream thì chúng ta mới có thể nhìn ra được một mặt khác của vấn đề. Vậy thì, tại sao mạng xã hội lại luôn tiêu cực ? Trong khi việc tiêu cực của mạng xã hội hay công nghệ đều đến từ lỗi tư duy?
Bên cạnh đó sự đứt gãy thế hệ dẫn đến việc con cái xem gì, ba mẹ không biết và cũng không thể nào cấm cản. Vì càng cấm thì càng xem. Và làm thế nào chúng ta có thể cấm một ai đó làm một việc gì đó?
Câu trả lời cho việc cấm cản là không bao giờ, vì khi muốn thì chúng ta sẽ tìm cách. Cho dù có quan sát một đứa trẻ 24/7 thì việc đó cũng quá là bất hợp lý và thiếu tính khả quan dành cho phụ huynh.
Vậy nên, dù kiểm duyệt có gắt gao đến mức nào thì những tin tức không tốt, những xu hướng không lành mạnh, và những mặt xấu của xã hội cũng sẽ phơi bày. Và nếu chúng ta vứt hết những công nghệ, và mạng xã hội đi thì tình trạng này có trở nên tốt hơn? Hay mọi bất lợi sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn?
Giao thương không thể hoạt động vì những nhà đầu tư ở nước ngoài không có cách liên lạc với những công ty trong nước.
Các sàn giao dịch sẽ bị đóng băng vì tin tức không thể lan truyền và phải đợi một tuần để những tờ báo có thể đưa tin, và mất thêm vài tuần để đặt mua những cổ phiếu có giá trị.
Việc học tiếng anh, hay giao tiếp với người nước ngoài sẽ bị đẩy lùi một bước vì chẳng còn những video dạy tiếng Anh miễn phí trên mạng, hay những app thú vị để nói chuyện với người nước ngoài.
Nếu cứ nhìn vào mặt bi quan của mạng xã hội, và công nghệ, chúng ta sẽ mãi không thể tiến xa hơn nữa. Và dù chúng ta phải tin rằng, xã hội luôn có một sự cân bằng tự nhiên mà lịch sự đã chứng minh.
Nếu quay ngược dòng thời gian lại một chút, thì ở nền công nghiệp 1.0, ai cũng lo sợ rằng máy chạy bằng hơi nước sẽ khiến cho trâu bò không còn giá trị sử dụng, và sẽ chẳng còn ai đụng tới chúng nữa cả. Đến nền công nghiệp 2.0, ai cũng nghĩ máy móc sẽ thay hết máy chạy bằng hơi nước, mọi thứ rồi sẽ được thay bằng động cơ điện, rồi đến nền công nghiệp 3.0 thì mọi thứ sẽ robot hóa, đến 4.0 thì mọi người lại lo sợ rằng mạng xã hội sẽ khiến giới trẻ lạm dụng, khiến mọi thứ tiêu cực và thậm chí AI sẽ thay thế con người. Nhưng sau ba giai đoạn thì mọi thứ vẫn đâu vào đấy, trâu bò rồi sẽ có giá trị sử dụng riêng với mục đích khác, máy chạy bằng hơi nước cũng sẽ được bảo tồn và được lưu trữ như một phát minh của nhân loại, động cơ điện thì chúng ta vẫn xài hàng ngày, và dù AI có thông minh đến mấy thì chúng ta vẫn luôn có thể khống chế được chúng. Mà nếu không khống chế được thì biết đâu chừng nền văn minh nhân loại sẽ tiến thêm một bước xa hơn là trở thành giống loài AI với những cảm xúc và văn hóa riêng.
Nên chúng ta phải tin là mọi thứ đều sẽ có được cân bằng khi chạm ngưỡng, sở dĩ chúng ta luôn thấy mạng xã hội đem đến những thứ tiêu cực một phần vì công nghệ phát triển quá nhanh, dẫn đến giá trị đạo đức không thể theo kịp. Nhưng khi mọi thứ được nhận ra, nó sẽ tự khắc được cân bằng. Có hai thứ hỗ trợ cho sự cân bằng đó 1 là nhận thức, 2 là pháp luật.
Ví dụ như mạng xã hội không được sàn lọc thông tin, và đó là lý do tại sao luật an ninh mạng ra đời và đang triển khai một cách triệt để. Ví dụ như vụ việc của Sơn Tùng MTP vừa rồi cũng bị nhà nước phạt vì vi phạm nội dung có thể ảnh hưởng đến giới trẻ.
Mặc dù chúng ta nhìn vào sẽ thấy là bộ kiểm duyệt đang làm quá vấn đề, nhưng đó chỉ là một bước đầu của việc nhận thức việc không kiểm soát nội dung sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ để đưa ra hình phạt. Và sau này, luật an ninh mạng sẽ càng gắt gao hơn để nội dung được đăng tải trên mạng xã hội được văn minh hơn. Đồng thời khi chúng ta ý thức được mọi thứ đều xuất phát từ giáo dục, chúng ta cũng sẽ tìm cách để cải tiến lại với nó, và bắt đầu trước nhất là mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái, và cả việc học về tư duy đa chiều nữa.
Tóm lại,
Cốt lõi nhất của một xã hội phát triển chính là không có mạng xã hội, hay nền công nghệ tiên tiến nào khiến con người thụt lùi đi cả, mọi thứ đều xuất phát từ việc chúng ta vẫn còn chưa được phổ cập về tư duy phản biện. Để có góc nhìn đa chiều và nhận ra đâu là tin tức đúng và hợp lý để học, và để cho con em đọc và xem. Và những đứt gãy thế hệ dẫn đến một mối quan hệ không hề có sự kết nối trong gia đình cũng là một nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc mất kiểm soát trong thông tin mà con trẻ tiếp thu được.
Những vấn đề này đều có thể khắc phục nếu chúng ta rèn luyện tư duy phản biện mỗi ngày, và nếu bạn vẫn còn thắc mắc về tư duy phản biện, hay vẫn còn lăn tăn về đứt gãy thế hệ thì hãy ghé vào group Phiền bạn phản biện để tìm hiểu thêm nhé.
-Nomad’s Mind-