Nhiều bạn nói làm kinh doanh Thương mại Điện tử, đặc biệt là ở Shopee ngày càng khoai sắn. Thực ra, mình cũng lăn lộn với nó được 5 năm rồi, nhìn lại thì mỗi năm đều khó hơn năm trước, và chẳng có năm nào là dễ dàng cả. Vì vậy, mọi người cứ chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ Campaign cuối năm nay sẽ khá xương xẩu, và cả năm 2023 đón chờ cùng bão tố nhé.
Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó, càng khó khăn thì càng nhiều cơ hội. Có thể là bạn đang thấy số lượng seller mới trên Shopee mọc lên nhiều như nấm, vừa đông lại còn vừa hung hãn. Thế nhưng nhìn xem, các đối thủ trước đây của bạn cũng có nhiều người đã đóng shop rồi mà, phải không nào? Còn với những seller hổ báo tốp 1 trong vài ngày thôi, thì giờ cũng chả dám khoe shop nữa.
Mình thì vẫn vậy, doanh số tuy gần đây có tụt hơn so với năm 2021, nhưng bù lại, shop mới và sản phẩm mới thì lại lên. Và tất nhiên YoY (kết quả tăng trưởng qua từng năm) của sàn Shopee vẫn không giảm, mặc kệ TikTok có quẩy tưng bừng thế nào đi chăng nữa.
Chỉ cần bạn có sự chuẩn bị đầy đủ và một lượng kinh nghiệm nhất định, bạn nhất định có thể nắm bắt cơ hội. Bởi suy cho cùng, cơ hội chỉ dành cho những người có sự chuẩn bị.

Vậy thì trọng tâm đây: Shopee gần đây khác gì Shopee của những năm trước?

1. Shopee Update và độ chính xác của traffic và tập traffic

Mình thấy báo chí đưa, rồi hôm trước đi 1 sự kiện lớn trong ngành Ecom, vẫn có mấy bạn lấy số liệu traffic iPrice về lượt truy cập website, cụ thể 30 - 70tr traffic/tháng về các sàn. Số % quá ít, chắc 95%++ là app rồi, nên con số đó cũng tương đối là vô nghĩa.
Tất cả tối ưu bên mình đều ưu tiên điện thoại. Các bạn thấy đấy, khách hàng lướt điện thoại, bật app vào shop của bạn, xem sản phẩm A, B trên shop bạn -> Họ sẽ add to cart -> Tiến đến mua hàng -> Rồi quay lại.
-> Và shopee sẽ tính đó là những hành động liên quan. Nó sẽ bắt đầu gắn tag, gắn nhãn cho sản phẩm, cho shop của bạn.
Và việc traffic của tài khoản A được gắn nhãn A, match với sản phẩm B của bạn là việc cực kì quan trọng, vì nó sẽ giúp cho traffic của sàn tới sản phẩm của bạn ngày càng chính xác.
Từ năm 2021 mình đã xây dựng 1 shop mới tinh: Shoptida Mall bán ổ cắm điện theo hướng này. Mình có traffic chất lượng, traffic chính xác và xây dựng tag được đúng hơn bằng việc sản phẩm tập trung: Chỉ có 2 mã hàng, nhưng khúc giá + chiến lược giá luôn ổn định, giúp Shopee xác định tag chính xác nhất cho shop của mình. Nếu như cách này ngon thì ko cần mua bất kì gói campaign nào mà vẫn có thể đạt 1 tỷ/ tháng, và lên luôn top 1 bán chạy, vượt qua các đối thủ đã chạy vài năm rồi.

2. Ảnh mô tả sản phẩm là thứ có lẽ đang bị nhiều người đánh giá thấp

Dù mới được update không quá lâu, nhưng mình tin cuối năm, cũng như năm 2023, mục này sẽ được update nhiều hơn và sẽ là phần quan trọng mà người mua ấn vào xem nhiều hơn, ở lại trang của bạn lâu hơn, và gián tiếp giúp cho nhiều thứ khác cũng hiệu quả hơn theo.
Mình cũng đã đầu tư làm 1 bộ ảnh chuyên nghiệp mới theo style Taobao Tmall, và đang đo đếm time on page. CR (tỷ lệ chuyển đổi) thì thấy thơm hơn hẳn. 1% chuyển đổi ko chỉ tăng 1% doanh số đâu, mà nó có thể tăng 15% -20% doanh số, và tất nhiên cũng giúp tiết kiệm traffic thứ đã đang đói như hiện nay.

3. Hiển thị review đã thay đổi có lợi hơn cho các shop bài bản, có nhiều lượt mua, đánh giá

Mình có sản phẩm bán 17K lượt, 6K đánh giá trong 3 năm, và chỉ có 24 cái review 1 sao -> Mình được 4.98% đánh giá tốt, tỷ lệ đánh giá 1 sao chỉ 0.4% tức có nghĩa là cực kỳ thấp.
Gần đây có vẻ như Shopee đã giúp đỡ mình bằng cách yêu cầu khách hàng cần 3 click mới đọc được review 1 sao này, thay vì chỉ 1 click như trước đây. Mình tin rằng, tỷ lệ xem 1 sao sẽ ít đi và chuyển đổi tăng lên, mà vẫn ko ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng, vì họ vẫn nhìn thấy 6K review và 5 sao tròn trịa đủ uy tín rồi. Nếu như khách thấy 4.6% đánh giá hay 4.7% đánh giá mà vẫn lăn tăn thì vào xem vẫn là trải nghiệm an tâm.
Các shop có thể cố gắng chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất, tuy nhiên một số khách hàng không phù hợp thì cũng ko cần bỏ quá nhiều tiền, công sức ra để cày được 5 sao bằng mọi giá. Bên mình trước đây đã từng áp KPI hơi gắt, nên có những lần nhân viên phải phát khóc lên vì ấm ức rồi.

4. TikTok Shop và bài toán đa nền tảng

Mình từng không tin tưởng vào sự phát triển của TikTok Shop, mặc dù team cũng đã dịch hẳn cuốn sách xịn sò nhất bên Trung Quốc về nghiên cứu từ tận cuối 2020 .
Tuy nhiên, cách đây 3 tháng, mình trực tiếp làm cũng như được hóng case cháy khét lẹt trên TikTok Shop của bạn Dương Minh Hải, thì quan điểm của mình đã thay đổi rồi. Theo mình:
+ Shopee = Tích lũy bền vững
+ TikTok Shop = Bùng nổ
2 mô hình sinh ra để dành cho nhau. Trước đây, TikTok là mỏ traffic để kéo về Shopee, nhưng Shopee cũng đã trả rất nhiều tỉ đồng cho creator qua affiliate, thì coi như nợ ân tình cũng được xí xóa. Còn seller như mình thì sao? Khách hàng không tự nhiên sinh ra và cũng chẳng tự nhiên mất đi, họ chỉ đơn giản là thông minh lựa chọn mua ở đâu tiện nhất, phù hợp nhất với họ mà thôi.
Trong hành trình 5 năm kinh doanh Thương mại Điện tử, mình vẫn phải nhắc đi nhắc lại 1 câu nói tâm đắc cho bất cứ ai làm cùng là:
Sản phẩm và Traffic là 2 yếu tố quan trọng nhất. Các yếu tố khác có thể học dần nhưng luôn cần vững 2 yếu tố trên, hoặc ít nhất thì cũng phải mạnh 1 trong 2 thứ đó.
Còn mặc cho bão bùng, mặc cho sàn có thay đổi, người mua hàng một khi họ đã nghiện mua sắm online rồi thì họ sẽ không chạy đi đâu đâu mà lo.
Trà Bô, 25/10/2022
Công nhân Shopee.