Một thế giới là thế giới chúng ta nghĩ rằng nó có thật.
Và thế giới kia là thế giới thật.
Mình không biết hết 7 tỷ người trên thế giới này nhưng mình tin chắc rằng tất cả 7 tỷ người đều đang sống trong hai thế giới kể trên. 
Nhìn lại năm 2018, có lẽ bài học mà mình rút ra được và sau này là một trong nguyên tắc dẫn dắt các quyết định của mình trong cuộc sống sau này, là bài học: phải phân biệt được chuyện gì đang xảy ra và chuyện gì chúng ta tưởng tượng rằng nó đang xảy ra. Mình rút ra được bài học này sau khi đọc sách "Nguyên Tắc" (Principles: Life and Work) của Ray Dalio. Đây là một chiến lược gia đầu tư, một tỷ phú có thể nói vĩ đại không kém Warren Buffet nhưng danh tiếng của ông không nổi bằng, có lẽ chỉ những ai học về tài chính hoặc tìm hiểu sâu về thị trường tài chính mới nghe đến ông. Quỹ đầu tư của ông là Bridgewater Associates. 
Quyển sách Nguyên Tắc ông viết ra với mục đích ban đầu là lưu hành nội bộ, cho nhân viên của công ty xài. Ông cũng đăng nó trên blog riêng của ông. Sau này khi thấy được giá trị của nó cho đại chúng, và cũng muốn để lại di sản tri thức cho hậu thế, ông quyết định viết hoàn chỉnh thành một quyển sách để giúp người đọc hiểu được rằng thế nào là suy nghĩ có hệ thống và suy nghĩ phản biện. Nghe thì có vẻ nó giống như một quyển sách "self-help" bán đầy trong nhà sách nhưng khi mình đọc, mình thấy đây là một quyển nằm ở "cấp cao" hơn hẳn (theo ngôn ngữ cư dân mạng thì là "sách thượng đẳng"). Những nguyên lý đó đã giúp Ray Dalio quyết định cách đầu tư những khoản tiền hàng tỷ đô la, là tổng hợp kiến thức của cả tâm lý học, thần kinh học và kinh tế học. 
Nhưng để tránh sa đà vào việc quảng cáo sách hãy quay lại thông điệp xuyên suốt quyển sách, đó là một người chỉ có thể đạt được những điều anh ta muốn nếu anh ta hiểu được thực tế là gì và chúng ta phải đưa ra các quyết định dựa trên thực tế đó.
Đừng vội nghĩ rằng nguyên tắc này đang nói đến những điều thần học cao siêu, về linh hồn và vũ trụ, hay là liên quan đến câu hỏi: Liệu thế giới này có phải là một giả lập hay không? Nguyên tắc này áp dụng cho những vấn đề xảy ra hằng ngày trong cuộc sống.
Mình sẽ kể cho bạn một câu chuyện sau.
Chú và dì của mình lấy nhau được 13 năm và vừa mới ly hôn. Chú làm cho doanh nghiệp nhà nước, hay đi làm xa, tiền nhiều không kể xiết, dư sức nuôi vợ và hai con ăn học. Dì ở nhà nội trợ. Sau một trận cãi vã giữa hai người, dì bỏ nhà đi, sau đó ngoại tình. Sau đó hai người ly hôn, dì bỏ hết con cái chuyển ra ngoài sống. Chú từ đó tức giận và hay tâm sự với mọi người trong họ hàng: "Tại sao con đó lại bỏ đi? Nó có thiếu cái gì đâu." Chú ghen lo dì ngoại tình nên bắt dì không được đi làm, chú nghĩ có chú lo rồi dì đi làm làm gì. Chú nghĩ cuộc sống thế là đủ: ở nhà chăm con, chồng đem tiền về cho. Sướng như vậy sao lại bỏ nhà đi? Đúng cuộc sống an nhàn, nhẹ nhàng bao người mong ước? 
Nhưng đó chỉ là cuộc sống lý tưởng tồn tại trong đầu của chú. Cuộc sống đó không có thật đối với dì. Đối với dì thực tế đó là việc quanh quẩn ở nhà khiến dì cảm thấy tù túng, dì xin đi làm nhiều lần mà chú không cho. Dì chăm con lại gặp mẹ chồng khó tính khiến dì như phát điên. Ở nhà lâu khiến đầu óc dì trở nên mụ mị, cuộc sống bó hẹp lại trong xóm nhỏ, lại hay nghe lời dị nghị. Rồi sau đó là mặc cảm tủi thân, vô dụng. Chú thuộc lứa 7X, đúng kiểu nam giới truyền thống, gia trưởng ít nói, lạnh lùng không tình cảm, nên dì không tâm sự được. 
Thế là cãi vã thường xuyên, rồi là ngoại tình lén lút, rồi ly hôn.
Mình không nói đó là lý do duy nhất nhưng đó là một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự đổ vỡ của gia đình này. Hai người sống ở hai thế giới khác nhau nên phải tách ra tìm người thuộc thế giới của mình.
Khi mình đi học đại học, mình gặp rất nhiều bạn sống ở thực tại nhưng nghe lời cha mẹ ở thế giới lý tưởng. Những người bạn mình gặp va chạm với cuộc sống hiểu rằng họ phải đi làm bươn chải để kiếm thêm tiền, phải học thêm nhiều thứ. Nhưng họ không dám nói ba mẹ, nhiều bạn bị ba mẹ phát hiện bắt dừng ngay.
-"Tại sao ba mẹ cho đủ tiền rồi lại còn đi làm thêm? Học cho giỏi vào ra trường là có việc ngon, đi làm thêm chi cho cực."
Não bộ là một cỗ máy tinh xảo không phải vì nó biết được phải trái đúng sai, mà là vì nó vừa tin vào những thứ vừa tồn tại vừa không tồn tại. 
Sự đắm chìm trong một thế giới không có thực thể hiện rõ nhất trong những lớp dạy làm giàu đa cấp. Những giảng viên trong các lớp đó không đi bán kiến thức, họ đi bán ước mơ, họ bán viễn cảnh. Họ khiến cho những học viên nhẹ dạ tin rằng dù thế giới này có phức tạp đến đâu, nó cũng có thể được tóm gọn thành "10 bí kíp làm giàu", "5 tuyệt chiêu đầu tư", "6 thói quen thành công". Và chỉ cần con người ta có quyết tâm và có nhiệt huyết theo đuổi các bước đã đề ra thì người ta sẽ giàu lên nhanh chóng. Những học viên đó tiêu tiền thật để mong thu về những đồng tiền không có thật trong tương lai. Những người học lớp đa cấp này xong, đã hoàn thành các bài tập đi bán hàng rong ở trên các con đường nội đô xong, thu về một chút tiền và đống thất vọng, họ vẫn tin rằng đó là lỗi của họ. Họ đã bị thực tế vùi dập, nhưng vẫn tin rằng giấc mơ làm giàu hão huyền kia là có thật. 
Không ai thoát khỏi những sự hão huyền này.
Khi về Việt Nam mình nhận ra rất rất nhiều người ở đây, đặc biệt là người trẻ có mong muốn làm giàu, kiếm tiền. Khác với bậc cha mẹ, lứa sinh cuối thập niên 80 trở đi có rất nhiều người làm hai việc, họ có thể là nhân viên ngân hàng buổi sáng nhưng bán quần áo trên Facebook, Shopee buổi tối. Hay là sáng lập trình, tối chơi chứng khoán. Tuy nhiên khi nói về kinh tế chính trị, họ đều nói "bọn tư bản" và kèm theo những khái niệm tiêu cực, như: bọn tư bản tính toán lắm, bọn tư bản chỉ nghĩ đến tiền thôi. Trong khi họ không nhận ra họ đang kiếm tiền như một nhà tư bản. Các sinh viên trong trường đại học buổi sáng phải học về chủ nghĩa Marx-Lenin như một nghi lễ, tối lên Google tìm các tài liệu ôn luyện để đậu vào chương trình Quản trị viên tập sự của các tập đoàn tư bản như Unilever, P&G, Nestle, dân học tài chính kế toán thì mong vào Bộ tứ quyền lực: PwC, EY, Deloitte và KPMG. Những viên chức nhà nước phải dành cả năm để đi học lớp cao cấp chính trị nhằm thuấn nhầm tư tưởng văn minh tiến bộ của nhân loại, sau đó lại phải bỏ ra một tháng ra nước ngoài để học cách quản lý bộ máy công. Trong hai năm rưỡi du học, trường của mình đã đón hơn 10 đoàn cán bộ cao cấp của Việt Nam từ nhiều tỉnh thành khác nhau đến để học hỏi "mấy nước tư bản" về cách quản lý chính sách và làm luật. 
Các bà mẹ ấy, hồi nhỏ được sinh ra trong bệnh viện, được tiêm đủ loại vaccine phòng bệnh, được cung cấp đủ loại thuốc tân tiến để phục hồi sức khỏe. Được uống đủ loại sữa để phát triển khỏe mạnh. Dùng Internet. Đi xe máy. Gọi điện video qua điện thoại. Từ nhỏ đến lớn chưa phải ngủ trong hang và khắc chữ bằng dao làm bằng đá lên thân cây để gửi tin nhắn như người tối cổ. Nhưng khi sinh con ra thì tin rằng đứa con phải được sống tự nhiên, phải thuận với thiên nhiên và từ chối tất cả các dịch vụ y học tân tiến nhất.
Hay là những người tin tưởng vào thị trường tự do và luôn nghi ngờ chính phủ. Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ Ernest "Fritz" Hollings ở bang South Carolina đã viết như sau:
"Một cựu binh trở về từ Triều Tiên, đi học Đại học bằng tiền hỗ trợ cựu chiến binh, mua nhà bằng khoản vay ưu đãi FHA của chính quyền liên bang, con anh ấy đẻ ra trong bệnh viện công VA, mở một doanh nghiệp bằng một khoản vay ưu đãi SBA của chính quyền, được chính quyền cung cấp điện qua dự án TVA, và sau đó là nước qua dự án EPA. Cha mẹ anh ấy sống dựa vào trợ cấp bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu ở một nông trại, điện được chính phủ kéo về vùng nông trại ấy và đất đai ở đó thì được Bộ Nông Nghiệp kiểm tra thường xuyên.
Khi mà người cựu chiến binh ấy, lúc đó đã là cha, bị ốm, gia đình anh ấy được cứu thoát bởi sự sụp đổ tài chính bằng hệ thống bảo hiểm Medicare và thuốc thì có được nhờ vào chương trình nghiên cứu thuốc của tổ chức NIH thuộc chính phủ. Con anh ấy đi học được chính phủ trợ cấp ăn trưa miễn phí, học vật lý từ giáo viên được đào tạo từ chương trình NSF của chính phủ và đi học đại học bằng khoản vay ưu đãi cho sinh viên từ chính phủ. Anh đi lái xe đi làm bằng đường quốc lộ xuyên bang và khi đi thuyền thì neo thuyền ở những con kênh đào bởi công binh của quân đội. Khi lũ lụt ập đến, anh ấy được đưa đến Washinton bằng xe bọc thép của lính thủy đánh bộ để nộp đơn xin được hỗ trợ thiệt hại từ thiên tai và rồi trong thời gian đó, đi thăm các bảo tàng Smithsonian được hỗ trợ tiền từ chính phủ. Rồi một ngày anh ấy phát điên. Anh viết một lá thư gửi cho ngài Thượng Nghị Sĩ với giọng văn đầy tức giận: Chính quyền đừng có hút máu tôi nữa - anh viết - Tôi quá mệt mỏi với việc đóng thuế cho những dự án được quản lý bởi lũ chính phủ vô ơn với dân chúng."
Ray Dalio nhận xét rằng thế giới thực là một hệ thống rất phức tạp với nhiều mảng nhỏ khác nhau, và không có ai có thể biết được 100% chuyện gì đang xảy ra trong mọi mảng. Một người có thể giỏi mảng này nhưng mù mờ mảng kia. Đó là lý do tại lại có trường hợp là nhà vật lý thiên tài Einstein chuyên về vũ trụ lại không tin vào thuyết bất định trong vật lý lượng tử, một nhánh khác của vật lý. 
Nhưng nguy hiểm nhất là việc một người cố gắng ép thế giới thực phải vận hành cho giống thế giới người đó tưởng tượng ra.
Có thể thấy điều này ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc, và cụ thể là Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể nói là hiện thân cho sự tương phản giữa hai thế giới. Trong tất cả các diễn văn, chính sách của họ luôn tồn tại hai thế giới song song. Ví dụ như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu rõ rằng chính phủ sẽ đầu tư khuyến khích sự tự do nghiên cứu sáng tạo để giúp Trung Quốc cũng đứng trong nhóm đầu các cường quốc về công nghệ đột phá. Nhưng tất cả sự tự do sáng tạo này phải phù hợp theo đúng đường lối của Đảng và nhà nước.
Liu Daoyu, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Vũ Hán, đã lên tiếng: "Trung Quốc tự hào là có lượng sinh viên đông đảo nhất thế giới, có các trường học lớn nhất thế giới và là nơi công bố các bài báo khoa học nhiều thứ hai thế giới, vậy mà toàn bộ mọi thứ đó không tạo ra được một triết gia đẳng cấp thế giới hay một trường phái triết lý tầm cỡ toàn cầu."
Nghệ sĩ Ai Weiwei đã nói rằng khi chính phủ muốn có được điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới, chính phủ sẽ lập tức gặp rắc rối:
"Nếu một người chưa bao giờ có quyền được chọn thông tin họ đọc, được tự do tìm hiểu các tư tưởng, và phát triên nhân cách riêng với sự đam mê và một sự tưởng tượng không giới hạn - thì làm sao người đó có thể trở nên sáng tạo? Điều đó là trái ngược với bản chất con người. Nếu bạn ra chính sách chống lại mọi tư tưởng cá nhân và suy nghĩ độc lập, và dập tắt ý chí liều lĩnh và sẵn sàng chịu thất bại, và không cho phép con người có trách nhiệm với hành động của mình - thì bạn mong muốn sự sáng tạo nào nảy nở ở đây?...Sẽ không bao giờ có một chiếc iPhone được thiết kế ở Trung Quốc vì iPhone không chỉ là một sản phẩm, nó là biểu tượng cho sự hiểu biết về bản chất con người."
Các đánh giá trên được trích từ sách "The Third Revolution: Xi Jinping and the New Chinese State" của nhà nghiên cứu Elizabeth C. Economy.
Nhìn lại về Việt Nam, khi các chiến dịch chống tham nhũng trở nên mạnh tay và được truyền thông nhắc đến rầm rộ, chúng ta được nghe đến các tiêu chuẩn chọn lãnh đạo như sau: lãnh đạo phải vì dân vì nước, trong sạch, không có chủ nghĩa cá nhân, phải liêm khiết, phải có tài năng.  Câu hỏi đặt ra ở đây rằng: điều này có thực tế hay là một ước muốn của người đặt ra tiêu chí này? Những người như vậy có thực sự tồn tại hay không? Và nếu có thì điều gì đảm bảo họ sẽ không thay đổi, khi sự thật hiển nhiên trong cuộc sống là con người luôn thay đổi. Ngoài ra thực sự chủ nghĩa cá nhân nguy hiểm vậy sao, những lãnh đạo ở các quốc gia ít tham nhũng như Singapore hay Thụy Điển, hay là Đức đều không có chủ nghĩa cá nhân ư?
Khi chúng ta cố gắng ép xã hội phải theo những khuôn mẫu trong một thế giới viễn tưởng, chúng ta hoặc là tạo ra một thảm họa xã hội, như Trung Quốc đã trải nghiệm dưới thời Mao Trạch Đông, hoặc là tạo ra một xã hội sống hai mặt.
Phân biệt đâu là thế giới thực đâu là thế giới ước mơ thực sự là một siêu kỹ năng mà ít ai để ý đến. Bạn có thể để ý rằng rất nhiều bài viết trong Spiderum đều nhắc đến những vướng mắc của việc phân biệt hư ảo và thực tế:
-Liệu theo đuổi đam mê có tốt hay không? Có đúng là con người sống phải theo đuổi đam mê không hay đó chỉ là thứ người ta tưởng tượng ra?
-Tình yêu thực sự có tồn tại hay là do con người tưởng tượng ra?
-Học đại học có thực sự tốt hay là do người ta nói vậy?
-Độc thân có thực sự tệ như người khác nói?
-Điểm số, bằng cấp có thực sự quan trọng hay không?
Do đó nếu bạn muốn luyện một siêu kỹ năng trong năm 2019, mình nghĩ bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm ra thế giới thực cho riêng mình.
All the best to you all!
Happy 2019!
Husky