Những điều vô nghĩa mà tôi (phải) làm
Vài ba lời than thở dưới hình thức câu chuyện
Vài năm trở về trước, khi tôi vẫn đang mài quần trên ghế một ngôi trường cấp ba này nọ của thành phố, lớp tôi vinh dự được một giáo viên giỏi của trường vào dạy Hóa. Nhưng điều đó chẳng làm cho số đông trong lớp (những đứa định hướng thi khối-nào-cũng-được-miễn-là-không-có-Hóa) học giỏi môn này hơn. Cô hỏi gì, chúng tôi cũng ngơ ngác như những con bò đội nón. Điểm bài kiểm tra thì khỏi nói, ê chề.
Khi ấy, cô đưa ra một quy định mới cho lớp: làm chuyên đề. Đại khái là, cô sẽ phát phiếu bài tập, chúng tôi làm, đóng thành quyển ghi chữ "Chuyên đề Hóa", cô chấm được bao nhiêu điểm thì cộng với điểm kiểm tra một tiết rồi chia đôi. Các con giời lớp tôi như bắt được vàng, người người nhà nhà thi nhau làm chuyên đề như trẩy hội, bởi lẽ điểm chuyên đề có tệ đến đâu cũng không tệ bằng điểm kiểm tra Hóa được.
Về quy trình làm chuyên đề, chúng tôi sẽ chia nhau ra đi tra đáp án câu hỏi trong phiếu BT, rồi mượn nhau chép vào; đến ngày phải nộp, chúng tôi đi đóng thành những quyển có bìa xanh đỏ tím vàng rồi nộp cho cô. Cô sẽ giở từng quyển ra, nhìn tên, nhìn độ dày, gật đầu, hoặc tặc lưỡi rồi phóng bút lên cho điểm. Chả cần biết nội dung thế nào, chỉ cần chuyên đề của bạn sờ cồm cộm một tí, hoặc tên bạn nằm trong danh sách sáng giá một tí, thì auto 9 hoặc 10.
Tôi hay nói đùa với các bạn mình rằng chuyên đề giống như "bảo hiểm điểm", bởi khi làm nó, mình chả thấy có ý nghĩa đếch gì với cuộc đời hay sự học của mình, nhưng lại thành phao cứu sinh cho điểm số nát bét của những con người dốt Hóa như mình. Và tuy nó thật vô nghĩa (kể cả khi chép những bài tập đó, tôi cũng chẳng nhớ được kiến thức mô tê nào cả), tôi bắt buộc phải làm, làm để điểm số nhìn kha khá một tí, làm để không bị cô phàn nàn với CN.
Vài năm sau những tháng ngày mòn mỏi đó, tức là bây giờ, tôi chuyển từ mài quần ở trường cấp ba này nọ sang mài quần ở một trường đại học tên sang kia. Ban đầu tôi còn rất hứng thú học, nhưng về sau thấy kiến thức càng khô khan, cách tiếp cận thì cũ kỹ, tôi bắt đầu chán dần, rồi lười dần.
Tuy là vậy, nhưng tôi vẫn thích điểm cao, gần đến ngày thi, tôi đăng kí vài khóa học thêm bên ngoài, rồi cày nát bộ đề thi thử. Nhìn chung chỉ có những motif câu hỏi kiểu vậy, nắm được là master cmn đề luôn. Có những câu hỏi tôi đã nằm lòng đáp án, cho đề nào tôi làm cũng 8+. Bởi vậy, tuy chả phải dạng chăm chỉ hay thông minh xuất chúng gì, điểm số tôi vẫn thuộc dạng kha khá và còn may mắn nhận được học bổng của trường.
Nhưng nhìn lại, tôi thấy hầu như mình chả tích lũy được cái đếch gì. Kiến thức mà tôi học nhồi nhét để làm bài bay nhanh như một cơn gió kể từ thời khắc tôi ấn vào chữ "Submit" trên màn hình máy tính. Vậy là một học kỳ vô nghĩa trôi qua, tôi nói thầm với bản thân, lòng trống rỗng vô hạn.
Một trong những điều kiện được tốt nghiệp của trường tôi là phải học đủ bốn học phần thể chất. Do kì này học online (mà vẫn phải học thể không thì không kịp ra trường) tôi chọn đăng kí môn Cờ vua với hi vọng được mở ra một chân trời mới. Không biết buổi đầu tiên thầy dạy Khai cuộc nào nhỉ, Sicilian Defense hay là King's Gambit, tôi trằn trọc không ngủ được vì quá đỗi háo hức. Thế rồi, đứa nhóc trong tôi tiu nghỉu khi lớp trưởng báo tin các bạn tự lên hệ thống tự học và đọc lý thuyết, cứ thế cho đến hết kỳ.
Đến cuối kỳ, chúng tôi làm bài kiểm tra để qua môn, đề toàn là lý thuyết đã được thầy đăng lên hệ thống và còn dặn "nhớ đọc lý thuyết để lúc thi còn biết chỗ mà chép". Thật nực cười, tôi nghĩ, mình đóng hơn 1 củ để học cái môn này, vậy mà chả thu nạp được gì, lại còn phải làm cái việc vô nghĩa này để qua môn ư?
Rồi tôi nhìn lại những sự việc trong đời mình, những việc vô nghĩa mà mình phải làm chỉ để trưng ra cái hình thức dối trá - cái hình thức mà bên trong trống rỗng, chả có cái đếch gì. Và tôi thấy mình ở vòng luẩn quẩn, lặp đi lặp lại mà chẳng thể thoát nổi.
Dẫu vậy, cũng không chết ai khi cho mình một tia hy vọng. Tôi hy vọng rằng, tôi sẽ hướng cuộc đời tôi làm những thứ "thật" nhất, chẳng phải để trưng ra thứ hình thức gì với người đời, mà làm chỉ vì mình muốn thế. Có lần, tôi đọc một bài của Monster Box, trong đó tác giả có trích dẫn lại một câu trả lời trên Quora cho câu hỏi "Cảm giác như thế nào khi sở hữu tài sản có giá trị hàng triệu USD": "À, tôi cảm thấy thời gian của mình là của mình". Tôi tuy không mong trở thành tỉ phú triệu đô, nhưng hướng đến việc thực sự sở hữu thời gian hay cuộc đời mình có lẽ là mong ước lớn nhất. Và tôi cũng mong mọi người đều có được "đặc quyền" này.
Disclaimer: Mình không có ý chê bai thù ghét gì trường mà mình theo học hoặc việc học đại học. Mình phê phán những thứ vô nghĩa và nặng tính hình thức, thành tích ở các hệ thống trường học.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất