Tuần này câu lạc bộ public speaking của mình chọn topic: "I'm passionate about ..." Nghe tưởng dễ mà đắn đo quá trời. Cuối cùng mình lại nhạt nhẽo làm bài nói về sách vở, nên chả có gì để review. Nhưng hôm ấy thực sự ấn tượng với bài nói của một cụ giáo viên về hưu biết 5 7 thứ tiếng gì đó, cụ nói cả đời cụ tâm huyết với intellectual debate & discussion, và trải lòng nỗi lo đám trẻ bây giờ sao chúng nó cứ ... chẳng chịu suy nghĩ mấy, 1000 đứa nếu hỏi ý kiến thì đều đưa ra như 1, từ 1 khuôn duy nhất là social media. Xong đã thế mà ai có ý kiến gì khác là chúng nó bù lu bù loa lên ngay. Nghe cụ trải lòng một thôi một hồi, thân hình gầy gầy mảnh khảnh hơi gù xuống thật nhỏ bé trên sân khấu, tự dưng thấy sao cảm giác não nề quá, nên lúc break mình mới lại an ủi đồng tình, đồng thời cũng để thử hỏi cụ xem có nghĩ được cách nào cải thiện tình hình không. Cụ trả lời cái rụp: Không. Chán chia tay luôn.
Đùa chứ, thực ra mình cũng nghĩ khá nhiều về vấn đề này, vì cảm thấy chính bản thân cũng càng ngày càng sợ đưa ra quan điểm nếu nó trái với ý kiến của đám choai choai, như người ta thường bảo là "im cho nó lành". Nhưng mình không nghĩ là hoàn toàn không có cách giải quyết. Mình đoán thực ra việc các bạn trẻ dễ nổi nóng, phát cuồng trước những ý kiến trái chiều, và ngay lập tức trở nên toxic là vì chính các bạn ấy cũng mong manh hiểu được rằng những thứ các bạn ấy tin tưởng thực sự không có cơ sở suy nghĩ thâu suốt đằng sau. Vậy nên thay vì việc cứ thoải mái đưa ra ý kiến để tranh luận như thời cụ giáo ngày xưa, mình nghĩ giờ có lẽ tốt hơn là lùi lại, giả tảng mình đồng ý với họ, rồi đưa ra một vài câu hỏi hay thắc mắc để họ tự nhìn lại, hoặc ít nhất là tạo cơ hội cho họ tự suy nghĩ về các vấn đề ấy. Kiểu kiểu như Đen Vâu có câu: "Không có đường nào khó, chỉ có chân ngại lối xa" vậy.
Tuần này mình hoàn thành lần đọc lại cuốn "The theory of moral sentiments" của Adam Smith, thực sự là một trong những cuốn khó đọc nhất từ trước đến nay mình trải nghiệm. Nhưng nói thì nói vậy, chứ cứ gọi là ngả mũ một vành trước khả năng quan sát của ông tổ kinh tế học, người mà sinh thời thực ra nắm vị trí giáo sư triết.
Một trong những điểm mình tâm đắc nhất trong lần đọc lại này là về sự tự tin của một người. Adam cho rằng có 2 tiêu chuẩn để một người soi vào, và từ đó hình thành lên mức tự tin của anh ta: (1) là cái liên tưởng về sự hoàn hảo ở trong đầu, và vì chính cái tiêu chí này mà một người chắc sẽ chẳng bao giờ đạt được sự hài lòng trọn vẹn về hầu hết những việc mình làm trong đời; và tiêu chí thứ hai (2) là mức standard của những người xung quanh. Cái này giải thích được khá nhiều, ví như trường hợp của mình: học chuyên từ bé mà bản thân lại chẳng giỏi, thêm quả mẹ cho học trước tuổi, thế là chơi với toàn những thằng đã to đầu hơn mình thì chớ, não lại còn có sạn theo đúng nghĩa đen. Bạn cứ thử tưởng tượng có thằng nó đi thi học sinh giỏi toán toàn thành phố mà cả hội đồng phải họp để quyết định có cho nó 10/10 hay chỉ 9.75/10 thì bạn mới hiểu nó quái vật thế nào. Và vì chơi với toàn những thằng như thế mà cái tiêu chuẩn (2) của mình nó cứ gọi là ngất ngưởng. Mình tin chính vì cả 2 tiêu chuẩn (1) và (2) ấy đã khiến mình cực kỳ nhút nhát, gần như không có chút tự tin nào một thời gian khá dài trước đây.
Vậy nên nếu bạn không tự tin về bản thân, thử ngẫm về 2 tiêu chuẩn này một chút xem nhé. Có một cách giải quyết, đó là với những thứ bạn cảm thấy có đam mê hay hứng thú, nhất định phải mở rộng giao tiếp, gia nhập các group hay cộng đồng nhé, vì mình nghĩ chỉ khi bạn mở rộng tập quan sát của mình, thì cái tiêu chuẩn (2) mới đỡ chệch được, và từ đó mà bạn sẽ có thể hiểu thêm mình thực sự có khả năng làm gì, hay thậm chí là làm tốt điều gì, để từ đó xác định và tìm kiếm những cơ hội phát triển bản thân và sự nghiệp.
Về nghe, tuần này mình tìm được cái video khá hay về nghệ thuật. Thực sự ngay cả 1 đứa mù nghệ thuật như mình thì khi đứng trước bức tranh nàng Mona Lisa cũng phải cảm thấy có cái gì đó sâu sắc đến … khó tả. Nhưng phải nghe giải thích, thông não như thế này mới hiểu tại sao bức tranh ấy nó lại là tác phẩm của cuộc đời, hay thậm chí là của nhân loại như vậy. Tác phẩm không chỉ bao hàm những kỹ thuật vẽ mà chính Leonardo sáng tạo ra, mà còn thể hiện sự quan sát tìm tòi cực kỳ nghiêm túc và khả năng nắm bắt những thứ mà phải vài trăm năm sau khoa học mới có thể công nhận. Thực sự thán phục khi nghe đến quả 500 năm sau 1 nhà khoa học thần kinh của Harvard mới có thể công bố kết quả mà Leonardo đã nắm được từ thời đó.
Cảm giác như được truyền chút cảm hứng cho một tuần mới, để lại tiếp tục nghiêm túc trên con đường rèn luyện tâm trí này :D
Và không có đường nào khó
Chỉ có chân ngại lối xa
Cuối con đường dần ló, mặt trời lên
Xua màn tối qua
Andy Luong