Việc cảm thấy hả hê trước rắc rối của người khác nghe có vẻ thật tồi tệ, nhưng phần lớn chúng ta không ít thì nhiều đều đã trải qua chúng. Khi các mạng xã hội như facebook trở thành một phần cuộc sống thì với không ít người, "hóng phốt" hay „hít drama“ đã trở thành một nhu cầu.
Đã bao giờ bạn hỏi: cái gì làm cho những điều này có sức hút lớn đến vậy?
Cảm giác thỏa mãn bắt nguồn từ rắc rối của người khác không mới và không chỉ thời nay mới có. Có một từ bắt nguồn từ Tiếng Đức được sử dụng rộng rãi như một thuật ngữ tâm lý để chỉ cảm giác này, Schadenfreude. Đây là một từ ghép trong tiếng Đức: Schaden là tổn thương, Freude là niềm vui. Schadenfreude là cảm giác hả hê vui vẻ trước những tổn thương. 
Schadenfreude trong các nhóm xã hội được nghiên cứu nhiều trong những năm gần đây, có lẽ do sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội.

Tại sao thấy hả hê?




Nguyên nhân dẫn đến cảm giác Schadenfreude đã được đào sâu. Năm 1996, Richard H. Smith và đồng sự có làm một thí nghiệm khá thú vị: Họ cho những người tham gia xem một đoạn video về một sinh viên được môt tả hoặc như ‚con nhà người ta‘, hoặc như một sinh viên bình thường. Ở cuối phim, sinh viên này gặp một thất bại (cụ thể: bị bắt khi ăn cắp). Các nhà nghiên cứu phân tích cảm xúc của những đối tượng tham gia đối với thất bại này. Người ta nhận thấy:
    - Cảm giác ghen tị làm tăng thêm khả năng các đối tượng tham gia thí nghiệm cảm thấy hả hê trước thất bại của người khác.
    - Thất bại của „người bị ghen tị“ chuyển trạng thái của „người ghen tị“ từ „so sánh tị nạnh“ thành „so sánh nhìn xuống“ và điều này làm thổi phồng lòng tự tôn (self esteem) của họ.
    - Tuy nhiên các đối tượng ít cảm thấy Schadenfreude hơn khi họ có cảm tình với người sinh viên trong đoạn video.
    - Nghiên cứu này cũng nhận định khả năng một người có cảm giác Schadenfreude lớn hơn khi những gì người bị ghen tị có được nằm ngoài tầm với của họ (như tài sản được thừa kế, nhan sắc hoặc tài năng thiên bẩm).  
Mặc dù Schadenfreude là một cảm xúc xấu, đôi khi nó cũng lan rộng ra một cộng đồng. Để cảm xúc Schadenfreude lan rộng trong một cộng đồng, ít nhất 3 điều kiện như sau cần xảy ra:
    - Những người quan sát phải được lợi từ bất hạnh này  (các fan bóng đá cảm thấy hả hê khi đội bóng đối thủ bị làm nhục, vì điều này có lợi cho đội bóng họ yêu mến).
    - Người gặp bất hạnh được cho là xứng đáng nhận bất hạnh ấy (một ca sĩ nhiều tai tiếng gặp scandal sẽ bị ném đá dữ dội hơn).
    - Người phải gặp bất hạnh khiến người khác ghen tị .
Nhìn chung, các nghiên cứu tâm lý học thừa nhận một cách rông rãi rằng nguyên nhân sâu xa của Schadenfreude là cảm giác ghen tịsự tự tôn thấp (low self- esteem). Việc chứng kiến bất hạnh của những „con nhà người ta“, hoặc đơn giản là những người có những thứ bản thân không có, khiến một người cảm thấy an toàn hơn với vị trí của bản thân hiện tại. Thay vì cảm thấy đồng cảm, họ cảm thấy hả hê.  
Không phải bất hạnh của người khác làm họ hả hê, cảm giác lòng tự tôn yếu kém được an ủi mới là yếu tố cốt lõi.

Tốt hay xấu



Phải làm rõ rằng Schadenfreude là một dạng cảm xúc. Nó có thể có tính gây hấn hoặc không. Nó không nhất thiết phải là những comment  „đổ dầu vào lửa“ mà bạn hay đọc được trong các group đầy drama. Nó có thể chỉ  đơn giản là cảm xúc hả hê, nhẹ nhõm khi bạn thấy một người thất bại hoặc gặp chuyện không may (như các cặp đôi chia tay nhau chẳng hạn).
Schadenfreude tốt hay xấu là một câu hỏi được tranh cãi trước đây. Có hai luồng quan điểm. Schadenfreude (nếu không chuyển thành hành động) chỉ đơn giản là cách một người tự bảo vệ cái tôi của bản thân khỏi tổn thương và nó không làm cho bi kịch mà người khác gặp phải tồi tệ đi. Mặt khác, Schadenfreude có thể thực sự xuất phát từ ý đồ gây hấn và có thể làm tổn hại đối phương.
Có không nhiều thí nghiệm chỉ ra rằng cảm xúc Schadenfreude, nếu không bộc lộ thành hành động, có tác động thế nào lên nạn nhân. Nhưng khi Schadenfreude chuyển thành các hành động và lời nói cụ thể, nó có thể gây tổn thương tâm lý sâu sắc, đặc biệt ở mức độ cộng đồng. Điều này dễ xảy ra trong môi trường Internet, một môi trường ít giới hạn và cũng ít trách nhiệm hơn xã hội thật.
Mặt khác, chúng ta lại cũng có thể lập luận rằng nạn nhân của Schadenfreude xứng đáng nhận sự hả hê ấy, rằng Schadenfreude là một biểu hiện của công lý (điều thực ra rất dễ ngộ nhận nếu bạn ở trong một nhóm cùng chia sẻ một hệ quan điểm). Tuy nhiên cái gì là chính nghĩa lại thuộc một phạm trù khác, và trong nhiều trường hợp điều này rất chủ quan. Cảm xúc Schadenfreude là cảm xúc khó tránh khỏi trong nhiều trường hợp, nhưng cả người muốn nhận chia sẻ và người chia sẻ nên cẩn thận hơn với những gì mình biểu đạt ra.
Đó là nhìn từ phía tương tác xã hội, còn nhìn từ phía bản thân những „con nghiện hóng phốt“ thì sao?
Cốt lõi của cảm xúc Schadenfreude không bắt nguồn  từ câu chuyện bất hạnh của người khác, mà từ chính nhận thức của bạn về bản thân. Nếu bạn là một trong những người cảm thấy cuộc đời mình thiếu thốn khi không có phốt,  có nhiều khả năng bạn chưa ý thức hoặc chưa xây dựng được giá trị của mình. Bạn cần được an ủi, nhưng nhận sự an ủi này từ bất hạnh của người khác rõ ràng không phải cách hay. Hãy khoan nói về mặt đạo đức, việc làm này không giúp gì cho bạn, bào mòn của bạn động lực và thời gian để hoàn thiện mình, khiến bạn tự ru ngủ mình rằng bản thân mình như vậy là tốt.
Để thực sự xây dựng giá trị cho bản thân mình và có sự tự tin thực sự, bạn nên trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng sống, nâng cấp ngoại hình và phong cách giao tiếp. Nhưng đó sẽ là đề tài của một bài viết khác.

Tài liệu tham khảo

Richard H.Smith et al, 1996, Envy and Schadenfreude. Online: https://doi.org/10.1177/0146167296222005
Richard H. Smith et al, 2009, Exploring the When and Why of Schadenfreude, Online: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1751-9004.2009.00181.x