Tất nhiên là không rồi, làm ơn đừng phiến diện thế chứ!
__________________
Mấy ngày gần đây tôi vô tình xem được video của một vlogger tương đối có tầm ảnh hưởng với giới trẻ Việt Nam, chủ đề video nói về giá trị của phụ nữ và những câu truyện cổ tích. Trong video này tác giả liên tục khẳng định giá trị của những câu truyện cổ tích được lưu truyền suốt nghìn năm qua là RÁC RƯỞI, là RẺ TIỀN và phải đốt hết, vứt hết vào sọt rác để bảo vệ phụ nữ. Vì với anh chúng đang gieo rắc vào đầu những phụ nữ sự yếu đuối và không có giá trị giáo dục.
What the f*ck! Tôi đang xem cái thứ lố bịch gì đây?
Đây là góc nhìn phiến diện, cực đoan và thành thật mà nói tôi cảm thấy nó cực kì độc hại. Nhưng đau lòng hơn nữa là nhiều bạn trẻ còn mù quáng tán dương và ủng hộ cho quan điểm này.
Tôi đồng ý với quan điểm của anh này rằng nên thay thế những thứ hủ tục đã trở nên vô dụng và lạc hậu theo thời gian bằng những cái mới mẻ và tiến bộ hơn. Tuy nhiên, khi anh hiểu sai hoặc anh không thể hiểu được những giá trị được lưu truyền thì điều đó không có nghĩa là những giá trị đó vô dụng.
Cho phép tôi giải thích tại sao bạn không nên nghe theo những thứ như vậy.
Truyện cổ tích không hề mang ý nghĩa phiến diện về việc hạ thấp phụ nữ hay trọng nam như anh ta nói! Làm ơn đi! Truyện cổ tích là những mẫu truyện mang tính giáo dục cốt lõi, được lưu truyền theo thời gian và tất nhiên là hoàn toàn có lý do của nó.
Ví dụ như truyện cổ tích “Công chúa ngủ trong rừng” chẳng hạn. Nếu với góc nhìn phiến diện bạn sẽ thấy rằng cô công chúa trẻ tuổi ấy chẳng có gì ngoài sắc đẹp và tự mình chạm vào mũi kim một cách ngu ngốc để rồi nhận lấy lời nguyền từ Maleficent. Cô chỉ có ngủ ngủ ngủ và ngủ cho đến khi được hoàng tử đánh thức và hết truyện. Rồi cũng bằng một góc nhìn phiến diện ai đó sẽ hét lên rằng: “Thứ rác rưởi này đang hạ thấp phụ nữ và không tôn trọng bình đẳng giới! Tại sao lúc nào công chúa cũng cần hoàng tử đến giải cứu chứ? Đó là phân biệt nam nữ!”.
Nhưng ở một góc nhìn khác và suy nghĩ sâu hơn về tầng ý nghĩa đằng sau thì truyện cổ này không hề phiến diện và ngu ngốc một chút nào đâu. Tôi xin được phép sử dụng một vài phân tích của tiến sĩ tâm lý Jordan Peterson, tác giả của quyển “The Maps of Meaning”, người đã dành ra rất nhiều công sức để nghiên cứu về ý nghĩa đằng sau những câu truyện cổ tích, thần thoại Hy Lạp, hay sử thi thế giới,…
“Công chúa ngủ trong rừng” bắt đầu từ việc nhà vua và hoàng hậu chỉ mời 12 bà tiên (hay bà mụ ở một vài phiên bản khác nhau) đại diện cho những điều tốt đẹp và tất nhiên nhân vật số 13, (con số đại diện cho điềm gở ở phương Tây) chính là Maleficent không được mời đến dự tiệc. Mặc dù không được mời nhưng bà tiên Hắc Ám của chúng ta vẫn đến rất đúng giờ và trước khi rời đi bà để lại lời nguyền cho cô công chúa nhỏ bé xinh đẹp rằng: “Đến năm mười lăm tuổi công chúa sẽ bị mũi quay sợi đâm phải rồi lăn ra chết!”. Điều duy nhất mà 12 bà tiên còn lại làm được là biến cái chết trở thành một giấc ngủ vỉnh hằng.
Okay! Giờ thì ta sẽ cùng nhau phân tích ý nghĩa thật sự đằng sau của chi tiết mở đầu này:
Việc nhà vua và hoàng hậu chỉ mời 12 bà tiên đến tham dự bữa tiệc mừng hôm đó mà không mời Maleficent cũng giống như việc phần nhiều bố mẹ ngày nay cố gắng bảo bọc con cái quá mức và luôn ngăn cấm con trẻ tiếp xúc với những thứ mà họ cho rằng không tốt đến từ bên ngoài. Có thể là những yếu tố tự nhiên như: đất, cát, mưa, nắng, chó, mèo,… hoặc khi chúng lớn hơn một chút là giáo dục giới tính, sinh lý, tình cảm,… Bố mẹ bạn có thể cấm bạn nuôi mèo nhưng đâu thể cấm bạn đem lòng yêu một ai đó, đúng chứ? Và sự thiếu giáo dục hay học hỏi từ những rủi ro bên ngoài chính là thứ khiến cho “cô công chúa” chịu hậu quả khi đạt đến độ tuổi “mới lớn” (15 tuổi). Maleficent đại diện cho những yếu tố tự nhiên có tính rủi ro bên ngoài như môi trường, bệnh tật, bạn bè, tình yêu, tâm lý giới tính,… Và dù muốn dù không những yếu tố mang tính tự nhiên này là không thể tránh khỏi.
Đến đúng năm 15 tuổi, đúng vào khoảnh khắc duy nhất khi mà nhà vua và hoàng hậu cùng các bà tiên quên không trông chừng cô nữa thì lời nguyền về một giấc ngủ ngàn thu ập đến. Chi tiết này thể hiện cho việc bạn không thể bảo bọc con cái suốt được và chính con cái của bạn phải trả giá cho sự thái quá này. Thử hỏi nếu trong thời gian giáo dục công chúa, thay vì khử hết các máy may, khung cửi và những vật sắc nhọn trong vương quốc bằng việc cho cô tiếp xúc và hiểu được rằng thứ này sẽ làm cho cô bị đau nếu chạm vào thì có phải khi 15 tuổi cô đã không ngu ngốc như vậy không?
Vậy thì tại sao khi công chúa chìm vào giấc ngủ thì cả vương quốc cũng ngủ theo? Vì lúc này không có bất kỳ ai trong vương quốc kể cả bố mẹ cô hay những bà tiên có thể giải cứu được cho cô nữa. Giấc ngủ của cả vương quốc đại diện cho sự bảo bọc và giải cứu của gia đình đến đây là kết thúc. Những bụi gai mọc đầy xung quanh lâu đài và con rồng khổng lồ canh giữ nơi cô chính là những hiểm họa và hậu quả mà cô đang nhận lấy. Chỉ có công chúa mới có thể tự cứu lấy mình.
Tới đây sẽ có nhiều người bảo rằng: “Hoàng tử cứu lấy cô ấy chứ có phải công chúa tự cứu lấy mình đâu? Rõ ràng là trọng nam khinh nữ!”
Câu trả lời của tôi cho quan điểm này chính là: Hình ảnh hoàng tử ở đây đối với việc giáo dục cho nữ giới là hình ảnh MANG TÍNH BIỂU TƯỢNG.
Tại sao tạo hình này là hoàng tử thì bởi vì nó thể hiện cho “giá trị thuộc về phần nam tính” bên trong mỗi cô gái. Đó là sự mạnh mẻ, lý trí hay lòng dũng cảm,... Có rất nhiều học thuyết nổi tiếng nói về điều này nhưng tôi sẽ lấy biểu tượng “Âm-Dương” để giải thích vì nó thể hiện rõ ràng và gần như ai cũng đã từng nhìn thấy. Trong âm có dương và ngược lại trong dương có âm.
Vậy nên để một cô gái có thể trưởng thành và có được cuộc sống hạnh phúc mãi mãi về sau thì cô phải có được “hoàng tử”. Cô phải có được lý trí, sự mạnh mẽ và lòng dũng cảm đủ để có thể tự mình bảo vệ bản thân trước những yếu tố tự nhiên ẩn chứa những nguy hiểm ngoài kia (hình ảnh ẩn dụ ở đây chính là những bụi gai và con rồng). Khi cô có “hoàng tử” (sự trưởng thành thật sự) thì lúc đó không còn bà tiên hắc ám, hay mũi kim, hay bất cứ điều gì có thể làm hại cô được nữa.
______________________
Bạn thấy đó, truyện cổ tích chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu xa tuyệt vời như vậy nên mới có thể tồn tại cùng với thời gian. Người ta nhớ tới nó, truyền miệng hết đời này đến đời khác là bởi vì giá trị cốt lõi của nó đã, đang và sẽ luôn được trân trọng.
Đừng chỉ nghe những thứ khiến bạn cảm thấy “sướng” nữa. Hãy thử suy nghĩ ngược lại, phản biện với chính quan điểm hay cá nhân mà bạn đang ủng hộ xem mâu thuẫn của họ nằm ở đâu, giá trị mà họ thực sự mang đến là gì và động cơ của họ đằng sau đó.
Chúc may mắn, trong việc lựa chọn thông tin.
-Light-

Đọc thêm những bài viết khác của mình tại đây nhé :D
https://www.facebook.com/SomethingInside97/