Hồi còn mới nhú, tôi có góc nhìn đơn giản về tình yêu. Tôi cứ ngỡ như tình yêu là một thứ thuốc có thể chữa lành mọi vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Điều đó đúng, tình yêu là một nguồn nước tươi mát của cuộc sống. Không có tình yêu, cuộc sống sẽ khô cằn và thiếu sức sống. Nhưng vấn đề là, có khi ngay chính tình yêu của chúng ta cũng cần được chữa lành, có khi ngay cả tình yêu cũng đang cằn cỗi ngay từ mầm móng bên trong.
Vì sao?
Dễ hiểu là vì ĐA SỐ chúng ta không biết cách yêu! Ta phụ thuộc vào cảm xúc hoa dạng niên hoa và mong đợi nó giúp ta đi qua mọi giông bão. Nhưng rồi khó khăn cứ liên tục kéo tới, có khi đến từ bên ngoài, cũng có khi ta ngứa háng kiếm chuyện với nhau để cãi lộn. Phấn khích nguội dần. Và hầu hết trường hợp, điều đó dẫn đến việc ta hành hạ nhau vì thứ tình yêu ta cho là thanh cao, thuần khiết, hy sinh và vĩ đại kia. Ta dần mất niềm tin vào nó và đâm ra thất vọng. Thật đáng buồn như là vậy.
Dưới đây là vài kỹ năng từ kinh nghiệm bản thân cũng như sách vở tài liệu mà tôi tham khảo, học hỏi để nuôi dưỡng và phát triển tình yêu của mình.
Yêu là phải học nha mấy thím :))
Yêu là phải học nha mấy thím :))

1. Giao tiếp

Sai lầm phổ biến nhất trong chuyện tình cảm là khi yêu ta ắt phải biết được người ấy đang nghĩ gì và cảm thấy như nào, đó mới thật sự là tình yêu! Nhưng điều đó không đúng chút nào, bạn và nửa kia vốn dĩ là hai thế giới mang nhiều giá trị và trải nghiệm khác nhau. Cũng như người thì thích cơm sườn còn người thì thích pizza, người thích màu vàng còn người thích màu da, hay người thì thích một mình còn người thích tay ba vậy! Thậm chí khi cùng chung một sở thích nào đó, ai chắc rằng cả hai bạn đều thích cùng một mức độ kia chứ?
Vì vậy, việc trông đợi cả hai luôn luôn hiểu ý nhau hay cả việc ngồi đoán già đoán non ý định của người kia là hết sức vô lý và bá láp ba xàm. Dù có hợp nhau đến mức nào, không có nghĩa điều bạn nghĩ cũng giống như điều người kia cảm thấy. Luôn có một khoảng mờ giữa hai người cần được làm rõ. Và chìa khóa cho việc ấy chính là giao tiếp.
Nói chuyện là một cách giao tiếp. Nhưng đừng lầm tưởng giao tiếp là nói chuyện đơn thuần. Giao tiếp bao hàm những việc bày tỏ mọi góc tối của bản thân với người yêu, dũng cảm thể hiện ra một cách-trung-thực-nhất điều bạn thực sự nghĩ và dám ngồi xuống giải quyết vấn đề cùng nhau khi cần, thay vì tránh né.
Ngoài trò chuyện trực tiếp, ta có thể chọn những cách giao tiếp khác như gọi điện, nhắn tin, viết thư, viết blog, quay vlog,... Dù là gì, điều kiện tiên quyết là phải thẳng thắn. NÓI KHÔNG với các dạng mấp mé, ám chỉ, ẩn dụ, hỏi đố, nói một hiểu mười hay giả vờ các loại. PHẢI vào thẳng vấn đề, nghiêm túc và lịch sự.
Nhưng không dễ để ngồi xuống giao tiếp một cách thẳng thắn. Để làm được điều đó, ta còn cần một thứ quan trọng khác.

2. Can đảm

Bạn đã bao giờ hoàn toàn trơ trọi trước người yêu mình? Không phải lúc cởi đồ đi tắm hay lúc làm tình đâu! Ý tôi là khi bạn cởi bỏ cái mặt nạ mà mình trơ với xã hội bên ngoài kia kìa! Bạn dám nói với “cục cưng” rằng hôm nay cô ấy có mùi thật kinh khủng không? Hay cho anh ấy biết mình sợ phải đến chỗ đông người vì thiếu tự tin cơ thể? Hoặc có can đảm phô ra bộ dạng bết bát, nhếch nhác chưa trang điểm với bờ môi thâm, miệng thì chua lè, giọng nói ồ ồ kinh tởm cùng đôi mắt sưng húp đầy ghèn khi thức dậy sau một đêm chạy deadline?
Mọi người thường nói về sự “thành thật” trong các mối quan hệ, nhưng hiếm ai để ý rằng để làm được điều đó ta cần phải hết sức can đảm! Bởi vì để thành-thật ta cần phải dẹp bỏ vẻ ngoài “hợp thời” ta tạo dựng ra để tự vệ trước mọi định kiến xã hội, ta nấp vào nó tránh bị cấu xé, nghiền nát bởi đám đông. Kết quả là ta dần nhầm tưởng mình là chiếc mặt nạ đó. Việc tháo gỡ chiếc mặt nạ kia vô cùng đau đớn vì bởi nó đồng nghĩa với việc bạn đang phá hủy nhân dạng của mình. Hay nói cách khác, bạn cảm thấy cái tôi bị đe dọa. 
Nhưng chiếc mặt nạ đó là một nhân dạng giả mạo. Cái tôi là giả mạo. Osho từng nói: “Chiếc giường bạn nằm không phải là hai người, đó là bốn người trong một mối quan hệ”. Để thật sự hiểu người kia, cũng như cho họ biết về bạn, chỉ còn cách dấn thân vào cuộc chơi này. Can đảm dấn thân vào nó! Bạn bắt buộc phải tháo bỏ mặt nạ nếu muốn có một mối quan hệ lành mạnh và phát triển. Bằng không, những chiếc mặt nạ vẫn tiếp tục làm trò, còn hai linh hồn thật thì mục ruỗng vì diễn tuồng. Giả tạo!
Bạn có thể bị phán xét bởi người kia và họ lập tức bỏ chạy trước bộ dạng thật của bạn, nhưng bạn BẮT BUỘC phải tiếp tục tháo bỏ nó - chiếc mặt nạ kia! Nếu họ chỉ yêu bạn qua vẻ đẹp giả tạo, vì sao bạn phải tiếc nuối? Bông hoa giả luôn đẹp đẽ, nhưng nó không có sự sống, nó là cái chết, nó khô khan và cằn cỗi. Đó là một cái đẹp giả tạo. Bạn không phải một bông hoa giả! Vì vậy bạn phải trở nên dễ tổn thương để lao vào cuộc chơi tìm kiếm những kết nối thật sự sâu sắc. Không phải điều ngọt ngào nào cũng tốt và không phải đau đớn nào cũng mang tính hủy hoại. Sự can đảm mở lòng mình sẽ làm cho bạn khổ sở, nhưng hãy tin tôi, kết quả sau cùng sẽ xứng đáng với công sức bạn bỏ ra. Thuốc đắng giã tật vậy.
Cũng không cần vội tháo bỏ ngay lập tức, điều đó đôi khi phản tác dụng. Để tránh sốc thuốc, hãy thử cởi bỏ từng chuyện nhỏ như việc bày tỏ sự khó chịu khi đợi nàng quá lâu, hay việc nói với chàng nên đi cắt tóc. Tóm lại, hãy thể hiện những điều bạn e ngại sẽ phá vỡ sự "ổn định giả mạo" kia, từng chút-từng chút một.
Bởi vì con người thu hút nhau bởi khuyết điểm, bạn đừng lo sợ họ sẽ chạy đi. Những điều không hợp với bạn sẽ không ở cùng bạn, nhưng phần thưởng cho sự dũng cảm nói ra là những thứ phù-hợp sẽ ở lại với bạn lâu-dài.
Thử kiên nhẫn bỏ tất cả cái tôi, vì "chúng ta" là từ mà em muốn nói tới. Thử dù biết đó là dây, và cầm dây thì em sẽ nghiễm nhiên trở thành con rối mới.  – Táo
Đắp mặt nạ thì được :))
Đắp mặt nạ thì được :))
Thổ lộ với người yêu đôi khi vẫn tương đối dễ, sau cùng thì họ có thể rời đi nếu không chịu nổi cái nết của bạn!
Nhưng có một người mà bạn không thể làm thế.
Và không thể được!

3. Lắng nghe bản thân

Chà, vì sao lại có kỹ năng này trong việc… yêu người khác? Sao đó không phải là “lắng nghe người yêu”?
"Sau cuối ngày về ôm lấy mình trong gương
Đó là người gần nhất ta trông thấy mà không thương"
- Datmaniac
"Sau cuối ngày về ôm lấy mình trong gương Đó là người gần nhất ta trông thấy mà không thương" - Datmaniac
Bởi vì đó là vấn đề, nếu bạn không hiểu chút gì về bản thân, bạn sẽ là một cái thùng rỗng hời hợt không chút đam mê, nhựa sống. Việc không nắm bắt được bản thân làm bạn buồn chán và bắt đầu tìm kiếm, đòi hỏi niềm vui từ những thứ khác bên ngoài. Bạn dần không chịu nổi chính mình và chán ghét nó. Nhưng làm sao bạn có thể chạy thoát khỏi bản thân? Bạn không thể ở một mình, bạn bất an và cần làm gì đó để khỏa lấp vào sự trống rỗng thường trực. Và đó là lúc bạn sử dụng những thứ bên ngoài để giải thoát cho mình. Tồi tệ thay, người yêu bạn nằm trong số đấy.
Việc lắng nghe bản thân giúp bạn hiểu hơn về nội tâm của chính mình, bạn biết mình có điểm mạnh nào, khúc mắt nào hay tổn thương nào còn bỏ ngõ. Từ đó bạn biết cách kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương bản thân và học cách làm nó hạnh phúc. Khi có đủ nhiên liệu cho chiếc thùng của mình, đó là lúc bạn có thể đi chia sẻ nó với người khác mà không cần bất cứ đáp ứng nào từ phía bên kia. Đó gọi là tình yêu vô điều kiện.
Ngược lại, bạn sẽ luôn tìm kiếm, thậm chí đòi hỏi ở người kia niềm vui để lấp vào cái “thùng rỗng” của mình nếu không thấu hiểu bản thân và để nó nằm trơ khấc giữa biển trời bao la không đếm xỉa tới. Bạn cấu xé, dằn vặt người kia để xoa dịu cơn bão của mình. Và chuyện sẽ trở nên thật tệ khi cả hai đều không lắng nghe bản thân, họ sẽ bắt đầu đòi hỏi lẫn nhau. Họ nhân danh tình yêu để làm việc này, việc kia cho nhau nhưng trông chờ lợi nhuận từ số vốn bỏ ra. Nếu nó không xứng đáng với công sức, họ sẽ thất vọng và xảy ra mâu thuẫn. Đó là một mối quan hệ đồng phụ thuộc (codependency) dai dẳng kiệt quệ.
Mệt mỏi trong các mối quan hệ
Mệt mỏi trong các mối quan hệ
Để tránh rơi vào những tình huống như trên, tôi nghĩ ta phải học cách sống được với sự cô đơn khi ở một mình. Tức nghĩa ta có thể vui, hạnh phúc khi ở một mình. Đó sẽ là phần khó khăn cho những ai đang trong một mối quan hệ đồng phụ thuộc. Nhưng một lần nữa, bạn phải can đảm bứt ra khỏi sự lệ thuộc của mình lên người ấy.
(ê tui có viết về cô đơn nè: link)
Hãy bắt đầu bằng cách dành khoảng thời gian nho nhỏ để "một mình". Bạn phải "một mình" nhiều hơn! Thực hiện những hoạt động nào đó mang tính độc lập như đọc sách, chơi thể thao, viết nhật kí, vẽ vời hoặc đàn ca sáo nhị chẳng hạn. Hãy tạm lánh những hoạt động có tính "gây mất tập trung" (distracted) như lướt MXH, gặp bạn bè, hay xem phim, bla bla... Nói chung, dành thời gian nói chuyện với BẢN THÂN là được.
Trong một mối quan hệ đồng phụ thuộc, có hai dạng người một là dạng "cứu thế" và dạng kia là "yếu thế".
Gọi là "cứu thế" hay "kèo trên" vì các bạn đang là người "cầm cương" và kiểm soát bên còn lại. Những biểu hiện thường thấy như bạn luôn muốn được người kia phục tùng, sùng bái, tôn thờ hoặc muốn được giải quyết cho vấn đề của họ để được công nhận như một người hùng ngạo nghễ. (thằng Orochimaru trong Naruto chính là cái dạng này!!!)
Còn những người tạm gọi là "kèo dưới" hay "yếm thế", dễ biết lắm, hễ thiếu người đó là bạn chịu không nổi. Hễ buồn là bạn kiếm người đó để giải khuây, không có người đó là bạn suy sụp. Luôn muốn làm vui lòng người đó và bỏ qua nhu cầu của mình. (Hihi biết người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa hông? Nó đó!!!)
Sư Minh Niệm từng nói nhiệm vụ của những người điều trị tâm lý là cho bệnh nhân biết rằng thuốc ở bên trong họ, tức nghĩa họ mới chính là người tự chữa được cho mình. Vì vậy lương tâm của người trị liệu là biết cách giúp cho bệnh nhân tự đứng vững trên đôi chân của mình chứ không phải lợi dụng điều khiển hay kiểm soát hay sử dụng họ.
Về cơ bản, hai dạng người trên đều là "nhà trị liệu" của nhau ở mức độ nào đó. Vì bởi họ cần có nhau để sống và tránh né sự bất an thường trực của bản thân. Dù bằng cách kiểm soát hay phục tùng, cả hai đều đang sử dụng nhau để tìm kiếm sự thỏa mãn cho mình. Cả hai đều đang đặt điều kiện cho nhau. Kèo trên giúp kèo dưới với vai trò "gánh vác" để được công nhận, kèo dưới tương tự phục tùng kèo trên với danh nghĩa "hy sinh cao cả". Cả hai đều "sống cho nhau" và tìm kiếm sự hạnh phúc từ người yêu của mình. Nếu anh làm cái này, thì em phải làm cái kia và ngược lại. Buồn thay, đó là một vòng đòi hỏi luẩn quẩn và bất tận không bao giờ được thõa mãn. Hai người đang lợi dụng nhau để đạt được sự công nhận. Đây là một cuộc đổi chác, có qua có lại, thuận mua vừa bán. Và mỗi hành động không hề có tình yêu dù cho họ liên tục nhân danh tình yêu thế nào chăng nữa.
“Vì sao anh làm cái này cho em nhưng em lại không làm cho anh?” “Anh phải làm ABC cho em thì em mới yêu anh” ...
Đây là mấy câu mà họ thường nói, hoặc động cơ cho những hành động của họ – những người trong mối quan hệ đồng phụ thuộc.
(Bạn có đang trong một mối quan hệ đồng phụ thuộc?)
Và cách để giải vây cho tình huống này không gì khác ngoài nhận thức được những biểu hiện của mình. Và việc đầu tiên để làm được chuyện ấy là lắng nghe bản thân. Bắt đầu từ chuyện "một mình" trước, dần dần tách khỏi người kia và tự tìm kiếm niềm vui cho mình. Nếu ở những nhà trị liệu kia cần đến "cái tâm" để nhắc nhở thuốc là ở bên trong người bệnh, thì trong chuyện này hai bạn có "tình yêu" để nhắc nhau về trách nhiệm đối với bản thân. Nếu thực sự yêu người ấy, cả hai phải nỗ lực giúp đỡ cho nhau vượt ra khỏi cái vòng lặp ảm đạm này. Hãy cởi mở và thành thật nói cho người kia biết vấn đề của bạn, tìm cách giải quyết và yêu cầu hỗ trợ nếu cần thiết. Tôi sẽ nói chi tiết hơn ở bài viết khác. Nhưng tóm lại ở cả hai dạng người, điều khó nhất của các bạn phải từ bỏ việc theo đuổi sự hưng phấn qua việc giải quyết vấn đề cho người khác. Mà thay vào đó hay quay về với trách nhiệm cho chính mình. Đó là ý quan trọng. Vì bởi sự độc lập là thứ cả hai dạng còn đang thiếu.
Kinh nghiệm của tôi cho biết trong một mối quan hệ lành mạnh không có kèo trên hay kèo dưới gì cả!

KẾT

Sau cùng, không chỉ riêng về tình yêu. Những kỹ năng nói trên có thể ứng dụng cho tất cả mối quan hệ nào bạn mong muốn với cái tiền đề “một mối quan hệ sâu sắc”. Gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp đều được tất!
Những kỹ năng này không có một định mức hay đích đến nào cả, nó là một quá trình luôn luôn được bồi đắp qua kinh nghiệm và thời gian. Hôm nay bạn can đảm và yêu bản thân nhưng chưa chắc ngày mai sẽ như thế. Chuyện này bạn dám nói ra với người yêu nhưng chuyện khác thì chưa chắc. Chính vì vậy, các kỹ năng này khiến ta luôn không ngừng cố gắng để cải thiện mình, nó bắt bạn luôn tiến lên phía trước. Và đó là khi tôi gọi là trưởng thành.
Như một chồi non còn xanh mơn mởn, tình yêu cần được vun vén và ươm mầm bằng dưỡng chất của tâm hồn. Điều đó nghĩa là nó sẽ phát triển và luôn không ngừng phát triển. Nhưng để cây được xanh tốt và đâm chồi vươn lên, ta cần nỗ lực chăm sóc, gìn giữ và dành cho nó sự yêu thương. Tình yêu chưa bao giờ dừng lại. Tình yêu luôn lớn lên từng ngày. Úa tàn hay xanh mướt là do chính tay ta. Hãy nhớ chính tình yêu cũng cần được chữa lành, nó không phải thứ có sẵn, nó cần được vun trồng.
Nhắc lại, yêu là một nỗ lực!
Tình yêu giống như một mầm cây cần được chăm sóc
Tình yêu giống như một mầm cây cần được chăm sóc
Còn bạn thì sao? Kinh nghiệm của bạn với tình yêu là gì hoặc có điều gì phản biện hay góp ý hãy chia sẻ bên dưới phần bình luận nhé!