Một vài tháng trước, khi đang lang thang trên Phimmoi.net, tình cờ mình biết tới live-action chuyển thể từ tiểu thuyết này. Đọc qua một chút phần giới thiệu về phim. Mình nghĩ: “Tuyệt! Đúng kiểu mình thích!”. Nhưng sau 10 phút, mình tắt màn hình. Chỉ là mình không cảm nhận được sự lôi cuốn của bộ phim như mình đã kỳ vọng. Vài tháng sau, mình cầm trên tay quyển tiểu thuyết này, đắm chìm trong thế giới ảo – thật mà tác giả tạo ra, mình sẽ hận bản thân nếu xem phim trước và sẽ bỏ lỡ cái thú vui tưởng tượng các thước phim dựa trên những câu chữ của tác giả.
“Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” là câu chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại lấy bối cảnh một vùng quê ở Nhật những năm 80s. Một ông lão già – chủ của tiệm tạp hóa, hàng ngày trả lời những thắc mắc ngô nghê của những đứa trẻ. Dần dần ông nhận được những câu hỏi nghiêm túc hơn, từ đó Namiya trở thành tiệm tạp hóa chuyên gỡ rối tơ lòng của mọi người. Tất nhiên nếu chỉ có thể câu chuyên trở nên quá đỗi bình thường. Điểm đặc sắc của câu chuyện là hòm thư của tiệm tạp hóa liên kết với hòm thư của 32 năm sau. Tâm tư của những người muôn năm cũ được gửi cho những người tương lai giải đáp. Các câu chuyện nối tiếp nhau để rồi thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người có liên quan.
lrm_export_227515426753979_20190118_175652389.jpeg
Cuốn sách đầu tiên của năm 2019
“Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” hội tụ đủ yếu tố cần thiết cho một cuốn sách hay
Đầu tiên, “Namiya” có độ dài vừa vặn (chỉ hơn 300 trang). Đủ dày để mang lại cho mình cảm giác sách không quá nặng nề và đủ mỏng để mình có thời gian nhâm nhi từng trang giấy.
Thứ hai, cách kể chuyện độc đáo, lôi cuốn. “Namiya” là tập hợp của 6 mẩu truyện ngắn độc lập nhưng liên kết với nhau một cách chặt chẽ và logic. Điều tài tình là nếu bạn chọn đọc ngẫu nhiên một trong sáu mẩu truyện, bạn vẫn có thể hiểu được nội dung dù chưa đọc qua những mẩu truyện khác. Cách kể chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại cùng với góc nhìn được thay đổi liên tục giúp cho 6 câu truyện ngắn không bị trùng lặp về ý tưởng lẫn nội dung. Bạn sẽ hoàn toàn thích thú với những suy nghĩ, trăn trở của những nhân vật trong truyện tại các thời kì khác nhau. Một điều nữa là những câu chữ trong sách đều khá giản dị và mang tính điện ảnh cao. Điều mình thích thú khi đọc sách là có thể tượng tượng ra một bộ phim với những cảnh quay, góc máy dựa vào những câu chữ trong sách (đây cũng là một thói quen của mình khi đọc các tiểu thuyết nói chung).
Thứ ba, nghệ thuật xây dựng tình huống truyện xuất sắc. Rất khó để tìm ra một tình huống thừa thãi nào không đóng góp vào mạch truyện. Các chi tiết được đưa vào vừa đủ để người đọc không bị thiếu hụt thông tin nhưng vẫn đảm bảo gây được sự tò mò khiến người đọc phải đọc đến những trang cuối cùng. Không bất ngờ khi Higashino Keigo – tác giả của “Namiya”,  là một nhà văn trinh thám. Có lẽ việc áp dụng kỹ năng dẫn chuyện, nghệ thuật bỏ nhỏ tình huống của dòng truyện trinh thám vào trong quyển sách này giúp câu chuyện đầy lôi cuốn và giàu sức thuyết phục.
Thứ tư là tính nhân văn của câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều mang đến những bài học khác nhau. Từ bài học về tình cảm gia đình, về sự tin tưởng, về sự quyết tâm của tuổi trẻ, về sự trách nhiệm của bản thân trong mỗi quyết định. Còn nhiều bài học nữa ẩn sau trong những chi tiết, những câu chữ mà tác giả đã cài cắm và chỉ đợi người đọc chiêm nghiệm và bóc tách từng lớp ý nghĩa. Mình có cảm giác rằng 3 tên trộm ở tương lai chính là hiện thân của tác giả thời trai trẻ: chơi vơi, hoang mang, lạc lõng – “không có bản đồ cho riêng mình”. Cách mà Keigo trả lời ở cuối chuyện – có lẽ là trả lời cho chính mình ở quá khứ sẽ khiến bạn phải day dứt với bản thân nhưng cũng đem lại một nguồn động lực rất lớn.
Cuối cùng thì…
Mình viết bài review này 2 ngày sau khi đã đọc xong cuốn sách. Có quá nhiều điều mình muốn nói về quyển sách. Mình muốn kể về những chi tiết mà mình tâm đắc, mình nghĩ như thế nào về những nhân vật hay những  suy tư của mình sau khi đọc xong. Mình đã gác lại hết vì mình tin rằng những điều đó thuộc về mỗi cá nhân. Bạn sẽ có những quan điểm khác của mình. Bạn sẽ tâm đắc những điều khác. Và mình tin rằng nhiệm vụ của bài review chỉ cần khiến bạn cảm thấy hứng thú để đọc là đủ.
Cuối cùng thì, “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” là câu chuyện của sự sắp đặt và sự ngẫu nhiên đan xen nhau với nhau. Biết đâu một ngày nào đó, bạn gấp cuốn sách lại và bắt đầu gõ thông tin về quyển sách này trên Google. Tình cờ thay, bạn vào được nơi này thì...
Nice to meet you!