Trả lời bởi: Tim O'Neill, trưởng pháp quan thẩm tra chống ngụy lịch sử.
Tóm tắt: Câu hỏi này dựa trên một niềm tin phổ biến nhưng sai lầm rằng thời Trung Cổ không có tiến bộ khoa học. Trên thực tế, các nhà sử học hiện đại từ lâu đã chứng tỏ đây là một huyền thoại và thậm chí còn cho thấy rằng thời kỳ Trung Cổ, không hề là một thời đại tăm tối khoa học, đã thiết lập nên những nền tảng của khoa học hiện đại.
Huyền thoại thời kỳ tăm tối khoa học
Câu hỏi này của bạn dựa trên ngộ nhận phổ biến cho rằng Trung Cổ là một thời kỳ tối tăm về khoa học và rằng thực sự có “rất ít tiến bộ” về thứ mà chúng ta gọi là khoa học. Đây là quan niệm đại chúng và hầu như là cách mà đa số mọi người nghĩ về thời kỳ này: Không có nhiều tiến triển gì trong lĩnh vực khoa học, hay triết học tự nhiên trong thời Trung Cổ cho đến khi thời Phục Hưng thay đổi mọi thứ và cuộc Cách mạng Khoa học bắt đầu. Nhưng quan niệm này không còn được các sử gia khoa học hiện đại đồng ý và thực tế là bây giờ, hậu kỳ Trung Cổ được nhìn nhận là một giai đoạn không những có nhiều nghiên cứu khoa học nhất kể từ thời Hy Lạp cổ đại mà còn là giai đoạn thiết lập các nền móng tri thức của khoa học thực nghiệm, hiện đại và đích thực.
Cái nhận định chuẩn mực về thời Trung Cổ như một vùng đất hoang vu khoa học đã tồn tại quá lâu và vẫn còn mắc kẹt trong suy nghĩ bình dân bởi vì nó có nguồn gốc văn hóa và bè phái sâu xa, chứ không phải vì nó có bất cứ cơ sở thực tế nào. Phần nào đó nó dựa trên các định kiến chống Công giáo từ phía Tin Lành, mường tượng rằng thời kỳ Trung Cổ chỉ toàn là đen tối do sự áp bức của Giáo hội. Nó cũng được tuyên truyền bởi các học giả Khai Sáng như Voltaire và Condorcet, những người căm ghét Kitô giáo đương thời và lồng ghép điều này lên quá khứ trong các bài bút chiến chống giáo sĩ của họ. Nói chung vào cuối thế kỷ 19, việc Giáo hội kìm hãm khoa học trong thời Trung Cổ là một “sự thật” miễn bàn cãi cho dù nó chưa bao giờ được xem xét một cách thích đáng và khách quan.

Pierre Duhem, người tiên phong trong ngành lịch sử khoa học sơ khởi Nhà sử học sơ khởi về khoa học người Pháp Pierre Duhem, cũng là nhà vật lý và toán học, chính là người đã bắt đầu vạch trần quan niệm lịch sử có động cơ luận chiến này. Trong khi nghiên cứu lịch sử tĩnh học và cơ học cổ điển trong vật lý, Duhem tìm đến công trình của các nhà khoa học trong cuộc Cách mạng Khoa học như Newton, Bernoulli và Galileo. Nhưng khi đọc tác phẩm của họ, ông đã ngạc nhiên khi tìm thấy một số tham chiếu tới các học giả thời trước đó, những người vốn được cho là làm việc trong bối cảnh Trung Cổ vắng bóng khoa học. Khi làm những điều mà không nhà sử học nào trước đây từng làm và thực sự đọc tác phẩm của những nhà vật lý thời Trung Cổ như Roger Bacon (1214–1294), Jean Buridan (khoảng 1300–1358), và Nicholas Oresme (kh.1320–1382), Duhem rất ngạc nhiên trước sự tinh vi của họ và ông bắt đầu một nghiên cứu có hệ thống các thành tựu khoa học Trung Cổ từ thế kỷ 12 tới thế kỷ 15 mà cho tới lúc đó vẫn bị phớt lờ.
Ông và các sử gia kế tiếp về khoa học sơ khởi đã nhận thấy sự nhảm nhí của huyền thoại thời Khai Sáng coi thời Trung Cổ như một thời kỳ tăm tối khoa học bị đàn áp thô bạo dưới bàn tay Giáo hội. Duhem là một nhà nghiên cứu lịch sử tỉ mỉ và thông thạo tiếng Latinh, tức là ông có thể đọc các tác phẩm khoa học Trung Cổ đã bị bỏ mặc mấy thế kỷ. Là một trong những nhà vật lý nổi tiếng nhất đương thời, ông cũng có vị thế đặc biệt để đánh giá sự phức tạp của các tác phẩm mình đang khám phá và công nhận rằng các học giả Trung Cổ này thực tế đã tìm ra những điều căn bản trong vật lý học và cơ học vẫn được coi là của các khoa học gia mãi sau này như Galileo và Newton. Điều này không phù hợp lắm với môi trường bài giáo sĩ trong giới trí thức thời Duhem và các nhà xuất bản của ông gặp áp lực để không ấn hành các tập sau của Systeme de Monde: Histoire des Doctrines cosmologiques de Platon à Copernic. Thành kiến đương thời là không ưa thích ý tưởng lật đổ một Trung Cổ tối tăm về khoa học. Duhem qua đời vào năm 1916 khi phần lớn công trình nhọc nhằn của ông chưa được xuất bản và phải nhờ cuộc tranh đấu 30 năm của cô con gái Helene mà 10 tập của công trình rốt cuộc mới được ấn hành năm 1959.
Khi đó Duhem không còn là người duy nhất nhận ra huyền thoại vô căn cứ về một thời kỳ Trung Cổ phi khoa học. Sử gia khoa học Mỹ Lynn Thorndike lần theo cùng dấu vết như Duhem và cũng đưa ra kết luận rằng các nhà khoa học thời Trung Cổ đã bị bỏ mặc cách bất công kể từ thời Khai Sáng, chủ yếu vì các lý do chính trị và ý thức hệ. Trong bộ sách 8 tập History of Magic and Experimental Science (1923–1958), Thorndike cũng cho thấy khoa học thời Trung Cổ rộng lớn khác thường, mang tính suy xét và rất phức tạp. Những người tiên phong trong ngành lịch sử khoa học sơ khởi được kế tục bởi một hàng dài các sử gia đã càng làm rõ hơn giai đoạn bị lãng quên trong lịch sử khoa học này. Các học giả hàng đầu hiện nay vể lĩnh vực này như David Lindberg, Ronald Numbers và Edward Grant đã cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng ta về cách mà các nhà khoa học Trung Cổ kế thừa công trình của người Hy Lạp và người Ả Rập, phát triển thêm những kiến thức và đặt nền tảng cho khoa học hiện đại như ngày nay.
Cuốn sách năm 1996 gây chấn động của Grant The Foundations of Modern Science in the Middle Ages trình bày chi tiết rằng cuộc Cách mạng Khoa học thế kỷ 17 đơn giản là không thể xảy ra nếu nền học thuật Tây Âu vẫn giống như trước thế kỷ 12 nhưng nó thậm chí cũng không thể thành hiện thực với nền học thuật của cuối thế kỷ 3. Không chỉ những tiến triển khoa học mà còn cả những biến đổi trí thức ở hậu kỳ Trung Cổ đã tạo môi trường cho Galileo và Newton. Thay vì là một bóng đen, trung kỳ Trung Cổ đã khai mở khoa học hiện đại đích thực. Gần đây, cuốn God's Philosophers: How the Medieval World Laid the Foundations of Modern Science (2009) được đánh giá cao của James Hannam đã giới thiệu tới công chúng thành tựu của giới học thuật hiện tại về chủ đề này, nhằm cố gắng chỉnh sửa hàng thế kỷ định kiến và sai lạc còn dai dẳng trong trí tưởng tượng đại chúng.

Bài dịch lịch sử khác từ cộng đồng QuoraVN:


Thời kỳ tăm tối khoa học thực sự
Tất nhiên, rõ ràng có một giai đoạn mà triết học tự nhiên phương Tây đã trì trệ rồi suy nhược mà trong đó toàn thể truyền thống khoa học của người Hy Lạp và người La Mã có nguy cơ bị thất truyền. Người Hy Lạp hậu bối rồi các học giả La Mã đã kế thừa và phát huy công trình của các nhà khoa học tiên khởi người Hy Lạp thế kỷ 4 và 5 TCN. Vào thế kỷ 1 CN, các học giả La Mã có khuynh hướng đọc tiếng Hy Lạp và do đó có thể đọc các tác phẩm của Aristotle và Archimedes bằng nguyên ngữ, nhưng cũng có một truyền thống đang nở rộ là các tuyển tập bách khoa toàn thư thường bằng tiếng Latinh chứa những tóm lược và điểm chính yếu của các tác phẩm Hy Lạp trước đó. Các học giả của thế kỷ thứ 1 và 2 CN đã bổ sung một số đóng góp lớn cho khoa học, đặc biệt là Ptolemy (thiên văn học và toán học) và Galen (y học), nhưng nhiều học giả La Mã thì đành phải dùng các bản tóm tắt và bách khoa thư để có thể hiểu được những công trình trước đây.
Tuy nhiên, trong thế kỷ thứ 3 CN, những biến động lớn về xã hội và chính trị đã làm gián đoạn nhiều khía cạnh của đời sống La Mã, kể cả học thuật, với những hậu quả sâu xa. Đế quốc rơi vào tình trạng mà nay gọi là “binh biến vô chính phủ”, các hoàng đế đối nghịch trồi lên tụt xuống liên tục và Đế quốc bị cuốn vào vòng nội chiến và đàn áp chính trị trong hàng thập niên. Đế chế suy yếu còn gánh thêm những cuộc xâm lược từ người Ba Tư thuộc Đế quốc Sassanid và từ các liên minh mọi rợ Germanic còn hung hăng hơn nhiều. Các thành phố đã hưởng thái bình trong nhiều thế kỷ bắt đầu xây dựng tường thành phòng thủ, những tài nguyên từng dùng để xây cất các tòa nhà và công trình công cộng nay chuyển tới những cuộc chiến vô tận, đã có lúc Đế quốc còn bị chia cắt thành ba phần.
Một hình thức ổn định mới đã hình thành nhờ kiểu mẫu ngai hoàng đế tập quyền hơn và quân chủ hơn, cũng như nhờ cải cách kinh tế, chỉnh đốn quân đội và hành chính của Diocletian và những người kế nhiệm ông; tuy vậy có những khu vực của đế chế không bao giờ hoàn toàn hồi phục được, đặc biệt là ở phía tây. Đời sống trí thức và giáo dục, bị tàn phá trong cả thế kỷ hỗn loạn, rõ ràng là không lấy lại được sức mạnh như trước đây và ở phương tây ngày càng có ít học giả biết tiếng Hy Lạp. Kết quả là các tác phẩm, nhất là về kỹ thuật, triết học và khoa học, mới chỉ có trong tiếng Hy Lạp, được đọc và sao chép ít đi thậm tệ và bắt đầu rơi vào quên lãng. Nền khoa học Hy–La dần dà chỉ còn được bảo tồn trong truyền thống bách khoa thư Latinh phổ thông thay vì được nghiên cứu chi tiết bằng nguyên bản Hy Lạp.
Vào thế kỷ thứ 5 CN, sự phân chia hành chính giữa Đế quốc phía Tây nói tiếng Latinh và Đế quốc phía Đông nói tiếng Hy Lạp trở nên thường trực để rồi biến thành một sự chia cắt chính trị. Đế chế phương Tây nghèo yếu và mong manh hơn thậm chí đã không trụ nổi qua thế kỷ này với sự sụp đổ chung cuộc vào năm 476 sau một trăm năm chịu chiến tranh, xâm lăng và suy thoái kéo dài. Những gì xảy ra sau đó là các thế kỷ bị chiếm đóng, phân tán và hỗn loạn, với một vài khoảng thời gian ổn định và tập trung quyền lực ngắn ngủi. Truyền thống trí thức sa sút, vốn đã suy giảm kể từ cuối thế kỷ thứ 2, trở nên tàn tạ.
Định chế giữ cho truyền thống đang chao đảo này khỏi lụi tàn hoàn toàn trong suốt những thế kỷ tan rã và bị dân mọi rợ xâm lăng lại chính là định chế bị huyền thoại Khai Sáng cáo buộc (láo) là nguyên nhân từ đầu đã gây ra sự suy thoái. Giáo hội Kitô giáo lên nắm quyền lực chính trị khi sự suy thoái học thức ở Tây phương đã diễn ra hơn một thế kỷ và do vậy không thể nào là nguyên nhân. Ban đầu nội bộ Kitô giáo không đồng thuận về nền học thức và triết học Hy Lạp, nhưng các nhà tư tưởng lỗi lạc của Kitô giáo từng được đào tạo về triết học có khả năng nhìn nhận chúng là thứ cần được ủng hộ. Thiên Chúa, họ lập luận, là một trí tuệ lý tính đã tạo dựng vũ trụ theo các đường hướng hữu lý. Do đó, việc con người có thể và nên sử dụng lý trí để hiểu sự tạo dựng của ngài là điều hợp lý. Clement thành Alexandria lý luận rằng cũng như người Do Thái được trao ban ân sủng là mặc khải tôn giáo, thì người Hy Lạp cũng được trao ân sủng là phân tích lý tính. Cả hai đều được chấp thuận và sử dụng.
Vì vậy mà khi Đế quốc phía Tây sụp đổ, Giáo hội đã quá quen thuộc với triết học và khoa học Hy Lạp, tìm cách kết hợp cả hai và dung hòa chúng với tôn giáo. Chính các học giả Kitô giáo là người thấy rằng sự suy giảm tình trạng biết chữ Hy Lạp ở phương tây đồng nghĩa với việc nhiều tác phẩm gốc bằng tiếng Hy Lạp đang bị mất đi. Cassiodorus và Boethius đều cố gắng bảo tồn các công trình quan trọng bằng cách dịch chúng sang tiếng Latinh. Boethius bị xử tử trước khi ông có thể hoàn thành kế hoạch tham vọng là dịch tất cả các tác phẩm của Aristotle, nhưng ông đã cố gắng dịch hầu hết những công trình chính về lôgic – điều này nghĩa là lôgic và cùng với nó là lý trí đóng một vai trò trung tâm trong giáo dục sơ kỳ Trung Cổ, ngay giữa mịt mùng của hàng thế kỷ hỗn loạn. Mầm mống của sự hồi sinh khoa học thời Trung Cổ ẩn chứa trong may mắn đó.

Đề cao lý trí thời Trung Cổ
Con đường dài trở về của nền học thức Tây Âu từ thảm họa trí thức do Đế quốc Tây La Mã sụp đổ được một tác gia so sánh với việc người ta, sau một cuộc hủy diệt hạt nhân, cố gắng phục hồi nền khoa học hiện đại chỉ bằng một vài tập của bộ Encyclopaedia Britannica và một bản A Short History of Nearly Everything của Bill Bryson. Các học giả thế kỷ thứ 8 hay thứ 9 chỉ có đủ các mảnh văn thư để biết rằng họ hầu như chẳng có chút nào nhưng không đủ để bắt đầu phục dựng những thứ đã bị thất truyền. Cách họ đối xử với những kiến thức ít ỏi mình có được mới thật thú vị: họ quý trọng chúng. Những tác gia cổ đại này, hầu hết là ngoại giáo, được coi là những người uy quyền, uyên thâm và những tác phẩm còn lưu truyền của họ được nghiên cứu kỹ lưỡng với sự tôn quý.
Điều này đồng nghĩa với việc chú ý đặc biệt đến một trong số ít những lĩnh vực còn lưu giữ được lượng tác phẩm vừa phải, đó là lôgic [luận lý học], hay biện chứng theo cách gọi thời đó. Lĩnh hội được lôgic là trọng tâm của nền giáo dục Trung Cổ và các sinh viên phải thành thạo nó, thông qua các tác phẩm như của Aristotle được Boethius dịch, trước khi có thể giải quyết bất kỳ môn nào khác. Việc này có tác động ly kỳ là thúc đẩy lý trí như là chìa khóa cho mọi hiểu biết; sự triển nở này hoàn toàn trái ngược với quan niệm phổ biến cho rằng thời Trung Cổ và Giáo hội đương thời nói riêng bị bó buộc vào giáo điều miễn chất vấn và mê tín phi tín. Tất nhiên có những điều mà các học giả thời đó chấp nhận dựa trên đức tin nhưng họ ngày càng cảm thấy mình cũng có thể đạt được chúng, và tất cả các dạng hiểu biết khác về vũ trụ, thông qua lý trí. Một cách kỳ cục, việc mất mát quá nhiều triết học Hy Lạp thực tế đã khiến người ta tập trung vào các văn phẩm còn tồn tại, và nó có tác động là đề cao lý trí tại trung tâm của tư tưởng Trung Cổ theo cách chưa từng thấy trước đó.
Vào thế kỷ 11 khi những làn sóng của quân xâm lược Avar, Magyar, Saracen và Viking bắt đầu vơi bớt, châu Âu đã hồi phục về kinh tế cũng như ổn định về chính trị và đang thực sự trên đà bành trướng. Đồng thời, có nhiều người biết chữ và quan tâm hơn đến học vấn; người ta cũng nhận thức rõ hơn về những mất mát của nền học thức cổ đại và về điều mà các học giả thời đó than là Latinurum penuria (“sự nghèo nàn của người Latinh”). Tây phương Latinh thực sự nghèo nàn trí thức như thế nào được minh họa bằng việc trao đổi thư từ giữa hai học giả đầu thế kỷ 11, Ragimbold thành Cologne và Radolf thành Liege, về một số vấn đề toán học mà một học sinh trung học ngày nay sẽ xử lý dễ dàng. Hai nhân vật trí thức này được xem là những học giả hàng đầu trong thời đại của họ (các bức thư đó được sao chép và luân chuyển rộng rãi), họ cạnh tranh nhau để giải quyết một số vấn đề về hình học cơ bản nhưng chỉ có thể sử dụng các mẩu thông tin hình học từ sổ tay khảo sát cũ rích thời La Mã và từ một bách khoa thư thế kỷ thứ 6 chẳng giúp được gì mấy ngoại trừ định nghĩa một vài thuật ngữ. Đây là một ví dụ cho thấy bao nhiêu thứ đã bị mất mát trong thảm kịch và người ta đã tha thiết phục hồi nền học vấn đó ra sao.
Ý nghĩ rằng vũ trụ là hữu lý và có thể được phân tích qua lý trí dĩ nhiên có gặp trở ngại từ một số người bảo thủ, nhưng một đội vệ binh mới các học giả đang ngày càng trở nên nổi bật, bao gồm William trấn Conches, Honorius Augustodunensis, Bernard Silvester, Adelard thành Bath, Thierry thành Chartres và Clarembald thành Arras. William trấn Conches đã dành những lời khinh miệt sau cho những người nghi ngờ việc tôn sùng lý trí và phân tích lý tính này:
Bản thân không hiểu biết về các lực lượng của tự nhiên mà còn muốn có đồng bọn trong sự vô minh của mình, họ không muốn người ta tìm tòi bất cứ thứ gì; họ muốn chúng ta tin như nông dân và không hỏi nguyên do đằng sau mọi thứ .... Nhưng chúng ta tuyên bố rằng cần phải tìm cho ra nguyên do của mọi thứ! William trấn Conches (kh. 1090–1154), Philosophia mundi
Các trí thức như William ngày càng thu hút các cộng đồng sinh viên và họ cùng nhau tập hợp lại để chia sẻ các ý tưởng, đặt nền móng cho các trường học mà sau này trở thành các đại học. Giai đoạn này chuẩn bị cho một sự chấn hưng và triển nở đích thực nền học thức; tất cả những gì mà châu Âu còn thiếu là những cuốn sách bị thất lạc của người Hy Lạp và La Mã.


Nền học thức mới và các viện đại học
Vào đầu thế kỷ 11, các học giả Âu châu không chỉ biết Tây Âu đã mất mát nhiều chừng nào mà họ còn ý thức rằng nhiều công trình này vẫn tồn tại và có thể lấy lại được. Họ dùng cụm từ Latinurum penuria bởi vì họ biết có những người không nghèo nàn như mình, đó là người Hy Lạp và người Ả Rập. Với một Tây Âu hồi sinh giờ đây đang mở rộng quân sự theo mọi hướng, các học giả hăng hái có điều kiện tốt hơn để tiếp cận các tác phẩm này và chỉnh lại sự cân bằng. Việc chiếm được trung tâm học vấn Hồi giáo lớn ở Toledo năm 1085 đã lôi kéo nhiều học giả tới Tây Ban Nha tìm kiếm các sách bị thất truyền và cuộc chinh phạt Sicily năm 1091 của người Norman đã mở ra các thư viện chứa những kho tàng văn thư tiếng Ả Rập, Hebrew và Hy Lạp. Tới thế kỷ 12, các học giả tụ về Sicily cũng như miền nam Ý và Tây Ban Nha để dịch những sách này sang tiếng Latinh và mang chúng về nhà. Trong số đó là một người Anh trẻ tuổi, Daniel trấn Morley:
Tại hạ nghe nói rằng học thuyết của người Ả Rập, hầu hết chuyên về tứ khoa, là thứ thời thượng tại Toledo ngày nay, thế là tại hạ tức tốc phi tới đó, hầu có thể nghe những triết gia thông tuệ bậc nhất thiên hạ ... Rốt cuộc, các bằng hữu nài nỉ tại hạ từ Y Pha Nho hồi hương; thành thử, theo sự thỉnh cầu của họ, tại hạ trở về Anh Cách Lan cùng với muôn vàn thư tịch. 
Qua hai thế kỷ tiếp theo, có thêm nhiều những thư tịch như thế tiến về phía bắc tới các ngôi trường và viện đại học vừa mới hình thành của châu Âu; một nền học thức Hy Lạp “mới” bắt đầu tràn ngập châu Âu vào đúng lúc văn hóa trí thức nơi đây đang sẵn sàng để nở rộ. Điều đáng lưu ý ở đây là thể loại sách mà các dịch giả chú tâm. Không hề thiếu những tác phẩm thần học Chính thống giáo Hy Lạp hay thậm chí những vở kịch và bài thơ Hy Lạp – La Mã cổ đại ở Sicily và Tây Ban Nha nhưng những thứ này thường bị bỏ qua. Các học giả hăng hái từ phương Bắc chủ yếu chú trọng vào các tác phẩm toán học, thiên văn học, vật lý học, lôgic và triết học cũng như y học, quang học và lịch sử tự nhiên. Họ chẳng hứng thú về kịch nghệ và thi ca (những thứ này sẽ được các học giả nhân văn thời Phục Hưng “tái khám phá” sau đó): các học giả Trung Cổ này quan tâm tới hoa trái của lý trí là khoa học, lôgic và triết học.
Các tác phẩm được tìm lại này cùng với các tác phẩm của các nhà bình luận Hy Lạp thời sau hoặc được các học giả Ả Rập mang theo đã có một tác động mang tính cách mạng đối với mạng lưới các viện đại học mới bắt đầu xuất hiện trên khắp Tây Âu. Những trung tâm học tập mới này lấy khuôn khổ học thuật theo chương trình giảng dạy của các trường thuộc nhà thờ chính tòa trước đây dựa trên “bảy môn khai phóng” nhưng kết hợp nó với cấu trúc của các phường hội thủ công và buôn bán (đây cũng là nơi mà cách gọi universitas hình thành). Cũng giống như trong phường hội, các sinh viên phải chọn làm việc dưới sự hướng dẫn của một người thành thạo hay “Thạc sĩ” và trải qua một quá trình rèn luyện [tương tự như học nghề] lâu dài, kỹ lưỡng được cấu trúc hóa, rồi phải vượt qua một loạt các bài sát hạch và kiểm tra miệng trước khi chính anh ta được công nhận là “Thạc sĩ” và sau cùng tiếp tục để trở thành một “Tiến sĩ” hoặc thầy dạy. Cấu trúc, hệ thống phân bậc và kiểm tra nghiêm ngặt này làm cho các đại học Trung Cổ rất khác biệt với các trường học có vẻ tương tự trong thế giới Hồi giáo hoặc các học viện Hy Lạp cổ đại.
Có một sự canh tân căn bản và thiết yếu nữa trong hệ thống đại học, đó là phương cách mà theo đó người ta đạt được sự thăng tiến và nổi bật trong hệ thống này không phải là thuần túy bằng việc tinh thông sách vở, mà là bằng bàn cãi và tranh luận sử dụng các phép lôgic hình thức. Các thạc sĩ và tiến sĩ duy trì địa vị và danh tiếng (và kéo theo đó là thu nhập) của mình bằng khả năng thắng tranh luận, thường rộng mở sân chơi cho mọi kẻ kéo đến. Và sinh viên xuất sắc đánh bại được thạc sĩ sẽ gia tăng nhanh chóng tiếng tăm. Ít nhất hai lần một năm, viện đại học sẽ tổ chức quodlibeta – một giải đấu dài ngày về tranh luận lôgic khắt khe mà ai cũng đều có thể đề xuất và bảo vệ bất kỳ quan điểm nào về bất cứ chủ đề nào. Thường thì các ý kiến cấp tiến, gây tranh cãi, nghịch lý hay thậm chí là dị giáo được trình bày và người tham gia phải bảo vệ hoặc phản bác chúng mà chỉ dùng lôgic và lý trí. Ý niệm về một nơi hoàn toàn tự do lý tính mà những bộ óc tuyệt vời nhất thời đó chỉ sử dụng lý trí để bàn luận về những đề tài như “Thiên Chúa thực ra là xấu xa” hay “vũ trụ không có khởi nguyên trong thời gian” chắc hẳn không phù hợp với hình dung của hầu hết mọi người thời nay về thời Trung Cổ, thế nhưng đây lại là một sự kiện thường kỳ trong các đại học Trung Cổ.


Cách mạng Khoa học Tiên khởi thời Trung Cổ
Trong môi trường mới của nền học thức cổ đại được hồi sinh, phân tích lý tính nghiêm ngặt, nghiên cứu và tranh luận mạnh mẽ, châu Âu Trung Cổ đã chứng kiến việc nở rộ thực sự một đổi mới khoa học kể từ thời Hy Lạp cổ đại. Tiếp nối các ý tưởng từ các học giả Ả Rập trước đó như Al Battani, Robert Grosseteste đề xuất rằng không nên chỉ rút ra những quy luật phổ quát từ những trường hợp nhất định rồi sau đó áp dụng các quy luật này vào các trường hợp cụ thể khác (“nguyên lý quy nạp” của Aristotle), nhưng cũng cần tiến hành thực nghiệm để kiểm chứng các trường hợp cụ thể đó. Roger Bacon đã phát triển thêm ý tưởng này, đề xuất một phương pháp dựa trên chu trình lặp đi lặp lại việc quan sát, giả thuyết và thực nghiệm. Cả Grosseteste và Bacon đều áp dụng phương thức này để nghiên cứu quang học, tính chất vật lý của ánh sáng, hoạt động của mắt và tính chất của thấu kính. Chính sự phân tích này, một lĩnh vực khoa học mà các học giả Trung Cổ đặc biệt hứng thú, dường như đã dẫn tới việc phát minh ra kính mắt. Bacon cũng mô tả cấu trúc và mô hình vận hành của một kính viễn vọng, mặc dù không rõ là ông đã thực sự chế tạo nó hay chưa.
Bên cạnh sự phát triển của những nguyên tắc khoa học cơ sở về quan sát và thí nghiệm tái lặp, thời Trung Cổ còn mang đến một đóng góp có lẽ là cách mạng nhất cho sự trỗi dậy của khoa học hiện đại đích thực: việc sử dụng toán học làm ngôn ngữ mô tả thế giới vật lý. Aristotle và người Hy Lạp đã coi việc ngoại suy từ ngành này (như toán học hay hình học) sang ngành khác (như vật lý học) là một hành vi tồi. Nhưng với sự phát triển của những ý tưởng lập luận phức tạp hơn do quan sát và quy nạp vào thế kỷ 13, nhờ có Grosseteste và Bacon, các học giả thế kỷ 14 đã nghĩ đến ý tưởng tiến hành quan sát và quy nạp chính xác hơn bằng cách sử dụng toán học làm ngôn ngữ trong vật lý học. Thomas Bradwardine viết:
[Toán học] là thứ tỏ bày mọi sự thật vì nó tỏ tường mọi bí mật và nắm giữ chiếc chìa khóa mở ra mọi tinh tế của chữ nghĩa. Bất cứ người nào xấc xược theo đuổi vật lý học mà bỏ mặc toán học nên sớm biết rằng anh ta sẽ không bao giờ bước vào được cánh cửa của sự thông thái.
Bradwardine thuộc một nhóm các học giả nghiên cứu những vấn đề chính trong vật lý có tầm nhìn như vậy. Cùng với William Heytesbury, Richard Swineshead và John Dumbleton, dựa trên công trình của William làng Occam và Walter Burley, các học giả Đại học Oxford này được gọi là các nhà toán pháp Merton và họ đã đặt nền móng cho vật lý học hiện đại như chúng ta biết.
Quan trọng nhất là họ đã lật ngược quan niệm về chuyển động của người Hy Lạp trước đó bằng cách phân biệt chuyển động học với động lực học. Aristotle và các học giả Hy Lạp khác nhìn nhận rằng chuyển động thuần túy là do ngoại lực, trong khi các học giả Merton xem xét sự duy trì chuyển động thông qua xung lượng – có thể đo bằng thể tích của vật và vận tốc. Điều này đã đặt nền móng cho sự hiểu biết then chốt sau này về động lượng, nhưng cũng cho phép họ xây dựng công thức Định lý Tốc độ Trung bình. Trong một thời gian dài người ta từng cho là Galileo đã chứng minh định lý này, nhưng bây giờ rõ ràng rằng các nhà toán pháp Merton đã tìm ra và chứng minh được nguyên lý này từ khuya, trước khi Galileo chào đời (cũng có một số bằng chứng cho thấy Galileo đã đọc công trình của họ và trình bày ý tưởng cứ như là của mình mà không ghi công).
Các ý niệm này về xung lượng cho phép các học giả hậu kỳ Trung Cổ phát triển vật lý học hơn nữa và bắt đầu áp dụng chúng vào thiên văn học. Nhờ đó mà Nicole Oresme đã sử dụng xung lượng để chứng tỏ rằng hầu hết các phản đối của người Hy Lạp cổ đại về khả năng trái đất quay là không hợp lý. Oresme vẫn tin trái đất đứng yên dựa trên các căn cứ khác ông có được, nhưng lập luận của ông sau này đã được Copernicus sử dụng để phát triển thuyết nhật tâm. Orseme, Jean Buridan và Nicholas trấn Cusa cũng chỉ ra xung lượng là một đại lượng chuyển động bất biến bị phá bĩnh hoặc dừng lại chỉ khi nó gặp phải kiểu vật cản nào đó. Điều này cho phép các nhà vật lý Trung Cổ dẹp bỏ ý tưởng của người Hy Lạp cho rằng các chuyển động thiên thể diễn ra trong lãnh phận thần tiên không hư hỏng nơi mà vật lý trần thế không áp dụng được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người ta bắt đầu có thể áp dụng các nguyên lý được phát hiện trên trái đất cho các chuyển động ngoài không gian.
Ý nghĩ rằng Copernicus, Kepler, Galileo và Newton đều khai triển các ý tưởng mà không cần căn nguyên trong tư tưởng của hai hay ba thế kỷ trước đó hẳn là lố bịch, thế nhưng nó lại là khẳng định của những huyền thoại hậu Khai Sáng về thời Trung Cổ. Tuy nhiên, nghiên cứu khách quan hiện đại đã cho thấy rằng nếu không có công trình của những người như Grosseteste, Bacon, Occam, các học giả Merton, Oresme và Buridan thì “cuộc Cách mạng Khoa học” sẽ không bao giờ xảy ra. Cuộc cách mạng đó có nền tảng Trung Cổ.


Giáo hội đàn áp ý tưởng?
Như vậy, không có dữ kiện lịch sử nào vừa trình bày ở trên ăn khớp với quan niệm cho rằng Giáo hội thời Trung Cổ là một nền thần quyền bạo lực và bất khoan dung, sẽ tức khắc đưa lên giàn thiêu bất cứ ai đang nhen nhúm ý tưởng mới. Trên thực tế, phạm vi tìm hiểu và nghiên cứu về bản chất của thế giới tự nhiên khá rộng, bởi vì Giáo hội thời Trung Cổ coi vũ trụ là một sản phẩm hữu lý của trí tuệ lý tính của Thiên Chúa và con người được ban cho lý trí, nhờ vậy mà phần nào họ có thể hiểu biết và khám phá vũ trụ theo cách lý tính.
Đây là lý do Thomas Aquinas đã dành nhiều năm trời với hàng triệu từ ngữ áp dụng cách cẩn thận các nguyên tắc lý tính của thuật biện chứng Hy Lạp cổ vào thần học Kitô giáo trong một nỗ lực nhằm chỉ ra rằng tất cả những quan niệm chính của niềm tin Kitô giáo đều có thể đạt được bởi lý trí thuần túy. Đó cũng là lý do tại sao các cuộc tranh luận quodlibeta tại đại học thời Trung Cổ lại chào đón tất cả tự do như vậy, nơi mà mọi ý tưởng triệt để và thậm chí dị giáo có thể được đề xuất xem xét nếu chúng đứng vững trước phân tích lý tính.
Giáo hội thời Trung Cổ cũng không khăng khăng bám vào cách diễn giải Kinh Thánh thuần túy theo nghĩa đen (chủ nghĩa duy văn tự cơ yếu luận là một ý tưởng hiện đại và chủ yếu là của Tin Lành Mỹ). Do vậy sẽ không thành vấn đề khi nhìn nhận một số khía cạnh của Kinh Thánh là thuần túy mang tính ẩn dụ hay khi tìm hiểu cách mà sự thật biểu trưng trong Kinh Thánh liên hệ với thế giới thực tại. Những người nghĩ về Trung Cổ là thời kỳ mà các ý tưởng đổi mới trong sợ sệt sẽ bị những người theo chủ nghĩa duy văn tự triệt hạ hầu như sẽ khó mà lý giải được, thí dụ, công việc của William trấn Conches. Vị học giả thế kỷ 12 thuộc trường học chính tòa thành Chartres này ý thức rằng thính giả của mình đã hiểu trình thuật tạo dựng trong Sáng thế ký có tính biểu tượng và ông tiếp tục giải nghĩa nó “theo như tự nhiên”. Ông trình bày về cách mà các lực lượng tự nhiên được Thiên Chúa thiết lập chuyển động đã dẫn đến các tầng trời và trái đất như chúng ta có ngày nay. Ông còn thảo luận về sự sống phát sinh từ bùn đất nguyên sơ bởi tác động tự nhiên của nhiệt cũng như cách sự sống phát triển từ các dạng thức đơn giản ban đầu. Ông thậm chí còn nói về việc con người đã phát sinh theo phương cách đó và về mặt lý thuyết, một số loài người khác có thể phát sinh qua các quá trình tự nhiên theo cùng cách thức như vậy.
Tất cả mọi ý tưởng nghe rất hiện đại (và thậm chí như Darwin) này đều được các học giả Trung Cổ tiếp nhận mà không vấn đề gì dù nhỏ nhất và Giáo hội cũng không khó khăn gì với chúng. Thực tế, tất cả các nhà khoa học Trung Cổ đều là giáo sĩ hoặc tu sĩ.
Nếu có bất cứ biện pháp nào gần nhất với việc Giáo hội kìm hãm khoa học thì đó là khi, để phản ứng với một số ý tưởng đang được tranh luận tại Đại học Paris trong đỉnh điểm của việc tái khám phá nền học thức Aristotle vào thế kỷ 13, Phân khoa Thần học đã cố gắng đặt giới hạn cho những điều có thể được Phân khoa Khai phóng bàn luận. Vào các năm 1210, 1270 và nhắc lại vào năm 1277, theo yêu cầu của Phân khoa Thần học Paris, Giáo hoàng đưa ra danh sách quan niệm do Aristotle đề xuất hoặc hàm ý bởi triết lý của ông đi ngược với giáo lý Kitô giáo và vì vậy bị cấm. Đáng lưu ý ở đây là, thứ nhất, thực ra rất ít điều đã bị cấm đoán trong bản kết án này. Điều đáng lưu ý thứ hai là bản kết án ít hiệu quả thế nào. Nó chỉ áp dụng cho Paris, trong khi thảo luận về tất cả những đề tài này tại Oxford và các đại học khác đều không bị ảnh hưởng nên vẫn tiếp tục. Và như việc bản kết án phải lặp lại tới hai lần, thực tế đã cho thấy kiểu gì thì nó cũng bị bơ đi. Nó cũng có một tác động khác – bằng cách chỉ ra Aristotle thực ra sai lầm về một số điểm chính, nó đã khuyến khích xem xét cách phê bình hơn nữa công trình của triết gia Hy Lạp này; hệ quả là một số quan niệm của ông bị mổ xẻ nghiêm trọng hơn và bị chỉ ra là không chính xác (như quan niệm rằng vật thể nặng rơi nhanh hơn vật thể nhẹ). Theo cách kỳ cục, bản kết án đã không kìm hãm khoa học mà thực tế lại thúc đẩy nó.
Quan niệm rằng Giáo hội kìm hãm khoa học và phân tích lý tính về thế giới tự nhiên thực sự là một điều hoang đường. Không một học giả Trung Cổ nào từng bị Giáo hội thiêu sống, tống giam hoặc áp bức vì đưa ra tuyên bố về thế giới tự nhiên. Đây là lý do mà những người chủ trương huyền thoại này ngày nay luôn phải viện dẫn vào một trường hợp ngoại lệ và xảy ra sau thời Trung Cổ để chống chế, đó là vụ Galileo.
Kết luận
Như vậy, cái nhận định “khoa học đạt được rất ít tiến bộ thực sự tại châu Âu thời Trung Cổ” dựa trên sự thiếu hiểu biết trầm trọng về thời kỳ này và lệ thuộc vào một huyền thoại do định kiến mà không có căn cứ nào. Ngay khi Âu châu Trung đại vừa phục hồi từ đống hỗn loạn sau sự sụp đổ của La Mã, nó đã nhanh chóng hồi sinh truyền thống triết học tự nhiên cổ đại vốn sa sút từ thời La Mã. Các học giả Trung Cổ đã dấn thân vào một tiến trình xuất sắc việc nghiên cứu vũ trụ tự nhiên nhờ sử dụng lý trí và lôgic; và với cách đó, họ đã phát triển các nguyên lý mà sẽ trở thành nền tảng của bản thân khoa học hiện đại. Họ áp dụng những nguyên lý này để sửa chữa sai lầm của người Hy Lạp và họ đã tạo nên cơ sở cho những khám phá sau này về vật lý học và thiên văn học làm nên bình minh của cuộc Cách mạng Khoa học. Trong khi những người không có hiểu biết cặn kẽ về ngành nghiên cứu lịch sử khoa học vẫn bám víu vào huyền thoại Giáo hội kìm hãm khoa học của thế kỷ 19, thì hiện nay đã sáng tỏ rằng nếu không có công cuộc tìm hiểu và nghiên cứu nở rộ trong giai đoạn từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 thì khoa học phương Tây sẽ không bao giờ trỗi dậy.
Thư mục
David C. Lindberg, The Beginnings of Western Science, 600 B.C. to A.D. 1450 (1992) 
David C. Lindberg, Science in the Middle Ages (1978) 
Ronald Numbers, Galileo Goes to Jail, and Other Myths about Science and Religion (ed.) (2009) 
Edward Grant, The Foundations of Modern Science in the Middle Ages (1996) 
Edward Grant, God and Reason in the Middle Ages (2001) 
James Hannam, God's Philosophers: How the Medieval World Laid the Foundations of Modern Science (2009)

Tim O'Neill là nhà Trung Cổ học, người vô thần, hoài nghi, và nhà sử học nghiệp dư.

Bài dịch của bạn Vũ Đức Hiếu, được đăng và thảo luận trong group Quora Việt Nam.
Đọc thêm: