"Đó là sự phản bội trắng trợn của các đồng minh. Những người luôn miệng sẽ đảm bảo an ninh và tự do cho đất nước Tiệp Khắc. Chúng tôi đã bị bán đứng..." - Eduard Goldstücker
Sau sự ra đi của tổng thống Hindenburg vào ngày 2 tháng 8 năm 1934, Hitler tự tuyên bố làm tổng thống và trở thành nguyên thủ tối cao của nước Đức. Lên nắm chính quyền, Adolf Hitler trong vòng bí mật đã chi vô số cho công cuộc tái vũ trang, biến nước Đức thành một trại lính khổng lồ, một lò đúc súng, ráo tiết chuẩn bị chiến tranh đe dọa hòa bình ở châu Âu và cả thế giới.
Adolf Hitler
Adolf Hitler
Ngày 11-12 tháng 3 năm 1938, quân đội phát xít Đức tràn vào chiếm đóng Áo, Hitler tuyên bố sáp nhập Áo vào Đệ Tam Đế Chế. Lần đầu tiên, một quốc gia có chủ quyền bị nhập vào một đất nước mạnh hơn. Thế nhưng, xuất phát từ mưu đồ chống Liên Xô, các chính phủ đương thời ở Anh, Pháp và Mỹ chẳng những không tìm cách ngắn chặn âm mưu của phát xít Đức mà còn dọn đường cho các hoạt động của chúng. Hitler nghĩ rằng: một khi mọi tin tức từ Pháp và Anh đều tốt, không có tín hiệu đe dọa nào từ Liên Xô thì tại sao lại không lấn tới. Sau khi nuốt trôi Áo, con mồi tiếp theo của Hitler không gì khác ngoài Tiệp Khắc, một đất nước chiếm vị trí vô cùng quan trọng, một bàn đạp không thể thiếu trong kế hoạch giành quyền thống trị châu Âu của đế quốc Đức.
Ban đầu, Hitler kích động người Đức ở vùng Sudetes đòi quyền tự trị và đe dọa Tiệp Khắc bằng một cuộc tấn công quân sự nếu họ dám từ chối. Không hề sợ hãi, nhân dân Tiệp Khắc đã quyết định cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, chính phủ ra lệnh tổng động viên kháng chiến. Nói về quân đội Tiệp Khắc lúc bấy giờ, họ nằm trong số những nước Châu Âu có nền quốc phòng thuộc hàng hùng mạnh với quân đội lớn và được trang bị tốt, cùng một hệ thống lô cốt mà từ trước đến giờ tạo nên tuyến phòng thủ vững chắc nhất châu Âu mà có lẽ chỉ kém Phòng tuyến Maginot của Pháp. Hơn nữa, Liên Xô lại tuyên bố trung thành với Hiệp ước Xô - Tiệp được kí năm 1935, sẵn sàng chi viện cho cuộc chiến đấu của nhân dân Tiệp Khắc, buộc Hitler phải dùng thủ đoạn ngoại giao.
Vùng Sudetes (Màu cam)
Vùng Sudetes (Màu cam)
Thủ tướng Anh, Neville Chamberlain quyết định làm người kiến tạo hòa bình, ông đã bay đến Đức để gặp Hitler hai lần. Quốc trưởng Đức Quốc Xã đã đưa ra những đòi hỏi vô lí như sát nhập vùng Sudetes của Tiệp Khắc vào nước Đức với lí do là cư dân nơi đây đa số là người Đức, một yêu sách về lãnh thổ vô cùng ngang ngược, trái đạo lí và công pháp quốc tế. Cả hai bên Anh và Pháp đều muốn tránh chiến tranh nên nhanh chóng đồng ý về những đề xuất chung mà Tiệp Khắc phải chấp nhận: giao cho Đức mọi lãnh thổ có trên phân nửa là người Đức Sudeten để đảm bảo "duy trì hòa bình và an ninh của những quyền lợi sống còn của Tiệp Khắc." Mặc dù phía Tiệp Khắc không chấp nhận, nhưng đồng minh của họ: Anh và Pháp đã gây sức ép để chính phủ Tiệp Khắc đầu hàng Hitler. Nếu không, họ sẽ phải chiến đấu một mình. Tống thống Tiệp Khắc, Edvard Benes, khi ấy đã có quá ít sự lựa chọn, chính ông phải thốt lên rằng: "Chúng tôi đã bị phản bội từ cơ bản."
Neville Chamberlain
Neville Chamberlain
Ngày 29 đến 30 tháng 9 năm 1938 tại Munich, một thành phố nước Đức diễn ra cuộc họp giữa những người đứng đầu của bốn nước: Neville Chamberlain (Anh), Édouard Daladier (Pháp), Adolf Hitler (Đức) và Benito Mussolini (Ý) để bàn về lãnh thổ Tiệp Khắc, nhưng chính phủ Tiệp Khắc lại không được phép đến dự, họ chỉ có quyền nghe định đoạt về số phận đất nước mình. Mussolini được mời làm trung gian để Pháp và Anh ký một hiệp ước giao Sudetes để đổi lại việc giữ cho chiến tranh không xảy ra với hai cường quốc này, đồng thời chĩa mũi nhọn tiến công vào phía Liên Xô. Hitler khai mạc cuộc họp kêu gọi giải quyết vấn đề Tiệp Khắc bằng cách không dùng vũ lực, hắn còn hứa: Khi vấn đề xung đột được giải quyết thì chúng tôi sẽ không đưa ra một yêu sách lãnh thổ nào ở châu Âu nữa. Sau đó một vài văn bản hiệp ước đã thông qua và kí kết nhanh chóng quy định trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1938. Tiệp Khắc phải cắt vùng Sudetes trao trả lại cho Đức. Với hiệp ước này, Tiệp Khắc đã bị các "ông bạn" của mình ở phương Tây trói tay, khóa miệng giao cho kẻ thù phát xít Đức. Cùng với tấm bi kịch phản bội ấy, người ta đã bán rẻ hòa bình để mở đường cho chiến tranh thế giới. Đó là một vết nhơ không thể nào tẩy sạch của nền ngoại giao Anh, Pháp. Hitler đã đoạt được vùng Sudetes, bước đệm cho tham vọng bành trướng toàn châu Âu mà chẳng mất chút công sức nào, ngoài những lời hăm dọa và những trái tim loạn nhịp vì run sợ của các nhà lãnh đạo phương Tây. Thế nhưng, Chamberlain và Daladier đã thông báo với nhân dân của họ cũng như nhân dân châu Âu về hiệp ước Munich như là "một cố gắng để gìn giữ hoà bình". Bộ máy truyền thông phương Tây bấy giờ ca ngợi Chamberlain và Daladier như những sứ giả hòa bình có công đẩy lùi chiến tranh.
Trước khi ký Hiệp ước Munich, từ trái qua:<i> Neville Chamberlain</i>, <i>Édouard Daladier</i>, <i>Adolf Hitler</i>, <i>Benito Mussolini</i>, <i>Galeazzo Ciano</i>. (Wikipedia)
Trước khi ký Hiệp ước Munich, từ trái qua: Neville Chamberlain, Édouard Daladier, Adolf Hitler, Benito Mussolini, Galeazzo Ciano. (Wikipedia)
Trở về Anh, Chamberlain được đón chào như một đấng cứu thế. Những lời nói của Chamberlain "hòa bình sẽ được đảm bảo mãi" vang khắp đất nước. Cùng một lúc ông ta đã hướng được chiến tranh về phía Đông và cản bước tiến của bộ máy quân sự Đức về phía Tây. Nhưng Chamberlain không biết rằng, việc kí kết hiệp ước Munich đã biến ông ta trở thành kẻ đào mồ chôn nước Anh - như lời bộ trưởng ngoại giao của Đức Quốc Xã, Ribbentrop đã nói với Hitler: "Hôm nay ông già đã kí bản án tử của đế quốc Anh và có nhã ý giao cho chúng ta chọn ngày thi hành án". Với Hitler, bản hiệp ước Munich chỉ là kế hoãn binh để có thời gian chuẩn bị lực lượng và vũ trang quân đội, cũng như loại bỏ được một phòng tuyến "khó nuốt" cùng một lượng lớn tài nguyên của vùng Sudetes, khiến một đất nước công nghiệp phồn thịnh như Tiệp Khắc trong phút chốc bị tan rã và phá sản.
Quả thật sau hiệp ước Munich, 6 giờ sáng ngày 15 tháng 3 năm 1939, số phận của Tiệp Khắc được định đoạt, Hitler đưa quân Đức vào xâu xé, chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Tiệp Khắc và quốc gia này biến mất khỏi bản đồ thế giới...
Từ hiệp ước Munich có thể thấy rằng: một quốc gia muốn tồn tại chỉ có thể tự dựa vào chính sức mình. Mặc dù Tiệp Khắc sở hữu quân đội không hề yếu kém, nhân dân với tinh thần luôn sẵn sàng chiến đầu, không hề sợ hãi trước Đệ Tam Đế Chế nhưng lại bị chính những đồng minh của mình đẩy đến con đường lụi tàn. “Nước xa không cứu được lửa gần", nhưng đôi khi nước gần còn khiến lửa lan nhanh hơn. Nếu Tiệp Khắc chiến đấu đến cùng, như lời của Thống chế Erich von Manstein, một trong những tư lệnh tài giỏi nhất của Đức, người được ca ngợi là "Bất bại tướng quân". Khi khai ở Nuremberg về vị thế của Đức vào thời điểm hiệp ước Munich, ông đã nói: " Nếu chiến tranh bùng nổ, chúng tôi không thể bảo vệ biên giới phía Tây lẫn biên giới Ba Lan, và rõ ràng là chúng tôi hẳn đã bị các công sự phòng thủ của Tiệp Khắc chặn đứng, bởi vì chúng tôi không có khả năng để xuyên phá." Suy cho cùng, đồng minh hay không đồng mình, được giúp đỡ hay bị bỏ rơi, cốt lõi vẫn là ở bản thân mình. Và đôi khi nhượng bộ cũng phải tùy người và tùy tình huống.
Bài viết có sử dụng tư liệu từ những nguồn sau: - Wikipedia - Những mẩu chuyện lịch sử - World War II: The Gathering Storm