Dọc theo dòng chảy của lịch sử Việt Nam, tồn tại vô số giai thoại về những ông trạng đã không chỉ làm rạng danh quê nhà mà còn nâng tầm quốc gia qua những cuộc đi sứ sang phương Bắc, lần lượt đánh bại những bậc hiền giả của thiên triều để được sắc phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Trong số những người tương truyền đã giành được danh hiệu cao quý ấy, không thể không kể tới vị trạng nguyên tuy mang hình hài xấu xí nhưng cốt cách hết lại mực cao thượng: Mạc Đĩnh Chi.
Mạc Đĩnh Chi là một nhân vật khá nổi tiếng trong lịch sử nước ta và có nhiều giai thoại được truyền tụng xung quanh việc ông lãnh nhiệm vụ đi sứ nhà Nguyên. Và tất nhiên, cũng như rất nhiều giai thoại liên quan tới nhiều nhân vật lịch sử khác, các câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi hầu hết đều hoặc là sai khác so với chính sử, hoặc là không có thật. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu và biện giải với bạn đọc về một giai thoại vô cùng nổi tiếng về Mạc Đĩnh Chi trước giờ thường được kể lại để chứng tỏ cho sự thông minh, ứng trí nhanh nhạy của ông hay nói rộng ra là của dân gian ta: giai thoại xé bức trướng vẽ chim sẻ của tể tướng nhà Nguyên.
Một lưu ý nhỏ rằng trong bài viết này, có một số đoạn diễn giải Hán tự, cho nên một số phần sử liệu sẽ được dẫn cả bản gốc chữ Hán, phiên âm và bản dịch. Xin nói trước với bạn đọc như vậy.

GIAI THOẠI "CHIM SẺ PHẢI ĐẬU CÀNH MAI"

Mạc Đĩnh Chi (莫挺之) sinh năm 1272, mất năm 1346, tự Tiết Phu (節夫), hiệu Tích Am (僻庵). Ông là một quan đại thần và cũng là nhà ngoại giao nổi tiếng triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, ông thi đỗ trạng nguyên. Khi mới đỗ nhà vua chê ông xấu định đuổi về, Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen trong giếng ngọc) để tự ví mình với sen. Vua Trần Anh Tông xem rồi khen hay, thăng làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.
Sau này, nhờ thông minh, hiểu biết sâu rộng mà Mạc Đĩnh Chi nhanh chóng thăng tiến trên đường quan lộ. Khi quan hệ giữa nhà Nguyên và nhà Trần được cải thiện, ông nhiều lần nhận nhiệm vụ đi sứ sang Trung Quốc. Với khí phách kiên cường, tinh thần tự tôn lại thêm tài đối đáp giỏi, ông được vua tôi nhà Nguyên hết lòng cảm mến.
Khoảng năm 1339, tức năm Khai Hựu thứ mười triều vua Hiến Tông, Mạc Đĩnh Chi dâng sớ xin về hưu. Năm 1346 tức Thiệu Phong thứ sáu, Mạc Đĩnh Chi lâm bệnh và qua đời. Sau này, ông được Mạc Thái Tổ Đăng Dung truy tôn miếu hiệu là Viễn Tổ (遠祖), thụy là Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế (建始欽明文皇帝), do Mạc Đăng Dụng nhận mình là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi.
Những cuộc đi sứ nhà Nguyên của Mạc Đĩnh Chi đều có các giai thoại xoay quanh, và một trong những giai thoại nổi tiếng nhất đó là câu chuyện về việc ông xé bức tranh quý của tế tướng nhà Nguyên mà không bị trách tội. Truyện kể rằng trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, tể tướng nhà Nguyên có mời Mạc Đĩnh Chi vào chơi trong phủ. Khi thấy bức trướng thêu hình chim sẻ đậu trên cành trúc, Mạc Đĩnh Chi đã xông tới xé nát rồi nói rằng chim sẻ là kẻ tiểu nhân, còn trúc là người quân tử cho nên phải phá bức vẽ ấy đi. Câu chuyện cụ thể được sưu tầm và ghi lại trong Nam Hải Dị nhân Liệt truyện của Phan Kế Bính như sau:
“Một hôm, quan Tể-tướng Tàu mời vào phủ-đường ngồi chơi. Đĩnh-Chi trông thấy trên bức trướng có thêu con chim-sẻ vàng đậu trên cành trúc, tưởng là con chim thực, đứng dậy chạy lại bắt. Người Tàu cười ầm cả lên, Đĩnh-Chi xé tan ngay bức trướng ấy ra. Chúng ngạc nhiên hỏi cớ làm sao thì thưa rằng: - Tôi có nghe người ta thường vẽ chim-sẻ đậu cành mai, không ai vẽ đậu cành trúc bao giờ. Nay Tể-tướng sao lại cho vẽ thế? Trúc là giống cây quân-tử, chim sẻ là loài vật tiểu-nhân, vẽ thêu như thế, thì cho tiểu-nhân ở trên quân-tử, tôi e rằng đạo tiểu-nhân mỗi ngày thịnh lên, mà đạo quân-tử mỗi ngày mòn đi, nên tôi trừ giúp cho thánh-triều đấy thôi. Chúng chịu là biện bác có lẽ.” - Nam Hải Dị nhân Liệt truyện, Chương thứ III, Mục XVII -
Cho tới thời hiện đại, nó đã trở thành một câu chuyện dân gian được nhiều người biết tới khi nhắc tới vị trạng nguyên này, thường được tuyên truyền như một trong những minh chứng cho thấy sự nhanh trí của người Việt Nam ta. Tới đây thì hẳn mọi người đều đã cảm thấy thán phục tài năng của một vị trạng nguyên đất Việt có thể làm cứng lưỡi hết thảy văn võ bá quan thiên triều rồi đúng không nào?
Với những ai cảm thấy quả đúng như vậy, các bạn nên cân nhắc dừng đọc bài viết tại đây để tránh bị thất vọng. Còn với những ai cảm thấy ngờ vực, hoặc đơn giản là tò mò thì có thể tạm gác lại câu chuyện của Mạc Đĩnh Chi để cùng tìm hiểu về một biểu tượng trong văn hóa Á Đông: "tứ quân tử".

TỨ QUÂN TỬ

"Tứ quân tử" (四君子) ở đây không phải là để chỉ bốn bậc vĩ nhân nổi tiếng nào đó trong lịch sử, mà là danh hiệu để chỉ bốn loài cây biểu trưng cho hình tượng người quân tử thời phong kiến: Mai, Lan, Trúc, Cúc. Đây vốn là đề tài quen thuộc trong hội họa Á Đông. Các học giả Trung Quốc ngay từ thời cổ đại đã đưa ra những cảm giác và ý nghĩa khác nhau đối với cây cối và cây cối xung quanh họ để tượng trưng cho những tính cách, những phẩm chất khác nhau của một con người, và các loài hoa này đều có trong mình những nét thẩm mĩ thoát tục riêng, rất giống với những nét của hình mẫu người quân tử hoàn hảo của nền Nho học. Bởi vậy nên các văn nhân Trung Quốc đã ái mộ mà đặt tên cho nhóm bốn loại cây này là "tứ quân tử".
Đứng đầu "tứ quân tử" chính là MAI. Cần lưu ý rằng cây mai vàng phổ biến mà chúng ta biết ngày nay thực ra lại chẳng liên quan gì đến cây mai đứng đầu "tứ quân tử" này cả. Mai ở đây là mơ, hay còn có tên gọi khác là mận. Đây là một loại cây có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc, giỏi chịu gió rét nên đã được con người thuần hóa từ hơn 3000 năm trước với đa dạng chủng loại phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Hoa mai có thể chiết xuất lấy tinh dầu; lá, rễ và hạt mai có thể dùng làm thuốc. Quả mai ăn giải khát rất tốt, có tác dụng bồi bổ cơ thể. Nhìn chung, đây là một loài cây mang tới nhiều ý nghĩa cho đời sống con người.
Trong văn hóa Á Đông, mai là loài hoa đứng đầu trong mười loài hoa nổi tiếng nhất. Nó vừa được xếp vào "tứ quân tử" cùng với lan, trúc, cúc lại vừa được xếp vào “hàn quý tam hữu” (ba người bạn của mùa lạnh) cùng với trúc và tùng. Mai là loài hoa nở vào mùa đông và chớm xuân, có thể nói là ngạo sương đấu tuyết, mạnh mẽ vươn mình đón lấy cái giá buốt mà nở trước trăm hoa, màu sắc vừa mỹ lệ vừa siêu phàm thoát tục, biểu trưng cho tính cách cao khiết, kiên cường, là động lực để con người nhìn vào mà phấn đấu. Tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch từng có bài thơ ngợi ca loài hoa này rằng:
“Tường giác sổ chi mai, Lăng hàn độc tự khai. Dao tri bất thị tuyết, Vị hữu ám hương lai.” Dịch thơ: "Vài cành mai góc tường Lặng nở lạnh trong sương. Xa biết không là tuyết Vì hương thầm nhẹ vương." - Mai hoa -
Vương An Thạch
Vương An Thạch
Kế tiếp là hoa LAN, tức phong lan Trung Hoa (có thể kể đến một số loại tiêu biểu như huệ lan, lan Phúc Kiến, mặc lan và hàn lan). Người Trung Quốc đã có thú chơi lan từ hơn 1000 năm trước với Kim Chương lan phổ là bộ chuyên trứ về hoa lan sớm nhất của Trung Quốc hiện còn được lưu giữ, do Triệu Thời Canh thời Nam Tống biên soạn.. Khác với lan nhiệt đới phổ biến hiện nay vốn đẹp một cách rực rỡ với hoa to lá rộng, lan Trung Hoa lại mang dáng vẻ kiều diễm mảnh mai, thanh tao quý phái. Như bao loài lan khác, hương lan Trung Hoa thơm thoang thoảng, có khí chất giản dị trầm mặc. Người Trung Hoa từ xưa có từ “lan chương” để ngợi ca những áng văn tuyệt mĩ, lại có từ “lan giao” để chỉ những mối tình tri kỉ, đều là liên tưởng tới những đặc tính thanh khiết thoát tục ấy của hoa lan.
Giống như những loài lan khác, phong lan Trung Hoa trong tự nhiên thường mọc nơi hẻo lánh, tựa hồ không màng thế tục, chẳng vướng bận đua tranh với đời. Bởi vậy mà loài hoa này cũng là biểu tượng của sự khiêm tốn, cao khiết mà người quân tử nào cũng cần phải có vậy. Danh sĩ Tiết Võng thời nhà Minh có bài thơ cảm khái rằng:
“Ngã ái u lan dị chúng phương, Bất tương nhan sắc mị xuân dương. Tây phong hàn lộ thâm lâm hạ, Nhậm thị vô nhân dã tự hương.” Dịch thơ: "Ta mến lan kia khác mọi loài, Chẳng đem nhan sắc nịnh lòng trời. Gió tây sương lạnh trong rừng thẳm, Vẫn ngát hương dù chẳng bóng người." - Lan hoa -
Đứng thứ ba trong “tứ quân tử” là TRÚC. Với người Trung Quốc, trúc cực kì phổ biến ngay từ thời cổ đại. Có thể dễ bắt gặp một cây trúc đâu đó bên đường, trên núi, ven hồ, trong sân đình, cạnh miếu mạo ở khắp Trung Hoa. Cũng bởi vậy mà cây trúc đã đi sâu vào trong từng ngõ ngách đời sống văn hóa của con người xứ Trung Nguyên vậy.
Trúc ngay thẳng, đầy tiết tháo, hiên ngang là tượng trưng cho sự chính trực có thể đứng vững trước gió bão mà không hề bị gục ngã, ngạo nghễ giữa đời như một đấng anh hùng. Loài cây này mang một vẻ đẹp tuy mảnh mai mà lại khỏe khoắn như thế, cho nên được coi là hình mẫu cho tính cương trực, không kiêu ngạo, tiêu sái xử thế mà người quân tử phải noi theo. Tô Đông Pha từng có lời khen:
“Khả sử thực vô nhục, Bất khả cư vô trúc. Vô nhục linh nhân sấu, Vô trúc linh nhân tục.” Dịch thơ: “Ăn có thể không thịt, Ở chẳng thể thiếu trúc. Không thịt ắt người gầy, Thiếu trúc e người nhục." - Trích "Ư Tiềm tăng Lục Quân hiên" -
Cuối cùng chính là hoa CÚC. Loài hoa này để lại dấu vết về sự tồn tại của mình trong đời sống nhân loại cách đây ít nhất 3000 năm ở khu vực Đông Á và Đông Bắc u. Dĩ nhiên, hoa cúc được nói đến ở đây là hoa cúc Đông Á, vốn được người Trung Quốc nuôi trồng như một loại thảo mộc từ hơn 2500 năm trước. Trải qua một quá trình thuần hóa lâu dài đến vậy, hiển nhiên là sẽ có vô số giống cúc khác nhau với kiểu dáng, kích thước và mùi hương vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong số đó vẫn luôn là cúc bách nhật, như thường thấy được miêu tả trong những bức tranh thủy mặc.
Cúc vừa thanh lệ trang nhã, vừa trác việt siêu phàm, không vì đua xuân mà nở, hạ cũng chẳng cùng hoa thơm cỏ lạ tranh liệt. Mùa thu hoa cúc nở vàng, phiêu diêu tự tại mặc đời quần phương. Khi đông tới, cúc trải sương giá mà không héo hon, tựa hồ như có ý chí thách đố đất trời. Bởi vậy mà cúc đã trở thành biểu trưng cho sự trường thọ, cho nhân cách cao thượng, ngạo nghễ bất khuất của người quân tử. Đào Tiềm, một thi nhân lừng danh đời Tấn từng ngợi ca rằng:
“Thu cúc hữu giai sắc Ấp lộ chuyết kỳ anh, Phiếm thử vong ưu vật, Viễn ngã di thế tình.” Dịch thơ: "Cúc mùa thu sắc đẹp Ta hái nhành đẫm sương Thả nhành hoa vào rượu Tự uống và tự rót" - Trích "Ẩm tửu kỳ" bài số 7 -
Có thể nói, hình tượng những loài hoa trên từ lâu đã mang trong mình bóng dáng của người quân tử, thế nhưng việc tập hợp chúng lại với nhau để tạo nên khái niệm "tứ quân tử" kể trên có từ bao giờ thì vẫn là vấn đề còn tranh cãi. Tuy được ghi nhận dưới dạng một định nghĩa chính thức trong “Mai Trúc Lan Cúc tứ phổ” của Phượng Hoàng Trì thời Minh, thế nhưng việc bốn loại cây này được nhắc đến một cách có liên kết với nhau hẳn đã xuất hiện trước đó từ lâu.
Có thể lưu ý rằng vào thời Tống hội họa thủy mặc (vẽ tranh bằng bút cọ và mực mài) vô cùng phát triển, trong đó nổi bật hơn cả là bốn mặc phái (trường phái hội họa) sau: mặc trúc với danh họa Văn Đồng và Tô Đông Pha, mặc mai với Thôi Bạch, mặc lan với Trịnh Tư Hữu và Triệu Mạnh Kiên, cho đến mặc cúc với Triệu Xương và Hoàng Cư Bảo. Tất cả những danh họa này đã gây dựng một nên mảnh đất nghệ thuật rộng rãi, khai phóng một con đường vững chắc giúp cho hội họa các triều đại kế tiếp được phát triển dễ dàng. Rất có thể chính từ đây mà hình tượng "tứ quân tử" đã được hình thành, dần đi trở thành một khuôn mẫu của văn hóa đồng văn.
Tựu trung, hình tượng "tứ quân tử" mai, lan, trúc, cúc bước vào trong văn hóa Á Đông và trường tồn với thời gian trước là bởi chúng gắn liền với nghệ thuật (đặc biệt là hội họa), sau là bởi hàm hữu ý vị tượng trưng cho cốt cách chí khí của người quân tử vậy.

CHIM SẺ KHÔNG ĐƯỢC ĐẬU CÀNH TRÚC NHƯNG LẠI ĐƯỢC ĐẬU CÀNH MAI?

Đến đây, ta có thể quay về với câu chuyện của Mạc Đĩnh Chi. Vào thời Nguyên, mặc trúc đã thịnh hành với các danh gia như Cao Phòng Sơn, Lý Tức Trai, Kha Cửu Tư, Nghê Vân Lâm, Ngô Trọng Khuê, Cố Định Chi, Triệu Mạnh Phủ, Quản Trọng Cơ… Đặc biệt, Lý Tức Trai đã thâm nhập một ngôi làng trúc, nghiên cứu mọi tư thế của cây trúc, viết thành một quyển sách để đời gọi là Trúc phổ. Kha Cửu Tư biên soạn quyển Họa trúc phổ nghiên cứu họa pháp về trúc đời Tống, có thể xem là sách gối đầu giường cho người sơ học.
Chim sẻ tức ma tước (麻雀) là cách gọi chung của một số loài chim thuộc bộ Sẻ được phân bố trên khắp thế giới. Hình tượng loài chim sẻ từ lâu đã đi vào trong văn hóa nhân loại nói chung và văn hóa Á Đông nói riêng, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong hội họa Trung Hoa trung đại, các bức họa về chim sẻ tương đối phổ biến. Do đó, trong dinh của người Nguyên có bức họa chim sẻ đậu trên cành trúc thì cũng là lẽ thường tình.
"Sơn tiêu hàn non", vẽ dưới thời Tống, không rõ niên đại
"Sơn tiêu hàn non", vẽ dưới thời Tống, không rõ niên đại
Như đã nêu từ phần trên, Mạc Đĩnh Chi quyết định xé bức họa là bởi ông “cho rằng” chim sẻ là kẻ tiểu nhân nên không thể ngồi lên đầu trúc là người quân tử. Quả đúng là về mặt tiêu cực, sẻ được xem như là giống chim thiếu tham vọng và ham khoái lạc bậc nhất trong số tất cả cả loài chim. Có lẽ vì đại biểu cho chìm đắm sắc dục và không có chí tiến thủ, cho nên Mạc Đĩnh Chi đã viện vào cớ này để đưa ra lập luận rằng chim sẻ là đồ tiểu nhân, không đồng cấp với trúc là người quân tử chăng? Hãy cứ tạm coi như rằng vế này trong lập luận của Mạc Đĩnh Chi là có lý. Thế nhưng chẳng phải chính Mạc Đĩnh Chi cũng thừa nhận rằng vào thời kì này phổ biến sự tồn tại của motif hội họa chim sẻ đậu cành mai đó sao?
Đến đây thì dường như chúng ta đã thấy được một lỗ hổng lớn trong lập luận của Mạc Đĩnh Chi: mai và trúc từ rất xưa đã đều là biểu tượng của người quân tử, hơn nữa về mặt thứ tự trong “tứ quân tử” thì mai còn xếp trước trúc. Thế nhưng, thái độ của người Nguyên khi nghe những lập luận của Mạc Đĩnh Chi thì lại vô cùng hài lòng. Có gì đó không đúng cho lắm ở đây…

THỰC CHẤT LÀ CÂU CHUYỆN VỀ "VĂN HIẾN CHI BANG"?

Dù chỉ là một giai thoại, nhưng trước đó, các sách chính sử cũng có ghi nhận về sự kiện này, đại khái thì câu chuyện vẫn vậy tuy các tình tiết có đôi chút khác biệt:
“Đĩnh Chi dáng thấp bé, người Nguyên khinh ông. Một hôm viên tể tướng mời ông vào phủ cho cùng ngồi. Lúc ấy, đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời: - Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẽ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẽ. Trúc là bậc quân tử, chim sẽ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân. Mọi người đều phục tài của ông.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Trần, mục Anh Tông Hoàng đế -
“Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh bỉ. Trong phủ Tể tướng nhà Nguyên có bức tranh thêu chim sẻ vàng đậu trên cành trúc. Đĩnh Chi kéo con chim sẻ xuống xé nát ra, người Nguyên hỏi cớ sao? Ông nói: "Cổ nhân có vẽ mai và tước, chưa thấy vẽ trúc và tước (sẻ). Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, bức trướng thêu này là đưa tiểu nhân đặt lên trên quân tử, nên tôi vì Thánh triều mà trừ mối tệ ấy đi.” - Việt sử tiêu án, mục nhà Trần, tiểu mục Anh Tôn Hoàng đế -
Đầu tiên, trong các phiên bản được chép lại trong chính sử này, không tồn tại tình tiết Mạc Đĩnh Chi thực sự nhìn nhầm con chim sẻ trong tranh thành thật. Điều này đồng nghĩa với việc Mạc Đĩnh Chi có chủ ý phá bức tranh ngay từ đầu. Tức là ông đã có một mục đích cụ thể để làm việc đó, không phải là phản ứng chống chế như trong phiên bản dân gian.
Thứ hai, lập luận của Mạc Đĩnh Chi trong các phiên bản chính sử không phải là chim sẻ không nên vẽ đậu trên cành trúc, mà mở rộng ra thành chim sẻ không nên được vẽ vào chung một cảnh với loài cây này. Dù vậy thì nó vẫn vô cùng mâu thuẫn. Lí do như đã nói ở trên, vào thời điểm Mạc Đĩnh Chi lĩnh nhiệm vụ đi sứ thì việc tồn tại dạng tranh vẽ chim sẻ - trúc là tương đối phổ biến rồi, sao lại bảo là chưa nghe bao giờ? Mà cứ giả như không phổ biến tại An Nam dẫn đến Mạc Đĩnh Chi không biết, thì theo dựa lập luận của Mạc Đĩnh Chi, tranh vẽ sẻ - trúc và sẻ - mai đều là ghép cặp tiểu nhân với quân tử, hà cớ gì mà một cái được xem là bình thường, một cái được xem là bất thường?
Như vậy là dù có xét phiên bản nào thì cũng không thể hợp lý hóa cho lập luận của Mạc Đĩnh Chi. Các sử gia thời phong kiến đều phải là bậc nho học hiểu biết, tuyệt đối chẳng vô cớ đưa một lập luận đầy mâu thuẫn như thế vào trong sử sách mà chẳng có lấy một lời chú giải nào.
Tới đây, chúng ta buộc phải đi đến một kết luận tuy táo bạo nhưng cũng khả dĩ nhất: đó là câu chuyện được đưa vào với mục đích ngầm khinh thường nhà Nguyên.
Cương thổ nhà Nguyên năm 1294
Cương thổ nhà Nguyên năm 1294
Chúng ta đều biết rằng nhà Nguyên được lập ra bởi người Mông Cổ. Về sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, thì đế quốc được chia làm nhiều Hãn quốc. Đại Mông Cổ quốc thuộc về các hậu duệ của Đà Lôi - con út của Thành Cát Tư Hãn. Năm 1271, Đại Hãn là Hốt Tất Liệt đã đổi tên đế quốc thành Nguyên, và đến năm 1279 thì tiêu diệt hoàn toàn nhà Tống, làm chủ toàn bộ Trung Hoa. Trước đó, người Mông Cổ là dân du mục, trái với lối sống nông nghiệp định cư của người Á Đông. Đồng thời, người Mông Cổ cũng không được tính vào văn minh Á Đông. Do đó, dưới con mắt của các quốc gia đồng văn khác, thì dù nhà Nguyên đã làm chủ được Trung Nguyên nhưng họ lại không phải là triều đại xứng đáng kế tục nền phong hóa Á Đông, mà chỉ đơn giản là bọn man di cướp nước, phá hủy nền văn hiến.
Lý thuyết địa chính trị “dĩ Hoa vi Trung” (以華為中) luôn coi vùng văn minh, ứng với chính quốc gia đối tượng theo thuyết này là “trung quốc” (中國) hay “trung hoa”, “Trung Hạ”, “trung thổ”, “trung châu”, “Hoa Hạ”... Dù có nhiều cách gọi khác nhau, thế nhưng những từ này đều có chung hàm ý rằng đó khu là vực trung tâm của thế giới và các chính thể coi quản vùng đất ấy được gọi “thiên triều” (天朝) hoặc “thượng quốc”, nghĩa là có sứ mạng “dụng Hạ biến Di” (用夏變夷) hay cụ thể hơn là giáo hóa văn minh cho những xứ kém văn minh hơn, mở rộng phạm vi của vùng đất trung tâm này:
“Tôi nghe rằng, dùng đạo Hoa Hạ để biến hóa cái tục man di, chứ chưa nghe biến hóa về tục man di bao giờ.” - Mạnh Tử, Đằng Văn Công chi thượng -
Trái với nơi tồn tại nền văn minh đỉnh cao ấy là bốn phương xung quanh, tức Tứ di (四夷) gồm Đông Di (東夷), Tây Nhung (西戎), Nam Man (南蠻) và Bắc Địch (北狄). Những nơi này chỉ tồn tại các nền văn hóa kém văn minh hơn, cần phải được giáo hóa. Một khi chấp nhận sự giáo hóa này thì những người thuộc Tứ di ấy cũng sẽ trở thành một phần của “trung quốc”, tức là đạt được trạng thái văn minh.
Tư liệu cổ nhất đề cập ý thức hệ này là Chiến quốc sách do Lưu Hướng thời Tây Hán chủ biên, nhưng thực chất bổ khuyết những tư liệu đời trước:
“Tôi nghe nói Trung Quốc là nước của những người thông minh tài trí, chỗ tụ hợp của những tài sản vật dụng, là đất được các vị hiền giả thánh nhân giáo hoá, chỗ thi hành điều nhân điều nghĩa, chỗ mà Thi, Thư, Lễ, Nhạc được dùng, các kỹ nghệ mới mẻ được thí nghiệm; nó là nơi mà các người phương xa quan chiêm, các rợ man di noi gương mà hành động.” - Chiến quốc sách, Triệu sách, Triệu II, Vũ Linh vương bình trú nhàn cư -
Kế tục Chiến quốc sách, ý thức hệ dần hoàn thiện theo thời gian và đạt đến đỉnh cao trong suốt các triều đại phong kiến Trung Hoa thời kì sau. Hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam nói riêng và những nước khác trong khối đồng văn nói chung đều tiếp thu tư tưởng này và tự coi mình là “trung quốc”.
Sau sự sụp đổ của Nam Tống, triều đình của các nước đồng văn đương thời giờ đây đều tự xem mình là nhà nước kế tục chính thống duy nhất còn lại của văn hiến Á Đông, tức "trung quốc" giờ đây không còn ứng với lãnh thổ của nhà Nguyên nữa mà chỉ còn ứng với quốc gia của họ. Trọng trách của những nhà nước kế tục văn hiến Hoa Hạ này chính là phải lĩnh giữ lấy lẽ chính thống và lề thói văn minh. Tất nhiên, nhà Trần cũng không phải ngoại lệ. Hịch tướng sĩ (viết năm 1284, 5 năm sau sự sụp đổ của nhà Nam Tống) đã phản ánh khá rõ quan điểm đương thời này:
Nguyên văn: “為中國之將侍立夷宿而無忿心.” Phiên âm: "Vi trung quốc chi tướng, thị lập di tú nhi vô phẫn tâm." Dịch: “Thân làm tướng của “trung quốc”, phải hầu giặc mà không biết giận.” - Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Dụ chư tì tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ) -
Trong các văn bản chữ Hán hiện nay của Hịch tướng sĩ, từ “trung” (中) đã bị điều chỉnh lại thành bị sửa thành “bang” (邦). Với các bản dịch Toàn thư, từ “trung quốc” lại được dịch thành “nước ta”, “trong nước”. Điều này khiến cho bất cứ ai có được một lượng kiến thức căn bản về Hán tự sẽ đều nhận ra lỗi ngữ pháp ở những chỗ đó. Dĩ nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì trừ những người thực sự có đam mê hoặc theo đuổi chuyên ngành liên quan đến Hán tự thì chẳng mấy ai thực sự kiểm tra tới phiên bản chữ Hán để mà đối chiếu cả. Nên những sự lấp liếm này cứ thế lâu dần trở thành một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, đây là vấn đề tế nhị nên chúng ta sẽ không đào sâu vào thêm nữa, chỉ cần biết rằng nước ta đã từng tiếp thu một cách tích cực văn hóa Hoa Hạ đến mức tự nhận mình là “trung quốc” là đủ.
Thiền Tông khóa hư ngữ lục của Trần Thái Tông khi bàn về sự quý báu của thân thể con người có đoạn viết:
“Người nay chẳng biết, lại quý vật mà rẻ thân, chẳng hay thân mình có ba điều khó gặp […] Một là, trong lục đạo chỉ có người là quý […] có kẻ bị đọa xuống đạo Địa ngục, A Tu La, Ngạ quỷ, Súc sinh, không được làm người […] Hai là, đã được sinh ra làm người nhưng lại có kẻ sinh ra ở nơi man di, tắm thì chung sông, nằm thì rọ chân, sang hèn ở lẫn, trai gái sống chung, chẳng đượm gió nhân, chẳng nhuần giáo hóa […] Ba là, đã được sinh ra ở “trung quốc”, nhưng sáu căn không đủ, bốn thể chẳng toàn, mù điếc ngọng câm […] tuy ở trong Hoa Hạ cũng hệt như ở ngoài hoang dã. Nay đã làm người, được sinh ra ở “trung quốc”, lại có đủ sáu căn, há chẳng quý lắm sao?” - Trần Thái Tông, Thiền Tông khóa hư ngữ lục -
Một phần của bức họa "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ", vẽ cảnh vua Trần Anh Tông cùng triều thần đón Trúc Lâm đại sĩ (tức Thượng hoàng Trần Nhân Tông).
Một phần của bức họa "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ", vẽ cảnh vua Trần Anh Tông cùng triều thần đón Trúc Lâm đại sĩ (tức Thượng hoàng Trần Nhân Tông).
Tới tận thời Hậu Lê, sau khi nhà Minh lật đổ nhà Nguyên, khôi phục lại văn minh Hoa Hạ thì quan điểm này vẫn còn tồn tại ở nước ta và được phản ánh qua các ghi chép trong Đại Việt Sử ký Toàn thư:
Nguyên văn: “甲申四年宋崇寕三年 春二月命李常傑伐占城 初李覺亡占城言中國虚實” Phiên âm: “Giáp Thân, tứ niên [Tống Sùng Ninh tam niên]. Xuân, nhị nguyệt, mệnh Lí Thường Kiệt phạt Chiêm Thành. Sơ Lí Giác vong Chiêm Thành, ngôn trung quốc hư thực.” Dịch: “Giáp Thân, /Long Phù/ năm thứ 4 [1104], (Tống Sùng Ninh năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, sai Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành. Bấy giờ Lý Giác thua chạy tới Chiêm Thành, nói tình hình hư thực của “trung quốc”. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Lý, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Nguyên văn: “丁未[明宣德二年] [...] 八月諭天下曰賊在中國民猶未定於汝安乎昔胡氏無道賊因此而奪我 國家 虐害之中爾眾已見之矣 且已一年用力之艱難而有萬年太平之機業其熟思之毋貽後悔” Phiên âm: “Đinh Mùi [Minh Tuyên Đức nhị niên]. [...] Bát nguyệt dụ thiên hạ viết: 'Tặc tại trung quốc dân do vị định ư nhữ an hồ? Tích Hồ thị vô đạo, tặc nhân thử nhi đoạt ngã quốc gia. Ngược hại chi trung nhĩ chúng dĩ kiến chi hĩ. Thả dĩ nhất niên dụng lực chi gian nan nhi hữu vạn niên Thái Bình chi cơ nghiệp, kì thục tư chi, vô di hậu hối.' Dịch: “Đinh Mùi, [1427], (Minh Tuyên Đức năm thứ 2). [...] Tháng 8, ban dụ cho cả nước rằng: 'Giặc còn ở “trung quốc”, dân chúng vẫn chưa được yên, liệu các ngươi có yên được không? Trước kia, họ Hồ vô đạo, giặc thừa dịp ấy mà cướp nước ta. Tội ác tàn bạo của chúng, các ngươi cũng đã thấy cả rồi. Vả lại, ra sức khó nhọc trong một năm mà có cơ nghiệp thái bình muôn thuở, các ngươi hãy nghĩ cho kỹ điều đó, chớ để phải hối hận về sau.' - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tổ Cao Hoàng đế -
Nguyên văn: “時胡簒陳祚明人南侵郡縣我彊域臣妾我兆庶法峻刑苛賦繁役重 凡中國豪傑之士多陽假以官安𢮿于北 帝智識過人明而能剛不爲官爵所誘威勢所怵 明人巧計百端終不䏻致也” Phiên âm: “Thời Hồ soán Trần tộ, Minh nhân nam xâm quận huyện ngã cương vực, thần thiếp ngã triệu thứ, pháp tuấn hình hà, phú phồn dịch trọng. Phàm trung quốc hào kiệt chi sĩ, đa dương giả dĩ quan, an quải vu Bắc. Đế trí thức quá nhân, minh nhi năng cương, bất vi quan tước sở dụ, uy thế sở truật. Minh nhân xảo kế bách đoan, chung bất năng trí dã.” Dịch: “Bấy giờ, họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, rồi quân Minh xâm lược nước Nam, chia cắt nước ta thành quận huyện, bắt nhân dân ta làm tôi tớ, luật pháp phiền hà khắc nghiệt, thuế má lao dịch nặng nề. Đối với những người hào kiệt của “trung quốc”, chúng phần nhiều vờ trao cho quan tước rồi đem về an trí ở phương Bắc. Vua hiểu biết hơn hẳn mọi người, sáng suốt và cương quyết, không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục. Người Minh đã dùng trăm phương ngàn kế xảo trá, vẫn không dụ được vua.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Lê, mục Thái Tổ Cao Hoàng đế -
Nguyên văn: “丁丑光紹二年[明正德十二年] [...] 閏十二月誅賊臣黎廣度 先是廣度降于陳暠 至是鎮将何𢒎鶽音準]阮魯等捉得解送京師 莫登庸上奏請誅之其畧曰三綱五常扶植天地之棟幹奠安生民之柱石 國而無此則中夏而夷狄人而無此則衣裳而禽犢 [...] 誠犬彘之不若曾蜂蟻之不如 今謹僃奏聞 廣度遂坐誅” Phiên âm: “Đinh Sửu Quang Thiệu nhị niên [Minh Chính Đức thập nhị niên]. [...] Nhuận, thập nhị nguyệt, tru tặc thần Lê Quảng Độ. Tiên thị, Quảng Độ hàng vu Trần Cảo. Chí thị, trấn tướng [Hà Phi Chuẩn [âm chuẩn] Nguyễn Lỗ đẳng tróc đắc giải tống Kinh sư. Mạc Đăng Dung thượng tấu thỉnh tru chi, kì lược viết: 'Tam cương ngũ thường phù thực thiên địa chi đống cán, điện an sinh dân chi trụ thạch. Quốc nhi vô thử tắc Trung Hạ nhi Di Địch, nhân nhi vô thử tắc y thường nhi cầm độc. [...] Thành khuyển trệ chi bất nhược, tằng phong nghị chi bất như. Kim cẩn bị tấu văn.' Quảng Độ toại toạ tru.” Dịch: “Đinh Sửu, Quang Thiệu năm thứ 2 [1517], (Minh Chính Đức năm thứ 12). [...] Tháng 12 nhuận, giết tặc thần Lê Quảng Độ. Trước đây, Lê Quảng Độ đầu hàng Trần Cảo. Đến đây, bọn trấn tướng Hà Phi Chuẩn, Nguyễn Lỗ bắt được giải về Kinh sư. Mạc Đăng Dung dâng sớ xin giết đi, đại ý nói: 'Tam cương ngũ thường là rường cột chống đỡ trời đất, là trụ đá giữ yên sinh dân. . Nước mà không có cương thường thì tuy là Trung Hạ cũng có khác nào Di Địch, người không có cương thường, tuy mặc áo xiêm cũng hoá chim muông. [...] Thực không bằng loài chó lợn, lại kém cả lũ kiến ong. Nay xin kính cẩn tâu lên' Quảng Độ bị xử tử.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Kỷ nhà Lê, mục Chiêu Tông Thần Hoàng đế -
Ngoài Toàn thư, một ghi chép khác là Dư địa chí của Nguyễn Trãi cũng ghi nhận xu thế văn hóa tương tự:
“Người “trung quốc” ta không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp đề làm loạn phong tục quốc gia. "Vô" là lời cấm chỉ. Tiếng Ngô nói đầu lưỡi, phải dịch rồi mới biết; tiếng Lào nói trong họng; tiếng Xiêm, Chiêm, Chân Lạp nói trong có như tiếng chim quẹt; nhưng đều không được bắt chước để loạn tiếng nói nước nhà. Người Ngô bị chìm đắm đã lâu ở trong phong tục người Nguyên, bện tóc, răng trắng, áo ngắn có tay dài, mũ, xiêm rực rỡ như từng lớp lá. Người Minh tuy khôi phục lại lối ăn mặc cũ của thời Hán, thời Đường, nhưng phong tục vẫn chưa biến đổi. Người Lào lấy vải lông quấn vào người như áo cà sa nhà Phật. Người Chiêm lấy khăn che dài mà để lộ hình thể. Người Xiêm La, người Chân Lạp lấy vải bọc tay và gối như bó thủy chết. Các tục ấy đều không nên theo đề làm loạn phong hóa. Lý thị nói: Từ khi người Nguyên vào “trung quốc”, về sau thiên hạ biên thành nói tiếng Hồ, mặc áo Hồ. Không thay đổi chỉ có nước ta cùng họ Chu ở Kim Lăng, họ Triệu ở Kim Sơn mà thôi. Đền khi Thái tổ nhà Minh lên làm vua, sai Dịch Tề Dân sang thông hiếu, vua Dụ Tông sai Doãn Thuần Thần sang công sinh nhà Minh. Vua Minh úy lạo hỏi quốc sứ khen phong tục, y phục vẫn giống như văn minh Hoa Hạ, ban cho bài thơ ngự chế rằng: An Nam tế hữu Trần, Phong tục bắt Nguyên nhân; Y quan Chu chế độ, Lễ nhạc Tống quân thần. Rồi ban cho bốn chữ “Văn hiến chi bang”. Lại nhắc sứ nước ta lên trên sứ Triều Tiên ba cấp; khi sứ về, lại sai Ngưu Lượng đem long chương và ấn vàng cùng đi sang để khen thưởng nhà vua.” - Dư địa chí, chương XLVIII -
Chính bởi thái độ coi thường này, thế nên các sử gia nước ta mới dễ dàng đưa câu chuyện vốn có đầy lỗ hổng trong lập luận của Mạc Đĩnh Chi vào trong chính sử mà không có sự sửa đổi nào cho phù hợp, hay chí ít là lên tiếng phân tích để làm rõ vấn đề. Bởi vì như đã nói, mục tiêu của các sử gia trung đại chính là ngầm chê bai người Nguyên man di nên không biết gì về khái niệm “tứ quân tử”, cho nên dù Mạc Đĩnh Chi có cố tình nói bậy thì người Nguyên cũng không biết lấy gì ra để phản bác. Với phiên bản trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, truyện chỉ đề cập đến việc người Nguyên chỉ đơn giản là phục tài của Mạc Đĩnh Chi chứ không hề nhận xét điều ông nói là đúng hay sai, tức là họ xem điều ông nói là một thứ gì đó rất cao siêu, thâm sâu. Điều này càng thêm phần củng cố cho giả thiết rằng Mạc Đĩnh Chi chỉ nói vậy để bóc mẽ người Nguyên vốn là bọn mọi rợ chẳng biết gì về đạo thánh hiền.
Đến đây thì chúng ta có thể chắc chắn rằng câu chuyện Mạc Đĩnh Chi xé bức tranh của tể tướng nhà Nguyên là một chi tiết rất thâm sâu được cài cắm vào trong chính sử để ngầm công kích nhà Nguyên, đồng thời tôn lên vị thế của Đại Việt, đất nước thừa kế nền văn hiến Á Đông sau sự sụp đổ của nhà Tống.
Cương thổ Đại Việt thời Trần
Cương thổ Đại Việt thời Trần

SỰ KHÔN LỎI BÁO HẠI CỦA DÂN GIAN

Tuy nhiên, trong khi chính sử đã làm tốt như vậy, thì phiên bản truyện dân gian đã thêm vào hai chi tiết khiến mọi thứ đảo chiều 180 độ: chi tiết Mạc Đĩnh Chi tưởng nhầm con sẻ trong tranh là sẻ thật và chi tiết người nhà Nguyên thấy lời của Mạc Đĩnh Chi là đúng với đạo lý.
Với phiên bản được ghi lại trong Đại Việt Sử ký Toàn thư và Việt sử tiêu án, hành động của Mạc Đĩnh Chi là cố tình, qua đó mới làm nổi bật lên mục đích công kích ngầm nhà Nguyên. Còn với phiên bản dân gian, hành động của Mạc Đĩnh Chi chỉ đơn thuần là chữa cháy cho pha hớ hênh trước đó, cũng như lập luận của ông nghiễm nhiên từ mang tính công kích ngầm thành não nảy số nhanh (nhưng như đã chứng minh phía trên, đây là một pha nảy số… hụt).
Với phiên bản truyện dân gian, những gì mà Mạc Đĩnh Chi nói đã trở thành “đúng quá không cãi được” (biện bác có lẽ). Tuy nhiên, trong 2 phiên bản trước đó được ghi chép trong chính sử thì không hề có chuyện này, bởi vì bất kì ai có hiểu biết một chút nhìn vào cũng thấy ngay là có sự mâu thuẫn trong lập luận của Mạc Đĩnh Chi. Bởi thế, từ một câu nói mang đầy tính móc mỉa thì nay đã thành một bài giảng đạo với kiến thức… sai bét từ đầu đến cuối. Điều kì lạ là mọi người trong câu chuyện lẫn người kể chuyện đều xem đó là chân lý, vô cùng đúng đắn. Quả thực hết sức nực cười.
Tổng kết lại, với trường hợp này chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng tác giả dân gian đã không hiểu được ẩn ý của các sử gia, do đó để giải thích cho hành động của Mạc Đĩnh Chi thì họ đã đưa thêm 2 chi tiết vào để có thể logic hóa câu chuyện này. Nhưng dường như lượng kiến thức của tác giả dân gian không đủ, dẫn đến việc sửa truyện trở thành thừa thãi, thậm chí phản tác dụng.
Và như đã biết, hậu quả của hành động “chữa lợn lành thành lợn què” này là cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn hiểu sai rằng những gì Mạc Đĩnh Chi nói là chuẩn xác, tức là chim sẻ (tiểu nhân) không được đậu cành trúc (quân tử) mà phải đậu cành mai (mà cũng lại là quân tử??) và khiến cho hành động của Mạc Đĩnh Chi trong câu chuyện không khác gì một tên khôn vặt ít học nhưng gáy rất to. Thế mới thấy, để những kẻ ít học động vào sách thánh hiền thì hậu quả mang lại có thể lớn tới cỡ nào!

KẾT

Vậy đó là toàn bộ những thông tin, biện giải của tác giả liên quan đến giai thoại chim sẻ đậu cành mai của Mạc Đĩnh Chi. Như bạn đọc đã thấy, câu chuyện này tưởng chừng nghe qua chỉ để cho vui, và tỏ rõ cái sự thông minh nhanh trí của Mạc Đĩnh Chi, một vị trạng nguyên của nước ta - đây cũng là điểm chung của nhiều tích truyện, giai thoại của nhiều nhân vật lịch sử khác. Tuy nhiên, thực tâm câu chuyện này mang nhiều hàm nghĩa sâu xa, và có ý đồ nhất định nên mới được chép vào chính sử. Vậy nhưng đáng tiếc là những người truyền bá câu chuyện này ra ngoài khuôn khổ sách sử để thành giai thoại đã không hiểu hết được dụng tâm của nó, cho nên mới thành ra việc thêm chi tiết và khiến câu chuyện trở nên bất hợp lý và khá sượng. Thật đáng buồn là tuy nhiều người biết và có khi thuộc lòng câu chuyện này, lại không nhận ra điểm bất hợp lý và dẫn đến hiểu sai ý nghĩa của nó nữa. u cũng là cái hại của việc không tìm hiểu rốt ráo ý nghĩa, ngọn ngành câu chuyện. Hy vọng rằng bài viết này đã có thể cung cấp cho bạn đọc những thông tin thú vị xung quanh giai thoại chim sẻ đậu cành mai của Mạc Đĩnh Chi, một câu chuyện tuy nhỏ, nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn vẻ bề ngoài.
Viết bài: Nguyễn Quốc Hoàn; biên tập và chỉnh lý: Hải Stark

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Nam Hải Dị nhân Liệt truyện
- Việt sử tiêu án
- Mạnh tử
- Chiến quốc sách
- Dư địa chí