BẠN CÓ ĐANG CHƠI TRÒ ĐUỔI BẮT VỚI THỜI GIAN CỦA ĐỜI MÌNH?
Dường như ai đó trong xã hội này cũng đang có một cảm giác rằng, mình đang chậm hơn người khác ở một khía cạnh nào đó.
Kế hoạch của đời bạn là do ai đề ra?
Thật kỳ lạ khi nơi tôi đang sống tồn tại một chiếc đồng hồ vô hình yêu cầu mỗi người phải tốt nghiệp đại học lúc 22 tuổi, thạc sĩ tuổi 24, và thành công trước tuổi 30. Chiếc đồng hồ này cũng yêu cầu mỗi cô gái phải cưới chồng sinh con vào năm 24 tuổi và yêu cầu mỗi chàng trai phải an cư lạc nghiệp trước khi 30 ập tới. Kỳ lạ hơn là chiếc đồng hồ này cứ tồn tại một cách nghiễm nhiên như thể Chúa trời đã tạo ra nó là một phần của tạo hoá.
Dường như ai đó trong xã hội cũng đang có một cảm giác rằng, mình đang chậm hơn người khác ở một khía cạnh nào đó. Nếu đang theo đuổi sự nghiệp, bạn có thể cảm thấy vồn vã khi nghĩ tới chuyện có con. Nếu đang dành thời gian xây dựng tổ ấm, bạn sẽ cảm thấy mình đang chạy theo sau những người đã có sự nghiệp ổn định. Việc cha mẹ giục đi học, giục cưới chồng hay cưới vợ cũng chính từ nỗi lo chậm deadline này mà ra.
Trong Tâm lý học, người đầu tiên nghiên cứu thực sự nghiên cứu sâu về vấn đề này vào nằm 1976 là khoa học Bernice Neugarten. Ông gọi những bản kế hoạch cuộc đời với những mốc thời gian cụ thể được một nhóm xã hội tương đối đồng thuận với cái tên "đồng hồ xã hội [social clock].
Vì sao tôi đang/phải sống theo kế hoạch của người khác?
Có những quan điểm thì cho rằng, chiếc đồng hồ này sinh ra để nhắc nhở mọi người “sống đúng giờ”, để đảm bảo sự tồn tại và thích nghi của ta trong một tổ chức xã hội. Bởi ta vốn tiến hoá như một động vật xã hội. Hãy tưởng tượng xem, nếu bạn đang sống trong bộ lạc của mình ở thời tiền sử, khi tất cả những thanh niên trai tráng trong bộ lạc đã đến tuổi đi săn bắn, một mình bạn vẫn lơ thơ nghịch ngợm cùng đám trẻ con.
Trong cuốn sách "Chiếc bẫy của sự hạnh phúc", nhà tâm lý học Russ Harris cho rằng: Việc não bộ được tiến hoá để so sánh bản thân ta với các thành viên các cùng loài, để ngăn cản việc ta bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, có thể nói, não bộ được "thiết kế" để đặt ra những câu hỏi như: - Tôi làm vậy đã đủ chưa? - Tôi làm vậy đã đúng chưa? - Những người ở độ tuổi tôi, họ đang làm gì?
Bản thân sự "xấu hổ" sinh ra cũng một phần để bạn cảm nhận được có điều gì đó "sai sai" ở đây, để bạn kịp thời chấn chỉnh bản thân và hòa nhập với những người xung quanh.
Vì vậy, sẽ khó lắm thay việc ngưng tự dằn vặt bản thân với nhưng câu hỏi về địa vị của chính mình trong một nhóm xã hội, hay ngưng tự so sánh bản thân với những cá thể cùng loài.
Thêm vào đó là những lời so đo “con nhà người ta” đã văng vẳng bên tai cả cuộc đời. Tốt hơn là con nhà người ta, “đúng giờ” hơn là con nhà người ta.
Vậy thì, mình còn lại gì? Mạng xã hội nói với chúng ta rằng, ta chẳng còn lại gì. Đẹp hơn là Insta người ta, vui hơn là Facebook người ta, nổi tiếng cũng đích thị là Tiktok người ta. Trên khắp các kênh tin tức, sự giỏi giang được nhấn mạnh bằng tuổi tác còn sự thành công lại được đong đếm bằng những tài sản hữu hình và những con số followers nhiều số 0 không đếm xuể.
Đến nỗi mà, một cách vô thức, chúng ta cũng đem thời gian mình đã tồn tại trên đời, và những thành công bản thân đã đạt được ra để so sánh với chừng ấy thứ ở con nhà người ta.
Một số người sẽ sống theo đúng kế hoạch của chiếc đồng hồ xã hội này nhưng một số khác thì không. Những lý do để đi chệch ra khỏi quỹ đạo này thì nhiều vô kể, có thể là bạn đang chưa biết mình đang muốn đi đâu tiếp, có thể đã đi được vài bước nhưng bạn quyết định ngừng lại để chăm lo cho sức khoẻ thể chất hoặc tinh thần của mình, cũng có thể, bạn quyết định đổi hướng sau khi đã đi được một nửa chặng đường.
Nói đến đây thôi đã thấy hơi mệt nhỉ?
Thật dễ để ta chạy theo chiếc đồng hồ xã hội và ti tỉ bản hướng dẫn sử dụng đi kèm theo nó. Và cũng thật dễ để ta chạy thật xa và từ chối đối mặt trực diện. Có phải, đã đến lúc ta ngừng chân để tự tìm cho bản thân chiếc đồng hồ phù hợp?
Thử điều chỉnh chiếc đồng hồ của riêng bạn
- Chiếc đồng hồ của bạn có hình gì? Đâu là những đặc điểm riêng của cuộc đời bạn? Bạn đề cao giá trị gì trong cuộc sống?
- Các mốc thời gian của riêng bạn là gì? Việc tự đề ra cho mình những mốc thời gian phù hợp sẽ khiến bạn bớt lo lắng hơn về chiếc đồng hồ của người khác. Hãy thử dành thời gian suy nghĩ về những điều bạn muốn làm trong 10 năm nữa và lập các kế hoạch nhỏ giúp bạn tiến tới điểm đó.
- Chiếc đồng hồ của bạn quay chậm hay nhanh? Bạn muốn đi với tốc độ nào để chạm tới những mốc thời gian bạn đã đề ra? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, tiềm lực, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ thể chất của bạn.
Mình cảm thấy tệ, giờ phải làm sao?
Ừ thì, tạm ngưng lại, mình cùng hỏi nhau một chút nhé?
- Lý do bạn đang đi với tốc độ của bạn là gì? Không có câu trả lời nào là đúng hay sai, miễn là bạn thấy câu trả lời đó phù hợp với mình.
- Bạn có đang dành quá nhiều thời gian so sánh mình với người khác? Hãy nhớ lại cảm giác khó chịu khi ba mẹ bạn so sánh bạn với "con nhà người ta". Bạn có đang tự làm vậy với mình?
- Bạn có chắc rằng tất cả những người "đúng giờ" đều hạnh phúc?
- Bạn có chắc rằng, việc lựa chọn làm một điều gì đó như kết hôn, đi học cao học chỉ vì bạn "sợ muộn" là chính xác? Bạn đã hiểu bản thân mình đủ chưa? Bạn có tự tin nói rằng, bạn đã sẵn sàng cho cuộc hôn nhân đó, hay những năm vùi đầu dùi mài kinh sử đó?
- Kể cả có "muộn giờ" đi chăng nữa, ai sẽ là người sẽ vẫn ở bên cạnh, yêu thương và trân trọng bạn?
- Cuối cùng, điều khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm, an yên, và bình thản mỗi khi nhìn vào “chiếc đồng hồ” của bản thân mình là gì?
Tác giả: Keira Ngo
Tranh: “The Persistence of Memory” - Salvador Dali (1931). Xét cho cùng, thời gian cũng chỉ là một khái niệm con người tự đặt ra để khiến cuộc sống đơn giản và tiện nghi hơn phải không?
Tham khảo:
Harris, R., & Hayes, S. (2011). The happiness trap. Shambhala Publications.
Neugarten, B. (1976). Adaptation and the life cycle. Counseling Psychologist.
WebMaster. (n.d.). Webmaster. Inner Planet. Retrieved August 18, 2022, from https://innerplanet.in/2021/06/the-social-clock-is-time-really-ticking/
Weiner, J. (n.d.). The Social Clock. Dr Jan Weiner REMAKE. Retrieved August 18, 2022, from https://www.drjanweiner.com/the-social-clock
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất