Hẳn mọi người đều không còn xa lạ gì với cái tên Zeus - một trong những vị thần Hy Lạp nổi danh nhất lịch sử nhân loại, chủ nhân tối cao của đỉnh Olympus, vua của các vị thần Hy Lạp. Tuy nhiên, bên cạnh những chiến tích hào hùng và quyền uy bá đạo, thì đại chúng ngày nay lại thường nhớ đến ông với những pha gái gú ngoài luồng đầy lùm xùm. Chính vì thế, nhiều người sau khi tiếp cận với thần thoại Hy Lạp thông qua các nguồn truyền thông đại chúng hiện đại đã nhanh chóng có cho mình một tư tưởng phê phán đối với Zeus, rằng ông không xứng đáng làm vua của các vị thần khi chỉ biết ăn chơi truỵ lạc và rảnh háng đi gây hoạ khắp nơi. Một số tác phẩm của văn hoá đại chúng đã được viết ra để chiều lòng những người theo hướng suy nghĩ này, tiêu biểu có thể kể tới dòng game God of War, loạt anime Record of Ragnarok hay phần phim mới nhất của Marvel là Thor: Love and Thunder. Vì vậy, trong bài viết lần này, chúng ta sẽ cùng đánh giá lại về hình tượng Zeus trong thần thoại, xem ông có thực sự xứng đáng là vị quân vương của Olympus, chúa tể của các vị thần Hy Lạp như cái cách người Hy Lạp cổ đại sùng bái hay không.
Tạo hình của Zeus trong Thor:<i> Love and Thunder.</i>
Tạo hình của Zeus trong Thor: Love and Thunder.
Dĩ nhiên, vì là đánh giá của nhóm bọn mình, thế nên nó hẳn sẽ chứa cả góc nhìn khách quan lẫn góc nhìn chủ quan. Tuy nhiên, bọn mình sẽ cố gắng bám sát các sự kiện trong thần thoại và hạn chế suy diễn nhất có thể. Và thứ hai, bọn mình muốn duy trì hai quan điểm đã được công nhận trong lịch sử, một là tiêu chuẩn đạo đức của người hiện đại không thể áp dụng cho thời cổ đại (nguyên tắc đạo đức của thời đại), và hai là đạo làm người thường thì không thể áp dụng lên đạo làm vua (nguyên tắc chính trị thực tiễn).
Quan điểm thứ nhất thì quá rõ rồi, vì thời thế khác nhau nên thứ mà ngày nay có thể xem là man rợ, là kinh khủng, là độc ác, có thể thời xưa nó lại là điều bình thường, thậm chí là anh hùng. Ví dụ vào thời cổ đại, luật pháp dựa trên quan điểm báo thù tương xứng, mắt đổi mắt, răng đổi răng, mạng đổi mạng thay vì mang tính răn đe thì ngày nay lại dựa trên quan điểm mang tính răn đe, cải thiện hành vi con người. Ngày xưa, nam nữ thụ thụ bất thân, ham muốn tình dục được xem như là thô tục và thấp hèn, thì ngày nay lại cho rằng việc quan hệ tình dục là nhu cầu cơ bản chứ không có gì xấu cả. Ngày xưa, phụ nữ bị khi thường, bị rẻ rúng, phải phụ thuộc vào nam giới thì ngày nay chúng ta có bình đẳng giới, có nữ quyền. Ngày xưa, người đồng tính bị xem là quái thai, là lệch lạc, là đáng lên án thì ngày nay, mọi xu hướng tính dục đều được tôn trọng. Ngày xưa, hiến tế người sống được xem là điều đúng đắn để ngăn chặn thiên tai... Tóm lại, lấy ra vài ví dụ như vậy là để thấy tiêu chuẩn đạo đức cũng có thể thay đổi theo thời gian, vậy nên khi xem xét một sự kiện, một vấn đề thì phải nên đặt nó vào trong đúng bối cảnh lịch sử cụ thể của nó, thay vì đem nhãn quan hiện đại áp đặt lên để phán xét vậy.
Người châu Mỹ xưa hiến tế máu cho các vị thần, người được chọn xem đó là cái chết vinh dự.
Người châu Mỹ xưa hiến tế máu cho các vị thần, người được chọn xem đó là cái chết vinh dự.
Quan điểm thứ hai thì cũng tương đối rõ ràng, bởi hẳn ai cũng biết kẻ làm vua có trách nhiệm lèo lái cho cả một quốc gia, gánh trên vai trọng trách đảm bảo lợi ích cho bách tính, vậy nên yêu cầu tiên quyết là phải nhìn cho đại cục mà bỏ qua tiểu tiết, tức là nếu thấy điều gì đó có lợi cho đại cục thì làm còn bất lợi thì gạt đi. Và đôi khi những thứ đạo đức của người bình thường như tư tình, ham muốn ích kỷ cá nhân… chính là các tiểu tiết ấy. Ví dụ như Đinh Tiên Hoàng để thống nhất nước ta đã sẵn sàng hi sinh đứa con trai đang bị bắt làm con tin của mình[1], hay như thái hậu họ Dương đã sẵn sàng phế con mình nhường ngôi cho Lê Hoàn để đất nước có một người thủ lĩnh đủ tài năng và uy nghiêm chống lại sự xâm lược của phương Bắc[2]... Cái này mình xin phép sẽ nói sâu hơn trong phân tích một số tình huống cụ thể ở phần sau.
Niccolò Machiavelli, người đã khái quát được những nguyên tắc chính trị thực tiễn với tác phẩm Quân vương.
Niccolò Machiavelli, người đã khái quát được những nguyên tắc chính trị thực tiễn với tác phẩm Quân vương.
Quay trở về với những gì Zeus đã thể hiện, theo đánh giá của mình, trong thần thoại Hy Lạp, ông có nhiều phẩm chất để trở thành chúa tể của các vị thần, xứng đáng được con người thờ phượng với tư cách vị vua tối cao nhiều hơn bất cứ một ai khác.

Anh hùng thời chiến

Trước hết là về cách mà Zeus lãnh đạo chúng thần trong mỗi cuộc chiến. Chúng ta biết rằng, kẻ làm thủ lĩnh tốt phải là kẻ đứng mũi chịu sào, trở thành trụ cột để tất cả nhìn vào, đương đầu với những vấn đề mà không ai có thể giải quyết được. Zeus chính là kiểu thủ lĩnh như thế.
Điều này thể hiện rất rõ ràng khi Typhon tấn công Olympus. Tất cả các vị thần đều lũ lượt bỏ chạy vì khiếp sợ trước sức mạnh của con quái vật, chỉ trừ có Zeus là vẫn ở lại để đối mặt với kẻ thù[3]. Theo một số bản thì Zeus có Selene tiên phong[4], hoặc có Athena và Dionysus ở lại sát cánh cùng[5]. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông vẫn phải đơn thương độc mã chiến đấu khi Selene bị hạ gục quá nhanh và Athena và Dionysus hoặc là vô dụng không đóng góp được chút nào trong cuộc chiến, hoặc thì lặn mất tăm, không tham chiến dù chỉ một giây nào khiến Zeus phải hớ hênh một phen. Nhìn chung với những trợ giúp cực kì ít ỏi đó, mấu chốt tiên quyết vẫn nằm ở tin thần đương đầu không sợ hãi của ông. Không ai có thể phủ nhận sự dũng cảm của vị thần vương trên đỉnh Olympus trong hành động này.
Hình vẽ Zeus chiến đấu với Typhon trên bình gốm hydria từ thành bang Chalcidia (thế kỷ VI TCN).
Hình vẽ Zeus chiến đấu với Typhon trên bình gốm hydria từ thành bang Chalcidia (thế kỷ VI TCN).
Và kết quả phần thắng sau cùng thuộc về Zeus, triều đình của Olympus được bảo toàn (trong những phiên bản Zeus chiến thắng Typhon ngay từ lần chạm trán đầu tiên[6]) hoặc được phục hồi (trong những phiên bản Zeus ban đầu bị Typhon đánh bại, nhưng sau đó được Pan và Hermes tiếp ứng, đảo ngược thế trận[7]). Tất nhiên là trong lịch sử, không thiếu trường hợp chủ động rút khỏi thủ đô tới vùng an toàn, vẫn có thể tập hợp lực lượng để phản công, nhưng cũng rất nhiều trường hợp việc người đứng đầu rút chạy khiến tinh thần tất cả sụp đổ và để lại những vết nhơ trong lịch sử đến mãi về sau. Trong các phiên bản kiểu sau, rõ ràng nếu như Zeus không ở lại chiến đấu, hẳn sẽ chẳng vị thần nào thèm quay về mà cứu Zeus bởi nếu một người thủ lĩnh mà hèn nhát bỏ chạy thì có cứu ông ta cũng nghĩa lý gì Thế mới thấy, việc sẵn sàng ở lại chiến đấu với Typhon chắc chắn là một dấu ấn chói lọi của Zeus ở vai trò kẻ đứng mũi chịu sào.
Và đó cũng không phải là lần duy nhất Zeus chứng minh phẩm chất này. Trong hai cuộc chiến lớn khác của Olympus là cuộc chiến khai quốc Titanomachy[8] chống lại triều đại Othrys của ông bố Cronus và trận chiến Gigantomachy[9] chống lại chủng tộc Gigantos dưới trướng nữ thần Gaia, Zeus vẫn luôn luôn là “ngôi sao” sáng nhất trên chiến trường, thể hiện nhiều chiến công đáng nhớ nhất. Trong đó, phải kể đến thành tích ông cứu các anh chị mình khỏi bụng Cronus, hay công lao ông tập hợp các vị thần khác phối hợp cùng Heracles một cách bài bản để tiêu diệt các Gigantos (những quái thần chỉ có thể bị tiêu diệt khi bị tấn công cùng lúc bởi một vị thần và một phàm nhân).
Zeus đại chiến các Gigantos. Ảnh: Age of Pantheons.
Zeus đại chiến các Gigantos. Ảnh: Age of Pantheons.
Nhìn chung, Zeus là một vị tướng mẫu mực thời chiến, một người thủ lĩnh xứng tầm để dẫn dắt mọi người vượt qua cơn chiến loạn, mở ra một thời kì hòa bình.

Đắc nhân tâm - Bí quyết thành công

Chúng ta đã biết về Zeus qua những cuộc chiến. Hình tượng của ông khi ấy luôn được mô tả mang khí chất của một bậc chỉ huy vô cùng uy vũ bá đạo, chấn động thiên địa, mang lại sĩ khí cao ngất cho các chư thần. Vậy thì vào thời bình khả năng trị quốc của Zeus ra sao? Phải chăng đây là lúc những gì mọi người đồn đại về Zeus, rằng ông chỉ là một kẻ ăn chơi sa đọa, không xứng đáng trị vì chư thần?
Chà, có thể mọi người không tin, nhưng thực ra Zeus là một chính trị gia lão luyện, rất giỏi thu phục nhân tâm, mà cũng sẵn sàng để tay nhúng chàm, thực hiện những kế hoạch hắc ám để đạt được đại nghĩa.
Ngay từ thời kì Titanomachy, Zeus đã có chính sách khôn khéo về mặt chính trị, giúp ông lôi kéo chính các Titan đứng về phe mình. Khi cuộc chiến Titannomachy sắp sửa diễn ra, Zeus đã tuyên bố rằng bất cứ ai từ bỏ Cronus để về phe Olympus đều sẽ được giữ nguyên tước vị, và những người chưa có tước vị gì dưới thời Cronus sẽ được thăng thưởng các tước vị phù hợp[10]. Dùng quyền lợi của tước vị chính là cách lôi kéo lòng người hiệu quả nhất. Hàn Tín từng chê bai Hạng Vũ là thu phục lòng người bằng cách nhiệt tình chăm sóc, nhỏ lệ xót thương binh sĩ, nhưng lúc phong quan tấn tước, ban thưởng đất đai thì lại keo kiệt bủn xỉn. Cái đó được Hàn Tín gọi là "lòng nhân của đàn bà"[11], không thể làm được việc lớn. Thế chứng tỏ ban thưởng tước vị của Zeus chính là cách thu hút rất đúng đắn.
Zeus cũng luôn công bằng, hay đúng hơn là luôn biết cách tỏ ra như thế. Thực tế, Zeus cũng là một vị thần của công lý và luật pháp, và được rất nhiều người tôn xưng về sự công minh ở mặt này. Chúng ta đều cảm nhận được Zeus có một số sự thiên vị rõ ràng, như với Thetis lúc cô cầu xin Zeus giúp đỡ cho con trai mình, như Athena được Zeus trao cho quyền sử dụng cả hai món vũ khí của ông là tấm khiên Aegis và lưỡi tầm sét, như Artemis xin Zeus thứ gì cũng được ưng thuận. Thế nhưng trước những sự kiện mang tính công khai, Zeus luôn tỏ ra được là một vị vua công bằng và khách quan nhất có thể. Ví dụ cho những trường hợp này là khi cuộc chiến thành Troy diễn ra, khi cán cân của định mệnh đã nghiêng về phía của một chiến tướng phàm nhân thay vì con trai Sarpedon của mình, Zeus đã chẳng hề giống như các vị thần khác, cố gắng can thiệp (điều mà ông có thể làm một cách dễ dàng nếu muốn), thay vào đó ông đơn giản là thuận theo phán quyết này[12].
 Hình vẽ Thanatos và Hypnos mang xác Sarpedon từ chiến trường thành Troy dưới sự giám sát của Hermes, trên bình gốm hydria từ thành bang Athens (thế kỷ VI TCN).
Hình vẽ Thanatos và Hypnos mang xác Sarpedon từ chiến trường thành Troy dưới sự giám sát của Hermes, trên bình gốm hydria từ thành bang Athens (thế kỷ VI TCN).
Mặt khác, thực tế cũng chứng minh Zeus được lòng người hơn hẳn hai vương triều tiền nhiệm. Thời Uranos, khi chính biến phát sinh, có tổng cộng là 6 người trong nội các làm phản ông ta là bà vợ Gaea và 5 đứa con trai, trong khi 7 đứa con còn lại biết nhưng đứng nhìn mà không dám hoặc chẳng thèm can thiệp[13]. Thời Cronus, thì số lượng người trong hàng ngũ chư thần Othrys chống đối lại thần cũng rất nhiều. Từ bà mẹ, bà vợ, mấy đứa con, cả đám con cháu trong họ cũng làm phản cả đống[14]. Còn dưới thời Zeus, tuy cũng chọc giận Gaea nhưng triều đình của ông tương đối êm thấm, vụ nổi loạn duy nhất thì cũng chỉ có bốn người tham gia là Hera, Poseidon, Apollo và Athena[15]. Dĩ nhiên là cuộc đảo chính vừa xảy ra thì ngay sau đó thì Zeus cũng được Thetis và Briareus hỗ trợ để dập tắt cuộc nổi loạn, cho thấy ông đã gây dựng được lòng trung thành với thuộc hạ đến thế nào. Thậm chí, những kẻ nổi loạn sau đó đều trung thành trở lại với ông. Nếu như không phải là một vị quân vương được lòng người, thì làm sao có chuyện đó?
Briareus, được Thetis triệu tập đến Olympus để dập tắt cuộc nổi dậy chống lại Zeus của Poseidon, Athena và Hera. Khắc bởi Tommaso Piroli (1795).
Briareus, được Thetis triệu tập đến Olympus để dập tắt cuộc nổi dậy chống lại Zeus của Poseidon, Athena và Hera. Khắc bởi Tommaso Piroli (1795).
Dĩ nhiên, Zeus được lòng người như vậy cũng bởi ông rất khôn khéo trong việc thu phục nhân tâm. Nhiều người nghĩ rằng vị thần vương trên đỉnh Olympus đơn giản là một lão cục súc chỉ biết gõ nhau rồi ăn chơi như kiểu Robert Baratheon của Game of Throne, còn với những kẻ dưới trướng thì sống chết mặc bay. Nhưng thế là sai hoàn toàn.
Đầu tiên có thể thấy cách xử lí cực kì mềm mỏng khéo léo của Zeus qua vụ đối xử với 3 anh em Cyclops và 3 anh em nhà Hecatonkheires. Nôm na thì Hecatonkheires là bộ ba người khổng lồ có hàng trăm cái đầu với hàng trăm cánh tay, còn các Cyclops là những người khổng lồ chỉ có một con mắt (trong một số miêu tả thì là 3 mắt, với con mắt chính giữa trán nổi bật hơn cả). 6 anh em này cũng giống như 6 Titan thế hệ đầu tiên, vốn là con của thần bầu trời Uranos và nữ thần đất Gaea.
Hecatoncheris. Ảnh: Gatherer.
Hecatoncheris. Ảnh: Gatherer.
Bởi sở hữu một ngoại hình quái, lại có sức mạnh phi phàm từ khi mới sinh ra nên họ đã bị Uranos vừa ngứa mắt vừa lo ngại. Sau đó thì vị thần bầu trời đã tống ngược họ lại vào tử cung của Gaia, dẫn đến sự đau đớn vô cùng của bà. Đây chính là điều khiến Uranos bị Gaea lật đổ[16]. Rồi khi Cronus hứa hẹn với Gaia là sẽ lật đổ ông bố, giải thoát cho mấy đứa em, để rồi cuối cùng cũng chỉ vì thấy tụi nó quá xấu nên lại quăng vào xuống Tartarus. Đây một lần nữa lại là lí do khiến Gaia quay lưng với Cronus, hậu thuẫn Zeus chiếm quyền[17].
Tranh vẽ một Cyclops với 3 con mắt tại Villa del Casale, Piazza Armerina, đảo Sicily.
Tranh vẽ một Cyclops với 3 con mắt tại Villa del Casale, Piazza Armerina, đảo Sicily.
Với Zeus, ông ta đã giải thoát cho hội này để mượn sức mạnh của họ trong cuộc chiến chống lại các Titan, ban thưởng cho họ những đồ ăn đồ uống thần thánh như Ambrosia và Nectar. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Zeus liền ban cho các Hecatoncheris chức cai ngục Tartarus[18] còn các Cyclops được giao nhiệm vụ "cao cả" là tới những ngọn núi lửa thuộc địa bàn của Hephaestus để giúp đỡ thần thợ rèn. Như thế, Zeus vẫn vừa có thể đẩy họ khỏi tầm mắt của mình, trong trường hợp ông ta cũng thấy ngứa mắt với mấy người họ hàng xấu xí như Cronus cha mình, nhưng lại vừa thu được lòng trung thành của họ, khi cần thiết vẫn có thể sử dụng, như trường hợp gọi Briareus lên hộ giá lúc Zeus bị bộ tứ kia làm phản.
Tiếp theo, đó là Zeus cũng thường thực thi những chính sách rất khoan dung với kẻ thù. Với Prometheus, sau khi được Heracles cầu xin thì Zeus đã thả Titan này với điều kiện là ông phải đeo 1 chiếc nhẫn được làm từ những sợi xích đã trói ông, đại khái là tuy không thể tha thứ nhưng Zeus đã đưa ra giải pháp để hình phạt được giảm nhẹ đi rất nhiều[19].
Heracles, Prometheus và Đại bàng Caucasian, hình vẽ trên chén skyphos (thế kỉ VI TCN), Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia, Athens.
Heracles, Prometheus và Đại bàng Caucasian, hình vẽ trên chén skyphos (thế kỉ VI TCN), Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia, Athens.
Với bộ tứ làm phản Hera, Athena, Poseidon và Apollo, Zeus cũng không có hình phạt tàn bạo nào dành cho họ [20]. Theo một số nguồn, Zeus thậm chí còn ân xá cho Cronus và các Titan khác[21], ban cho quyền cai trị quần đảo Elysium[22] sau khi cảm thấy họ đã chịu trừng phạt đủ rồi. Hành động vô cùng nhân văn này của Zeus có thể nói là vừa khiến cho những kẻ cựu thù thần phục mình lại vừa góp phần xoa dịu Gaia, người vốn bất bình bởi hành động giam cầm các Titan của ông trước đó.
Cuối cùng, Zeus có rất nhiều tình nhân, từ các titan, nhân loại cho tới các tiên nữ. Đây là một điều mà bất kì một vị quân vương thời cổ đại nào cũng cần phải làm, và Zeus đã làm rất tốt. Ngoài những mục tiêu thỏa mãn nhu cầu tình dục, việc có nhiều nhân tình từ các thế lực khác nhau cũng là cách các bậc quân vương tạo mối liên kết với những phe phái, góp phần làm ổn định triều chính, gia tăng thế lực bản thân và khi cần có thể dùng các phe để kìm hãm lẫn nhau. Về lý thuyết chính trị thì là vậy, còn về mặt tình cảm thì điều này cũng một phần phản ánh sự giao hảo tốt đẹp của ông với nhiều thế lực, giúp cân bằng các cân quyền lực cũng như tạo các mối ân tình để khi cần thì có thể huy động sự trợ giúp từ họ, như khi bị làm phản thì Zeus đã nhờ cô bé Thetis, tình nhân của ông khi đó triệu hồi Briareus giúp mình.
Rõ ràng, với những nước đi nhất cử lưỡng tiện như thế Zeus rõ ràng cao tay hơn hẳn hai người tiền nhiệm rất nhiều.

Đằng sau ánh sáng chính là bóng tối

Ngoài ra, Zeus cũng rât giỏi thao túng mọi người xung quanh để thực hiện đại nghĩa hắc ám của mình, mà lại vẫn giữ cho bản thân cái tiếng trong sạch lẫn sự tín nhiệm của mọi người sau khi vạn sự đã xong xuôi.
Khả năng này của Zeus thể hiện rất rõ trong cuộc chiến thành Troy, khi ngoài mặt luôn đóng vai trò là bên trung gian hòa giải, nhưng bên trong thực chất lại là người lên kế hoạch cho cuộc chiến xảy ra ngay từ ban đầu. Hãy khoan trách Zeus là xấu xa hay hèn hạ, vì trong bối cảnh của câu chuyện, cuộc chiến này là vô cùng cần thiết. Khi đó, gánh nặng mà nhân loại mang tới cho Gaia, tức mặt đất này càng ngày càng lớn, buộc các vị thần phải nghĩ cách để giảm bớt số lượng con người đi trước khi mặt đất quá tải và sụp đổ[23]. Trong lúc những vị thần khác chỉ biết dùng đến các thảm họa tự nhiên để hủy diệt nhân loại một cách không kiểm soát, thì Zeus lại chủ trương sử dụng chiến tranh để nhân loại có thể thanh trừng lẫn nhau đến mức “chấp nhận được”, bởi khi ấy con người vẫn chưa tha hóa đến mức phải reset tất cả như trong các bối cảnh khải huyền. Đặt dưới nhãn quan của thế giới thần thoại, thời kì thống trị của vũ khí lạnh và những cuộc giao tranh thường mang tính cá nhân giữa các chiến tướng thì điều này xem ra cũng rất khả thi. Đây được xem là một nước đi dù có phần khốn nạn nhưng cũng vô cùng khôn khéo của Zeus vì khi đó, các vị thần vừa không phải trực tiếp gây ra tội ác, lại vừa được con người sùng bái nhiều hơn khi họ sẽ cầu nguyện với các vị thần để có thể giành lấy chiến thắng, thỏa mãn dã tâm của mình.
Di chỉ thành Troy.
Di chỉ thành Troy.
Để có thể kiếm soát "dự án" này một cách chặt chẽ hơn nữa, khi cuộc chiến diễn ra, Zeus đã tuyên bố rằng sẽ không giúp đỡ cả hai phe và đặt ra luật để cấm hoặc cho phép các vị thần tham chiến, tuyệt nhiên khi đã cấm thì sẽ cấm cả hai phe và khi cho phép thì cũng sẽ cho phép cả hai phe xả láng[24]. Hành động này chính là để kiểm soát sự can thiệp của những nhân tố mang sức mạnh quá vượt trội vào cuộc chiến, qua đó khống chế được lượng thương vong như ở trong hoạch định ban đầu. Sau cùng, cuộc chiến thành Troy đã lấy đi vô số mạng sống của cả người thường lẫn anh hùng, đưa mặt đất trở lại sự cân bằng như kế hoạch của Zeus.
Một ví dụ khác cho sự tính toán thâm sâu này của Zeus là cách bố trí nhân sự ở đỉnh Olympus. Như đã nói ở trên, Zeus phân phong chức vụ cho mọi vị thần đứng về phía mình trong cuộc chiến, kể cả những người trước đó vốn chưa có gì nổi bật. Thế nhưng rồi sau đó sẽ phát sinh ra những vấn đề khác, khi gia đình của Zeus, và nhất là đám con của ông, hình thành một hệ thống riêng. Tình trạng mâu thuẫn giữa các phe trong một triều đình không phải điều hiếm gặp. Lưu Bị khi lập nhà Thục Hán, trong triều hai phe công thần từ Kinh Châu và phe bản địa ở Ích Châu mâu thuẫn đấu đá là một trong những trở ngại to lớn nhất với đại nghiệp[25]. Như vậy tìm cách xử lí được vấn đề này là điều mà nhiều vị vua đã gặp phải. Với Zeus, rõ ràng việc tin tưởng vào những máu mủ gia đình thân cận sẽ tốt hơn là tin vào những người bà con xa, phải không nào.
<i>Tranh chấp giữa Minerva và Neptune về Athens</i> (1821), tranh của Merry Joseph Blondel. Có thể thấy sự xuất hiện phía trước của Athena và Poseidon, phía sau từ trái qua phải là Hermes, Demeter, Artemis, Apollo, Hestia, Hera, Zeus, Ares, Hephaestus và Aphrodite.
Tranh chấp giữa Minerva và Neptune về Athens (1821), tranh của Merry Joseph Blondel. Có thể thấy sự xuất hiện phía trước của Athena và Poseidon, phía sau từ trái qua phải là Hermes, Demeter, Artemis, Apollo, Hestia, Hera, Zeus, Ares, Hephaestus và Aphrodite.
Thế là chẳng mấy chốc, chúng ta thấy hội đồng những vị thần tối cao của Olympus chỉ toàn là anh chị em con cháu trong nhà của Zeus, biến những buổi họp hội đồng trên đỉnh Olympus trở thành những buổi giả lập gặp mặt gia đình[26]. Các vị thần Titan ngày trước tuy một số người vẫn giữ vai trò của mình, nhưng nó không còn được như xưa. Helios, Selene và Eos vẫn cứ là thần cai quản Mặt Trời, Mặt Trăng và bình minh, nhưng địa vị này cũng đồng thời bị chia sẻ với Apollo và Artemis[27]. Oceanus vẫn cai quản vùng nước xa xôi mang tên mình, nhưng vị trí quyền lực cai quản biển cả quanh khu vực gần bờ, tiếp nhận sự thờ cúng từ nhân loại trực tiếp là Poseidon. Dưới địa phủ của Hades, Zeus cũng cài cắm ba đứa con vốn là 3 vị vua Minos, Rhadamanthus và Aeacus làm thẩm phán linh hồn dưới ấy[28], trực tiếp nhúng tay vào quyền lực của người anh trai mình.

Đặt đại sự lên trên thú dục tầm thường

Một điểm nữa mà có thể nhiều người không tin, đấy là Zeus thực ra rất biết cách kiểm soát sự háo sắc của mình khi dính đến chuyện đại sự. Thật đấy. Các bạn có thể lôi chuyện Zeus gieo giống khắp Hy Lạp ra đùa bao nhiêu cũng được, nhưng hãy để ý rằng những chuyện đó dù có gây ra bao lùm xùm thì thực tế cũng không trực tiếp nguy hại đến chính quyền của Zeus. Một số trường hợp, như việc sinh ra hai chị em Artemis - Apollo, Heracles, Dionysus, Hermes, Helen… thì còn là hữu ích với ông nữa là đằng khác. Còn ngược lại, nếu nữ sắc có thể đe doạ đến đại nghiệp, Zeus luôn sẵn sàng từ bỏ.
Tiêu biểu cho sự biết đặt đại sự lên trên ham muốn cá nhân này là trường hợp của người vợ đầu Metis. Metis là tình đầu của Zeus từ hồi ông mới âm mưu lật đổ bố, là quân sư đồng hành cùng Zeus, giúp đỡ qua bao chuyện khó khăn. Thế nhưng khi biết về lời tiên tri rằng nếu Metis sinh ra đứa con thứ hai thì đứa con này sẽ còn hùng mạnh hơn cả Zeus, nên Zeus đã nuốt luôn Metis đang mang thai đứa con thứ nhất vào bụng[29].
Hình vẽ Metis bên dưới ngai vàng của Zeus (báo hiệu cho sự ra đời của Ahena) trên bình gốm Hy Lạp cổ đại (khoảng thế kỉ V TCN).
Hình vẽ Metis bên dưới ngai vàng của Zeus (báo hiệu cho sự ra đời của Ahena) trên bình gốm Hy Lạp cổ đại (khoảng thế kỉ V TCN).
Một trường hợp khác là mối tình của ông với Thetis cũng tương tự. Ban đầu Zeus cũng theo đuổi nàng tiên nữ nhỏ tuổi, nhưng khi vừa biết về lời tiên tri rằng đứa con trai mà Thetis sinh ra sẽ còn hùng mạnh hơn cha, Zeus lập tức biết đường thoái lui và sau đó gả Thetis cho cháu trai mình - một anh hùng trần gian tên là Peleus, sinh ra con trai là người anh hùng nổi tiếng Achilles[30].
<i>Jupiter</i><i> và Thetis</i> (1811); tranh của họa sĩ tân cổ điển người Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres.
Jupiter và Thetis (1811); tranh của họa sĩ tân cổ điển người Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres.
Tóm lại, có thể thấy Zeus khi động đến việc lớn là ngay lập tức sẽ biết tiết chế. So với ông bố Cronus dù biết lời tiên tri là sẽ bị con lật đổ do bị Uranos nguyền rủa, vậy nhưng vẫn sinh với Rhea tận sáu đứa con để rồi phải đi nuốt từng đứa mà vẫn còn sót[31], rồi thậm chí có quan hệ ngoài luồng với tiên nữ mà sinh ra nhân mã Chiron[32], thì Zeus vẫn còn biết kiểm soát bản thân và nghĩ cho cơ đồ rất nhiều. Tất nhiên việc làm của Zeus, như trong trường hợp của Metis, có thể bị đánh giá là tàn nhẫn và vong ơn, còn tệ hơn cả Cronus nuốt con, nhưng suy cho cùng tàn nhẫn và bất chấp thủ đoạn là phẩm chất cần có của một vị vua. Thủ đoạn của Zeus đã giúp ông ta giữ vững ngai vàng, duy trì một triều đại rực rỡ trong khi Cronus thì không.

Một vị thần đáng tôn kính

Tạm thời với những điểm cộng trên, có thể coi Zeus là một người trị vì tốt với chúng thần Hy Lạp. Vậy còn với những tín đồ dưới trần gian của ông thì sao?
Với những tín đồ của mình việc quản lý trần gian, Zeus cũng thể hiện mình là một thần bảo hộ đa phần thời gian là tốt. Nhờ có sự phân bố nhân sự hợp lý, các vị thần dưới quyền của thần vương trên đỉnh Olympus hầu hết đều thực hiện tốt vai trò của mình. Chúng ta có thể thấy được điều đó thông qua những bài vịnh, thánh ca, thơ, truyền thuyết và kịch ca ngợi công lao của các vị thần của người Hy Lạp cổ đại, cũng như các công trình tôn giáo tồn tại dày đặc khắp Hy Lạp. Dĩ nhiên, những gì mình đưa ra được đặt dưới nhãn quan của người Hy Lạp cổ đại, như đã nói từ ban đầu. Và với người Hy Lạp cổ đại, họ không cầu xin thần Zeus không trừng phạt họ (kiểu ác thần) mà là cầu xin phước lành, sự bảo hộ của ông (kiểu thiện thần). Bởi vậy có thể nói Zeus về tổng thể vẫn luôn là một vị thần tốt lành chứ không phải kẻ gieo rắc hỗn loạn, trụy lạc khắp Hy Lạp cổ đại như cái cách đại chúng vẫn thường miêu tả.
Đền thờ thần Zeus tại Olympia.
Đền thờ thần Zeus tại Olympia.
Ngoài ra, hững lúc cần thiết thì Zeus cũng biết tận dụng sự tồn tại của nhân loại để thực hiện mưu đồ chứ không chỉ đơn giản là xem họ là vật tiêu khiển hay nguồn cung cấp sự thờ phượng, hoàn toàn không biết tận dụng những đặc điểm khác như những người cai trị tiền nhiệm. Tiêu biểu có thể kể tới những cuộc tình của Zeus đa phần đều là để sản sinh ra các anh hùng, các vị vua mang dòng máu thần linh để có thể thực hiện các kì công, hay chỉ đơn giản là thu phục dân chúng địa phương để gia tăng số lượng tín đồ. Trong số những á thần được sinh ra như vậy, có thể kể tới Heracles là cung thủ đã góp phần then chốt trong công cuộc tiêu diệt các Gigantos[33] hay như Helen, người mà sau này dưới sự đưa đẩy trách nhiệm phán xử của Zeus cho mà Paris mà đã trở thành nhân tố khơi mào cuộc chiến thành Troy[34], là tiền đề cho sự thành công của kế hoạch của Zeus.

KẾT LUẬN

Nhà triết học Phục hưng vĩ đại Niccolo Machiavelli của nước Ý từng nói rằng một quân vương phải biết mang trong mình cả sức mạnh của Sư tử và Cáo, bởi Sư tử chẳng thể thoát cạm bẫy, Cáo dễ thành mồi cho Chó sói[35]. Phải biết là Cáo để thoát khỏi bẫy săn và là Sư tử để doạ được Sói. Làm vua giỏi không quá đặt nặng đời tư hay đạo đức nhân cách của bạn thế nào, mà là ở chỗ biết dùng quyền lực và mưu trí ra sao để mang lại lợi ích lớn nhất cho bách tính, cho quốc gia. Zeus có cái uy để trấn được tất cả chư thần và khiến nhân loại kính sợ, biết dùng tình cảm để ràng buộc, biết dùng thủ đoạn để trị vì, biết kiểm soát nhục dục của bản thân để mưu đồ đại sự. Đó là những phẩm chất của một vị vua hoàn toàn xứng đáng với ngai báu của mình vậy.

Chú thích:

[1]: Đại Việt sử lược; Đại Việt Sử ký Toàn thư; Đại Việt Sử ký Tiền biên.
[2]: Đại Việt sử lược; Đại Việt Sử ký Toàn thư; Đại Việt Sử ký Tiền biên.
[3]: Hesiod, Theogony; Aeschylus, Prometheus Bound; Ngụy tác-Hyginus, Fabulae; Valerius Flaccus, Argonautica.
[4]: Nonnus, Dionysiaca.
[5]: Valerius Flaccus, Argonautica.
[6]: Hesiod, Theogony.
[7]: Nonnus, Dionysiaca.
[8]: Hesiod, Theogony; Các đoạn sử thi Cycle.
[9]: Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca; Bacchylides, Vịnh khúc không rõ tên thứ XV; Lycophron, Alexandra; Diodorus Siculus, Thư viện Lịch sử; Quintus Smyrnaeus, Sự sụp đổ của thành Troy; Pamprepius xứ Panopolis; Khuyết danh, Vịnh khúc về chiến tranh Ba Tư của Diocletian và Galerius; Ngụy tác-Hyginus, Astronomica; Ovid, Metamorphoses; Ovid, Fasti; Virgil, Georgics; Righttius, Elegies; Seneca, Hercules Furens; Valerius Flaccus, Argonautica; Nonnus, Dionysiaca.
[10]: Hesiod, Theogony.
[11]: Tư Mã Thiên, Sử ký.
[12]: Homer, Iliad.
[13]: Hesiod, Theogony; Aeschylus, Agamemnon; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca;
[14]: Rất nhiều Titan dưới triều đại Othrys của Cronus sau đó đã tham gia vào triều đại mới của Zeus. Đối chiếu qua những ghi chép về lời hứa của Zeus với các Titan chịu về phe mình trong Theogony, ta có thể xác nhận rằng đã có vô số Titan chống lại Cronus.
[15]: Homer, Iliad; Rhodes, Apollonius xứ Rhodes, Chú giải cho vịnh khúc không rõ tên của Ion xứ Chios; Statius, Achilleid.
[16]: Hesiod, Theogony; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca; Aeschylus, Agamemnon.
[17]: Hesiod, Theogony; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca.
[18]: Hesiod, Theogony; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca.
[19]: Hesiod, Theogony; Aeschylus, Sự xiềng xích Prometheus; Aeschylus, Sự giải thoát Prometheus; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca; Strabo, Geographica; Quintus Smyrnaeus, Sự sụp đổ của thành Troy; Pausanias, Tổng quan Hy Lạp; Ngụy tác-Hyginus, Fabulae; Seneca, Hercules Furens; Valerius Flaccus, Argonautica.
[20]: Hera bị Zeus treo lên trước Chaos một thời gian, Poseidon và Apollo bị phạt lao động công ích 1 năm dưới lốt phàm nhân, Athena được tha bổng.
[21]: Hesiod, Công việc và Ngày; Pindar, Olympian Ode; Plato, Gorgias.
[22]: Elysium, còn được gọi là Quần đảo Phước lành. Theo văn hóa dân gian Hy Lạp cổ đại, đây là nơi mà linh hồn những người có công đức lớn hay các bậc anh hùng tới để hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp vĩnh hằng sau cái chết.
[23]: Stasinus, Cypria.
[24]: Homer, Iliad.
[25]: Trần Thọ, Tam Quốc chí.
[26]: Trong thần thoại và tôn giáo Hy Lạp cổ đại, Hội đồng Mười hai Vị thần Olympus là các vị thần chính của thần đạo Hy Lạp, cơ bản thường bao gồm Zeus, Hera, Poseidon, Demeter, Athena, Apollo, Artemis, Ares, Hephaestus, Aphrodite, Hermes, và Hestia/Dionysus.
[27]: Trong thần thoại và tôn giáo Hy Lạp cổ đại, Apollo là một vị thần Mặt Trời song song với Helios, còn Artemis là một vị thần của Mặt Trăng và bình minh song song với Selene và Eos.
[28]: Rhadamanthys, Minos và Aeacus là các thẩm phán của âm giới, ba vị thần cận thần của Hades. Họ ban đầu là những vị vua á thần, con trai của thần Zeus và công chúa Europa. Nhờ những đóng góp cho việc thiết lập luật pháp và trật tự trên thế gian khi còn sống, cả ba người đã được ban cho chức thẩm phán âm giới sau khi chết như một phần thưởng. Theo Apology của Plato, Triptolemos là thẩm phán ấm giới thứ tư, chịu trách nhiệm phán xét linh hồn những người theo giáo phái Bí ẩn Eleusis (một mật giáo tôn thờ Demeter và Persephone, có trụ sở tại Thánh địa Panhellenic của thành Eleusis).
[29]: Hesiod, Theogony; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca.
[30]: Aeschylus, Sự giam cầm Prrometheus; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca; Pindar , Nemean & Isthmian; Hyginus, Astronomica.
[31]: Hesiod, Theogony; Corinna, Vịnh khúc không rõ tên được sưu tập trong Greek Lyric: Volume IV; Plato, Euthyphro; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca; Apollonius Rhodius, Argonautica; Lycophron, Alexandra; Aratus, Phaenomena; Diodorus Siculus, Thư viện Lịch sử; Strabo, Geographica; Pausanias, Tổng quan Hy Lạp; Antoninus Liberalis, Metamorphoses; Oppian, Cynegetica; Ngụy tác-Hyginus, Astronomica; Ovid, Fasti; Nonnus, Dionysiaca.
[32]: Apollonius xứ Rhodes, Chú giải cho Vịnh khúc Titanomachia; Pindar, Pythian Ode; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca; Apollonius Rhodius, Argonautica; Pindar, Isthmian Ode; Photius, Ngụy tác-Hyginus, Genealogiae; Myriobiblon (nhận xét về sách Tân Lịch sử của Ptolemy Hephaestion); Diodorus Siculus, Thư viện Lịch sử; Strabo, Geographica.
[33]: Seneca, Hercules Furens; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca; Pindar, Nemean Ode; Ovid, Metamorphoses; Virgil, Georgics; Pliny Trưởng Lão, Lịch sử Tự nhiên.
[34]: Stasinus, Cypria; Apuleius, Con lừa vàng; Ovid, Heroides; Ngụy tác-Apollodorus, Bibliotheca; Colluthus, Sự cưỡng bức Helen.
[35]: Niccolò Machiavelli, Quân vương.