Bác sĩ ơi, cứu em với, ngón tay em không thể ngừng nhấn nút “mua hàng"... Cho dù kinh tế đang suy thoái, những con nghiện mua sắm dường như vẫn không thể ngừng việc tiêu tiền bừa phứa. Có chăng, chỉ là chuyển từ những món đồ đắt tiền, sang các món đồ ít giá trị hơn?

1. Thế nào là nghiện mua sắm? Vì sao lại có hiện tượng đó xảy ra?

Nếu chỉ được dùng một câu để giải thích nguyên nhân cho hiện tượng này có lẽ là sự không hài lòng và buồn chán với cuộc sống hiện tại. 
Đầu tiên, sự không hài lòng này có thể đến từ các hệ quả của văn hoá tiêu thụ [consumerism]. Trong đó, dưới ảnh hưởng của truyền thông, mạng xã hội, bạn bè, ai cũng cảm thấy mình cần nhiều hơn những gì mình đang có để cảm thấy hạnh phúc hơn và có giá trị hơn trong một xã hội đề cao vật chất. Nếu không mặc bộ quần áo sành điệu hot trend màu tím lilac và chiếc choker ngọc trai bé xíu, ảnh sẽ không thể có trên trăm like… không thể thế được!
Thứ hai, sự không hài lòng có thể đến từ nỗi sợ mang tính thế hệ. Đó là nỗi sợ trước sự nghèo đói và khổ cực đã đeo bám nhiều thế hệ ngay sau chiến tranh. Chắc chắn, dù muốn hay không, thế hệ trẻ ngày nay đã từng ít nhất một lần nghe kể về sự khó khăn và khổ cực của cuộc sống thời bao cấp. Cho dù không trực tiếp trải qua nó, nhưng qua lời tường thuật của người thân, những mường tượng về nỗi đau của sự đói nghèo cũng đủ làm ta sợ hãi. Nỗi sợ này có thể khiến ta luôn cảm thấy lo sợ và không hài lòng trước những tài sản mình đang sở hữu.
Thứ ba, sự buồn chán và bứt rứt trong cuộc sống nói chung, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi sau covid và ổn định cuộc sống sau đại dịch. Theo các chuyên gia tâm lý trị liệu, sự buồn chán và cảm giác trống rỗng có thể khiến ta dễ sa vào việc mua sắm vô độ hơn. Hành vi mua sắm sẽ cho chúng ta một liều chất dẫn truyền thần kinh hưng phấn dopamine ngay lập tức. Do đó, hành vi này sẽ rất dễ gây nghiện nếu chúng ta không thực sự để tâm vào thói quen mua sắm của bản thân.

2. Khi nào thì một người được xem là đã nghiện mua sắm? Nó khác gì với hành vi mua sắm bốc đồng thông thường?

Hành vi mua sắm bốc đồng [impulse buying] được các nhà Kinh tế học định nghĩa là những hành vi mua sắm không có kế hoạch. Những người có hành vi thành thường chi tiền khi cảm thấy “hứng lên", khi vô tình thấy món đồ nào đó thú vị hoặc mới lạ.
Mặt khác, trong Tâm lý học, tuy việc mua sắm cưỡng chế [compulsive buying] thường được gọi là “nghiện mua sắm", cũng như có những triệu chứng tương tự với nghiện chất, nó thực chất lại không được xếp vào nhóm các rối loạn hành vi nghiện ngập theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần DSM-V do chưa có đủ bằng chứng từ Tâm lý học Thần kinh. 
Những người có hành vi mua sắm cưỡng chế cảm thấy thèm khát “cơn phê" từ việc mua sắm. Thậm chí, họ sẽ vay mượn tiền để phục vụ nhu cầu mua sắm của mình nếu cần thiết.
Các nghiên cứu về hành vi mà trước nay vẫn được cho là “nghiện mua sắm" cho thấy, hành vi này có thể là của một rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi hay rối loạn tính cách nào đó khác. Theo một báo cáo trên tạp chí Current Addiction Reports, điểm khác biệt lớn nhất giữa hành vi mua sắm bình thường và hành vi mua sắm bất thường là:
- Sự vui thích không nằm ở món đồ được mua mà ở bản thân hành động mua sắm
- Liên tục mất kiểm soát trong hành vi chi tiêu
- Cảm thấy bứt rứt và khó chịu khi không được mua sắm

3. Có những cách nào để người trẻ có thể tự hạn chế chuyện mua bán thiếu kiểm soát không? 

Cần phân biệt rõ giữa những thứ CẦN và những thứ ta MUỐN. Trước khi mua một món đồ nào đó, ta có thể quan sát sự thay đổi của cảm xúc và mong muốn của ta đối với món đồ đó trong vòng một vài hôm, thậm chí là một vài tuần đối với các món đồ đắt tiền trước khi quyết định bỏ tiền cho món đồ đó.
Hãy quan sát xem, liệu rằng, gần đây, có điều gì khiến ra bực bội, khó chịu dẫn đến cảm giác cần được “bù đắp" bằng việc mua sắm hay không?

4. Mình có thể làm gì nếu biết ai đó chi tiêu quá độ đến mức "nghiện"? Những cách mình có thể giúp đỡ họ là gì?

Để được đánh giá và hỗ trợ một cách chính xác nhất, các chuyên gia tâm lý khuyến nghị chúng ta nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp khi các hành vi mua sắm bắt đầu có ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày. Các chuyên gia ở đây có thể là chuyên gia tham vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.
Ngoài ra, một cách đơn giản hơn, ta có thể hỏi thăm về cuộc sống của họ nói chung trong thời điểm hiện tại; lắng nghe, đồng cảm và không phán xét. Nếu có cơ hội, ta có thể cùng họ thực hiện những hoạt động khác làm giàu cho cuộc sống tinh thần và cải thiện tâm trạng.
Tác giả: Keira Ngo
Tham khảo: Bài viết được hoàn thành dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân mình có được trong quãng thời gian nghiên cứu và làm việc trong ngành Tâm lý & Giáo dục. Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, bạn có thể tìm đọc các bài viết với từ khóa “compulsive buying" hay “impulsive buying"