TÌM HIỂU VỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ
Địa lý và chính trị là hai yếu tố liên kết hài hòa một cách thuần túy vừa hoàn thiện vừa phát triển lẫn nhau. Trong chiến lược phát...
Địa lý và chính trị là hai yếu tố liên kết hài hòa một cách thuần túy vừa hoàn thiện vừa phát triển lẫn nhau. Trong chiến lược phát triển của quốc gia, địa chính trị là một địa điểm then chốt để mở cửa cho các hành động hoạch định bài toán phát triển và toan tính lợi ích chiến lược. Các bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao vùng đất Bắc Giang lại trồng vải thiều ngon hơn ở vùng đất khác, và nhà nước lại ưu tiên nó làm mô hình phát triển nông nghiệp ở tỉnh. Hơn nữa, tại sao Hà Nội lại là vùng đất long mạch và địa linh nhân kiệt từ bao đời nay. Mặt khác, trong chính sách đối ngoại của các quốc gia, địa chính trị khảm trong bản sắc một gam màu nổi bật có thể mang ý nghĩa tiêu cực hoặc tích cực đối với sự hưng hoặc suy của quốc gia đó. Vì địa lý cách xa lục địa Châu Á, Nhật Bản đã thoát khỏi sự xâm lược của đế quốc Mông Cổ đang trong giai đoạn cường thịnh nhất. Cũng vì địa lý, nước Nga đã biến quân đoàn của Napoleon chìm sâu vào con đường băng giá heo hút chôn vùi sức mạnh quân sự của nước Pháp. Thêm nữa, tại sao tham vọng của Hittler và Napoleon luôn muốn xâm chiếm, làm chủ được Đảo thế giới (nước Anh) để gia tăng được ảnh hưởng mà không phải ở nơi nào khác? Tại sao khu vực biển Đông lại trở thành chiến địa cho những xung đột trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là Mỹ - Trung? Hàng loạt những thuật ngữ địa lý mang hình thái chính trị được nhân hóa với giá trị lợi ích chiến lược, thậm chí là lợi ích sống còn của các quốc gia đó.
Từ những vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính giới thiệu và làm rõ khái niệm thuật ngữ "địa chính trị" từ nguồn gốc hình thành và sự phát triển. Qua đó, cung cấp kiến thức nền tảng về môn học địa chính trị để giúp người đọc một phần nhỏ trong việc giải thích những lý do chính trị ẩn núp đằng sau những khu vực địa lý bất kỳ trên tấm bản đồ thế giới ngày nay.
ĐỊA CHÍNH TRỊ LÀ GÌ?
Địa chính trị (geopolitics) là một cụm từ ẩn dụ hoặc việt tắt cho một ý nghĩa nhằm thể hiện một thái độ mạnh mẽ của chủ thể (có quyền lực) đối với không gian chính trị hóa cao. Thông qua việc sử dụng ngôn ngữ viêt hoặc nói nhằm "thăng chức" cho một khuôn mẫu địa lý. Mục đích nâng cấp địa lý có hàm ý lợi ích rất cao thể hiện một mối quan tâm đặc biệt. Ví dụ, "Đảo thế giới" chỉ nước Anh với tiềm lực quân sự và có thể nói là cường quốc biển trên thế giới trong giai đoạn nó được nhắc tên.
Chủ thể cường hóa khu vực địa lý trên bản đồ để trở thành không gian địa chính trị thường là chủ thể nắm quyền lực (công cộng hoặc Nhà nước). Nguồn chủ thể sẽ phân chia ý nghĩa địa chính trị của nó. Trong đó, chủ thể nắm giữ quyền lực công cộng thường là Truyền thông có quyền lực, uy tín và thẩm quyền và thêm nữa là giới hàn lâm học thuật.
Đầu tiên, về truyền thông, sự tuyên truyền mang tính dai dẳng và gây ấn tượng thường có tác động mạnh mẽ trong việc định hình tư duy. Những khán giả xem những bộ phim của Hollywood thường có những góc nhìn cảm thông về việc lính Mỹ đổ bộ vào khu vực Trung Đông nhằm chống khủng bố toàn cầu. Nói chung, dấn ấn truyền thông mạng xã hội hoặc phim ảnh, báo chí có chất kết dính bền chặt và lâu dài trong tâm thức con người. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra khi thông tin là mặt hàng phổ biến được nhắc nhiều lần và vượt qua rào cản kiểm duyệt sẽ kiến tạo nhiều tâm thức rõ ràng hơn về khu vực địa chính trị mà chủ thể muốn truyền tải.
Tiếp theo, về giới hàn lâm khoa học thì các nhà nghiên cứu có tiếng tăm sau nhiều năm chiêm nghiệm về lợi ích của một khu vực nào đó trên thế giới. Họ sẽ đăng tải những kiến thức nghiên cứu trên các nền tảng học thuật được đánh giá lớn. Bản thân họ sở hữu một dạng quyền lực mềm, quyền lực chuyên gia tạo ra một điều kiện phát triển nội dung đến với nhiều nguồn khác. Chủ thể các nhà nghiên cứu đóng vai trò vô cùng lớn, họ có thể trở thành nguồn (đầu vào) chủ yếu cho các tuyên bố chính trị của Nhà nước hoặc cơ sở cho kiến thức truyền thông. Hơn nữa, những dự báo sau chuỗi ngày nghiên cứu sẽ càng làm cho thông tin địa lý được nhân hóa mạnh hơn về tính chính trị khi nó được đón nhận không chỉ đối với quốc gia của họ sống mà còn được hưởng ứng lớn từ các quốc gia khác cùng lợi ích.
Cuối cùng, về chủ thể phổ biến nhất Nhà nước nắm giữ quyền lực chính trị có năng lực hiển nhiên về việc nâng cấp một thước đo địa lý ở trong nước về tiềm năng phát triển hoặc trên thế giới. Các thuật ngữ như "trục ma quỷ", "phe đồng minh", ... phổ biến cho các hành động chính trị trong quan hệ quốc tế của quốc gia đối với bên ngoài. Những cơ quan ngoại giao có chuyên môn sẽ thiết lập thái độ đối ngoại, hành xử của quốc gia với khu vực đó. Những tên gọi sẽ mang hai thái độ then chốt, hoặc là thân thiện hoặc là thù địch. Rõ ràng, tên gọi địa chính trị của quốc gia đối với khu vực địa lý bất kỳ trên thế giới hầu như sẽ tạo ra tính "chia rẽ" sâu sắc. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp với các cường quốc lớn hoặc siêu cường mạnh mang tính lãnh đạo thế giới.
Tóm lại, địa chính trị là một thuật ngữ ẩn dụ cho một không gian địa lý được chính trị hóa cụ thể bởi chủ thể có mục đích hành động. Địa chính trị có thể tồn tại phổ biến trong ba dạng thức, trích theo phân loại của GS.Klaus Dodds trong tác phẩm "Địa chính trị" của NXB Tri thức trang 86, như sau:
LỊCH SỬ THUẬT NGỮ ĐỊA CHÍNH TRỊ
Chúng ta đều từng nói đùa giỡn với nhau về một địa điểm không gian quen thuộc mang ý nghĩa chung nhất. Khi sự thông hiểu tường tận về tầm quan trọng của không quan địa lý này, chủ thể sử dụng phong cách từ ngữ bản sắc cá nhân cường hóa địa điểm. Trò trốn tìm và người trốn hẹn nhau ra chỗ tuyệt mật với kí hiệu từ ngữ được ẩn giấu qua tên gọi "lò than rực hồng" - ám chỉ địa điểm trốn ở một nơi nào đó chỉ một vài người biết. Đó là một biểu hiện sơ khai về đặc tính "ẩn giấu ý nghĩa" của địa chính trị. Tuy nhiên, biểu hiện này chưa là "địa chính trị" vì địa lý đó phải bao hàm yếu tố chính trị. Ta hiểu chính trị là công việc của Nhà nước và mối quan tâm về sự giành, giữ và thực thi quyền lực. Do vậy, địa lý phải được chủ thể sở hữu quyền lực Nhà nước nhấn định ý nghĩa chính trị thì rõ ràng mới trở thành khái niệm hoàn chỉnh về "địa chính trị".
Không ai có thể biết đích xác khởi nguồn đầu tiên cho việc sử dụng phong cách "địa chính trị" nhằm tái hiện mục đích tại không gian mà chủ thể muốn đề cập. Nhưng rõ ràng như trên, sự hiện diện của địa chính trị buộc phải xuất hiện đồng thời hoặc sau khi nhà nước tồn tại, không thể tồn tại trước khi Nhà nước tồn tại. Theo lý giải của chủ nghĩa Mác - Leenin, Nhà nước ra đời do sự bóc lột của cải của giai cấp thống trị. Nhà nước chỉ xuất hiện khi xã hội có sự phân chia giai cấp tương đương với thời kỳ xã hội chiếm hữu nô lệ. Sau đó, có thể thông qua những cuộc viễn chinh xâm lược của giai cấp thống trị Nhà nước trong việc thực hiện xây dựng kế hoạch tác chiến đã sử dụng thuật ngữ địa chính trị đầu tiên? Đó vẫn là dấu hỏi lớn, nhưng rất có thể trong chiến tranh nói riêng và quân sự nói chung đã sử dụng cách thức nhân hóa địa điểm thành vị trí an ninh - chính trị trọng điểm. Từ đó, việc sử dụng này qua thời gian càng được khẳng định thành một môn khoa học về địa chính trị.
Nếu xem xét ở góc độ thuật ngữ khoa học, thuật ngữ “Địa chính trị” chuyên ngành đã được sử dụng đầu tiên và phát triển trong tiến trình phát triển qua 4 giai đoạn lớn, đó là:
Thuỵ Điển - sinh nở
Thuật ngữ "địa chính trị" đầu tiên được sử dụng bởi nhà khoa học Thuỵ Điển, Rodolf Kjellen vào năm 1899. Ông sử dụng thuật ngữ này đầu tiên trên tạp san nghiên cứu chính trị quốc tế và được đưa vào những nghiên cứu, giảng dạy. Vào thời kì thực dân Châu Âu phát triển mạnh mẽ, thuật ngữ của ông được lưu thông trôi chảy không chỉ trong giới học thuật mà còn hoà nhập trong tư duy toan tính chính trị của các nhà cầm quyền.
Một số quốc gia thực dân bắt đầu khai thác sức mạnh ý nghĩa thuật ngữ bằng cách chuyên biệt hoá qua cơ quan các Bộ, như Bộ Chiến Tranh và Bộ Ngoại giao. Họ đẩy mạnh tuyên truyền và phát triển thuật ngữ như cách hàm ý mở rộng nhiều chính sách đối ngoại với thế giới. Đặc biệt, những khu vực địa lý thuộc địa trọng yếu cần phải triển khai nắm giữ lâu dài hoặc hút cạn rồi bỏ mặc. Sau đó, họ tính toán những kế hoạch địa lý năng lượng tại khu vực đó cho nguồn phát triển của mình. Với công nghiệp năng lượng tư bản cần nhiên liệu hoá thạch than vô cùng lớn và khối lượng sức bền nhân công. Dĩ nhiên trọng tâm địa chính trị mong muốn của các nước thực dân là khu vực Châu Phi với giống người khoẻ mạnh thể chất và ngược lại, nhiên liệu hoá thạch phải được tận dụng thì lục địa trẻ như Châu Mỹ. Hơn nữa, sản xuất của tư bản trên cơ chế thị trường phải là Hàng - Tiền - Hàng. Nói nôm na là, họ cần thị trường để thúc đẩy cơ chế này và thị trường rộng lớn từ khu vực Châu Á là ưu tiên về độ bền lịch sử - văn hoá. Trung Quốc thời gian đó được giới nghiên cứu địa chính trị phương Tây miêu tả rằng "một chiếc bánh gatô cắt nhiều phần". Quốc gia to lớn Châu Á này bị xâu xé và bị hút cạn dinh dưỡng về thị trường. Các quốc gia thực dân tạo ra một sân chơi lưu động và ôn hoà cho ai có mong muốn tham gia cuộc chơi. Trung Quốc trở thành con tốt thí điểm trên bàn cờ lớn chính trị phương Tây thời kì đó.
Giai đoạn đó, thực dân Pháp với nhiều chiến lược địa chính trị ở Việt Nam như "làm chủ Tây Nguyên thì làm chủ Đông Dương". Hay mong muốn lớn hơn của họ là, làm chủ Đông Dương để thúc đẩy bàn đạp cho họ tiến vào sân chơi thị phần Trung Quốc ở phía Bắc. Sự phát triển môn học địa lý hành chính (tiền đề cho môn địa chính trị) ở Pháp đạt tới đỉnh cao qua những bộ óc thông minh mà đầy tính thi sĩ. Họ cho thiết kế và phân chia hành chính địa lý ở Việt Nam theo một khuôn đo chuẩn chỉnh về độ chính xác cho từng vùng địa lý. Mỗi địa giới hành chính các tỉnh được phân chia ở Việt Nam đều dựa theo nguồn lợi cho mô hình phát triển kinh tế, con người và đặc thù văn hoá - xã hội. Không có sự ngẫu nhiên nào tạo thành sự phân chia, họ đều có ý đồ rõ ràng. Đến ngày nay, sự phân chia địa lý hành chính vẫn tồn tại và được Nhà nước Việt Nam sử dụng y hệt như trong lịch sử. Có thể thấy, ban đầu địa chính trị đơn thuần chỉ là những ẩn ý về ý niệm cho một không gian địa điểm giữa người với người. Tương tự vậy, nó thuần tuý là môn khoa học địa lý giúp chính trị phân chia hành chính lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển và nảy theo một hướng đi mới theo một tầm nhìn mới và hoàn cảnh thực dân mới trở thành vùng đất màu mỡ gieo những hạt giống đầu tiên về địa chính trị.
Nói tóm lại, mở đầu cho thuật ngữ "địa chính trị" đã làm kích thích sự tò mò cho một thứ khoa học chính trị mới mẻ. Được Nhà nước tạo hành lang cơ hội phát triển dẫn đều các giới học thuật tô thêm nhiều gang màu sáng cho nó. Địa chính trị bắt đầu vươn mình ra thế giới và định hình trong tư duy đối ngoại của nhà cầm quyền trong toan tính chính trị của mình.
Đức Quốc Xã - phát triển rực rỡ
Khả năng trôi chảy và thuận lợi trong bối cảnh mở mang không gian của chủ nghĩa thực dân càng được phát triển qua hình thức mới là chủ nghĩa đế quốc. Các quốc gia với tư tưởng cực đoan bắt đầu tiếp thu những nội dung của địa chính trị. Điều này khiến "địa chính trị" trở thành một "bàn tay nối dài" cho các chính sách của họ. Đặc biệt, khi nước Đức được cai trị bởi Hitler bắt đầu có tư tưởng về Nhà nước trong quan hệ quốc tế đặc biệt. Ý tưởng của Hitler về một nhà nước được coi là siêu - cơ thể và không ngừng đòi hỏi "không gian sống".
Từ đó, địa chính trị vừa phù hợp với sự phát triển chung của hoàn cảnh thế giới vừa làm hài lòng ý định của gã độc tài Hitler. Nó như cá gặp nước, như cây được trồng trên đất tốt và được tưới nước. Biểu hiện là địa chính trị trở thành môn học được đưa vào giảng dậy đầu tiên ở Đức Quốc Xã. Nhìn từ lịch sử rõ ràng địa chính trị đã cung cấp cho nước Đức nói riêng và hệ thống các nước phát xít một khung cảnh địa lý cần phải xâm lược. Nó gieo giắc bao nỗi căm phẫn về ý nghĩa địa chính trị. Một học thuyết tốt nhưng cách sử dụng lại không đúng. Phát xít Đức xông xáo phải chiếm bằng được Pháp và thu phục được Nga. Dĩ nhiên, vẫn là bài học địa chính trị đặc biệt ở Châu Âu khi nước Anh là quốc gia có địa lý đặc thù giúp tránh ra khỏi tất cả các cuộc chiến ở đất liền nhưng lại sở hữu địa lý mà luôn bị nhòm ngó. Hành động của Hitler luôn muốn chiếm nước Anh đầu tiên và những động thái gây hấn với Pháp và Nga chỉ là những bước đi ban đầu. Bài học từ Napoleon về tham vọng làm chủ Châu Âu lục địa nhằm thương thảo và cô lập Anh Quốc đã thất bại. Hitler luôn muốn đánh trực diện với nước Anh nhưng bị gặp địa lý che chắn bởi Pháp. Do đó, xảy ra xâm lược Pháp trong kế hoạch của Đức là không tránh khỏi.
Quả thuật, địa chính trị là môn học quan trọng giúp nhà cầm quyền nước Đức thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ. Dĩ nhiên, hệ thống phát xít như Italia và Nhật Bản bắt đầu học hỏi theo Đức. Hai nước bắt đầu đẩy mạnh xâm lược quốc gia nhưng phải lợi ích địa lý đặc biệt. Nhìn lại cách mở rộng của Pháp xít Nhật cho các quốc gia lân cận ta luôn thấy một góc nhìn xấu xa mà địa chính trị mang lại. Chính trị Nhật Bản tuyên truyền, bôi vẽ đủ các kiểu về nguồn hoa lợi địa lý cho dân chúng về Hàn Quốc và Trung Quốc. Từ đó, nó tạo ra tâm lý hờ hững về con người nhanh chóng thúc dục ý thức tham vọng địa lý về tương lai quốc gia to lớn, vĩ đại. Mặt khác, Nhật Bản kể lể sự thua kém về địa lợi do đất nước gặp nhiều thiên tai, thảm họa tự nhiên và điều mở rộng địa chính trị là rõ ràng.
Tóm lại, môn học địa chính trị trở thành một nội dung quan trọng với giai đoạn phát xít. Bởi, bản thân nó mang giá trị phù hợp với tư tưởng cầm quyền và được xúc tiến bởi nhiều tham vọng cá nhân của cá nhà độc tài.
Tẩy chay trên thế giới - tẩy chay
Sau khi chủ nghĩa phát xít bị dập tắt, các xu hướng địa chính trị được thế giới gắn ghép cho một cụm từ "độc hại". Một thuật ngữ nhạy cảm về chính trị, biểu tượng cho chủ nghĩa phát xít. Các nước trên trên thế giới tẩy chay việc sử dụng thuật ngữ này bất kể các lĩnh vực, kể cả giới học thuật. Những quy định về nghiên cứu đều tuyệt đối tránh dùng nó và coi nó như một khoa học xấu xa.
Đây là một giai đoạn đen tối cho nội dung địa chính trị, không có một sự phát triển nào thêm về tính khoa học. Môn học địa chính trị là một khía cạnh non trẻ mới xuất hiện chưa tới 1 thế kỉ. Ấy vậy, đến thời điểm đó, nó lại bị cấm và không có ai nghiên cứu phát triển nó. Tuy nhiên, vẫn có số ít những giáo sư khi nghiên cứu về nó thì đều bị quy kết tính phát xít cao và họ bị kì thì là phần nhiều.
Phục hồi ở Châu Âu và Mỹ - ổn định
Chiến tranh Lạnh nổ ra, nảy sinh xu hướng chiến tranh có thể đến bất kì lúc nào nếu một trong hai siêu cường Mỹ - Liên Xô châm ngòi trước. Thuở đầu, họ bắt đầu tìm địa chính trị để thực hiện chiến tranh ủy nhiệm. Sau đó, xây dựng nhiều tổ chức liên kết và thực hiện nghiên cứu nhiều khu vực địa lý có ý nghĩa lớn nhằm kìm hãm đối thủ. Những mong muốn này bắt đầu khơi dậy lại tiềm năng của địa chính trị.
Thật vậy, bắt đầu có những trào lưu nghiên cứu cởi mở khách quan hơn về địa chính trị trên các tạp chí chuyên ngành quan hệ quốc tế. Đặc biệt, Henry Kissinger đã dùng lại nhiều thuật ngữ mang tính địa chính trị như "trục ma quỷ", "đế chế thứ 3". Một Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao đã châm ngòi nổ đầu tiên cho bước chạy dài trong việc nghiên cứu môn học địa chính trị. Ông đưa nó về đúng quỹ đạo giá trị của nó trong việc phát triển địa lý. Các trường học ở Mỹ bắt đầu nhìn nhận lại và tiến hành xây dựng học phần môn học "địa chính trị". Sự chào đón nhiệt tình cho một siêu cường lãnh đạo càng làm tăng tính phát triển nhờ các nước đồng minh và các nước được bảo trợ trong "phe tư bản". Các quốc gia thân Mỹ đều lĩnh hội và khai thác, đưa vào sử dụng nó trong các lý thuyết nghiên cứu. Những chính sách phát triển khu vực địa chính trị bắt đầu lưu thông. Các quốc gia không còn sử dụng phương tiện vũ lực nhằm tìm kiếm địa chính trị mà thay vào đó là hợp tác chuyển đổi. Các nhà máy hợp tác với ý muốn khai thác nguồn lợi địa chính trị bắt đầu ra đời. Quá trình toàn cầu hóa - xuyên quốc gia tạo đà thúc đẩy sự giao lưu hợp tác. Nhiều tổ chức quốc tế tạo môi trường ổn định hơn và ý nghĩa phát triển của địa chính trị phát triển theo nhiều chiều hướng tích cực.
KẾT LUẬN
Có thể thấy, môn học địa chính trị đã có lịch sử nghiên cứu đầy non trẻ nhưng gặp không ít trắc trở. Những lời tuyên bố hùng hồn về vùi dập một thứ nhiều ý nghĩa như đại chính trị sẽ không tồn tại được lâu. Những ý nghĩa phát triển cốt lõi về phát hiện nơi có nhiều lợi ích dinh dưỡng phát triển con người, lấy địa lý làm lợi cho con người sẽ là đích đến cuối cùng của chính trị. Địa chính trị trải qua nhiều thăng trầm nhưng sau cùng vẫn trỗi dậy mạnh mẽ. Nó mang trong mình tự thân một giá trị cao cả nhưng kẻ sử dụng muốn truyền tải nó nhằm làm giàu lợi ích cho mình sẽ khiến nó bị tha hóa. Vì vậy, một lý thuyết tốt phải đi kèm một thực hành đúng nghĩa.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất