Có nhiều bạn nói với mình thế này: "Ông thầy được cái nói thì hay, còn làm/sống thì chả giống gì ông ấy nói"
Cuối cùng là thầy mất trò, còn trò cũng không học được gì cả. Cản trở sự tiến bộ của bản thân vô cùng. Trước đây mình cũng đặt câu hỏi như trên, nhưng giờ mình đã học được cách học được nhiều hơn một chút. Sau đây xin chia sẻ lại 4 cách để chúng ta thực học, thực tiếp thu mà không bị ảnh hưởng bởi thầy hay bất cứ điều gì khác.
Y pháp bất y nhân Tức là học cái kiến thức, học cái tri thức của người truyền dạy, chứ không dựa vào người truyền dạy. Trên đời này, không có ai toàn vẹn cả, kể cả người thầy. Người thầy là phương tiện truyền đạt kiến thức, trí tuệ, chứ không phải kiến thức và trí tuệ.
Y nghĩa bất y ngữ Khi học cần chú trọng vào ý nghĩa, không bám vào ngôn ngữ, hình thức. Bởi mỗi một người có một thói quen dùng ngôn ngữ khác nhau, hình thức truyền đạt khác nhau. Có nhiều người dùng lời nói khó nghe nhưng lại truyền đạt những ý nghĩa sâu sắc. Nếu bám chấp vào ngôn ngữ thì thầy Lê Thẩm Dương đâu có nhiều người theo học như vậy.
Y trí bất y thức Trí ở đây có thể hiểu là không phân biệt trình độ, không phân biệt hoàn cảnh, không phân biệt giữa người với người, không tranh cãi. Ai cũng có cái để ta học hỏi. Thức ở đây là nhận thức, kiến thức. Nhận thức và kiến thức sẽ thay đổi theo thời gian, theo trình độ, theo hoàn cảnh. Vì vậy mà ta không thể dựa vào nhận thức, kiến thức đang có để học hỏi, chính cái đó sẽ cản trở sự hiểu biết của ta.
Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa Khi học tập cố gắng hiểu đến tận cùng của ý nghĩa của cái mình học. Khi chưa thật sự hiểu rõ ý nghĩa thì cố gắng nghiền ngẫm, học hỏi thêm. Cái mà mình hay mắc lỗi đó là học hỏi, tìm hiểu vẫn còn cạn cợt, chưa sâu nhưng đã vội mang ra áp dụng dẫn đến những kết quả sai lạc. Từ đó dễ nhận định cái mình vừa học là không đúng và vội từ bỏ.
Trên đây là 4 cách học mà mình tổng hợp và áp dụng qua 1 quá trình khá dài và thấy hiệu quả. Có thể diễn giả còn sai sót, chưa đúng, mong góp ý của mọi người. Đồng thời mong là có ích cho ai cần.