“Mùa dâu rụng” của các chị em vẫn đang bị đánh thuế???

THUẾ BĂNG VỆ SINH Ở NƯỚC MÌNH

Trong 26 danh mục các đối tượng được miễn thuế Giá trị gia tăng (VAT) tại Việt Nam [1], không có mục nào nhắc đến Băng vệ sinh, Tampon hay Cốc nguyệt san. 
Trong 30 trường hợp được miễn thuế nhập khẩu năm 2019 [2], những sản phẩm dành cho kỳ kinh nguyệt của phụ nữ trên đây cũng không được nhắc đến.

Theo biểu thuế Theo biểu thuế xuất nhập khẩu 2018, băng vệ sinh vẫn chịu thuế nhập khẩu từ 5 - 20% bên cạnh 10% thuế VAT.
Một thực tế chúng ta có thể thấy rõ ở đây là:
“Mùa dâu rụng” của các chị em đang bị đánh thuế!

CHUYỆN THUẾ BĂNG VỆ SINH Ở NƯỚC BẠN

Thuế băng vệ sinh (tampon tax) vốn là một chủ đề nóng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở một số nước, thuế suất đối với sản phẩm này rất cao, thậm chí cao gấp 2 đến 3 lần so với các sản phẩm thiết yếu khác, bao gồm cả bao cao su!
Với nhận thức ngày càng cao về quyền lợi của chính mình, cuộc đấu tranh miễn thuế hoặc giảm thuế băng vệ sinh vẫn đang diễn ra ở nhiều nước, tiêu biểu là cuộc đấu tranh suốt 2 thập kỷ tại xứ sở chuột túi. 
Hàng loạt chiến dịch kêu gọi miễn thuế cho "nhu yếu phẩm của kỳ nguyệt san" đã diễn ra ở Úc. Hơn 180.000 chữ ký đã được thu thập thông qua chiến dịch vận động trực tuyến Axe the Tampon Tax (Hãy miễn thuế BVS!) và Stop taxing my period! (Ngưng đánh thuế kỳ kinh của tôi!
Những chiến dịch này đã tạo nên sự thay đổi trong chính sách của chính phủ Úc vào tháng 10/2018. Băng vệ sinh và các sản phẩm tương tự dành cho phụ nữ chính thức được miễn thuế tại quốc gia này. Chính sách bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2019 bất chấp GDP nước Úc giảm 35 triệu USD/ năm (tương đương với 810 tỷ VNĐ).
Trước đó, vào năm 2000, lý giải cho việc không miễn thuế băng vệ sinh, cựu Bộ trưởng Y tế Michael Wooldridge: Bao cao su được miễn thuế vì nó bảo vệ người sử dụng khỏi một số loại bệnh khi quan hệ tình dục, còn kinh nguyệt của phụ nữ không phải là một loại bệnh nên chẳng có lý do nào chính phủ lại miễn thuế băng vệ sinh – mặt hàng không nằm trong nhóm sản phẩm ngừa bệnh. 
Có thể nói, hành trình của “một mùa dâu không thuế” đã đạt được thành công nhất định!

Ở một diễn biến khác, thống đốc bang California, Mỹ, Jerry Brown bác bỏ dự luật “hủy bỏ thuế băng vệ sinh” với lý do ngân sách bang sẽ thất thu 20 triệu USD (hơn 464 tỷ VND).
Điều này đối với những phụ nữ nghèo thật sự là một vấn đề lớn. Khi không đủ khả năng tài chính để chi trả cho “bà dì” của mình, họ sẽ cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt hoặc tăng khả năng nhiễm trùng vùng kín. Bên cạnh đó, với những người có thể chi trả, họ cũng có thể hình thành cảm giác tội lỗi khi tiêu dùng “xa xỉ” cho bản thân thay vì nhu cầu chung của gia đình. Dù trên thực tế, “kỳ nguyệt san” không phải là lỗi của họ!
Kenya (Đông Phi) là quốc gia đầu tiên bãi bỏ thuế đánh vào các sản phẩm dành cho kỳ nguyệt san của phụ nữ từ năm 2004, sau đó Malaysia, Ấn Độ, Canada và Úc lần lượt nối chân.
Năm 2018, Scotland là quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình phát băng vệ sinh miễn phí cho học sinh, sinh viên, với con số ước tính là hơn 395.000 người.

TẠI SAO VIỆC MIỄN THUẾ BĂNG VỆ SINH KHÓ KHĂN?

Có rất nhiều lý do cản trở quyết định này của Chính phủ. Trong đó, việc thâm hụt ngân sách thường được xem là lý do lớn nhất.
Những người quan tâm đến marketing hẳn không còn lạ lẫm với chiến dịch The Tampon Book của The Female Company - một công ty sản xuất tampon tại Đức. Chiến dịch này đã đạt giải thưởng Grand Prix cho hạng mục PR tại Liên hoan quảng cáo Cannes.
Và quan trọng hơn cả, The Tampon Book đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Đức về việc đánh thuế vô lý băng vệ sinh.

Tại Việt Nam, chưa có một phong trào chính thống nào đề cập đến vấn đề này nhưng việc giải thích những khó khăn trong việc miễn thuế băng vệ sinh là cần thiết.
Đó không chỉ là hành động nhằm thúc đẩy sự minh bạch của các chính sách tài chính mà còn thể hiện rõ tiến trình Bình đẳng giới thực chất (substantive gender equality) tại Việt Nam. 
Cũng như nước Úc, chặng đường đi đến miễn thuế băng vệ sinh còn dài. Những câu hỏi vẫn có thể còn bỏ ngỏ nhưng chúng ta được quyền biết về rào cản và tiến độ của hành trình đó.

TỪ CHUYỆN MIỄN THUẾ BĂNG VỆ SINH ĐẾN NGÂN SÁCH CÓ TRÁCH NHIỆM GIỚI

Nếu nhìn rộng hơn câu chuyên đánh thuế băng vệ sinh, chúng ta có thể thấy được vấn đề liên quan đến thực thi Ngân sách có trách nhiệm giới (Gender Responsive Budget - GRB).
Nếu Ngân sách nhà nước được xem như chiếc gương tài chính phản ánh sự lựa chọn các mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ thì Ngân sách có trách nhiệm giới là một công cụ phản ánh mức độ ưu tiên đối với việc thúc đẩy Bình đẳng giới (một trong các chỉ số về phát triển bền vững quốc gia hiện nay - Theo Luật Bình Đẳng Giới 2006).
Mục tiêu chính của việc thực hiện GRB [3] chính là:
Thay đổi cơ cấu phân bố ngân sách và chính sách để mọi nguồn lực xã hội được xây dựng theo hướng thúc đầy bình đẳng giới;Xem xét tác động kinh tế và xã hội của ngân sách đối với phụ nữ và nam giới để điều chỉnh việc phân bổ một cách phù hợp;
Ngân sách có trách nhiệm giới hiểu một cách đơn giản chính là:
Đảm bảo ngân sách nhà nước được chi theo cách thức nhạy cảm giới;Đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nam và nữ dựa trên:Phân tích & xác định các khoảng cách về giớiPhân tích việc huy động nguồn thu từ nam và nữ (thuế)Đánh giá khoảng cách giữa chính sách và phân bổ ngân sách đối với nam và nữKhông có nghĩa là tách biệt ngân sách riêng cho phụ nữKhông có nghĩa là chia đều 50 - 50 cho nam và nữ
(Theo Bộ Bình đẳng giới, Trẻ em và Phát triển xã hội, Kenya 2008, Tài liệu tập huấn về lồng ghép giới)
----
Nằm trong khuôn khổ chiến dịch "Tiền tôi - Tiền tớ" thuộc dự án "Thúc đẩy Ngân sách có Trách nhiệm giới tại Việt Nam" với sự tài trợ tài chính của Oxfam, CECEM & CEPEW tổ chức cuộc thi Bóc Term: What is GRB? dành cho những cá nhân/ tập thể quan tâm đến Ngân sách nhà nước có trách nhiệm giới tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 và thời gian triển khai gói trợ cấp xã hội 62.000 tỷ hiện nay.
Với "Bóc Term Contest", chúng tôi mong muốn tạo ra không gian để người dân chia sẻ góc nhìn, quan điểm cá nhân và tham gia "định nghĩa" các khái niệm liên quan đến Ngân sách có trách nhiệm giới (Gender Responsive Budget).
Chi tiết về cuộc thi, xem tại đây.
----
[1] Theo điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung theo Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC, Điều 8 Thông tư 151/2014/TT-BTC, Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC, Điều 1 Thông tư 25/2018/TT-BTC)
[2] Theo Luật Hải quan 2014; Nghị định 134/2016/NĐ-CP; Quyết định 911/QĐ-BTC năm 2019.
[3] Trung tâm Nghiên cứu Ngân sách có trách nhiệm giới Hàn Quốc