Tại khi đạt ước mơ mà không hề hạnh phúc ? Những ngộ nhận về đam mê, ước mơ...
Ngộ nhận về hạnh phúc, Tại sao khi đạt ước mơ vẫn chán ?
(Bài viết này dựa rất nhiều từ nguồn triết học từ một số tác giả và đặc biệt là kênh Youtube "Hồi Đồng Cừu" . Nếu các bạn muốn tiếp cận với chủ đề về triết học thì có thể ủng hộ kênh nhé)
Tôi xin lấy bộ phim Soul của nhà Pixar để làm ví dụ nhằm liên hệ trực tiếp đến những vấn đề cần bàn. Bộ phim về nhân vật Joe Gardner một người có đam mê trở thành nhạc công Jazz chuyên nghiệp thế nhưng vì nỗi lo cơm áo, anh phải chấp nhận làm giáo viên nhạc cho một ngôi trường không mấy danh giá. Để rồi sau cùng, anh được đánh nhạc chung với band nhạc mà anh thần tượng, dường như vào khoảnh khắc ấy anh đã chạm đến được ước mơ. Đêm diễn kết thúc, Joe mới hỏi trưởng nhóm : "Chúng ta sẽ làm gì tiếp" và nhận được một câu trả lời ngỡ ngàng rằng ta lại tập luyện, lại lên quán Bar này một lần nữa. Bởi vì muốn tránh một công việc nhàm chán như dạy nhạc, Joe mới khát khao được biểu diễn trên sân khấu một lần nhưng giờ đây sự lập lại trong việc vẫn nguyên vẹn như cũ. Tôi đã suy nghĩ hồi lâu về một câu quote mà trưởng nhóm nói với Joe:
"Tôi từng nghe một câu chuyện về một con cá trẻ. Nó bơi đến gần con cá già và hỏi 'Đại dương đang ở đâu'.
'Đại dương hả' đó là nơi con đang bơi bây giờ.
Con cá trẻ trả lời:'Cái này á?' Đây chỉ là nước thôi. Thứ tôi cần là đại dương."
Câu nói ấy đã cho tôi rất nhiều băn khoăn.
1. "Arrival Fallacy" (Ngụy biện điểm đến)
Khái niệm này được phổ biến qua cuốn sách "Happier" của giáo sư Ben-Shahar. Đây là cuốn sách theo hướng self-help nhưng vẫn có các giá trị nghiên cứu đáng lưu tâm.
"Arrival Fallacy" hay còn gọi là "Ngụy biện điểm đến" là khái niệm ám chỉ suy nghĩ rằng ta chỉ đang sống chật vật, tạm bợ và chỉ đến khi đạt được ước mơ thì khi ấy ta mới chạm được đến hạnh phúc.
Hãy bàn kĩ về quan điểm này bằng cách đặt một câu hỏi : "Bạn hạnh phúc được bao lâu khi đã mua được ngôi nhà, chiếc xe mình mong muốn hay hạnh phúc của bạn còn đọng lại bao nhiêu khi đạt được chức quán quân". Với tôi, hạnh phúc ấy như chỉ diễn ra trong khoảnh khắc hoặc kéo đến hết một ngày.
Ta không phủ định giá trị của mục tiêu hay ước mơ thế nhưng việc bất chấp tất cả thậm chí là vi phạm những giá trị cốt lõi của bản thân để đạt được một điều gì đó thật vô nghĩa làm sao. Bởi ta không thể hạnh phúc mãi về một việc thế nhưng để có được khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, ta đã đánh đổi hằng năm cay đắng để đạt được. Liệu đó có phải là một cuộc trao đổi tốt. Thật đáng tiếc thay, đó là triết lý giáo dục và sống của rất nhiều phụ hunh và các trang "truyền động lực". Bố mẹ luôn nói rằng : "Kiếm được công việc ổn định rồi con sẽ hạnh phúc" rồi khi ta có được nó, họ lại bảo : "Lập được gia đình đi rồi con sẽ hạnh phúc" và vòng tròn ấy cứ tiếp tục. Vậy khi nào ta mới ngưng chạy đua cho thứ tương lai mờ hồ, khi nào ta mới ngừng hi sinh từng ngày quý giá để đổi lấy sự huyễn hoặc "rồi con sẽ hạnh phúc".
Như nhân vật Oogway trong Kungfu Panda từng nói:
Hoặc chính đức phật cũng từng dạy:
Nhưng tôi nghĩ việc này thật khó khi xung quanh ta vẫn còn nhiều người kêu rằng "No pain- No gain", có cố gắng mới có thành công, áp lực mới tạo nên kim cương. Thế nhưng liệu ai cũng muốn làm "kim cương"? Và sẽ thật nực cười khi ta chịu khổ để đạt được điều mình chưa chắc đã hứng thú. Vì vậy "No love- no gain" có vẻ là một triết lý hiện đại hơn khi nó tập trung đi vào từng những cá tính, ước mơ rất riêng và xây dựng những thói quen để ta vừa có thể tận hưởng vừa có thể đạt được mục tiêu. Thế nhưng xin đừng hiểu "love" ở đây nghĩa là nuông chiều cảm xúc của chính mình. Như thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói : "Thương là hiểu và hiểu rồi thì sẽ thương". Vì vậy "love" nên được hiểu là "understanding", là thấu hiểu về thể trạng lẫn sức khỏe tâm lý của bản thân. Điều đó có nghĩa là ta vẫn nỗ lực để đậu vào trường mình thích nhưng không có nghĩa là thúc ép cơ thể học đến 1,2 giờ sáng. Ngược lại, ta phân bố lịch học từ trước- rất lâu trước thời gian thi để ta có thời gian để nghiên cứu sâu về ngành học và những kiến thức yêu cầu.
Quay trở về chủ đề, giáo sư Ben-Sharhar đã có những quan điểm rất thú vị về việc con người không hạnh phúc khi đạt được mục đích.
1/ Vì ước mơ đã nằm trong những kỳ vọng sẵn có trong ta thế nên khi không đạt được, ta sẽ thất vọng về bản thân và kể cả khi đạt được, kỳ vọng cũng sẽ khiến niềm vui giảm bớt đi giá trị. Hay nói cách khác, kỳ vọng chính là thứ giết chết hạnh phúc của ta.
2/ Khi thực hiện ước mơ, ta có xu hướng lờ đi những mặt trái hay cái giá phải trả cho ước mơ đó. Tôi từng mong cầu rằng mình sẽ sớm đủ tuổi để tự lập khỏi gia đình, được ăn cái gì mình thích, được ngủ giờ nào cũng được. Thế nhưng bên cạnh đó, ta phải chịu những trách nhiệm, nghĩa vụ đi kèm như về chi tiêu, thu nhập hay vấn đề từ các mối quan hệ xã hội. Vì cơ chế tạo động lực, não bộ khiến ta tạm gác lại những mặt trái. Đến khi ta đạt được ước mơ, ta như vỡ mộng trước những điều không ngờ tới.
2. Ước mơ đứng dưới góc độ triết học của Plato và Socrates
Dù không tìm được các tài liệu nói trực tiếp về vấn đề trong bài viết này. Thế nhưng ta sẽ đi từ góc độ triết học về mục đích sống của con người hay thế nào là cuộc sống ý nghĩa để lập luận sang vấn đề ta đang bàn.
Nguồn để ta lấy tài liệu chính là từ cuốn:
Cuộc sống ý nghĩa trong văn bản Hi Lạp có một định nghĩa là "Eutuchia" hay có thể dịch rộng ra là vận may (good fortune), thành công (success), hay sống tốt (living-well hoặc doing-well). Và điều quyết định sự hạnh phúc khi đạt được ước mơ đến từ hai khái niệm Episteme ( Tri thức) và Sofia (sự thông thái). Điều này có nghĩa ước mơ chỉ trở nên ý nghĩa nếu bên cạnh việc đạt được một thành tựu nào đó, ta còn tích góp cho mình được tri thức và sự thông thái. Từ khái niệm này, ta mới nhận ra rằng "ước mơ" không phải là một đích đến cần đạt được để hạnh phúc mà là dấu mốc đánh dấu cho việc ta đã tích góp đủ kiến thức và kĩ năng, kinh nghiệm. Thế nên thay vì ước rằng ta sẽ đạt được điều này điều nọ, tôi nghĩ điều ước sâu sắc hơn chính là lời cầu mong sao cho mình được phát triển, được hỏi mỗi ngày. Bên cạnh việc đạt huân chương Olympic hay 100km finisher, ta còn gặt về cho mình một lối sống lành mạnh, tình trạng cơ thể khỏe mạnh, tinh thần giàu năng lượng. Bên cạnh việc công ty đạt định giá 1 triệu đô, ta còn thu về những kiến thức, kinh nghiệm về chuyện kinh doanh, được làm quen, học hỏi, giao lưu với những đội nhóm vô cùng năng động, được tác động tích cực đến cộng đồng. Chính những thành quả được gọi là "quà tặng kèm" ấy vượt ngoài kì vọng của ta và kiến thức đó sẽ đi cùng ta đến mãi về sau vì vậy tạo cho ta giá trị và niềm phúc lâu bền hơn.
3. Ước mơ và đam mê dưới lăng kính của Chủ nghĩa Tư Bản.
Vẫn như trên, vì tôi cũng đang nghiên cứu về vấn đề này thế nên ta xin mượn luận điểm trong cuốn sách :
Ta luôn nghe những phát biểu hùng hồ về đam mê : "Hãy tìm kiếm đam mê rồi bạn sẽ không phải làm việc ngày nào cả".
Theo tác giả, những diễn ngôn về đam mê như trên đang tạo ra một sự lẫn lộn giữa hạnh phúc cá nhân và các thành tựu trong công việc. Từ đó, ta dần đặt những thành tích ấy như một ước mơ cần hướng tới mà không phải là sự bình an, hạnh phúc trong tâm hồn. Nếu như ngày xưa, các tôn giáo, triết gia luôn mong muốn ta tìm về với chính ta để tìm lại những cảm giác an nhiên, bình an trong lòng. Nói cách khác, ta tìm về giá trị bên trong. Còn những trào lưu "làm việc theo đam mê" hay "self-help" lại thúc đẩy ta tìm kiếm các giá trị bên ngoài như địa vị, tiền bạc. Tôi không muốn phủ nhận tầm quan trọng của giá trị bên ngoài đó. Tôi chỉ muốn làm bật lên một ý rằng ta đang dần xem nhẹ những giá trị bên trong và thèm khát những giá trị bên ngoài.
Chính vì gắn định nghĩa về một cuộc sống ý nghĩa lên những thành tựu trong công việc, xã hội đã được thúc đẩy và con người được tiêm một liều doping để lao động tạo nhiều của cải hơn.
Và không những thế, chính vì việc lẫn lỗn giữa giá trị của bản thân và thành tựu trong công việc, ta thường xác định danh tính, nhân phẩm hay danh dự dựa trên công việc, địa vị xã hội. Điều đó tạo áp lực không nhỏ đến những bạn trẻ đặc biệt là những anh chị sinh viên còn đang thất nghiệp và cả người chưa có định hướng cho mình.
Suy cho cùng "đam mê" chẳng phải thứ gì cao siêu như người ta vẫn tồn sùng như cách để sống một cuộc đời ý nghĩa. Đam mê theo cuốn "So Good They Can't Ignore You: Why Skills Trump Passion in the Quest for Work You Love" thì nó chính là công việc mà ta làm giỏi. Còn trạng thái đam mê, hăng say trong công việc là sự tập trung cao độ hay còn gọi là trạng thái "Flow" mà nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi đã đề xuất.
Tôi xin kết thúc bài viết này tại đây
Cảm ơn Hội Đồng Cừu đã tổng hợp rất nhiều tài liệu giàu giá trị và đã truyền ý tưởng, kiến thức để tôi viết nên bài này.
SIlent B
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất