*Warning: Bài viết spoil hầu hết nếu không muốn nói là toàn bộ nội dung phim. Cân nhắc kĩ trước khi đọc.
*Disclaimer: Bài viết thể hiện ý kiến chủ quan của người viết.
Đã cảnh báo rồi đó nhé.
Đã cảnh báo rồi đó nhé.

I. Dẫn nhập

Doraemon trước nay vẫn luôn là ấn phẩm hướng đến mọi lứa tuổi. Tất cả mọi người, bất kể già trẻ lớn bé, đều có thể tìm thấy sự thân thuộc ở trong truyện cũng như ở trong phim. Trẻ con có thể yêu Doraemon vì sự hồn nhiên tươi vui, cùng thông điệp đầy tích cực và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn nếu ta cố gắng. Người lớn có thể yêu Doraemon vì những hoài niệm mà chú mèo máy ấy mang lại về một thời tuổi thơ đã qua - tất nhiên không hề huyền ảo tới mức phiêu lưu qua các chiều không gian và các thời đại, nhưng cũng không kém phần thú vị và đáng nhớ chăng?
Còn như độ tuổi của mình, tuổi mười bảy - không quá lớn để nhìn lại những gì đã qua bằng lăng kính hoài niệm pha chút tiếc nuối, không quá nhỏ để nhìn vào những gì sắp tới bằng sự hy vọng đầy đẹp đẽ và ngây thơ - thì Doraemon chính là chiếc gương thần phản ánh thế giới. Những bài học, những câu chuyện tưởng chừng giản đơn song lại chứa đựng những thông điệp mang tính tiên tri đến đáng ngạc nhiên về xã hội và con người; những bộ phim vừa mang đến sự hạnh phúc cho những người muốn đắm chìm trong một thế giới mộng mơ, vừa là mắt kính thấu suốt cho những người dùng nó để soi ra cuộc sống.
Bởi vậy mới nói, đọc Doraemon lúc nhỏ là để trầm trồ trước những món bảo bối thần kì; đọc Doraemon lúc lớn hơn, như mình đây, là để giật mình trước sự tương đồng trong thế giới mình đang sống với thế giới được tái hiện qua những trang truyện (viết từ thế kỉ trước rồi!)
Và trong bộ phim mới nhất cũng vậy; ẩn giữa cuộc thám hiểu đầy ly kỳ của Nobita trên con đường đi tìm vùng đất lý tưởng là những bài học đầy tính triết lý, cũng như những tầm nhìn vượt xa cả thời đại về tương lai con người. Chính xác thì đó là gì?

II. Liên minh khoa học và tôn giáo

Một tựa đề thật dễ khiến người đọc nhướng lông mày. Nhưng ta hãy bình tĩnh, đưa chính mình vào thế giới giả tưởng của thiên đường giữa không trung - Paradapia (Ghép từ Paradise và Utopia, hiển nhiên rồi), và hãy cùng xem xét thật kĩ xem cơ chế hoạt động của thiên đường này thật ra là như thế nào nhé.

1. Bay lên nhờ khoa học

Trăng lưỡi liềm kia không phải trăng đâu, mà là Paradapia đấy.
Trăng lưỡi liềm kia không phải trăng đâu, mà là Paradapia đấy.
Paradapia là một sản phẩm của nền khoa học hết sức tiên tiến đến từ thế kỷ 22 (chắc vậy). Dù gì đi nữa, không thể không thừa nhận là hòn đảo lơ lửng hình mặt trăng lưỡi liềm này sở hữu đặc tính không khác gì một thiên đường thực thụ được viết trong sách vở:
1) Paradapia có hệ thống rào chắn bảo vệ vô cùng kiên cố, đóng băng tạm thời bất kì vật thể nào chạm vào rào chắn, và có khả năng dịch chuyển không thời gian, tự giấu khuất chính mình (tuy nhiên có một nhược điểm - cũng may - là hòn đảo không thể tàng hình vĩnh viễn, mà cứ sau một khoảng thời gian lại cần phải hiện nguyên hình, có lẽ là để tích trữ năng lượng chăng). Đây là một đặc điểm mà mình thấy rất giống một thiên đường thực thụ nằm giữa những tầng mây, khuất xa tầm mắt của người trần vậy.
2) Hòn đảo lý tưởng trên trời này có một khí hậu nhân tạo của riêng nó, với nhiệt độ và cường độ ánh sáng được điều khiển bởi một chiếc đèn chiếu khổng lồ gọi là Ánh sáng Paradapia (Bản chất thật của loại ánh sáng này sẽ được bàn đến sau, song không thể không thừa nhận là nó hoạt động với vai trò một mặt trời nhân tạo rất tốt).
3) Một điều nữa làm Paradapia nổi bật hẳn với những đô thị dưới mặt đất (và làm tăng thêm tính lý tưởng của hòn đảo này) chính là một chi tiết, tuy không đóng vai trò quyết định trong hành trình của nhóm bạn Doraemon, song lại phản ánh được sự phát triển của khoa học công nghệ nơi đây. Cây! Ở Paradapia có rất, rất nhiều cây xanh! Tại sao điều này lại chứng tỏ rằng hòn đảo giữa không trung này xứng đáng là một thiên đường thực thụ, có lẽ không cần nói nữa đâu nhỉ?
Tất nhiên Paradapia còn rất nhiều những công nghệ tiên tiến khác, tiêu biểu là hệ thống phòng vệ robot (Nổi bật nhất chắc là mèo máy Sonya, cậu mèo máy này sẽ được là spotlight của phần sau), hệ thống Học viện Hoàn Hảo cùng với các bài thể dục toán học linh động, thậm chí cả một hệ thống cung cấp thức ăn cho 400 cư dân ở nơi đây nữa (Tuy phim không có phân cảnh hệ thống này trực tiếp hoạt động, nhưng với nền khoa học tiên tiến hơn hẳn khăn trải bàn ẩm thực của Doraemon - không có ý chê đâu nhé - thì hẳn việc cung cấp thức ăn cũng sẽ ứng dụng khoa học rồi).
Để ý cây xanh ở góc bên phải kìa.
Để ý cây xanh ở góc bên phải kìa.
Tất cả điều này đều được phơi bày ngay trong nửa đầu của bộ phim - tất cả đều được sử dụng để tạo nên một bức tranh hoàn hảo về Paradapia, một thiên đường cung cấp cho tất cả mọi người tất cả những nhu cầu thiết yếu có thể có, tạo ra một môi trường sống trong lành, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của con người. Sống trong Paradapia, người dân sẽ loại bỏ được hoàn toàn những thói hư tật xấu của chính bản thân, từ đó trở thành một công dân hoàn hảo, sống trong một thiên đường bình yên.
Như vậy khoa học chính là nền tảng để cấu thành thiên đường trên mây này; chính những lời hứa hẹn của khoa học về một thiên đường nơi mà mọi nhu cầu được đáp ứng là điều đã kéo con người đến với Paradapia - và đó cũng chính là điều đã lôi kéo Nobita đề nghị xin được sống ở thiên đường.
Song mời gọi đến thôi thì chưa đủ. Chính nền "tôn giáo" - với định nghĩa chính xác và phổ quát nhất của nó, là một hệ thống các văn hoá, tín ngưỡng, đức tin bao gồm các hành vi và hành động được chỉ định cụ thể (Tôn giáo, Wikipedia), nền tôn giáo của Paradapia mà đứng đầu là Ba vị hiền triết vĩ đại, đã níu chân con người ở lại thiên đường này.

2. Lơ lửng nhờ tôn giáo

Có lẽ không cần nói cũng biết, hệ thống quản lý người dân ở Paradapia không chỉ dựa vào đội cảnh vệ tuần tra, mà chủ yếu chính là qua bàn tay kiểm soát của Ba vị hiền triết vĩ đại, mà từ họ cả một nền tôn giáo đã được hình thành. Thật dễ thấy y phục của ba vị có những điểm tương đồng đến đáng ngạc nhiên với hình ảnh miêu tả các vị thần linh hay linh mục ngoài đời, từ chiếc mũ đến tấm áo choàng vắt qua vai, thậm chí đến cả giọng nói vang vọng khắp sảnh đường mà nhóm bạn Doraemon được đưa vào bởi Sonya, thật không khác gì lời phán truyền của một vị thần thánh!
Cả động tác giơ tay lên nữa.
Cả động tác giơ tay lên nữa.
À, và còn một điều nữa rất thú vị: Đại sảnh để diện kiến ba vị hiền triết được xây dựng theo kiến trúc rất giống một nhà thờ, với mái trần cao vút và nhiều tấm kính để ánh sáng chiếu rọi vào vậy.
Trên áo của Nobita có đính gì?
Trên áo của Nobita có đính gì?
"Tôn giáo" mà ba vị hiền triết tạo ra có cả sự hiện diện của vật thể được coi là linh thiêng, chính là chiếc huy hiệu mặt trăng - mặt trời. Càng trở nên hoàn thiện - mà thực ra là nếu như niềm tin vào sự linh thiêng của Paradapia và sự tối thượng của ba vị hiền triết - thì vầng mặt trời sẽ càng sáng chói. Hay từ góc nhìn của người ngoài, chiếc huy hiệu chính là ám thị cho sự phục tùng và sự củng cố niềm tin:
1) Sau vài ngày ở Paradapia, huy hiệu của Shizuka, Jaian và Suneo đã có thêm vầng mặt trời, tuy nhiên huy hiệu của Nobita vẫn không xuất hiện bất kì thay đổi gì cả. Điều này cũng trùng hợp với sự thay đổi trong nhận thức và tính cách của họ: Jaian và Suneo đã mất đi hoàn toàn tính bạo lực và nhỏ mọn - mà chính những tính cách đó là đặc trưng con người của họ - và thay vào đó là sự thân thiện giả trân hết sức. Shizuka cũng vậy, cũng mất đi sự bảo thủ của mình mà thành một người luôn nói lời cổ vũ và hài lòng với tất cả. Một điều nữa, cả ba người họ đều quên mất nhà của chính mình, mà trong lòng chỉ có Paradapia được coi là ngôi nhà thực thụ - như vậy quầng sáng ở huy hiệu chính là thước đo biểu thị niềm tin và sự trung thành của người dân Paradapia.
2) Khi nhóm bạn Doraemon phát hiện ra sự thật về thứ gọi là thiên đường giữa không trung này và thoát khỏi sự thao túng tâm lý của ánh đèn - thí nghiệm của ba vị hiền triết, điều này sẽ được thảo luận ở phần tiếp theo - cả ba đã giật chiếc huy hiệu của mình ra và ném nó xuống đất, làm vỡ những chiếc huy hiệu. Đó chính là hành động quá rõ ràng của sự vứt bỏ niềm tin vào Paradapia.
Thế mới nói, Paradapia tồn tại được là nhờ khoa học, song nó phát triển được là nhờ tôn giáo. Lời nói của ba vị hiền triết là chân lý (Trong phim có chi tiết người dân Paradapia chần chừ không muốn lên khinh khí cầu thời gian để đi di tản, kể cả khi thiên đường sụp đổ quanh họ, chính là minh chứng cho luận điểm này); sự hiện diện của ba vị được coi như là ánh sáng quang minh chiếu rọi lên tất cả. Và một điểm tương tự nữa giữa tôn giáo do ba vị này gây dựng lên và tôn giáo ngoài thế giới chúng ta đang sống: mặc dù là đấng tối cao, song xuyên suốt bộ phim chúng ta không thấy ba vị làm gì cả! Hiền triết chính trị, hiền triết khoa học, hiền triết văn hóa - nghệ thuật, cả ba vị không có mấy cử động xuyên suốt bộ phim, mà chủ yếu chỉ là ra lệnh đòi hỏi sự phục tùng của người khác; hơn nữa, hành động của ba vị cũng y hệt nhau, đi cùng đi, ra lệnh cùng ra lệnh. Cũng như ngoài đời vậy - thánh thần có thể là nguồn gốc của sự quyền uy, nhưng bản thân thánh thần thì hiếm khi nào làm việc gì.
Chính như vậy, mà người dân ở Paradapia đã được trao cho một bản hợp đồng: Họ được nhận những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, được vui sống trong hòa bình và thịnh vượng, được phát triển bản thân để trở nên "hoàn hảo" - đổi lại họ quẳng đi niềm tin về bản sắc cá nhân và giao phó toàn bộ niềm tin và sự trung thành cho ba vị hiền triết. Đó là bản hợp đồng mà Nobita đã đặt bút kí, nhưng may thay đã xé vụn vào phút cuối cùng.
Nhưng có một câu hỏi: Có thật là hai bên đều biết rõ mọi điều khoản của bản hợp đồng này không?

III. Lập trình niềm tin

Sở dĩ thiên đường Paradapia có thể được duy trì lâu đến như vậy, một phần lớn chính là niềm tin vô điều kiện của người dân vào sự toàn năng và hoàn hảo của nó. Và ở đây, ta nhìn thấy được liên minh giữa khoa học và tôn giáo có thể trở nên nguy hiểm, và mạnh mẽ, đến mức nào: Những tiến bộ trong khoa học và công nghệ có thể cho phép những vị hiền triết lập trình lại toàn bộ nhận thức của người dân ở Paradapia, từ đó khiến cư dân càng thêm củng cố niềm tin vào sự thượng đẳng và tuyệt diệu ở nơi họ. Đó mới là cái thật sự gọi là Paradapia - không phải người dân nơi đây tự cảm thấy họ đang được sống trên thiên đường và hạnh phúc vì điều ấy (Quả thực, cậu mèo máy Sonya cũng thú nhận khi nhìn Nobita và Doraemon cãi cõ với nhau là lâu lắm rồi cậu mới cười :), mà bởi vì họ được lập trình để cảm thấy nơi họ sống chính là thiên đường. Ta sẽ cùng đi vào hai cách khác nhau để tạo ra niềm tin vào thiên đường không trung ấy.

1. Ánh sáng Paradapia

Thứ mặt trời nhân tạo mà người dân ở hòn đảo thiên đường nhìn thấy mỗi ngày không chỉ có chức năng cung cấp một lượng nhiệt vừa phải, mà nó còn là ánh sáng chi phối tâm trí con người - một quái thai của khoa học thế kỉ 22. Tiếp xúc liên tục trong thứ ánh sáng ấy, mọi người sẽ dần mất đi cảm xúc thật của chính mình, chỉ còn lại phần não bộ phản ứng tự động với các tình huống bên ngoài - hay nói cách khác, lý tưởng hoàn hảo của Paradapia chính là sự loại bỏ hoàn toàn các cảm xúc như sự nhỏ nhen, bạo lực hay bảo thủ, chỉ để lại sự thân thiện và lịch sự một cách hoàn toàn bản năng, vô điều kiện.
Ánh sáng chói lòa.
Ánh sáng chói lòa.
Quả thực, việc để một thứ ánh sáng dần tẩy não mình nghe không lấy gì làm thú vị, nhưng hãy thử đặt cho bản thân một câu hỏi: liệu điều ấy có thật sự tốt không? Mất đi sự đa dạng trong cảm xúc, con người cũng đồng thời rũ bỏ sự tham lam, thù hận - điều ấy đã được thể hiện trong Paradapia như một thế giới hòa bình, không chiến tranh, không nổi loạn, nơi mỗi người đều chăm chỉ hoàn thành công việc của mình, và hơn nữa, còn cảm thấy vui vẻ với điều ấy; như vậy thì sự xóa sạch những cảm xúc kia có thật sự là điều xấu không, nếu như sau khi xóa bỏ nó chúng ta cảm thấy tốt, chúng ta muốn tốt và chúng ta hành động tốt?
Ánh sáng Paradapia hấp dẫn cá nhân mình không phải vì nó tạo ra cơ hội để một người độc tài thống trị thế giới; chuyện đó cũ lắm rồi. Không, nó có sức hút lớn đến thế vì nó đặt ra một câu hỏi đầy triết lí: Nếu ta có thể dùng thứ ánh sáng ấy để làm bản thân trở nên tốt đẹp, và hơn nữa là muốn mình tốt đẹp, liệu ta có dám làm không? Ta có đánh đổi những đặc điểm xấu nhưng là định hình cá thể chúng ta để nhận lấy sự hoàn thiện và ước muốn được hoàn thiện?
Cho nên câu hỏi thật sự là: Ta muốn bản thân muốn gì?

2. Viết code cho Sonya

Sonya đã được ba vị hiền triết cưu mang. Và lập trình lại luôn.
Sonya đã được ba vị hiền triết cưu mang. Và lập trình lại luôn.
Chú mèo máy Sonya là khía cạnh thứ hai trong sự cải tạo niềm tin của ba vị hiền triết. Đối với loài người, sự can thiệp của ba vị có giới hạn nhất định của nó - ánh đèn pin chiếu rọi là tác nhân từ bên ngoài, có thể được giải trừ tác dụng dần dần bằng một loại kẹo đặc chế - song đối với mèo máy, sự can thiệp này đã đạt đến trình độ tinh vi hơn hẳn, đó chính là trực tiếp sửa đổi lại nhận thức. Bằng chứng chính là trong khi truy đuổi Doraemon và Nobita qua không thời gian, Sonya đã có những giây phút phân vân, chống lại lời nói của ba vị khi bị Doraemon thuyết phục - tuy nhiên mệnh lệnh của ba vị hiền triết cuối cùng cũng đã lấn át trung khu xử lí của Sonya, khiến cậu (gần như là trong một giây vô ý thức) bóp còi và bắt giữ Nobita và Doraemon quay lại Paradapia. Hãy tạm thời giả định là trong hệ thống máy tính của Sonya không có linh hồn cũng như bản thể cá nhân, mà được làm hoàn toàn từ các thuật toán; mọi hành động cũng như cảm xúc mà cậu có không xuất phát từ một niềm tin, một bản thể mà cũng chỉ là các thuật toán, xung điện; lúc này hẳn là ba vị hiền triết đã có thể lập trình lại Sonya một cách toàn diện hơn rất nhiều, và có thể tạo ra một Sonya mới phục tùng mệnh lệnh một cách hoàn toàn và triệt để, chứ hẳn đã không bất tuân ba vị ở lần đối mặt thứ hai.
Ngừng lại. Một giây thôi.
Ngừng lại. Một giây thôi.
Và giờ, hãy suy nghĩ đến việc con người chúng ta; giả dụ con người cũng không có linh hồn hay bản thể cả nhân mà cũng chỉ đơn thuần là các thuật toán sinh học có thể tái tạo, có thể điều khiển và có thể khống chế; nếu cảm xúc của chúng ta cũng có thể bị chi phối dễ như việc đưa một đoạn code vào trong hệ thống máy tính điều khiển, thì liệu chúng ta sẽ nghĩ về bản thân như thế nào? Và liệu chúng ta có thể nhận ra được những lỗ hổng của thiên đường Paradapia, hay trước khi kịp làm vậy đã được tái lập trình để trung thành tuyệt đối với thiên đường ấy?

IV. Một vài điều vụn vặt

1. Không hề có thần thánh

Một điều hết sức thú vị mà bộ phim chỉ hé mở vào những phút cuối cùng: Thật ra chẳng có ba vị hiền triết nào cả! Ba vị chẳng qua cũng chỉ là robot tinh xảo, được tạo ra bởi nhà tiến sĩ Karl (?) điên loạn, muốn sử dụng tia sáng thao túng tâm lý để kiểm soát loài người!
Điều này có lẽ cũng có phần nào đúng với mô hình hoạt động của tôn giáo vậy: có lẽ thần thánh không hề có thật mà chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người; song chính trong việc tạo ra niềm tin vào thần thánh mà con người mới có thể chung sức, hợp tác và trung thành. Thế lực siêu nhiên có khi chẳng hề tồn tại, nhưng chúng lại có những ảnh hưởng rất thật lên thế giới - thì đó, ông tiến sĩ Karl kia nhờ hình ảnh ba vị hiền triết như những thế lực thánh thần mà đã gây dựng được cả một "thiên đường" bay lơ lửng giữa trời xanh đấy thôi!

2. Một Sonya bất tử

Ở trong những phân cảnh cuối cùng của bộ phim, bộ vi mạch và bộ nhớ chính của Sonya đã được tìm thấy; từ đó cậu có thể được tái tạo một cơ thể mới và quay lại nguyên dạng, hoàn chỉnh y như lúc đầu.
Hãy thử nghĩ xem, nếu như con người cũng có thể làm y như vậy; sao lưu toàn bộ kí ức của bản thân vào trong một con chip, để đảm bảo sự tồn tại và tái sinh của bản thân kể cả trong trường hợp tai nạn - đó chẳng phải một con đường hết sức thú vị để dẫn tới sự bất tử hay sao?

V. Lời bạt

Doraemon chưa từng khiến mình ngừng suy nghĩ và mơ mộng. Từ những truyện ngắn của bác Fujiko F Fujio mà giờ đọc lại mới thấy rõ tính tiên tri khủng khiếp của chúng, đến những Oneshot cũng chính do bác viết nên mà chứa đựng tầm nhìn vượt xa thời đại đến hàng thế kỉ, và bây giờ đến những bộ phim tuy thật trẻ con nhưng lại hé mở cái nhìn hết sức sâu sắc về thế giới...không một lượng từ nào có thể diễn tả hết sự ngưỡng mộ và khâm phục của mình với những người đã cùng bác Fujiko F Fujio gìn giữ và phát triển những câu chuyện về Doraemon, để cho mình đọc, xem và cảm nhận...buổi xem phim như vậy, quả thực là xứng đáng lắm.
10/10!
P.S: Các Oneshot đầy sự lạnh xương của bác Fujiko F Fujio, cho ai muốn đọc :)