Phim hack não - xem gì cho đủ đô?
*Khuyến cáo: Đây là một bài viết rất dài từng được up lên blog cá nhân của mình với số lượng hơn 6000 từ cho 25 tựa phim mình đã xem....
*Khuyến cáo: Đây là một bài viết rất dài từng được up lên blog cá nhân của mình với số lượng hơn 6000 từ cho 25 tựa phim mình đã xem. Các bạn có thể save lại đọc từ từ nha =]
Ngay từ những năm tháng học cấp 2, Uyên đã rơi vào thế giới khác người của phim ảnh, điển hình là phin hack não.
Không giống như bạn bè trang lứa, đứa mắt long lanh chống cằm xem K-drama, đứa mồm há hốc trầm trồ kéo nhau xem Spiderman ngoài rạp, Uyên ở nhà luyện não với đủ thể loại trinh thám, hình sự, tâm lý không ai thèm dòm ngó.
Nếu bạn nào đã chịu khó nhấp vào và đọc đến đây, Uyên biết rằng bạn sẽ có thể trở thành tri kỉ của Uyên vào một ngày đẹp trời nào đó. Hoặc có thể sẽ ôm chầm lấy nhau mà hàn huyên về những thước phim hack não mà Uyên sắp chia sẻ sau đây.
Hoặc tệ hơn nữa chúng mình sẽ choảng vỡ đầu nhau vì sự bất đồng trong quan niệm “phim hack não”. Well, shall we?
A Clockwork Orange (1971)
A Clockwork Orange là bộ phim khoa học viễn tưởng thuộc mục hình sự, tội phạm tâm lý đầu tiên mà Uyên xem. Vì xem từ năm lớp 6 nên Uyên không có mấy ấn tượng và hiểu được hết những chi tiết trong phim. Cho đến khi xem lại bộ phim lần thứ 2 sau 3 năm thì Uyên mới có thể thấm thía hết ý đồ đằng sau bộ phim.
Phim sẽ dễ hiểu hơn đối với những ai từng tiếp xúc với những đối tượng có tâm lý khác với xã hội bình thường (Psychopath). Phim có rất nhiều chi tiết tương đồng với cuốn Bắt trẻ đồng xanh của J.D Salinger đình đám.
Taxi Driver (1976)
Phim thuộc dòng tâm lý tội phạm, không nhiều cảnh bạo lực nhưng tập trung nhiều vào diễn biến tâm lý của nhân vật sau chấn thương tinh thần từ chiến tranh Việt Nam trở về. Mở to mắt ra, nghiền ngẫm và quan sát, bạn sẽ hiểu tại sao Taxi Driver lại được đánh giá cao đến như vậy!
Jacob’s Ladder (1990)
Mặc dù Uyên xếp thứ tự danh sách từ cũ nhất đến mới nhất. Nhưng nếu được xếp theo độ hack não và đau đầu, chắc chắn Uyên sẽ để Jacob’s Ladder lên đầu danh sách.
Bộ phim từng là đề tài bàn luận nảy lửa của các con mọt phim trên rất nhiều diễn đàn, bởi độ đen tối và nan giải cho nhiều tình tiết phim nằm trong đó.
Phim nói về Jacob Singer, một cựu chiến binh trở về từ chiến tranh, luôn gặp phải ác mộng và ám ảnh trước cái chết của con trai. Nội dung phim khá tương đồng với Taxi Driver, nhưng cách khai thác tâm lý nhân vật trong Jacob’s Ladder có phần kỳ quái và rối rắm hơn Taxi Driver rất nhiều.
Warning trước khi xem bạn nên chuẩn bị tâm lý để được bịt não hoàn toàn. Vì thực sự bộ phim không hề “nhẹ cân” và dễ xem một chút nào!
The Usual Suspects (1995)
Bộ phim từng đoạt 2 giải Oscars cho kịch bản gốc xuất sắc nhất và nam diễn viên phụ xuất sắc nhất này là một trong những bộ phim trinh thám hình sự yêu thích nhất mọi thời đại của Uyên.
Phim xoay quanh câu chuyện của Verbal – một trong hai kẻ sống sót tại một vụ bắn nhau ở cảng Los Angeles. Verbal sau đó tình cờ gặp thêm 4 tên tội phạm nữa, và cùng nhau làm việc cho một ông chủ tên Keyser Soze.
Phim có một trong những màn kết được xem là kinh điển và gây bất ngờ nhất trong lịch sử những phim hình sự trinh thám. Chắc chắn các bạn sẽ phải mắt chữ A, miệng chữ O khi nhận ra rằng phán đoán của mình đã sai ngay từ những phút đầu của phim.
Perfect Blue (1997)
Phim kể về Mima, một thành viên nữ của một nhóm nhạc pop tại Nhật Bản, quyết định rút lui trở về làm diễn viên.
Những ảo tưởng và nhận thức về bản thân của Mima bắt đầu mất dần đi sau những biến cố xảy ra trong sự nghiệp của cô, khiến cô không thể phân biệt đâu là bản thân thật sự, đâu là nhân cách dối lừa trong cô.
Đề tài mà Perfect Blue khai thác thực ra không quá mới mẻ so với những phim có đề tài tương tự sau này, nhưng ở thời điểm mà bộ phim ra đời (1997).
Đây là khía cạnh mà ít nhà làm phim nào, nhất là đối với phim hoạt hình, khai thác được sâu và ám ảnh về hội chứng đa nhân cách và biến cố tâm lý của con người rõ như trong Perfect Blue.
Following (1998)
Uyên biết đến Following một cách rất tình cờ qua những mục phim “ít ai động tới” ở PUBVN. Following là tác phẩm đầu tay của Christopher Nolan – đạo diễn phim có sức ảnh hưởng và được hoan nghênh nhất thế kỉ 21.
Nhân vật chính Bill do Jeremy Theobald thủ vai, là một nhà văn trung niên có thói quen đi theo dõi người khác, lý do được Bill đưa ra cho thói quen không mấy bình thường này là anh đang “thiếu hụt ý tưởng” cho các tác phẩm của mình.
Câu chuyện rẽ sang một hướng khác khi Bill phá vỡ quy tắc “không bao giờ theo dõi một người lần thứ hai” và bị phát giác bởi Cobb – một tên vô tình cũng có sở thích bám đuôi theo dõi người khác như Bill.
Với Uyên, bộ phim không để lại được nhiều dấu ấn ấn tượng. Cách Christopher xây dựng ý tưởng và hình ảnh cho phim rất có đầu tư, nhưng những cảnh quay và dàn diễn viên không mấy ấn tượng mà Christopher sử dụng không gây được hiệu ứng mạnh mẽ đối với người xem, khiến người xem có cảm giác hụt hẫng và để lại nhiều câu hỏi chất vấn trong đầu, không phải vì không hiểu thông điệp đằng sau của bộ phim, mà là chất vấn về mục đích đằng sau bộ phim của Nolan. Anws, bộ phim vẫn rất đáng được các mọt phim tham khảo.
The Sixth Sense (1999)
Nói đến phân mục phim siêu nhiên, kinh dị và tâm lý, chắc chắn không thê không nhắc tới tác phẩm “anh chị đại” The Sixth Sense do Shyamalan đạo diễn.
Dù sau này những style phim tương tự xuất hiện khá nhiều, nhưng The Sixth Sense vẫn không hề bị mờ nhạt nhờ phong cách đạo diễn không thể lẫn vào đâu được của Shyamalan: Sâu sắc, kịch tính và đầy bất ngờ.
Không nên nói nhiều về tuyệt phẩm này nữa, các bạn chỉ cần chuẩn bị bỏng ngô và nước ngọt sẵn sàng để thưởng thức bộ phim này vào một ngày mưa gió nữa mà thôi! 🙂
Fight Club (1999)
Uyên thực sự đã không muốn đưa Fight Club vào list này một xíu nào, đơn giản bởi vì nó đã quá quen thuộc và được nhắc đến quá nhiều khi nói đến phim “Hack não”.
Nhưng suy đi nghĩ lại, thì thật là một thiếu sót to lớn nếu không để tên ông trùm của thể loại phim Cult này vào danh sách (Phim Cult là những phim thuộc dạng ít phổ biến, không chính thống, thường được các fan mọt phim độc lập tôn sùng và yêu mến).
Fight Club là một đại diện điển hình cho phong cách đạo diễn độc nhất vô nhị của David Fincher – vị đạo diễn của hầu hết những bộ phim tâm lý hại não hay nhất mọi thời đại.
Nếu bạn chưa bao giờ nghe đến hay xem bất kì bộ phim nào của Fincher, và nếu bạn muốn bắt đầu tìm hiểu về ông, bạn chỉ cần mở Fight Club lên và thưởng thức, bạn sẽ thấy được toàn bộ phong cách làm phim của Fincher ngay trước mắt.
Memento (2000)
Phim được làm theo phong cách phi thời gian và tuyến tính đặc trưng cuả Nolan, kể về hai câu chuyện song song với nhau của anh chàng Shelby – người bị mất trí nhớ ngắn hạn và phải dùng hình xăm, giấy note và ảnh chụp để lưu lại ký ức của mình.
Câu chuyện và diễn biến của phim đánh lừa sự phán đoán tưởng chừng như thông minh bằng Conan của Uyên một cách thảm bại.
Khi Uyên kịp nhận ra tất cả những gì mình thấy trước mắt không phải là lừa dối như mình nghĩ, thì phim đã giáng cho Uyên một cú đau giời đánh bằng một kết phim không thể thỏa mãn và logic hơn.
Xem đi các bạn, kể có cả bị giáng đòn như Uyên, thì cũng rất đáng, rất đáng các bạn ạ…
Donnie Darko (2001)
Nhưng 5 năm sau khi Uyên vô tình nhìn thấy poster phim cùng bản mặt sắc lẹm và lạnh lùng của Jake Gyllenhaal trên đó, Uyên quyết tâm xem lại một lần nữa và tìm hiểu thật kĩ về kịch bản phim.
Cho đến bây giờ, Uyên dám khẳng định đây là bộ phim khoa học viễn tưởng về thế giới và vũ trụ song song được khai thác tinh tế và thú vị nhất Uyên từng xem.
Phim nói về một thanh niên tên Donnie với những hành động và chứng hoang tưởng kì cục đối với những người xung quanh cậu.
Nếu bạn không phải là người có tính kiên nhẫn và sự quan sát tỉ mỉ đến những chi tiết nhỏ nhặt, thì kể cả bạn có đọc giải mã phim bao nhiêu lần bạn cũng sẽ không hiểu được phim đang cố gắng truyền tải điều gì.
Bởi vậy nếu có ý định coi, Uyên khuyên bạn nên dẹp hết các yếu tố ngoại cảnh có thể quấy rầy bạn, và chuẩn bị một cái đầu lạnh và tỉnh tảo khi xem Donnie Darko nha 🙂
Mulholland Drive (2001)
Sau Fight Club thì Mulholland Drive xứng đáng để bạn thêm một cái tên đầy xuất sắc nữa cho bộ sưu tập những phim hack não đáng xem nhất từ David Lynch.
Rất khó để có thể tóm tắt được nội dung của Mulholland Drive, và thực ra hầu hết phim của David Lynch đều khiến người xem lâm vào cảnh tương tự khi có ý định thuật lại nội dung phim như vậy.
Mulholland Drive là cái tên đem David Lynch đến gần hơn với khán giả và phong cách làm phim độc đáo của ông.
Những sự kiện trong phim của ông luôn xen lẫn giữa ảo và thực, không có mốc thời gian và nhân vật rõ ràng, khiến người xem luôn có cảm giác như đang lạc trong một giấc mơ không có lối thoát của nhân vật trong phim.
Dù lộn xộn và khó hiểu như thế, nhưng đằng sau mỗi bộ phim của David Lynch là một tiếng lòng riêng, đánh sâu vào tâm lý tưởng chừng như phức tạp nhưng lại vô cùng gần gũi với cuộc sống.
Hãy nhớ lấy tên vị đạo diễn tài ba này, và “keep your eyes and your heart open” đối với Mulholland Drive nếu bạn có ý định thưởng thức bộ phim này sắp tới.
Oldboy (2003)
Một tuyệt tác của điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung là đây thưa các bạn. Siêu phẩm Oldboy lừng danh mà mỗi khi nhắc đến, tim Uyên lại nhói lên bởi những cảnh quay đau đớn đến buồn bã của bộ phim.
Oldboy không phải là phim hack não đối với Uyên, nhưng Uyên vẫn muốn đưa vào list này bởi có thể, Oldboy sẽ hack não bạn bằng một khái niệm khác, không phải hack não để làm bạn đau đầu và cảm thấy khó hiểu, mà hack não để bạn có thêm một cái nhìn khác hơn về cuộc sống đang tồn tại xung quanh mình.
Bộ phim kể về câu chuyện của Oh Dae-Su, người bị nhốt trong một căn phòng khách sạn suốt 15 năm mà không hề biết rõ mục đích của kẻ bắt cóc. Khi được giải thoát, Dae Su rơi vào những cái bẫy của âm mưu và bạo lực.
Trong cuộc hành trình tìm kiếm nhằm trả thù kẻ đã gây ra đau khổ cho mình, Dae-Su rơi vào vòng xoáy tình cảm với một đầu bếp sushi.
Uyên nhớ đã khóc như một đứa con nít mới sinh khi xem đến phân cảnh cuối cùng trong phim. Phim đưa Uyên tới bất ngờ này đến bất ngờ khác, dù từ đầu đến cuối phim chỉ có một nhịp điệp mạnh mẽ xuyên suốt, hầu như không có nốt trầm để người xem có thể cân bằng lại cảm xúc theo nhịp phim.
Đây cũng là yếu tố mà đối với nhiều người xem, có thể liệt kê Oldboy vào những phim tâm lý hình sự hack não siêu đẳng của điện ảnh thế giới.
Mystic River (2003)
Có thể một số bạn sẽ không đồng ý với Uyên rằng Mystic River không phù hợp để nằm trong list này. Nhưng với Uyên, Mystic River hoàn toàn có một chỗ đứng mạnh mẽ trong list này mà Uyên đưa ra, cũng như trong giới phim Cult nói chung.
Mystic River là câu chuyện của ba người bạn thân Jimmy, Sean và Dave.
Dave gặp sự cố bị bắt cóc và lạm dụng bởi một người đàn ông bí ẩn vào một chiều khi ba người đang chơi đùa với nhau trên đường phố. Dave thoát được và từ đó chịu đựng chấn thương tâm lý một cách nặng nề, từ đó ba Dave cô lập mình, không còn một mối liên hệ nào giữa những người xung quanh, thậm chí với cả Jimmy và Sean.
Bẵng đi nhiều năm sau, một sự cố xảy đến với con gái của Jimmy kéo ba người bạn năm xưa trở lại với nhau. Từ đó câu chuyện rẽ hướng trở về những bóng ma và nỗi ám ảnh đã từng đè nặng lên vai ba con người ấy.
Không có từ nào có thể diễn tả tình cảm mà Uyên dành cho Mystic River. Bởi cốt truyện và cách xây dựng nhân vật của Clint Eastwood hoàn hảo đến từng tí một.
Chắc chắn Mystic River không phải là bộ phim sẽ khiến khán giả phải bứt tóc suy nghĩ, nhưng một điều mà Uyên chắc chắn hơn, là bộ phim để lại một nỗi ám ảnh và suy nghĩ không dứt cho người xem mãi mãi.
Spring, Summer, Fall, Winter…and Spring (2003)
Đây là bộ phim Hàn Quốc thứ hai Uyên đưa vào trong danh sách này. Điện ảnh Hàn Quốc là một trong những nền điện ảnh văn minh và nhiều quả ngọt nhất Uyên từng được xem.
Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân (Uyên xin được gọi tên bằng tiếng Việt) là một trong những kiệt tác phim độc lập thuộc thể loại tâm lý, tôn giáo được trau chuốt và chú trọng vào chi tiết tỉ mỉ một cách cực kỳ ấn tượng.
Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân không khó xem, nhưng cũng không hề dễ để có thể tập trung và chăm chú xuyên suốt bộ phim vỏn vẹn chưa đầy 100 lời thoại trong hơn 1 tiếng đồng hồ.
Phim xoay quanh cuộc sống của một chú tiểu và một vị cao tăng qua bốn mùa giữa thiên nhiên yên bình, êm ả. Phim nhấn vào nhân vật chú tiểu, người phá vỡ những quy luật đạo đức trong Phật giáo, làm hại những sinh vật nhỏ bé, phạm giới luật, rơi vào bẫy tình yêu, lớn lên bỏ chùa mà đi và trở thành một tên sát nhân máu lạnh.
Trên con đường trốn chạy khỏi tội ác, chú tiểu của năm xưa lại quay về nơi mình đã được nuôi dưỡng, phụng sự vị cao tăng cho đến khi ông chết, và dành quãng thời gian cuối đời còn lại của mình ở lại chăm sóc ngôi thủy am.
Bộ phim mang đầy sự ám ảnh của kiếp luân hồi, của nghiệp chướng, báo ứng ở đời – những yếu tố rất hay xuất hiện ở những bộ phim tôn giáo mang tính đánh đố tâm lý người xem.
Đạo diễn của bộ phim – Kim Ki Duk đã từng giải thích rằng: “Phim tôi không có lời đáp, mà luôn đưa ra những câu hỏi”. Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring sẽ không cầm tay chỉ lối khán giả đến bất kỳ một con đường, một quan điểm sống nào.
Bộ phim chỉ đặt ra những vấn đề giàu tính khơi gợi, khiến khán giả muốn dừng lại ngẫm ngợi về cuộc đời để từ đó tìm ra câu trả lời của riêng mình và sống sâu sắc hơn.”
The Machinist (2004)
The Machinist là một cái tên chắc chắn sẽ không thể thiếu trong danh sách phim hack não được rồi. Với những ai là fan của phim kinh dị tâm lý, thì The Machinist chắc hẳn luôn chiếm được vị trí vững chãi trong tim.
The Machinist là câu chuyện về anh chàng thợ máy tên Trevor Reznik. Anh ta bị mắc chứng mất ngủ trầm trọng khiến anh ta bị sụt cân và trí nhớ suy giảm đi một cách tồi tệ.
Cuộc sống của anh càng tồi tệ hơn khi có sự xuất hiện của Ivan – một kẻ tự xưng là đồng nghiệp của Trevor và từ sau đó, Trevor vấp phải rất nhiều điều rắc rối khi ở cạnh Ivan. Mọi người còn cho rằng Trevor có tâm lý không bình thường.
Brad Anderson – đạo diễn của The Machinist đã quá thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật Trevor một cách cực kỳ chân thực. Christian Bale, diễn viên thủ vai Trevor đã phải giảm đến 28 kg để có thể nhập vai một cách hoàn hảo nhất.
Cái kết của The Machinist hé lộ những câu hỏi bí ẩn xuyên suốt của bộ phim không quá gây shock, nhưng đó là một cái kết đầy logic xâu chuỗi chặt chẽ với những tình tiết trong phim, và chắc chắn để lại dư âm vô cùng ám ảnh và mạnh mẽ trong lòng khán giá.
The Butterfly Effect (2004)
The Butterfly Effect có thể nói là bộ phim gần như tiên phong và nổi tiếng nhất về chủ đề du hành thời gian thay đổi quá khứ, và đề cập đến thuyết hiệu ứng cánh bướm.
Vốn được sử dụng ban đầu như một khái niệm khoa học đơn thuần, hiệu ứng cánh bướm sau đó đã được nhắc đến nhiều lần trong văn hóa đương đại, phim ảnh, đặc biệt là trong các tác phẩm có đề cập tới quan hệ nhân quả hoặc nghịch lý thời gian.
Ashton Kutcher vào vai Evan Treborn, một sinh viên 20 tuổi, với Amy Smart đóng vai người bạn thời thơ ấu Kayleigh Miller, William Lee Scott vai người anh trai tàn bạo Tommy, và Elden Henson vai người hàng xóm của họ, Lenny.
Evan phát hiện ra mình có khả năng du hành ngược thời gian, quay về chính cơ thể mình (vẫn là trí não trưởng thành nhưng trong cơ thể lúc trẻ hơn) và thay đổi hiện tại bằng cách thay đổi những hành vi trong quá khứ.
Déjà Vu (2006)
Hẳn tựa đề phim đã nói lên phần nào lý do tại sao nó lại nằm trong danh sách này rồi. Déjà Vu không phải là một bộ phim Uyên đánh giá quá cao về nội dung cũng như diễn xuất.
Denzel Washington (vào vai Doug Carlin) là một nhân viên điều tra của ATF nhận nhiệm vụ điều tra một vụ khủng bố. Chính phủ nơi Doug làm việc sở hữu công nghệ bí mật có thể cho phép nhìn lại về quá khứ của những vụ viêc đã xảy ra trước đó vài ngày.
Doug sau đó phát hiện ra xác của một cô gái tại hiện trường vụ khủng bố khi quay trở lại quá khứ. Câu chuyện tiếp diễn và đi theo hướng romance không mong đợi.
Denzel Washington trong phim rất khó để yêu thích khi vai diễn của anh tỏ ra cực kỳ gượng gạo, thêm nữa bị ép vào một kịch bản không mấy được thuyết phục.
Đề tài về ký ức ảo giác trong giới làm phim thực ra không nhiều, điều này khiến Déjà Vu có thêm được một điểm vớt vát lại những khiếm khuyết trên. Dù sao, Déjà Vu cũng rất đáng được bạn để vào list “hack não” trung bình để giải trí vào một ngày chán nản.
The Prestige (2006)
Nếu có thể, Uyên cực kỳ muốn thay thế The Prestige cho tất cả những bộ phim bom tấn được tung hô một cách quá cường điệu ngoài kia như Now you see me – một bộ phim cùng thể loại và tâm lý với The Prestige.
Nhưng nghĩ lại, thì làm điều này giống như đem ngọc quý đi bán ở chợ quần chúng. The Prestige sẽ mãi là một viên ngọc quý nếu được giữ gìn một cách cẩn thận và được nâng niu bởi những người hiểu được giá trị đích thực của nó.
Nội dung phim xoay quanh hai ảo thuật gia Robert Angier do Hugh Jackman thủ vai và Alfred Borden thủ vai bởi Christian Bale. Những cuộc cạnh tranh khốc liệt bắt đầu nảy ra giữa hai người khi tham vọng tạo ra những tiết mục ảo thuật có một không hai trên thế giới xuất hiện.
Vẫn là phong cách quen thuộc của Christopher Nolan. Dưới con mắt của ông, những điều đơn giản nhất đều biến thành cả một thế giới độc đáo lạ kỳ.
Để có thể xem được The Prestige, hãy chuẩn bị thật kỹ đồ ăn thức uống ngay bên cạnh các bạn chu đáo, bởi các bạn sẽ chẳng muốn rời mắt dù chỉ là một giây khỏi tuyệt tác kinh điển này đâu, tin Uyên đi!
The Man From Earth (2007)
Đọc đến tên của The Man From Earth, nếu bạn nào nhảy cẫng lên hoặc đơn giản chỉ là mắt ánh lên niềm thích thú thì hãy inbox Uyên ngay, Uyên sẽ mời bạn một ly cà phê đen, bởi bạn và Uyên sẽ có thể luyên thuyên về bộ phim trong niềm hứng khởi đến hết ngày.
The Man From Earth là một bộ phim đi ngược lại toàn bộ khái niệm về một bộ phim cần có của người xem hiện đại. 99% bộ phim được quay trong vỏn vẹn một căn phòng khách với vài ba nhân vật.
Không hiệu ứng, không kỹ xảo, chất lượng góc quay cũng rất cơ bản và bình thường. Nhưng khối lượng kiến thức, tâm lý nhân vật và nhịp chảy của câu chuyện trong phim khiến Uyên phải dán mắt vào từng giây một vào màn hình.
Đây là bộ phim Uyên dành nhiều niềm yêu thích nhất trong những thể loại đi sâu vào tâm lý pha khoa học viễn tưởng. Không như nhiều bộ phim khác, The Man From Earth khai thác một khía cạnh và góc nhìn cực kỳ khác biệt với những bộ phim khoa học viễn tưởng ta vẫn thường thấy.
Những chi tiết nhỏ nhất, những yếu tố đơn giản nhất trong cuộc sống ở The Man From Earth được nâng lên một tầm cao nghệ thuật mới, cuốn hút người xem đến những giây cuối cùng.
Dù vậy, The Man From Earth vẫn không phải là một bộ phim dễ xem, trừ khi bạn là người thích những điều bất ngờ và không hoa mỹ trong điện ảnh, bạn có thể sẽ xem đi xem lại nhiều lần bộ phim này là đằng khác.
Martyrs (2008)
Martyrs là cái tên khá quen thuộc trong thể loại phim kinh dị của thế giới. Nhưng không như một số phim mainstream khác, câu chuyện trong Martyrs gai góc và khó “nuốt” hơn rất nhiều bởi những phân cảnh máu me, bạo lực, tâm lý rối loạn mơ hồ và niềm tuyệt vọng đến cùng cực trong phim.
Đó là lý do hầu như ai cũng biết đến cái tên Martyrs nhưng lại không phải ai cũng có thể ngồi đến phút cuối cùng để có thể thưởng thức, hiểu được và thật sự chú tâm đến câu chuyện trong đó.
Martyrs kể về câu chuyện một phụ nữ trẻ tên Lucie Jurin với quyết tâm trả thù những kẻ đã bắt cóc và tra tấn cô thời niên thiếu. Đồng hành với cô là một cô bạn thân khác là Anna Assaoui, người cũng từng có quá khứ bị bạo hành thời bé. Những hành động sau đó của Lucie và Anna đã dẫn hai người tới những bí mật kinh hoàng ẩn sau đó.
Điện ảnh Pháp không thường nổi tiếng bởi những bộ phim bạo lực kinh dị máu me, nhưng Martyrs đã hoàn toàn để lại một ấn tượng khó phai đối với điện ảnh Pháp nói riêng và thế giới nói chung.
Dù Martyrs không được nhiều người đón nhận bởi những cảnh quay kinh dị pha yếu tố tâm linh về ma quỷ và kiếp sau có phần nhạy cảm với người xem, nhưng nó cũng đáng được bạn tham khảo và làm phong phú danh sách phim của mình bằng một cái tên từ điện ảnh Châu Âu.
Triangle (2009)
Có một thời gian cứ hễ nhắc đến khái niệm phim “hại não” hay “hack não”, mọi người lập tức nhắc đến cái tên “Triangle” như một cái tên có sẵn trong tiềm thức.
Sở dĩ có điều này là bởi vì Triangle được PR khá tốt ở thời điểm phim ra mắt. Với trailer cuốn hút, thời lượng phim không quá dài và cực kỳ phù hợp cho cả hình thức chiếu rạp lẫn phân khúc phim điện ảnh, Triangle thu hút được rất nhiều khán giả cho đến tận bây giờ.
Có rất nhiều giả thuyết và suy luận được đưa ra cho những tình tiết rối rắm trong phim. Xuyên suốt bộ phim là những vòng lặp lại liên tục không dứt những chuỗi sự kiện từ đầu phim, khiến người xem không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mắt mình.
Uyên vẫn nghiêng về giải thuyết liên quan đến Deja Vu kết hợp Karma. Dù câu trả lời là gì, thì cũng là ý đồ của đạo diễn khi muốn người xem rút ra được suy nghĩ của riêng mình cho chính câu chuyện của bộ phim. Các bạn xem và Uyên biết suy luận và câu trả lời của các bạn nha 😀
Mr. Nobody (2009)
Theo đánh giá và ý kiến riêng của Uyên, thì Mr. Nobody là bộ phim dễ xem nhất trong mạng mục những phim tâm lý “hại não” trong này.
Khái niệm dễ xem nhất Uyên nhắc tới ở đây không phải vì nó dễ hiểu, mà là dễ xem nhờ những yếu tố tình cảm đan xen một cách rất tinh tế trong phim, khiến bạn không cảm thấy nặng nề một chút nào như những bộ phim đau não cùng thể loại.
Những cảnh phim đầu tiên bắt đầu ở thì tương lai, ở đó có những con người bất tử, duy nhất một người vẫn già đi đang chết dần, người đó tên là Nemo Nobody do Jared Leto thủ vai. Bộ phim tiếp diễn với những kí ức vụn vặt về thời thanh niên và thơ bé của Nemo được hồi tưởng lại.
Phim được liên tiếp lồng ghép vào những tâm lý, khung cảnh và chuyện tình khá mơ hồ và phức tạp của nhân vật. Đan xen vào đó là những giả thuyết khoa học phổ biến như Hiệu ứng cánh bướm, du hành thời gian,…và triết lý sống sâu sắc của con người.
Mặc dù vậy, Mr. Nobody vẫn có thể dễ dàng kéo giữ bạn ngồi lại thưởng thức từng giây phút trong bộ phim một cách ngấu nghiến.
Inception (2010)
Inception – Cái tên kinh điển của kinh điển mà chắc hẳn bạn không còn lạ lẫm gì nữa. Đây là một trong những tuyệt tác để đời của trùm đạo diễn Christopher Nolan, với thành công vang dội mà nó đem lại, không phải con số doanh thu, mà là ở sự yêu mến đông đảo của những hardcore mọt phim chân chính lẫn những người yêu điện ảnh nói chung.
Nolan đã “quằn quại” với kịch bản cho Inception trong suốt cả thế kỷ. Ông là người đã dặt ra tất cả những quy luật, diễn biến tâm lý và cách thức hoạt động siêu nhiên của thế giới trong mơ cho nhân vật trong phim.
Để cho ra được một cốt truyện gay cấn và cái kết thú vị như các bạn đang xem bây giờ, Nolan đã phải đau đầu trong một thời gian dài, nỗ lực tìm tòi và sáng tạo không ngừng nghỉ. Inception xứng đáng là một trong những tác phẩm về đề tài siêu thực hay nhất từng được sản xuất ho đến tận bây giờ của Christopher Nolan.
Shutter Island (2010)
Anh đại Leonardo Di Caprio lại một lần nữa chiếm trọn màn ảnh bạc trong bộ phim kinh dị tâm lý hình sự lừng danh không kém cạnh Inception – Shutter Island. Diễn xuất của Leo trong Shutter Island theo như Uyên đánh giá, là đỉnh nhất trong những thể loại tương tự anh ta từng tham gia.
Dennis Lehane, tác giả của cuốn tiểu thuyết cùng tên Shutter Island, cũng là tác giả của vô số những kịch bản được chuyển thể thành phim cực kỳ thành công như Mystic River, Gone Baby Gone,…Ông là người đứng sau tạo nên những tâm lý phức tạp và nội tâm sâu sắc của nhân vật Teddy mà bạn chứng kiến trên màn ảnh.
Nếu sau khi xem bạn vẫn nheo mắt, bứt tóc, đờ người ra và vẫn không biết chuyện gì vừa xảy ra trong suốt 138 phút vừa trôi qua cuộc đời mình, thì chúc mừng bạn, bạn vừa được liệt vào hội những người không nên xem một bộ phim hack não nào chỉ một lần.
Theo Uyên, Shutter Island không chỉ thú vị về yếu tố gây nhức nhối và hoang mang tâm lý, mà còn là cách mà đạo diễn khai thác phần tâm lý sâu thẳm nhất trong mỗi con người một cách rất chân thật. Đây là yếu tố khiến Uyên luôn yêu thích những thể loại phim kinh dị tâm lý hình sự như thế này.
The Lobster (2015)
Bộ phim bắt đầu với David (Colin Farrell), một người đàn ông trung niên bị vợ bỏ. Trong xã hội của David, độc thân là điều không thể chấp nhận được, vì vậy, ông bị hai cô y tá đưa đến một khách sạn nghỉ dưỡng bên bờ biển, nơi ông có 45 ngày để tìm người bạn đời mới của mình hoặc bị biến thành một con vật.
Với Uyên, The Lobster là một bộ phim hài cố gắng khó hiểu nhiều hơn là một bộ phim tâm lý nặng hack não. Tuy vậy, The Lobster có những điểm nổi bật và khác lạ hơn so với những bộ phim mind-fuck khác Uyên từng xem: cách khai thác nỗi cô đơn và tình yêu kỳ dị lạ lùng, nhạc phim lấn át lời thoại nhằm tăng độ ẩn dụ, màu sắc và hình ảnh trong phim được tập trung nhiều vào yếu tố nghệ thuật.
The Lobster cũng khá thành công trong việc khơi gợi nhiều câu hỏi ẩn dụ và khái niệm mơ hồ về tình yêu trong cuộc sống.
Các cảnh quay và tình tiết trong phim được sắp xếp lộn xộn có chủ đích, đem lại cảm giác như bản thân và nhân vật lạc trong bể suy nghĩ và tư tương của chính mình. Đây cũng là yếu tố khiến bộ phim khá khó xem ở lần đầu tiên.
Phù! Các bạn đã lọc được cho mình bộ phim hack não phía trên nào để sẵn sàng được “thông” não chưa? Uyên welcome tất cả những gợi ý thêm cho list phim này của Uyên nha.
Bài viết được up trên blog cá nhân Don't Travel Like Me
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất