Bài viết có sự đồng hành của @Trà Chanh trên Spiderum
Trong những ngày qua, Parasite (hay Ký sinh trùng) - một bộ phim của Hàn Quốc dù đã trình chiếu từ giữa năm 2019, nhưng đến giờ tên phim đó vẫn ở trên môi của nhiều người khi ngày 10/2 vừa qua, tượng vàng Oscar danh giá của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Mỹ đã chính thức gọi tên Bong Joon-ho không những 1 mà tới 4 lần (trong đó có cả giải Phim xuất sắc nhất - một giải mà chưa hề có bất kỳ phim châu Á nào làm được; gọi nhiều tới nỗi Bong nói đùa: "tôi tưởng chỉ gọi 1 lần rồi nghỉ ngơi thôi"). CJ chuẩn bị đưa Parasite chiếu lại ở Việt Nam với một câu mời chào "CƠ HỘI THƯỞNG THỨC TUYỆT PHẨM OSCAR LẦN CUỐI CÙNG". Dân Hàn Quốc đổ xô xem lại phim một lần nữa để thưởng thức tuyệt phẩm điện ảnh Kim Chi. Báo chí nhiều nước đổ xô đưa tin về phim, một lần nữa. Một số người khi nói về Parasite, nay lại nhớ đến Ròm của Trần Thanh Huy.
Parasite và Ròm, nếu ai còn nhớ, đều có chung điểm con đường: Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 (Hàn Quốc).
Cả hai phim dù thể loại khác nhau: Parasite là 'bi hài kịch', còn Ròm thì là 'chính kịch - hình sự'. Nhưng cả hai phim đều là những thước phim tuyệt vời: không chỉ về tính cinematic, mà còn về nội dung và thông điệp truyền tải. Parasite nói về mối mâu thuẫn giai cấp âm ỉ trong lòng xã hội Hàn Quốc, về mặt tối của xã hội tư bản, và theo chia sẻ của Bong tới tạp chí Slate: "đó còn là câu chuyện của những người yếu thế tự triệt tiêu lẫn nhau, và đó là điều buồn nhất". Với Ròm, dưới câu chuyện của một đứa trẻ hành nghề bán vé số dạo, phim chạm tới góc khuất của xã hội - cũng như Parasite - không chỉ là câu chuyện của những người hành nghề bán vé chật vật và xoay sở để có 'đất sống', mà còn là về tệ nạn 'lô, đề'. Cả hai phim đều được giới phê bình đánh giá cao: về cốt truyện, góc quay, bối cảnh, độ nghệ thuật của phim. Ấy thế, số phận của cả hai thì lại trái ngược: bên được bay xa tới Oscar và ai ai cũng nhắc tới, kẻ lại hẩm hiu chết yểu và chẳng ai biết tới.
Nói tới thì chắc mọi người đã hiểu. Còn ai chưa nhớ thì, Ròm sau khi đoạt giải ở Liên hoan phim quốc tế Busan đã bị phía Cục 'tuýt còi' với lý do 'phát hành khi chưa được phép phổ biến', một điểm mà chính luật sư cũng lên tiếng là 'không chuẩn xác' vì nhầm lẫn khái niệm 'phát hành' và 'phổ biến'. Nguyên do được cho là Ròm có "nội dung phản cảm, thể hiện cách nhìn tiêu cực về văn hoá, con người Việt Nam", theo tờ Dân Trí. Thế nhưng, Parasite của Bong cũng cùng đề tài nhưng lại không bị trói với lý do 'có cách nhìn tiêu cực về người Hàn Quốc' như cách lập luận với Ròm, mà trái lại Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn dành thời gian để đến xem Parasite, khen ngợi đoàn làm phim.
Và chuyện của phim Ròm khiến cho nhiều người càng băn khoăn khi đặt trong bối cảnh cùng lúc đó, Cục bị chỉ trích vì sơ suất khi duyệt phim hoạt hình Abominable (còn gọi Người tuyết bé nhỏ) chứa cảnh đi kèm bản đồ 'đường lưỡi bò' - yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông - được chiếu xuyên suốt 10 ngày liên tiếp. Một sai sót cực kỳ nghiêm trọng nhưng lại được biện hộ bằng một câu "hình lưỡi bò chỉ xuất hiện vài giây” khiến không những người dân, mà bản thân Bộ còn lên tiếng 'không đồng tình' với phát biểu trên.
Vấn đề kiểm duyệt lại một lần nữa được mổ xẻ, và lần này, Hàn Quốc - nơi đang vui mừng với chiến thắng để đời tại giải Oscar 2020 - được nhắc tới.
Theo video phân tích của Phê Phim - một kênh YouTube rất có tiếng với những người yêu nền nghệ thuật thứ 7 tại Việt Nam, phía chính phủ Hàn Quốc có những bước ngoặc để khuyến khích sự phát triển của điện ảnh như một nền công nghiệp. Cụ thể vào năm 1992, Toà án Tối cao Hàn Quốc đưa ra phán quyết cho rằng việc cắt hay cấm phim 'là đi ngược lại với hiến pháp'. Và đến năm 2001, Hàn Quốc chính thức bãi bỏ việc can thiệp hay kiểm duyệt phim - một điều mà nước này làm với mục đích 'bảo vệ thuần phong mỹ tục' từ năm 1973 qua việc thành lập Hội đồng Quảng bá phim Hàn Quốc (được biết đến sau này là 'Korean Film Council'), trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch nước này.
Trong khi đó, Việt Nam chúng ta vẫn đang bị 'trói' chặt ở sự rõ ràng trong định nghĩa của cụm từ 'thuần phong mỹ tục' (một cụm từ thường được định nghĩa là 'những phong tục, truyền thống, quan niệm đạo đức, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của một dân tộc'), một thực trạng trước kia Hàn Quốc cũng gặp phải trong quá trình kiểm duyệt phim, dù trải qua khá nhiều lần Chỉnh lý và bổ sung trong Luật Điện ảnh. Chưa hề có bất kỳ một sự lý giải rõ ràng về 'thuần phong mỹ tục' trong các văn bản, mà dường như nó mang tính cảm tính là nhiều bởi chính việc xác định thế nào là 'thuần phong mỹ tục' cũng là vấn đề nan giải.
Đó là chưa kể, phim Ròm cũng bị 'tuýt còi' và yêu cầu phải cắt bỏ các đoạn 'bạo lực'. Đây cũng là lý do khiến Bụi đời chợ Lớn vào năm 2013 phải 'chết' khi đoàn làm phim tiến hành chỉnh sửa kịch bản, cảnh phim tới tận 3 lần "trong khả năng điều kiện kinh phí cho phép" nhưng vẫn không được Hội đồng Thẩm định phim Trung ương chấp thuận cũng với lý do 'bạo lực'. Thế nhưng thực tế, vẫn có những phim của nước ngoài vẫn được trình chiếu tại Việt Nam chúng ta dù vẫn 'bạo lực', ví như trường hợp của Joker - phim phía CGV tiến hành chiếu lại lần 2 sau khi đoạt hai giải thưởng trong giải Oscar 2019 (tại hai hạng mục: Nhạc phim Xuất sắc và Diễn viên Nam chính xuất sắc). Một số trang báo nước ngoài đã từng có cái nhìn khá tiêu cực về phim Joker nhưng đạo diễn của phim, Todd Phillips, lên tiếng: 
"Tôi nghĩ rằng phần lớn chúng ta có thể phân biệt phải trái. Số còn lại sẽ chỉ hiểu mọi thứ theo cách họ muốn. Vì vậy nên tôi không nghĩ rằng trách nhiệm của một người làm phim là phải dạy phân biệt phải trái cho người khác."
Chúng ta có thể thấy rằng, Mỹ là quốc gia phương Tây, vốn là quốc gia của những người nhập cư và sự đa dạng văn hoá, việc áp dụng một Luật Nghệ thuật để đặt Nghệ thuật 'vào khuôn khổ' là điều gần như không thể. Chúng ta có thể lấy ví dụ việc Mỹ từng cố gắng áp dụng Đạo luật Hays 1934 vào hoạt hình để "chấn chỉnh" nội dung của các tác phẩm điện ảnh nói chung và hoạt hình nói riêng được lưu thông trên thị trường với các biện pháp như cấm như từ ngữ, tư thế hay bài hát được cho là "có tính xúc phạm, hàm ý tình dục hay báng bổ tôn giáo" nhưng rồi làn sóng 'hoạt hình người lớn' ở Mỹ với những nội dung và chi tiết hướng tới đối tượng trên 18 tuổi vẫn cứ nổ ra, nhất là trong vài ba năm trở lại đây với điển hình là Rick & Morty, Love, Death & Robots hay Bojack Horseman. Đó là chưa kể, Đạo luật Hays chỉ tồn tại tới năm 1968. Hàn Quốc, kinh đô điện ảnh châu Á hiện nay, là một quốc gia vẫn còn thiên khá nhiều về văn hoá đậm chất Á Đông nhưng lại sẵn sàng mở cửa tiến bộ về điện ảnh hơn, vậy tại sao Việt Nam chúng ta không mở cửa để nền nghệ thuật thứ 7 được cất cánh và không chỉ dừng lại ở mức 'hoạt động nghệ thuật' như chúng ta từng nghĩ trước kia mà sẽ còn phát triển trở thành nền công nghiệp hiện đại? Hàn Quốc nay có quả ngọt mang tên Ký sinh trùng, vì họ có một nền tảng vững chắc về mặt chính sách, tư duy và sự đầu tư bài bản.
Dù không thể phủ nhận cần phải có những quy tắc nhất định, nhưng phim ảnh - vốn là một trong những nền nghệ thuật toàn dân - không nên bị kìm nén bởi những quy tắc hà khắc và cách đánh giá theo cách cảm tính để giúp cho những người sáng tạo có thể thoải mái tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật và phản ánh chân thực đời sống, đáp ứng gu và tiêu chuẩn thưởng thức ngày càng cao của khán giả Việt. 
Như một câu trích được Bong sử dụng trong bài phát biểu của mình ở Oscar 2019 từ vị đạo diễn Martin Scorsese đã nói:"The more singular the vision and the more personal the film, the more it claim to be art". (tạm dịch: Một bộ phim càng có góc nhìn độc đáo, càng mang phong cách cá nhân bao nhiêu, thì càng trở nên nghệ thuật bấy nhiêu). Nghệ thuật là cách để một hoặc nhiều cá nhân thể hiện tư duy của bản thân về xã hội để được xã hội tiếp nhận. Thế nên, chẳng phải việc o ép người sáng tạo với nhiều quy chế cũ, không hợp lý hoặc áp đặt mang tính chủ quan, cảm tính là việc đã ép buộc góc nhìn cá nhân của họ và khiến họ cảm thấy bị tù túng, từ đó gián tiếp dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám mà Việt Nam vẫn đau đáu gần đây sao? Khi ấy, chúng ta có quyền gì đòi hỏi các bộ phim Việt phải vừa là bom tấn phòng vé hay được giải thưởng trong nước, vừa tham gia LHP nước ngoài? Để rồi, nền điện ảnh Việt bị chết chìm trong những phim hài nhảm nhí, những phim kinh dị hời hợt, nửa vời nhưng lại và không có ý nghĩa xã hội cả cá nhân nhưng lại 'hợp lòng' bên kiểm duyệt, mà trước đó đã từng có người đứng đầu lại chỉ là người làm bên... thiết kế phục trang.
Còn trong thời điểm của bài viết, Ròm đã được Cục chấp thuận trở lại phiên bản chỉnh sửa của phim, theo thông tin của tờ Lao Động. Và hi vọng rằng, Ròm không bị kiểm duyệt một cách quá đà để có thể giữ được giá trị như bản gốc của phim tham dự Busan và nhận giải thưởng một cách vinh quang nhưng cũng cay nghiệt vì 'kiểm duyệt' như trước. Cũng hy vọng rằng, sau khi đổi thành viên, Cục sẽ giúp các nhà làm phim thể hiện quan điểm cá nhân qua phim ảnh nữa thay vì là kiểm duyệt theo cảm tính, để từ đó điện ảnh Việt có thể cất cánh và bay xa, như xứ Hàn và như Parasite.
Nguồn thông tin:
- Phát biểu của Todd Phillips: https://www.youtube.com/watch?v=w5yR6Id6K9I