(Lưu ý : Bài viết này được viết để phản đối bài viết “Phim Việt dự Oscar: Đi thi làm gì khi cơ hội chỉ bằng không?” của trang web báo Tuổi Trẻ.)
Những bộ phim không đủ trình Oscar

Điều đầu tiên cần phải nói rằng cả hai bộ phim trên : Upin & Ipin Keris Siamang Tunggal và cả Hai Phượng đều không phải bộ phim đủ tầm cỡ để tham gia Oscar, huống chi là vào được top 5 cuối hay đoạt giải. 
Upin & Ipin Keris Siamang Tunggal là một bộ phim hoạt hình cho đối tượng trẻ em, với những tình tiết đơn giản, nhân vật trong văn học và điển tích bản địa với không lời giải thích hay giới thiệu (không hề phù hợp và khó hiểu với khán giả nước ngoài), cốt truyện cũng kha khá lỗ hổng chỉ phù hợp với lượng khán giả dễ xem dễ quên. Điều khiến phim trở nên ấn tượng có thể kể đến lượng tiền vốn kỉ lục cho một phim nội địa Malaysia, có một câu chuyện đậm chất sử thi và chất liệu dân tộc, được người dân quan tâm ủng hộ và trở thành movie hoạt hình Malaysia (đầu tiên) nắm kỉ lục cho bộ phim chiếu rạp với doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Bên cạnh đó, Hai Phượng là một bộ phim hành động – tức một thể loại mà Oscar không quan trọng và thậm chí là không quan tâm, trừ khi đó là giải Kĩ Xảo Xuất Sắc Nhất. Hai Phượng có một ý tưởng hay về một người mẹ can tâm đối đầu với băng nhóm xã hội đen, nhưng phim đã không thể hiện đủ chiều sâu và tiềm năng đáng giá về cốt truyện lẫn nhân vật.

Tuy rằng bộ phim đúng là còn kha khá thiếu sót để trở thành một bộ phim “cực phê”, nhưng không thể phủ nhận rằng Hai Phượng đã là một điểm sáng của phim Việt những năm gần đây, khi phim đã thoát khỏi dòng chảy hài/kinh dị, cùng với một kịch bản hoàn toàn chỉnh chu, qui trình sản xuất đầu tư và không ăn theo dòng chảy thị trường. Chưa hết, phim còn lập một kỉ lục mới về doanh thu khi bỏ túi được 200 tỷ, được công chiếu tại Mỹ trong năm 2019 bên cạnh Vợ Ba, thu về 600 ngàn USD và được nền tảng chiếu phim trực tuyến Netflix mua về để phát sóng trên hơn 100 quốc gia. Đặc biệt, Hai Phượng còn là bộ phim yêu thích trong năm 2019 của đạo diễn của loạt phim John Wick – Chad Stahelski.

Đối với cá nhân người viết, nếu thực sự đại diện tại Malaysia và Việt Nam nghiêm túc hơn trong việc lựa chọn phim tham gia tranh giải Oscar, họ nên lựa chọn Ejen Ali The Movie cho giải phim hoạt hình xuất sắc, khi phim có một nội dung có chiều sâu, có ý nghĩa về mặt xã hội, nhân sinh, đồng thời cũng rất cảm xúc; hay đại diện của Việt Nam nên lựa chọn Vợ Ba hoặc Ròm. Tuy nhiên cũng khá dễ hiểu khi Ejen Ali được công chiếu vào cuối tháng 11 tại Malaysia và không kịp quy trình chiếu phim tại Mỹ (hay chi tiết hơn là Los Angeles) để đáp ứng yêu cầu của chiến dịch đề cử Oscar. Còn với các ứng cử viên khác từ Việt Nam thì sao ? 

Vợ Ba đã có những lùm xùm xung quanh việc để diễn viên 13 tuổi đóng cảnh đêm tân hôn, và cả việc phim ngừng chiếu do bản kiểm duyệt và bản phim chiếu rạp không đồng nhất khiến các ruồi báo một phen cắn xé. Vì thế việc phim được lựa chọn để tham gia giải thưởng điện ảnh như Oscar sẽ gây nên một scandal trong lòng dân. Ròm cũng có một câu chuyện na ná nhưng thương tâm hơn khi phim bị chính Cục Điện Ảnh Việt Nam gạch tên bởi nội dung tiêu cực dù phim đạt giải phim hay nhất tại LHP Busan và được các nhà phê bình khen ngợi. Cả án phạt 40 triệu đồng và lệnh tiêu hủy bản phim không rõ ràng cũng đã góp phần khiến phim chết yểu chứ là tham gia các LHP hay lễ trao giải khác. Do đó, nếu lựa chọn một bộ phim đáp ứng cả Cục Điện Ảnh và người xem thì chỉ có Hai Phượng. Tuy nhiên đến cuối cùng, ta phải đặt một câu hỏi : “Việc đề cử có thực sự cần thiết không ?”
Đề cử để làm gì ?
Nếu muốn tự đề cử cho hạng mục của Oscar, các nhà làm phim phải thực hiện rất nhiều quy trình. Đầu tiên phim phải gửi bản phim cho F.W.C (For Your Consideration) để các nhà phê bình tiếp nhận và đánh giá. Ngoài trừ các yêu cầu về phim, bộ phim phải được công chiếu tại các cụm rạp thuộc Los Angeles trong thời gian từ 1/1 đến 31/12 trong năm với ít nhất 7 ngày công chiếu liên tục. Nghe thì rất dễ, nhưng đừng quên Los Angeles là kinh đô điện ảnh, hay thành phố của những giấc mơ mà bất cứ nhà làm phim cũng muốn được đưa những đứa con tinh thần của bản thân chạm đến. Đặc biệt, với những sản phẩm điện ảnh quốc tế với số lượng không thể đếm xuể mà chất lượng cũng vô cùng khó đoán, Los Angeles cũng không khác gì một giấc mơ.

Khi ấy, để một bộ phim đến và công chiếu liên tục tại đây với 3 suất mỗi ngày và 1 trong số đó phải thuộc giờ hành chính qua tiêu chuẩn Oscar, điều đó cũng chẳng hề dễ dàng.
Bao nhiêu quy trình đó, để làm gì ?
Ai cũng biết là để tham gia Oscar, và nếu may mắn, để thắng và mang về cho bản thân một tượng vàng danh giá của ngành nghệ thuật điện ảnh.

Nhưng theo phân tích phía trên, cả Upin & Ipin Keris Siamang Tunggal và Hai Phượng đều không phải thể loại, và thậm chí cả sức nặng để tham gia Oscar, vậy thì việc đề cử có cần thiết không ?
Để trả lời câu hỏi này, ta phải xem xét tại sao hai bộ phim này được lựa chọn để tham gia Oscar.

Với Upin & Ipin Keris Siamang Tunggal, ta dễ dàng nhận thấy tại sao phim thua kém các sản phẩm khác cùng thể loại. Tuy nhiên, bộ phim này lại có một điểm tốt hơn những bộ phim còn lại : tính dân tộc. Trong phim Upin & Ipin, tính dân tộc Malaysia được thể hiện ở rất nhiều chi tiết : bố cảnh, nhân vật, trang phục,… Đây cũng là điểm chính giúp nhà nước Malaysia quyết định đề cử Upin & Ipin Keris Siamang Tunggal trở thành bộ phim đại diện cho quốc gia này cho một lễ trao giải quốc tế là Oscar. Bởi họ biết bộ phim này chính là những di sản văn hóa của Malaysia, hay ít nhất là đại diện cho nền điện ảnh của quốc gia họ.
Là đại diện cho nền điện ảnh quốc gia.
Cũng giống như Hai Phượng đối với nền điện ảnh Việt Nam.

Trong nhiều năm trở lại, điện ảnh Việt luôn ngập trong các phim hài nhảm và không đủ chất lượng, nếu không muốn xem là không hề có chất lượng. Mặc dù cứ vài năm, và từ 2012 trở lại đây thì là mỗi năm, Việt Nam lại gửi đề cử phim quốc tế xuất sắc nhất một lần, nhưng ngoại trừ Mùa Đu Đủ Xanh từ năm 1993 thì không phim nào qua được vòng gửi xe. Tuy nhiên, Cục Điện Ảnh Việt vẫn mỗi năm âm thầm gửi đề cử phim cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài của Oscar. Dù đã 13 phim từ 1996 đến 2018 đã không được lọt vòng trong nhưng không có nghĩa Việt Nam từ bỏ niềm tự hào cho điển ảnh nước nhà, rằng dù mặt bằng chung còn yếu kém, nhưng không có nghĩa không có những sản phẩm nổi trội.

Và Hai Phượng đã là một cú hit lớn, khi bộ phim thực sự tách biệt khỏi dòng phim tình cảm/hài nhảm của thị trường chung, có chất lượng ngang tầm Hollywood với một kịch bản gốc đủ ấn tượng, thậm chí có chất lượng để công chiếu tại Mỹ và mua lại bởi Netflix cả trước khi được quyết định đề cử Oscar, chưa kể đến kỉ lục doanh thu 200 tỷ. Được lòng một số nhà phê bình, người dân trong nước ủng hộ, hiệu ứng nước ngoài tốt, lần đầu tiên, Hai Phượng được qua vòng bảng của Oscar. Và dù không vào được top 5 cuối cùng do các đối thủ quá mạnh, nhưng rõ ràng bộ phim đã trở thành tín hiệu đáng mừng cho ngành điện ảnh lẫn tín đồ điện ảnh Việt Nam.
Có câu chuyện truyền thông
Tuy nhiên, không phải ai quân tâm đến điện ảnh cũng cho Hai Phượng một cái nhìn tích cực.

Như đã nói phía trên, Hai Phượng không phải một bộ phim có thể mơ tưởng đến giải Oscar hay thậm chí là chạm đến nó. Cho nên, việc phim vào được vòng rút gọn đã là điều đáng mừng.
Và cũng như đã nói ở trên, điều Hai Phượng hướng đến là sự đại diện cho điện ảnh Việt, và bộ phim đã thành công.
Lại lái sang Malaysia với Upin & Ipin.

Giống như Hai Phượng của Việt Nam, và càng có phần khiêm nhường hơn, người dân Malaysia rất ủng hộ Upin & Ipin khi nhà nước quyết định chọ phim là đại diện quốc gia cho nền điện ảnh hoạt hình. Và vì từ ban đầu, người dân đã mặc định việc làm này không hề hướng đến tượng vàng Oscar nên họ rất thoải mái với lựa chọn này dù những nhà phê bình phim vẫn giữ ý kiến Ejen Ali The Movie sẽ phù hợp hơn với chất lượng phim tham gia Oscar.
Nhưng dù có những ý kiến trái chiều, những người Malay vẫn rất tôn trọng việc đề cử của quốc gia họ và chỉ nêu ý kiến một cách thoải mái, không lấy ý riêng nói người chung. Và cuối cùng, họ lại thành công.
Riêng Việt Nam, không rõ rằng phải do ảnh hưởng của chế độ giáo dục ‘lấy top làm bằng’ không mà một số ‘nhà báo’ lại rất cay cú việc Hai Phượng được đề cử khi khả năng nhận Oscar là không có. Thậm chí, những người ấy còn sử dụng kha khá từ ngữ cay nghiệt như thể việc đề cử này là một vết nhơ mang tầm quốc gia. Và rõ ràng rằng điều này là không đáng.

Lật lại những câu chuyện về nghề báo Việt với điện ảnh nước nhà, ta khó mà bỏ qua những bài báo với sự xem thường rõ rệt và đôi lúc, cố tình dắt mũi dư luận dành cho các phim mới với chủ đề nhạy cảm nhưng được người dân quan tâm. Bởi lẽ, lúc những bộ phim này vừa ra mắt thì những bài báo thế này rất được ưa chuộng. Và vài dòng tiêu cực, qua loa lúc nào cũng rất nhanh chóng và bắt mắt.
Và cũng vì có lẽ, điện ảnh là ngành nghệ thuật toàn dân, tức ngành nghệ thuật cần sự phối hợp với khả năng thấu cảm và dân trí để tỏa sáng. Nhưng không may, hai yếu tố này lại phụ thuộc không ít bởi truyền thông. Do đó, các nhà báo lại có trong tay quyền sinh sát với ngành nghệ thuật này. Và không may không phải ai trong giới viết báo cũng biết thương sót cho cái đời bán con của chị Dậu hay nhận biết Twilight là phim xứng đáng với giải Mâm Xôi Vàng thế nào.

Rốt cuộc, cái nghề cần hiểu cách cầm bút như thế nhưng nhiều người hành nghề lại không rõ chữ “lễ” chữ “văn", rồi cuối cùng lại có cái quyền sinh sát cả một ngành nghệ thuật như thế. Hóa ra, cái xuống dốc của điện ảnh ảnh vốn là bi kịch, nhưng trong mắt ai đó, lại là hài kịch.
Rồi hóa chẳng, tiếng thở dài bao lâu của điện ảnh Việt trong bao nhiêu năm cũng không thể so nổi tiếng vỗ tay vài phút cho một phim hoạt hình nào đấy.
Chữ đạo đức và công tâm, dù vốn là chuyện riêng của nền điện ảnh, thực ra cũng phải có sự góp chung của truyền thông. Hai phim, hai nước, hai phản ứng trái ngược của truyền thông, hóa ra cũng thành hai chiếc cầu thang, một đi lên, một trượt xuống.

“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương, nhưng cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện” nhà văn Nam Cao đã nói thế. Rõ ràng rằng tuyên ngôn này của ông là dành cho các ngành nghề nghệ thuật, nhưng chẳng phài nhà báo vốn cũng là nghề cầm bút đó sao ?