Nghệ thuật suy cho cùng là về cái đẹp. Nhưng như thế nào là “đẹp” thì không ai nói cho ta biết; hoặc nếu có thì cũng cần phân định rõ là họ muốn nói đến cái “đẹp” của cá nhân họ hay đang muốn ép ta vào một cái đẹp mang tính phổ quát; bởi cái “đẹp cá nhân” thì rõ ràng nhưng khác biệt giữa mỗi người còn cái “đẹp phổ quát” thì tương đối bởi những khác biệt về thời gian, không gian.
1. Cái đẹp tìm ở đâu?
Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng hãy hình dung tác giả là người đầu bếp và tác phẩm nghệ thuật là món ăn. Người đầu bếp chế biến món ăn từ các các nguyên liệu; cho đến thời điểm được bày ra, món ăn hoàn toàn do người đầu bếp quyết định, tuy nhiên từ thời điểm nó được bày ra thì ăn như thế nào lại phụ thuộc vào thực khách. Tương tự vậy, (i) nguyên liệu cho nghệ thuật là đời sống nhưng nghệ thuật không phải là đời sống; nó là sự biến đổi của đời sống; (ii) tác giả chịu trách nhiệm và toàn quyền định hình tác phẩm nhưng (iii) khi tác phẩm hoàn thành thì nhiệm vụ của tác giả cũng chấm dứt, cảm thụ là lãnh địa riêng của độc giả.
Nếu cho rằng cái đẹp nằm ở (i) ta hòng lý luận rằng nghệ thuật thoát thai từ xã hội nên cái đẹp của nghệ thuật phải nằm trong cái đẹp của xã hội, một cái đẹp phổ quát. Tuy nhiên, xã hội có cả đẹp cả xấu, còn bản chất của nghệ thuật chỉ là cái đẹp vậy nên tự bản thân nghệ thuật phải tìm cách tách rời nó khỏi thực tế xã hội; hay nói cách khác, cố tìm xã hội trong một tác phẩm nghệ thuật cũng đồng thời là tìm cách để giết chết nó vậy.
Nếu cho rằng cái đẹp nằm ở (ii), ấy là ta đang phó mặc cái đẹp cho tài năng và dụng ý của người tác giả và rằng ta cần cảm thụ tác phẩm như cách mà chúng được tạo ra: tác phẩm ẩn dụ sâu sắc; nét cọ tinh tế; góc máy đẹp; lời văn hùng tráng v.v. Nhưng, cảm thụ như thế là ta tìm cái “đẹp” hay đi tìm “tác giả”? Rồi khi cảm thán là ta cảm thán tác phẩm đẹp hay tác giả đẹp; tranh Van Gogh đẹp là nó đẹp tự thân hay đẹp vì được Van Gogh vẽ?!  
Còn nếu muốn nói rằng cái đẹp nằm ở (iii), tức trong cảm quan của người tiếp nhận nó thì khi đó, ta buộc phải thừa nhận tất thảy cuộc tranh luận về cái đẹp đều là thừa.
Nghe có vẻ vô nghĩa nhưng nếu không cực đoan hoá các trường phái, thì (i), (ii) và (iii) không phủ định nhau và một tác phẩm có thể là sự tổng hoà của những cái đẹp trên. Ví dụ nhà triết học Kant trong cuốn “Phê phán năng lực phán đoán” đã đi đến kết luận: “Đẹp là cái gì làm hài lòng một cách phổ biến, độc lập với mọi khái niệm” – nói nôm na, cái đẹp nó độc lập, đến từ tác giả và làm hài lòng người tiếp nhận.
2. Chỉ đẹp thôi có đủ?
Mức độ ngon của đồ ăn không tỉ lệ thuận với giá trị cho sức khoẻ; có những thứ vừa ngon vừa bổ nhưng cũng có thứ chỉ ngon chứ không bổ, cái đẹp trong nghệ thuật cũng vậy. Diễn giải cho quan điểm này, trên diễn đàn đã có bài viết “Nghệ thuật thì vô dụng” của tác giả Tonard.
Dĩ nhiên tôi không tuyệt đối hoá chủ nghĩa “Nghệ thuật vị Nghệ thuật”, và một số người sẽ lập luận rằng “đẹp là hài lòng cơ mà, với tôi thì đẹp thôi chưa đủ!”. Đúng vậy, đôi khi ta cần đẹp (theo nghĩa rộng) để thoả mãn, nhưng xin nhắc lại, đấy là đẹp từ yếu tố (iii) và đừng tuyệt đối hoá nó vì cái đẹp của nghệ thuật vẫn đến từ yếu tố (i) và (ii).
3. Phân biệt “tác phẩm” và “rác phẩm”
Nghệ thuật là cái đẹp, và như đã trình bày, cái đẹp đó có thể đến từ (i) sự thoát thai của tác phẩm, (ii) tài năng của tác giả (iii) cũng như cảm quan của người đón nhận. Một tác phẩm nếu không tìm được vẻ đẹp từ bất kỳ đâu thì là “rác phẩm”; đạt cả ba thì sẽ thành “tác phẩm kinh điển”; còn không thì cũng có chất lượng từ làng nhàng cho đến tốt. Còn mục đích của người viết bài này là nhằm khuyên mọi người tránh xa những cuộc tranh luận về cảm quan không cần thiết bởi khi đó bạn không thực sự tranh luận về cái đẹp của tác phẩm mà bản chất là bạn đang giải quyết xung đột thế giới quan mà thôi.
P/S: Bài viết là sự tổng hợp góc nhìn rộng hơn cho những tranh luận trước đó với bạn Nguyễn Huy về chất lượng của phim Avatar của đạo diễn James Cameron tại bài viết:
https://spiderum.com/bai-dang/Avatar-va-nghe-thuat-Fili-cua-Aldous-Huxley-IyX4YqhQkDIm
Áp vào quan điểm trên, (i) Pandora là một thế giới viễn tưởng nhưng không xa lạ, phim đã kể câu chuyện về vẻ đẹp, sức sống của thiên nhiên cũng như mối gắn kết giữa tự nhiên - điều mà thế giới hiện đại đã đánh mất. Tôi đồng tình rằng kịch bản được triển khai với tuyến con người yếu là một hạn chế nhưng mức độ tác động của nó đến người xem thì lại là thứ phụ thuộc vào cảm quan. (ii) dấu ấn cá nhân, kỹ thuật làm phim của James Cameron là thứ không đụng hàng, kỹ xảo cũng chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thay thế được tầm nhìn của đạo diễn. (iii) Xin không bàn đến.