Thay vì tìm kiếm một công việc ổn định, hãy học cách xây dựng năng lực ổn định
Từ khi còn đi học, ba mẹ hay nói với mình rằng “Chỉ mong mai này con có một công việc ổn định là an tâm rồi”. Sau này lớn hơn chút...
Từ khi còn đi học, ba mẹ hay nói với mình rằng “Chỉ mong mai này con có một công việc ổn định là an tâm rồi”. Sau này lớn hơn chút nữa thì bạn bè thường tâm sự “Cuộc sống khó lường, không hợp phong ba bão táp, chỉ mong có một công việc ổn định an nhàn là đủ”
Vậy rốt cuộc, một công việc ổn định, nghĩa là gì?
Theo mình, một công việc được gọi là ổn định là khi bạn xách ô đi làm từ 8h sáng rồi 5h chiều lại cắp ô đi về. Đi ngủ không lo lắng sẽ bị đuổi việc. Khối lượng công việc không có nhiều thử thách, đôi khi nhắm mắt bạn cũng có thể làm được. Và cuối cùng là hàng tháng sẽ có người trả lương cho bạn.
Chúng ta phải tự thừa nhận, công việc ổn định mang lại cho bản thân ảo ảnh của sự an toàn, là vùng comfort-zone, là dù thế giới ngoài kia có xoay chuyển thế nào thì công việc ổn định vẫn cho chúng ta miếng cơm qua ngày. Vậy nên có rất nhiều người coi sự ổn định là một lá bùa hộ mệnh của cuộc đời, che chở cho chúng ta khỏi sự rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Trong hướng nghiệp, có một cụm từ gọi là “phát triển dọc – ngang”. Ở trục dọc, bạn may mắn biết mình thích gì, hợp với lĩnh vực nào, và cứ thế bạn đào sâu chuyên môn của mình liên tục, ở một vị trí và môi trường cố định nhằm thăng tiến trong công việc. Đó là khi sự ổn định có một vai trò quan trọng trong việc định hướng career-path, giúp bạn không những kiếm nghề, mà còn là từng bước khẳng định “nghiệp” của mình.
Vậy còn khi bạn ở trục ngang? Trục ngang đại diện cho kinh nghiệm hoặc trải nghiệm tổng quát, tức là lĩnh vực nào bạn cũng đã từng thử qua, mật ngọt nào cũng nếm trải, tuy nhiên lại không có sự ổn định và kinh nghiệm chuyên môn cụ thể ở bất cứ ngành nào cả. Đó là khi chúng ta thường bị bảo là lông bông, một nghề cho chín còn hơn chín nghề.
Dù xuất phát điểm của bạn là ở đâu, rồi sẽ tới lúc mà chúng ta chạm tới được một điểm trên thang trục, đó là sự “ổn định”. Xét trên một khía cạnh khác, sự ổn định trong công việc là yếu tố quan trọng giúp cho bạn học hỏi, phát triển và khám phá được hết tiềm năng của bản thân trong một lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, sự ổn định đến một thời điểm, sẽ được gọi là sự an nhàn, ngại mạo hiểm, né tránh trách nhiệm và để cho lí tưởng mơ ước một thời nhạt dần, bởi chẳng ai muốn đánh mất “thu nhập ổn định” đều đặn, cuộc sống nhàn hạ, không có quá nhiều trách nhiệm và không phải đối mặt với thử thách hay khó khăn.
Khi thủy triều lên, ta sẽ không thể ngăn được dòng chảy, chỉ có thể chuẩn bị cho mình những kĩ năng cần thiết để giảm thiểu nguy cơ bị thủy triều nhấn chìm. Tức là, không có một công việc nào gọi là ổn định vĩnh viễn, chỉ có năng lực ổn định mới giúp mình sống sót.
Hãy chậm lại 1 chút và tự hỏi, liệu công việc bạn đang làm, có giúp bạn phát triển năng lực của mình mỗi ngày hay không? Liệu bạn có học hỏi được thêm điều gì mới không? Lần cuối bạn dốc hết khả năng của bản thân vào công việc là khi nào?
Hãy biến năng lực của bản thân như một chiếc USB siêu cấp
Tương lai luôn bất biến khó lường, tuy nhiên lại có 1 trạng thái có thể chắc chắn: cho dù bạn ở đâu, làm gì cũng sẽ kiếm được cơm ăn nhờ vào năng lực ổn định của chính mình. Có người từng nói với mình, rằng chúng ta nên sinh tồn như một chiếc USB, nghĩa là cắm vào máy tính nào cũng được, bạn đều có thể ngay lập tức bước vào trạng thái làm việc mới. Đây thực tế mới là tương lai ổn định, một tâm lý vững vàng trước mọi biến thiên của cuộc sống.
Đặc biệt là những người trẻ đang trong độ tuổi “ngã 8 lần đứng dạy 9 lần”, thay vì tìm kiếm một công việc ổn định, hãy tìm một công việc ném bản thân vào vùng thử thách. Vùng thử thách là nơi bạn bắt đầu cải thiện tư duy, chủ động trau dồi kiến thức. Nếu tìm được sự can đảm ở bản thân, ngừng viện cớ, vượt qua những ảnh hưởng từ người khác, năng lực của bạn sẽ sớm có sự thay đổi rõ rệt.
Tuổi còn trẻ tóc còn xanh, làm gì để trau dồi năng lực nghề nghiệp của mình
Nâng cao nhận thức và kiến thức về lĩnh vực muốn theo đuổi
Có rất nhiều cách để chúng mình tự trau dồi. Searching các website chuyên ngành và thường xuyên dành thời gian để đọc tin tức, xem các video trên youtube, lắng nghe podcast. Mọi kiến thức nền tảng đều xuất hiện trên Google, và tất cả những gì chúng ta cần làm là dành thời gian để học hỏi và luyện tập. Những nội dung đó sẽ giúp bạn có cái nhìn đa diện hơn về những vấn đề và chủ đề xoay quanh về lĩnh vực mình đang quan tâm. Ngoài ra, đăng ký các khoá học cũng là cách để bạn trang bị cho mình những kiến thức thực tế trước khi bước chân vào thị trường làm việc.
Xác định career-path của bản thân và bắt đầu tìm công việc
Mình luôn ước mình nhận ra được tầm quan trọng của việc xác định career-path sớm hơn thay vì làm những công việc không đúng với chuyên ngành. Bởi một khi đã bước nhầm hướng, rất khó để bắt đầu lại. Bất kì một công việc nào đều mang lại cho chúng mình kinh nghiệm, vốn sống, tuy nhiên sẽ còn tốt hơn nữa nếu tất cả những trải nghiệm đó đều hướng về cùng 1 mục đích, thay vì những kĩ năng rời rạc không thể ghép cùng vào một con đường.
Thời gian là hữu hạn còn kinh nghiệm là vô hạn, hãy vạch ra career-path của riêng mình và bắt đầu tìm những công việc nhỏ nhất trên chuyến hành trình ấy. Đó là cách duy nhất giúp bạn hiểu cần phải học gì, làm cụ thể những gì, thiếu những kĩ năng nào để đạt được tới đích cuối cùng.
Tuy nhiên, sau khi chiến đấu hết mình và đạt được những gì bản thân khát khao, nếu bạn sinh ra cảm giác thỏa mãn để rồi chủ quan, chìm đắm trong sự thoải mái đó, bạn sẽ vô thức tự đi lùi và trở về sự “ổn định nhàm chán” khi nào không hay. Đó là khi ta bước tới giai đoạn cuối cùng.
Khi đã chuẩn bị đủ hành trang, hãy bước ra khỏi vùng giới hạn
Môi trường xung quanh ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển bản thân. Nếu bạn cảm thấy môi trường hiện tại không giúp bạn trau dồi thêm kiến thức hay không có được sự thử thách, hãy mạnh dạn tìm kiếm môi trường mới phù hợp hơn.
Điều khiến bạn thực sự có thể thay đổi và vượt qua nỗi sợ của bản thân là làm những điều không quen thuộc. Khi giá trị của bạn đã được trau dồi và tích lũy chín muồi, dù là vì lí do thụ động hay chủ động, bạn hoàn toàn tự do có quyền được lựa chọn những gì bạn cho là phù hợp nhất với bản thân mình.
Tính chất ổn định của công việc chỉ là một ảo ảnh với nỗi sợ không dám bước ra khỏi vùng thoải mái của mình. Điều này không thể đưa bạn đến với sự ổn định nội âm thực sự. Sâu thẳm trong trái tim bạn , sự ổn định đến từ sự tự tin, mạnh mẽ, làm chủ trong cuộc sống, có quyền được lựa chọn những gì bạn mong muốn – đó là những yếu tố không thể thay thế.
Mình xin được trích một câu nói ưa thích để kết thúc bài viết này:
“Thanh xuân là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong đời, cũng là những năm tháng then chốt có thể quyết định tương lai của một người. Nếu bạn lựa chọn an nhàn trong 10 năm, tương lai sẽ buộc bạn phải vất vả 50 năm để bù đắp lại. Nếu bạn bươn chải vất vả trong 10 năm, chắc chắn bạn sẽ thu được 50 năm hạnh phúc.”
Dù cho xuất phát điểm của bạn có đang là ở đâu, sẽ không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một hành trình mới tuy khó khăn nhưng đầy hứa hẹn đang ở phía trước. Mình chúc các bạn có được sự bình an và sức mạnh để vượt qua những năm tháng quan trọng của tuổi trẻ.
Mình cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết và chúc bạn một ngày tốt lành!
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất