Tác phầm Một đồng bạc (1939) của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Đừng quên rằng Vũ Trọng Phụng còn sáng tác cả truyện ngắn đấy!
Nhắc đến Vũ Trọng Phụng là nhắc đến một đại biểu xuất sắc của văn học Việt Nam theo khuynh hướng hiện thực, giai đoạn năm 1930-1945. Nhà văn đã từng khẳng định rằng: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời (T.V.T nhấn mạnh)” (Báo Tương lai, số 9, 1937). Bên cạnh những thành tựu tiêu biểu của mình với thể loại tiểu thuyết và phóng sự, Vũ Trọng Phụng cũng để lại nhiều dấu ấn với thể loại truyện ngắn và Một đồng bạc chính là một trong những tác phẩm mà người đọc chúng ta không thể bỏ qua.
Trong tác phẩm, nhân vật “tôi” đã tự kể lại những chuyện xảy ra giữa gia đình của mình và gia đình của anh Ký Bích trước và sau khi “mỗi bên dọn đường đi một phương”. Từ đó, tác phẩm đã dần mở ra một bối cảnh mà chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng các nhân vật đều bị tiền, lợi ích cá nhân ngự trị. Chính tiền và lợi ích đã quyết định mối quan hệ giữa người và người với nhau cũng như đã tác động lên tính cách của mỗi người với tư cách là thành viên trong mối quan hệ ấy.
Trước hết, điều đầu tiên người đọc cần phân tích chính là mối quan hệ giữa người và người đã bị quyết định bởi lợi ích và đồng tiền. Hai gia đình (gia đình của nhân vật “tôi” và của anh Ký Bích) đã từng có mối quan hệ rất thân thiết với nhau đến mức mà nhân vật “tôi” đã gọi đó chính là “tình chung chạ nặng hơn hang xóm láng giềng”. Họ sở dĩ có được “cái tình lân lý” ấy cũng là do “cặp vợ chồng ấy rất tương đắc với chúng tôi”. Tuy vậy, lí do đặc biệt hơn cả khiến cho họ càng bền chặt với nhau hơn đó là hành động “biếu xén nhau mọi của ngon vật lạ, mời mọc, thết đãi nhau”. Nhưng liệu sự bền chặt này có phải hoàn toàn dựa trên tình cảm thật hay không? Nếu hành động “mời mọc, thết đãi nhau” xuất phát từ tình nghĩa thì tại sao nhân vật “tôi” lại có thái độ “giật mình đánh thót một cái, băn khoăn kiếm cách đền lại” hay để thết lại chuyến đi lễ chùa Hương do vợ chồng Ký Bích, nhân vật “tôi” cũng đã phải “lo méo mặt” một chuyến đi ba ngày ở Sầm Sơn. Ngoài ra, chính người trong cuộc (nhân vật “tôi”) còn thấy đó hành động ấy chỉ là sự “giả dối” vì thực chất, họ chỉ đang “làm khổ nhau mãi mà thôi” vì cả hai bên đều trở nên “mắc nợ” sau những lần biếu xén và thết đãi cho nhau. Từ đây, người đọc có thể cho rằng “tình lân lý đôi bên” của hai gia đình hầu như không đến từ tình cảm chân thật vì làm sao tình cảm ấy được tạo nên từ hành động giả dối mà chính họ cũng đang tự lừa dối mình để rồi nhận lại sự “quý hóa” từ đôi bên.
Vậy sự thân thiết của hai gia đình đến từ đâu hay nói một cách khác, mối quan hệ giữa họ bị quyết định bởi cái gì? Cũng xin được nhắc lại, đó chính là lợi ích và tiền. Họ gắn bó với nhau thực ra cũng chỉ là để “dùng lẫn nhau, lấy lòng nhau”. Họ đã đặt lợi ích của mình có được từ người kia lên trước tình nghĩa – “cái tình liên lạc “láng giềng”. Cho nên có điều gì là đáng nhớ về nhau ngoài những lần phải lo nghĩ thết đãi lại nhau như thế nào mà hóa đó cũng là những lần “làm khổ” nhau mà thôi. Sau bốn năm sống chung, hai gia đình đã dọn nhà đi một phương. Bốn năm không phải là một khoảng thời gian quá dài nhưng nhân vật “tôi” đã thú thật rằng: “…, tôi chẳng còn nhớ gì đến người ta nữa…tưởng chừng cái thân tình quý hóa ấy sẽ sống trường cửu trong ký ức của đôi bên mãi mãi.” Còn gia đình Ký Bích thì sao? Người đọc chúng ta có thể dự phòng rằng câu trả lời cho câu hỏi này có thể là không nếu không có sự tình rằng gia đình Ký Bích sa cơ, trở nên nghèo khổ, túng thiếu để rồi tìm sự giúp đỡ từ vợ chồng nhân vật “tôi. Nhưng khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người trước đây, chị Bích chỉ nhận được một đồng bạc từ nhân vật “tôi”. Một đồng bạc, chi tiết này xuất hiện tổng cộng ba lần trong tác phẩm: hai lần lúc nhân vật “tôi” và chị Bích gặp nhau tại lần lượt trong nhà của nhân vật “tôi” và trên toa tàu, lần thứ ba chính là lúc nó xuất hiện trong suy nghĩ của chính nhân vật “tôi”. Một đồng bạc, chúng ta không thể nào biết được chính xác giá trị của nó nhưng chúng ta vẫn phần nào đoán được thông qua lời nói của chị Bích: “Nếu được bác giúp cho độ ba đồng bạc thì cháu bé cũng sống mà vợ chồng tôi cũng đỡ phải lo trong một tháng”. Với ba đồng, theo lời chị Bích, cả một giai đình bốn người khổ sở, sống “nheo nhóc ở một gian nhà lá” có thể sống qua được một tháng thì ta có thể cho là một đồng bạc cũng không phải là quá ít nhưng cũng không phải là quá nhiều. Tuy có giá trị như vậy nhưng một đồng bạc lại có thể đo được tình thân, là nguyên nhân làm cho mối quan hệ giữa người và người (mà biểu hiện ở đây chính là sự “thân thiết với nhau hơn ruột thịt, tay chân” của hai gia đình) bị từ bỏ một cách lạnh lùng. Ở đây ta nhận thấy một mối quan hệ hai chiều giữa nhân vật “tôi” và chị Bích mà một đồng bạc là điểm trung tâm. Việc cho đi một đồng bạc không phải là một hành động xuất phát từ tấm lòng mà chỉ là một cách để “rào đường” một người bạn nghèo khổ của nhân vật “tôi”. Hành động ấy xuất phát từ sự tính toán, ích kỉ và chỉ nghĩ về mình. Còn về phía chị Bích, một đồng bạc vừa là sự giúp đỡ nhưng nó cũng là một món nợ mà chị khó mà quên được vì “Chưa có nghìn vàng dễ thường không bao giờ chị ta dám nghĩ đến sự đền ơn bát cơm”. Món nợ ấy chị Bích khó mà trả được đành “lẩn mặt, chạy trốn, sợ bị đòi tiền” . Phải chăng trong mối quan hệ do “một đồng bạc” quyết định này có một sự mâu thuẫn giữa một bên là một người mà lợi ích của mình bị ảnh hưởng và một bên là người không thể đáp lại ơn từ người khác. Mâu thuẫn này dẫn đến hậu quả tất yếu đó là cái “tình chung chạ nặng hơn hàng xóm láng giềng”, “cái thân tình quý hóa ấy” chỉ là một điều gì đó mà con người ta dễ dàng bỏ đi. Vì sao vậy? Đó là vì tiền, vì lợi ích của bản thân. Điều này không phải là điều mà nhân vật “tôi” không thể nhận ra: “Nếu cả hai bên ai cũng theo đuổi được cái điều kiện nay ăn miếng chả mai trả miếng bùi, một bên có đi thì một bên có lại để cho toại lòng nhau, thì làm gì xã hội lại sẽ chẳng cứ mãi mãi là cảnh Bồng Lai?”
Trong hoàn cảnh xã hội trọng những gì liên quan đến tiền và lợi ích, con người ta ắt hẳn phải bị tác động về tính cách và như là một điều tất yếu, nhân vật “tôi” và chị Bích đều như vậy.
Để cho khách quan, người đọc chúng ta nên chú ý đến nhận xét của chính nhân vật “tôi” tự nói về chính mình và đây cũng là những gì đồng tiền và lợi ích cá nhân tác động lên nhân vật “tôi”: “Những tư tưởng ái nhân như kỷ cũng đôi khi làm rung động lòng tôi, lúc ấy nó mới biến mất đi đâu, để nhường chỗ cho cái tính đa nghi, cân nhắc, cái ích kỉ tổ truyền”. Trong lần đầu gặp mặt sau bốn năm hai gia đình, mỗi bên dọn đi một phương, chị Bích hiện liên thật đáng thương: “Cái áo the nâu của chị, vừa rách lại vừa bạc...Đôi guốc mòn gót, quai cao su lốp ôtô lộn ngược”. Đến đây, người đọc chúng ta có quyền dự phóng rằng nhân vật “tôi” có thể giúp đỡ với gia đình chị vì dù gì trước đây, họ cũng đã từng thân thiết với nhau gần như ruột thịt. Nhưng sự thật không phải như vậy. Dù nhân vật “tôi” không phải là một kẻ vô lương tâm hoàn toàn (cảm thấy hổ thẹn và thay đổi thái độ với chị Bích), nhưng lúc này “bao nhiêu cái gì là ích kỉ, là đê hèn, là chó má, là tàn nhẫn, lúc ấy đều thức dậy cả trong cái tấm lòng khốn nạn của tôi”. Những gì trước đây anh ấy xem là “vinh dự, đáng quý hóa” là những thứ “ lôi thôi, kiểu cách, phiền phức, khó chịu, và nhất là tai hại”. Như dồn hết bao nhiêu sự tức giận khi nghĩ về những cái tai hại ấy (vì đối đáp lại mà có hồi khuynh gia bại sản), nhân vật “tôi” có lẽ đã tỏ thái độ khinh miệt khi nghĩ rằng: “Tôi thấy họ đáng kiếp, không đáng thương tí nào!”. Vì không muốn chị Bích tìm kiếm mình để mong nhận được sự giúp đỡ, nhân vật “tôi” đã cho hẳn, để mà “rào đường”. Đây quả là một sự tính toán và cân nhắc kĩ lưỡng của một người “chỉ nghĩ đến mình và quyền lợi của mình”. Hơn thế nữa, bao nhiêu “cái tính đa nghi, cân nhắc, cái ích kỉ tổ truyền” lại được phô bày rõ hơn ở lần gặp thứ hai. Nếu người đọc so sánh hai lần gặp mặt giữa hai nhân vật thì quả thật ở lần gặp thứ hai trên một toa xe điện có vẻ mọi thứ trở nên ở mức độ cao hơn. Chị Bích trông có vẻ đáng thương hơn với “chiếc áo the nâu...của chị lại rách hơn trước một chút” và đứa con chị đang ẵm trong tay, một đứa bé “xanh xao, gầy quá, đầu thì lấm tấm có mụn trốc, cặp môi thì đã thâm như một dân bẹp tai”. Còn thái độ của nhân vật “tôi” thì trở nên “phẫn uất cực điểm” do trước đó, bị “kè nhẹ là đồ keo, lúc về giữa đường lại bị có kẻ muốn tống tiền”. Nhân vật “tôi” đã không chỉ lạnh lùng trước việc mong cầu sự giúp đỡ của chị Bích mà còn nhắc đến câu chuyện về một đồng bạc trước đây và còn biến nó thành câu chuyện mà ở đó chị Bích từ một người được cho trở thành một con nợ. Trong khi nói chuyện, chị Bích đã nói rằng được nhân vật “tôi” cho vay một đồng bạc: “Tôi có nói ngay rằng đã được bác cho vay một đồng”. Như chớp lấy được thời cơ, nhân vật “tôi” đã nhắc đến “bụng dạ lỗ kim” của vợ và khiến chị Bích trở thành con nợ của vợ mình chứ không phải mình: “Thế là nhà tôi nó sẽ không bao giờ quên là bác đã nợ nó cái đồng bạc ấy”. Và như thế chị Bích đã không tìm đến nữa, thậm chí là từ bỏ luôn cả cái tình thân thiết trước đây giữa hai gia đình. Đến đây, ta thấy rõ sự tác động của tiền và lợi ích cá nhân, nó còn lớn hơn cả tình người và khiến cho nhân vật “tôi”, sau này, nhận ra: “Tôi đã là một kẻ khốn nạn”.
Đồng thời, chúng ta không thể bỏ qua nhân vật chị Bích. Con người ấy trở nên như thế nào dưới áp lực của vật chất (kể từ khi gia đình chị Bích trở nên nghèo nàn, túng thiếu)? Ta bỗng hồi cố đến suy nghĩ của nhân vật “tôi”, dù không nói lên tên của chị nhưng nếu chúng ta đặt câu văn này vào mối quan hệ với ngữ cảnh thì rõ ràng nó là nhằm nói đến chị Bích: “Than ôi, con người ta khi đã lâm vào cảnh nghèo, có ai mà lại không hèn”. Việc chị Bích đến nhà của vợ chồng nhân vật “tôi” cốt yếu không phải là để thăm hỏi mà đằng sau đó là mong cầu nhận được sự giúp đỡ từ những người mà mình từng thân thiết hơn cả làng xóm láng giềng. Khi nghe được nhân vật “tôi” nói lên “một câu giả dối ra vẻ săn sóc”, mắt chị ấy bỗng “quắc lên vì sung sướng và hy vọng” rồi sau đó là kể lể về hoàn cảnh của gia đình mình. Một đồng bạc, đó chỉ là một cách mà nhân vật “tôi” cho rằng sẽ “rào đường” chị, nhắc nhở chị đừng tìm đến mình để kiếm sự giúp đỡ nào nữa. Người đọc chúng ta sẽ không thể nào biết chính xác là chị Bích có hoàn toàn hiểu được điều này không nhưng ta vẫn có thể đưa ra câu trả lời là có vì: “Quả như vậy, từ đấy trở đi, không bao giờ chị Bích còn dám bén mảng đến cửa nhà tôi nữa”. Tuy vậy, ở lần gặp thứ hai, chị Bích vẫn có ý định cầu mong sự giúp đỡ từ nhân vặt “tôi” khi chị tiếp tục kể lể về sự nghèo khó của mình. Sau khi bị nhân vật “tôi” nhắc lại câu chuyện một đồng bạc ngày trước , chị từ một người được cho trở thành người mang tâm thế của một con nợ (Vì thực tế là chị Bích được cho một đồng bạc nhưng nếu là con nợ-theo cách nói của nhân vật “tôi” thì chị là con nợ của vợ anh). Chính vì món nợ một đồng bạc ấy chị đã “có cái can đảm chạy trốn một người…thân thiết với nhau hơn ruột thịt”. Điều này đồng nghĩa với việc chị Bích đã từ bỏ tình cảm thân thiết trước đây. Ta sẽ dễ dàng nhận thấy lí do chính là gia đình chị khó có thể trả được món nợ ấy, lo sợ về cái “bụng dạ lỗ kim” của vợ nhân vật “tôi”. Ngoài ra, người đọc chúng ta hãy suy nghĩ liệu còn có lí do khác để chị Bích quyết định bỏ chạy như vậy không? Lí do thực sự chị Bích nhớ và tìm đến gia đình nhân vật “tôi” là gì? Tiền, đúng vậy tiền hay với một cách nói giảm nói tránh, đó là chị tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người quen trước đây. Nhưng sau khi bị biến thành một con nợ như vậy, rõ ràng chị còn nhận ra đó là mình không thể tiếp tục tìm kiếm thêm sự giúp đỡ, lợi ích nào ở hai vợ chồng nhân vật “tôi” nữa – cái tạo nên tình thân khi họ còn “dùng lẫn nhau, cần lấy lòng nhau”. Vả lại, nếu chúng ta giả định rằng gia đình chị Bích không trở nên thiếu thốn nghèo túng hay ngay từ đầu chị đã biết rằng không thể mong cầu sự giúp đỡ thì chị có nhớ đến gia đình nhân vật để rồi sau này có câu chuyện về một đồng bạc không? Cho nên hành động chị bỏ trốn cũng bộc lộ hai hai lí do nhìn từ hai góc độ khác nhau: con nợ và người không thể tìm kiếm thêm sự giúp đỡ nào từ những người thân quen trước đó. Từ đây, chúng ta càng có thêm cơ sở để tái khẳng định rằng chị Bích cũng bị đồng tiền, lợi ích chi phối, đặt chúng trước cái gọi là “tình chung chạ nặng hơn hàng xóm láng giềng” mà chính chị đã từ bỏ nó.
Qua những phân tích trên, cả nhân vật “tôi” và chị Bích, cũng như mối quan hệ giữa hai gia đình đều có sự xuất hiện và chi phối bởi tiền và lợi ích của mỗi người. Chúng vừa là nguyên nhân để cho các nhân vật liên kết lại với nhau vừa là lí do để tình thân cũng dễ dàng bị quên lãng và từ bỏ. Chúng cũng khiến cho nhân vật “tôi” lạnh lùng, lãnh đạm mà hóa ra gần như là vô tình với “tính đa nghi, cân nhắc, cái ích kỉ tổ truyền” trước tình cảnh nghèo khổ của gia đình chị Bích, khi cảm thấy lợi ích cá nhân của mình bị xâm phạm. Còn chị Bích vì đồng tiền mà chị phải tìm sự giúp đỡ từ gia đình nhân vật “tôi” để rồi một đồng bạc ấy trở thành một món nợ, khiến chị phải đánh đổi nó với “tình lân lý của đôi bên”.
Người đọc chúng ta day dứt vì nhận ra các nhân vật đều đang ở trong “những vòng chạy đèn cù, luẩn quẩn, loanh quanh”, không có lối thoát cho nên phải “cứ việc sống thản nhiên để mà tầm thường và khốn nạn”. Làm sao để chấm dứt “những vòng chạy” đó đây?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất